Kinh Pháp Cú giảng giải

XII. Phẩm Tự Kỷ



Pháp Cú 157.

Nếu biết tự thương mình phải gắng tự bảo hộ, trong ba thời phải có một. Người có trí nên tỉnh ngộ chớ mê man. 

Người biết tự thương mình thì trong ba thời phải gắng tự bảo hộ một thời. Ba thời là thời thanh niên, trung niên và lão niên. Nghĩa là trong ba giai đoạn của cuộc đời phải có một giai đoạn, để làm cái gì cho mình. Giả sử thời thanh niên đã qua không tu được, thời trung niên cũng đã qua không tu được, tới thời lão niên phải gắng tu, như vậy là không uổng phí. Nếu không có thời nào tu thì rất đáng tiếc. Cứ suốt đời lo làm giàu, không lo tu hành, khi ngã ra chết thì của cải không đem theo được, chết trong mê man không tỉnh táo. Tóm lại Phật nói, trong ba thời phải có một, người trí nên tỉnh ngộ chớ mê muội. Trong thời thanh niên, thời trung niên không tu được, tới thời lão niên mà biết tu cũng là một điều quý chứ không phải vô ích.

Pháp Cú 158.

Trước hãy tự đặt mình vào chánh đạo rồi sau giáo hóa kẻ khác, được như vậy mới tránh khỏi điều lỗi lầm xảy ra. 

Nhiều người làm lợi tha quá tích cực, gặp ai cũng khuyên làm điều lành điều tốt, nhưng khuyên người khác còn mình tánh nào tật nấy vẫn nguyên vẹn, khi bị người ta chỉ trích, mới giật mình và thấy ra lỗi lầm. Muốn giáo hóa người trước phải giáo hóa mình, tự đặt mình đúng với chánh pháp, tu trước rồi sau mới dạy người. Thí dụ dạy con phải có hiếu với cha mẹ, phải ăn ở nghiêm chỉnh liêm khiết, phải tiết kiệm, đừng có say xỉn v.v.. nhưng mình bất hiếu, có những hành động tà vạy, rượu chè, phung phí, mà bảo con mình đừng làm thì có được không? Nếu không sửa mình mà dạy người thì không thể nào tránh khỏi lỗi lầm.

Cho nên nếu muốn dạy người có đạo đức liêm khiết, thì trước hết phải đặt mình ở trong chánh đạo, là phải sửa mình trước rồi sau dạy người. Được như vậy mới thật là người có tâm giáo hóa kẻ khác.

Pháp Cú 159.

Nếu muốn khuyên người khác nên làm như mình, trước phải sửa mình rồi sau sửa người. Vì tự sửa mình vốn là điều khó nhất. 

Nếu muốn khuyên người làm đúng như mình, trước hết phải sửa mình là điều khó nhất. Khuyên người ta thì dễ, gặp ai nói đạo đức dễ quá đâu có khó khăn gì, chỉ tốn một chút hơi thì nói được. Như khuyên chị em, huynh đệ tập nhẫn nhục, ai chửi mắng thì nên ẩn nhẫn, được như vậy mới an ổn hạnh phúc. Nhưng lỡ hôm nào, người ta chửi ngay mình, mà mình nổi giận lên thì mâu thuẫn với điều mình dạy. Khi đó nếu có mặt người đã được mình dạy, thì họ cười nhạo. Cho nên điều thiết yếu là trước phải tự sửa mình, rồi sau khuyên người, đó mới thật biết tu và biết dạy người.

Pháp Cú 160.

Chính tự mình làm chỗ nương tựa cho mình chứ người khác làm sao nương tựa được. Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương tựa nhiệm mầu. 

Tự mình làm chỗ nương cho mình, mới là chỗ nương chính đáng. Phật tử khi quy y rồi, mà cứ hoàn toàn trông cậy vào Phật Pháp Tăng, như mỗi tháng đi chùa, lạy Phật, cúng dường Tam bảo, nghĩ rằng đến khi chết Phật rước và Thầy độ mình, như vậy là không đúng. Chúng ta phải hiểu Phật chỉ là vị thầy dẫn đường, mình phải tự đi thì mới đến đích.

