Kinh Pháp Cú giảng giải

XV. Phẩm An Lạc



Pháp Cú 197.

Sung sướng thay chúng ta sống không thù oán giữa những người thù oán. Giữa những người thù oán ta sống không thù oán.

Khi mọi người thù hiềm giận ghét nhau mà mình vẫn an nhiên không thù hận ai, thì rất là hạnh phúc. Cho nên nói rằng sung sướng thay chúng ta sống không thù oán giữa những người thù oán, giữa những người thù oán ta sống không thù oán. Điều này có dễ làm hay không? Thí dụ trong gia đình có một đứa con hung dữ, ra đường gặp ai cũng gây gổ, người ta đến nhà mắng vốn cha mẹ. Khi biết con mình hung dữ, có an nhiên nhận lỗi hay nổi nóng lên? Những người trong xóm làng hay bị mất lòng vì mấy đứa con nít đánh nhau, cha mẹ ra bênh vực rồi có chuyện rầy rà, trở thành thù oán.

Tuy mình là người tốt nhưng những người thân của mình không tốt, do liên can ruột thịt nên không vô tư đứng ngoài cuộc. Nếu chúng ta thẳng thắn và cứng cỏi, dù người thân làm xấu gây oán hờn với ai, mình cũng phải là người vô tư. Nếu cho rằng đó là người thân, khi họ làm xấu mình bênh vực, thì bị cuốn trong sự oán thù hờn giận. Giữa những người thù oán ta sống không thù oán, nhớ ứng dụng tu hành mới được hạnh phúc an vui.

Pháp Cú 198.

Sung sướng thay chúng ta sống không tật bệnh giữa những người tật bệnh. Giữa những người tật bệnh ta sống không tật bệnh. 

Tật bệnh Phật nói ở đây không phải thân bệnh mà chỉ cho phiền não tham sân si. Người bị tham sân si nhiễu hại, mà mình vẫn không bị nhiễu hại, thì mình là người sung sướng, nên nói giữa những người tật bệnh ta sống không tật bệnh, đó là hạnh phúc, sung sướng nhất.

Pháp Cú 199.

Sung sướng thay chúng ta sống không tham dục giữa những người tham dục! Giữa những người tham dục, ta sống không tham dục. 

Tất cả những cái khổ ở thế gian đều do tham nhiều, nếu sống giữa những người tham muốn mà mình không tham muốn là người sung sướng nhất. Tuy nói vậy nhưng cũng khó thoát ra được. Thí dụ có một gia đình, tất cả đều biết đạo lý, cho nên ít tham muốn, chỉ có một hai người ít biết đạo, nên thích làm giàu, thích danh lợi. Nhưng khi không được như ý thì khổ và những người trong gia đình khổ lây. Cho nên gần người tham danh lợi, mà mình không tham thật là khó. Người biết tu phải giữ lập trường, sống giữa những người tham mà vẫn không tham, như vậy mới thật là sung sướng.

Pháp Cú 200.

Sung sướng thay chúng ta sống không bị điều gì chướng ngại, ta thường sống với những điều hỷ lạc như những vị trời Quang Âm. 

Một hôm đức Phật đang ở trong thôn Bà-la-môn tên là Ngũ-ta-la. Ngài đi khất thực không được, ôm bát trống đi về. Lúc đó ma vương thấy vậy muốn trêu chọc ngài, bèn hiện thân đứng ở cổng làng nói:

– Ngài khất thực không được chắc là bụng đói lắm?

Ngài liền nói câu này:

– Sung sướng thay chúng ta sống không bị điều gì chướng ngại, ta thường sống với những điều hỷ lạc như những vị trời Quang Âm.

Tuy khất thực không được gì nhưng ngài vẫn an nhiên, thí chủ cho cũng tốt, không cho cũng không sao. Đức Phật thì tự tại như vậy, còn chúng ta nếu tới giờ ăn mà không có một bát cơm để giải quyết sự đói, chắc khó nằm ngồi cho yên. Đức Phật vượt qua hết những chướng ngại nhất là đói và lạnh. Đó là do sức mạnh của tinh thần.