Trong kinh A-hàm có đoạn ghi, một người ngoại đạo hỏi Phật, Ngài nói có Niết-bàn và chỉ dạy mọi người đến chỗ an lạc Niết-bàn, vậy tất cả đồ chúng của Ngài, đều đạt đến Niết-bàn hết chăng? Đức Phật trả lời, có người đạt được, có người không đạt được. Tại sao? Đức Phật đưa ra thí dụ, ông ở thành Vương Xá nên biết đường đi đến thành Vương Xá. Có người hỏi đường về thành Vương Xá, ông chỉ đi thẳng tới ngã ba quẹo phải, tới hoa viên là đi vào thành. Nhưng người ấy tới ngã ba thay vì quẹo phải, họ quẹo trái. Như vậy người đó có tới thành Vương Xá hay không? Không tới! Người khác cũng hỏi đường đi tới thành Vương Xá, ông cũng chỉ như vậy, họ đi đúng lời ông chỉ và tới được thành. Như vậy ông là người Vương Xá, biết rành đường về thành Vương Xá, ông chỉ đường nhưng có người đi đến, có người không đến, là lỗi tại người đi.

Cũng vậy, Phật dạy nếu chạy theo tham sân si thì chịu luân hồi, kiếp kiếp đời đời đau khổ. Nếu bớt tham sân si, tu tập các pháp lành thì sẽ hết khổ được an vui. Phật chỉ dạy rành rẽ, đệ tử Phật có người ứng dụng tu thì được thanh tịnh an vui, nhưng có người tu mà vẫn than khổ vì còn phiền não. Như vậy lỗi tại mình làm không đúng lời Phật dạy.

Tóm lại, muốn hết khổ được an vui, thì phải nỗ lực tu tập chớ trông cậy vào bên ngoài.

Pháp Cú 161.

Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sanh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu, dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch. 

Khổ là do mình tạo ra ác nghiệp, rồi bị nó hại. Như đang bình thường tỉnh táo, nhưng nếu có ai chọc tức thì không dằn được tâm, nóng giận nên nói năng hành động bạo ác, tạo nên ác nghiệp và chịu khổ.

Ở đây nói ác nghiệp làm hại kẻ ngu si dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch, kim cương phá các kim loại khác rất dễ dàng. Cũng vậy ác nghiệp đã tạo sẽ hại mình không có gì cứu được. Người bình thường không chịu dè dặt, cứ nói lời dữ, làm những hành động hung ác, nhưng khi gặp tai nạn thì niệm Phật hoặc danh hiệu Bồ-tát Quan Âm để tai qua nạn khỏi. Nếu Phật và Bồ-tát cứu thì trái với nhân quả.

Phải nhớ rằng, tất cả tai họa đến với mình là do nghiệp ác đã gây tạo. Nếu gây nghiệp ác mà muốn an toàn thì không bao giờ có. Dù niệm Phật và Bồ-tát bao nhiêu các ngài cũng không cứu nổi. Cho nên khi chúng ta niệm danh hiệu Phật và Bồ-tát, phải niệm với một niềm tin thiết tha, tin tưởng Phật và Bồ-tát cũng như cha mẹ, con nhớ thì cha mẹ sẽ thương con. Như vậy các ngài gia hộ để giúp đỡ mình tu hành, đừng chờ tới tai nạn rồi kêu cứu, nếu không như ý mình mong muốn thì trách các ngài, thật tội nghiệp!

Pháp Cú 162.

Sự phá giới làm hại mình như dây man-la bao quanh cây ta-la, làm cho cây này khô héo, người phá giới chỉ là người làm điều mà kẻ thù muốn làm cho mình. 

Người thọ giới mà không giữ là phạm giới. Như người cư sĩ thọ giới không trộm cắp, mà vẫn tham lam trộm cắp thì phải bị tù. Như vậy trộm cắp là cái nhân làm cho mình đau khổ, nếu giữ được giới thì hết đau khổ, mấy giới khác cũng vậy. Sự phá giới làm cho mình đau khổ, chẳng khác nào như những sợi dây bìm nương cây để leo lên cao, khi phủ được cây rồi thì nó hút nhựa cây và cây sẽ hết sức sống rồi tự chết mòn,

Người phá giới cũng vậy, nếu không giữ giới luật đã thọ, làm điều sai quấy thì ngày càng sa đọa. Như giết người thì bị tù tội, đó là tự hại mình chẳng khác nào như kẻ thù hại mình vậy. Biết thế người tu hành muốn được an lạc giải thoát thì phải giữ giới cho chín chắn.

Pháp Cú 163.

Việc ác dễ làm nhưng chẳng có lợi gì cho ta, trái lại việc từ thiện có lợi cho ta thì lại rất khó làm. 