Trong A-hàm có ghi, mùa đông ở miền Bắc Ấn Độ tuyết rơi, lá cây rụng hết, mà Phật chỉ có ba y, không có chăn ấm, ngài cũng ngủ qua đêm. Sáng hôm sau có một vị trưởng giả đến hỏi thăm:

– Trời lạnh quá mà Ngài không đủ đồ mặc ấm, vậy đêm hôm rồi Ngài ngủ yên không?

Ngài trả lời:

– Vì ta đã bỏ tất cả tham dục nên ta ngủ rất yên.

Trái lại chúng ta lạnh cũng rên, đói cũng rên, không có gì chịu nổi. Cho nên người tu phải thắng lòng tham dục, thì tất cả những khó khổ, đói lạnh đều thắng được, không có gì làm chướng ngại.

Pháp Cú 201.

Thắng lợi thì bị thù oán, thất bại thì bị đau khổ; chẳng màng tới thắng bại, sẽ sống hòa hiếu an vui. 

Khi làm việc chung với ai, nếu mình hơn thì họ không bằng lòng và ôm mối oán thù. Ngược lại nếu thất bại thì bị đau khổ về nhà không yên, như vậy thắng và bại đều không yên. Cho nên người không màng thắng bại sẽ sống đời hòa hiếu an vui, còn người nào nói nhiều về thắng bại hơn thua, đó là người đau khổ.

Một hôm Phật vào trong thôn khất thực, có người Bà-la-môn đến trước mặt kêu tên ngài chửi. Khi đó Phật ôm bát đi tới đầu đường, ngồi xuống cội cây, ông tới trước hỏi Phật:

– Cù-đàm thua tôi chưa?

Phật trả lời bằng bốn câu kệ:

Người hơn thì thêm oán,

Kẻ thua ngủ không yên, 

Hơn thua hai đều xả,

Ấy được an ổn ngủ. 

Bốn câu kệ đó trùng ý câu kinh này. Chúng ta thì lúc nào cũng muốn hơn, bởi muốn hơn nên bị người ganh ghét thù oán, nếu biết người ta thù oán thì đâm ra sợ người hại mình. Cho nên nếu hơn người thì bị thù oán và đâm ra sợ hãi, thua thì về ngủ không yên bực tức hoài. Bỏ được hơn thua thì lúc nào cũng vui vẻ an ổn.

Pháp Cú 202.

Không lửa nào bằng lửa tham dục, không ác nào bằng ác sân hận, không khổ nào bằng khổ ngũ uẩn và không vui nào bằng vui Niết-bàn. 

Con người bị lửa tham dục thiêu đốt, sân si hành hạ và ngũ ấm xí thạnh thì không bao giờ an ổn. Người xưa thường nói, trên bờ thì sợ cọp, dưới sông thì sợ cá sấu, cá mập. Sự thật, cọp và cá sấu, cá mập không hại người, mà chính sân si mới hại người. Sống trong thời chiến tranh thì sợ bom đạn, bom đạn không đáng sợ bằng sân si, nếu con người không sân si thì không chế tạo ra bom đạn, không có bom đạn thì lấy gì hại nhau. Sở dĩ hại nhau gốc từ sân si, nhưng người ta sợ bom đạn mà không sợ sân si, đó là sai lầm, chỉ sợ quả mà không sợ nhân. Tất cả việc làm ác gốc từ sân si, nếu con người không sân si thì không cầm súng bắn người khác, như vậy sân si đáng sợ hơn là súng đạn.

Ở đây Phật nói không khổ nào bằng khổ ngũ ấm, nhưng trong Pháp cú 182, đức Phật nói được thân người là khó, được sống còn là khó… Như vậy có mâu thuẫn hay không? Khi khuyến khích chúng ta tu hành, đức Phật nói thân này khó được, Phật pháp khó nghe.

Còn khi nói thân này là vô thường đau khổ, là để nhắc nhở chúng ta bớt đắm trước thân, mà nỗ lực tu hành thoát khỏi luân hồi sanh tử. Do đó Phật dạy không vui nào bằng vui Niết-bàn, khi biết cái khổ của thân thì phải cầu cái vui Niết-bàn, chứ không phải biết rồi chán và hủy bỏ nó.

Như người ra biển sắp chết đuối mà không biết bơi, gặp được gốc cây mục. Bản chất gốc cây mục là không quý, nhưng nó là vật cứu mạng nên rất quý đối với người đang chới với ngoài biển. Cũng vậy, thân ngũ ấm bản chất là khổ đau, nhưng chúng ta tạm mượn để tu hành giải thoát, do đó mà trước Phật nói khó được, rồi sau nói thân ngũ ấm là khổ nhưng không mâu thuẫn.

Pháp Cú 203.

Đói là chứng bệnh lớn, vô thường là nỗi khổ lớn, biết được đúng đắn như thế đạt tới Niết-bàn vui tối thượng. 

Người ta tưởng ăn cho ngon là hạnh phúc, nhưng chúng ta dùng trí tuệ nhìn kỹ bao tử cũng giống như bình xăng, khi xe chạy hết xăng phải đổ xăng vô cho đầy để xe tiếp tục chạy. Bao tử cũng vậy, khi đói thì không đủ năng lượng cung cấp cho các bộ phận nên nó đòi hỏi. Nếu không cung cấp thì nó cồn cào làm mình khó chịu, khi ấy ăn vài ba chén cơm là an ổn hạnh phúc. Sự thật cũng chỉ giải quyết cái đãy da đang trống rỗng, chỉ cần vài ba chén cơm với những món sơ sài là đủ. Nhưng thế gian không chịu như vậy nên bị lệ thuộc vào cái lưỡi, do đó mà cực. Chúng ta biết rõ đói cũng là bệnh thôi. Vì trống quá khiến cho thân nhọc nhằn chịu không nổi nên nói đói là chứng bệnh lớn.

Vô thường là nỗi khổ lớn, thân này sanh ra rồi già đau chết, cho nên đó là nỗi khổ lớn. Người nào biết đúng như thế là đạt đến Niết-bàn vui tối thượng. Như vậy nếu biết được đói là bệnh lớn, vô thường là cái khổ lớn, thì đạt tới Niết-bàn. Tại sao? Vì biết thân là vô thường, nên không tham luyến, tiến tu không chần chừ và đạt tới Niết-bàn. Nếu không thấy thân này vô thường, tưởng mình sống lâu dài, cho nên cưng dưỡng, bồi đắp, tô điểm, rốt cuộc rồi chết không tiến tu được, nên không đạt tới Niết-bàn.

Pháp Cú 204.

Không bệnh là điều rất lợi, biết đủ là kẻ rất giàu, thành tín nơi chí thân. Niết-bàn là vui tối thượng. 

Người không bệnh không có phiền não, đó mới là rất lợi. Biết đủ là kẻ rất giàu. Người ta nói nhiều tiền của mới giàu, sao ở đây nói biết đủ là giàu? Người không có tiền nhiều mà lúc nào cũng thấy đủ, thì người đó coi như giàu. Còn người có tiền thật nhiều nhưng thấy thiếu, tức là còn nghèo. Như tính để dành mỗi năm mười triệu, mà chỉ kiếm được tám, chín triệu nên thấy chưa đủ, vì vậy còn nghèo. Nếu người chỉ có một trăm ngàn mà thấy đủ ăn đủ sống thì người đó là kẻ giàu. Còn người không biết đủ là người nghèo.

Thành tín là nơi chí thân. Thành tín là ăn ở, xử sự bằng lòng chân thành, đó mới thật là chí thân. Niết-bàn là vui tối thượng. Như vậy người nào không bệnh, biết đủ, thành tín và đạt được Niết-bàn là người đại hạnh phúc.

Pháp Cú 205.

Ai đã từng nếm mùi độc cư, ai đã từng nếm mùi tịch tịnh, người ấy còn ưa nếm pháp vị, để xa lìa mọi tội ác, sợ hãi. 

Khi chúng ta ở một mình nơi vắng vẻ, tâm an ổn thanh tịnh thì cảm thấy vui thích, đó là đã nếm mùi độc cư và tịch tịnh. Người nào thích ở chỗ vắng vẻ lại còn ưa chiêm nghiệm những lời Phật dạy một cách thấu đáo, người ấy nếm được pháp vị, xa lìa mọi tội ác và sợ hãi. Nếu ở nơi ồn náo, tranh đua danh lợi, không suy nghĩ tường tận lời Phật dạy, thì tha hồ tạo tội ác, không chút sợ hãi. Cho nên, người biết tu nhờ cảnh yên tĩnh, vắng vẻ ở một mình, nghiền ngẫm những lời Phật dạy cho thấm nhuần, hiểu được nghĩa lý sâu xa thì biết sợ hãi và dừng tất cả tội ác không làm.

Pháp Cú 206.

Gặp được bậc Thánh nhân là rất quý, vì sẽ chung hưởng sự vui lành. Bởi không gặp kẻ ngu si, nên người kia thường hoan hỷ. 

Gặp được bậc Thánh nhân là hết sức quý báu, ở chung với những vị đó thì hưởng được sự an vui lành mạnh. Vì những bậc Thánh lúc nào cũng dạy mình điều lành, lẽ phải, nếu gần các ngài thì tâm được an ổn vui vẻ. Chẳng những là Thánh nhân, nếu chúng ta gặp được những người bạn tốt, những bậc thầy hiền, tiếp xúc trong một giờ, hoặc nửa giờ, chúng ta cũng cảm thấy lòng nhẹ nhàng, tâm an ổn. Bởi vì gần người hiền, gần bậc Thánh nhân, là đã xa lìa kẻ ngu si, nếu xa lìa kẻ ngu si thì lòng mình rất an ổn vui vẻ.

Pháp Cú 207.

Đi chung với người ngu, chẳng lúc nào không bị lo buồn, ở chung với kẻ ngu, khác nào ở chung với quân địch. Ở chung với người trí, chẳng khác nào hội ngộ với người thân. 

Làm sao phân biệt kẻ ngu người trí? Người ngu là người hung dữ, không biết ăn chay làm lành, thường tranh hơn thua, đi chung với họ mình sẽ bị lo buồn như đi với quân địch. Thí dụ khi đói bụng, mình ăn chay họ rủ vô tiệm mặn, đó là một cái chướng. Mình muốn hòa nhã với mọi người, nhưng gặp ai họ cũng thích cãi cọ hơn thua. Mình thích làm lành, làm phước gặp ai cũng giúp đỡ, họ cứ cằn nhằn nói mình ngu dại. Như vậy đi chung với những người ấy càng làm cho mình bực bội.

Người trí là người khôn ngoan, biết làm lành lánh dữ, biết những tội ác để chừa, điều phải để theo. Đi chung với họ tâm hồn mình thấy nhẹ nhàng khoan khoái, cho nên nói cũng như gần gũi người thân.

Ở đây nói ngu và trí theo đạo đức, những người hung dữ, hơn thua, phá trai phạm giới là người ngu, còn những người hiền lành biết tôn trọng đạo đức là người trí.

Pháp Cú 208.

Đúng thật như vậy: Người hiền trí, người đa văn, người trì giới chân thành và bậc Thánh giả là chỗ nương tựa tốt nhất cho mọi người. Được đi theo những bậc thiện nhân hiền tuệ ấy, khác nào mặt trăng đi theo tinh đạo. 

Người hiền khôn ngoan học rộng, trì giới một cách chân thành và những bậc Thánh giả là chỗ nương tựa tốt nhất cho mọi người. Ở đây nói người trí chỉ cho những người vừa hiền vừa học rộng vừa biết giữ giới đúng đắn, đó là những bậc thiện nhân, chúng ta gần họ thì thật là an ổn. Cho nên nói rằng, được đi theo những bậc thiện nhân hiền tuệ ấy, khác nào mặt trăng đi theo quỹ đạo, không bao giờ bị lệch. Như xe lửa chạy trên đường rầy, cứ chạy theo đường rầy thì không bị chênh. Như vậy gần người hiền, gần bậc trí tuệ, biết giữ giới đúng đắn, và bậc Thánh thì thật là an ổn hạnh phúc. Ngược lại gần những người hung dữ, không biết tu hành, tranh hơn tranh thua v.v… chỉ lây khổ cho mình chứ không được lợi ích an vui.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.