Điều ác dễ làm mà không có lợi gì cho mình, còn điều từ thiện khó làm nhưng làm thì có lợi cho mình. Thí dụ có người chửi mình, tức quá chửi lại thì rất dễ, nhưng không có lợi, mà chỉ chuốc họa vào thân. Nếu bình tĩnh hạ cơn nóng giận và bỏ bớt những điều thô bạo, đó thật là khó làm, nhưng làm được thì bớt oán thù.

Kế đến việc từ thiện có lợi mà rất khó làm. Thí dụ mình gặp người xin tiền, làm lơ thì dễ ợt, ai cũng làm được. Còn chịu khó lấy tiền cho, hơi mất công một chút, nhưng biết thương người khó khổ là biết làm việc phúc lành. Làm phúc lành thì hiện tại chưa thấy có lợi, nhưng có lợi về tương lai. Làm lơ để theo nghiệp keo kiệt bỏn sẻn thì rất dễ dàng, nhưng sau này không có lợi. Nên chúng ta phải biết lựa chọn điều lành để làm thì có lợi cho mình và người trong hiện tại cũng như mai sau.

Pháp Cú 164.

Những người ác tuệ ngu si vì tâm tà kiến mà vu miệt giáo pháp A-la-hán, vu miệt người hành chánh đạo và giáo pháp đức Như Lai, để tự mang lấy bại hoại; giống như cỏ cách tha, hễ sanh quả xong liền tự diệt. 

Người ngu si không biết phải quấy, nên hay chê chánh pháp, khinh khi những người tu hành và tự tạo tội lỗi. Ác tuệ là người ác kiến, là có những cái thấy lệch lạc, nhìn sự việc với con mắt sai lầm, phỉ báng người tu hành chân chánh và giáo pháp của đức Phật, họ sẽ chịu quả báo khổ đau, chẳng khác nào như cây cỏ cách-tha, sanh quả rồi tự diệt, chứ không lâu bền.

Pháp Cú 165.

Làm dữ bởi ta mà nhiễm ô cũng bởi ta, làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta, tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được. 

Thanh tịnh hay tốt đẹp đều do mình chứ không ai khác làm cho. Phải nhớ rằng tốt xấu cũng tại mình, đừng đổ trách nhiệm cho ai hết. Một bên xấu xa đen tối, một bên sáng suốt trong sạch, cả hai đều tự mình làm. Nếu biết như vậy là người thật biết tu sửa, còn không biết mà đổ thừa cho người khác, đó là thiếu trách nhiệm với chính mình.

Ở đây đức Phật dạy mọi người nhận thức được trách nhiệm để hoàn thiện con người của mình. Nhưng có khi Phật lại nói khác, có người ngoại đạo tới hỏi khổ vui tự mình làm hay do người khác làm thì đức Phật trả lời, khổ vui đều do nhân duyên, không nói tự mình cũng không nói tại người. Như vậy nó có nghĩa rộng hơn đây một chút.

Đức Phật nói tự mình là nói nhân chánh, mà không đề ra nhân phụ. Có nhiều khi mình là nhân chánh nhưng cũng phải nhờ nhân phụ. Thí dụ như chúng ta lúc chưa biết đạo lý, làm điều xấu ác, không làm những điều tốt đẹp. Nhờ nghe giảng kinh rồi biết, không làm việc xấu ác nữa, như vậy ngày nay so với ngày trước khác nhau. Sự khác nhau đó không phải hoàn toàn do mình, mà nhờ duyên phụ là nghe Phật pháp, hiểu đạo lý cho nên ngày nay mới được thuần thiện.

Chính mình là chánh nhân, rồi duyên nghe kinh học đạo là trợ nhân, chánh và trợ giúp nhau thì con người được thuần thiện. Đức Phật nói do nhân duyên mà bị khổ và được vui. Nhân duyên thì trùm cả tự và tha. Ở đây đức Phật chỉ nhắm vào mỗi người, phải tự chịu trách nhiệm để vươn lên, là chỉ nhắm vào chánh nhân mà không nói trợ nhân.

Pháp Cú 166.

Chớ vì lợi ích cho kẻ khác mà quên lợi ích cho chính mình. Người biết lo lợi ích mình, mới thường chuyên tâm vào những điều lợi ích tất cả. 

Đừng vì lợi ích cho kẻ khác mà quên hẳn lợi ích cho chính mình. Như vậy, xem như Phật bảo ích kỷ, là phải làm lợi ích cho mình trước. Nhưng vì nhiều người có tâm tốt, mà thiếu căn bản, cho nên trở thành hết tốt. Thí dụ có người lúc nào cũng lo cho người khác mà quên sửa những cái xấu như tham sân si của mình. Nên khi lo thuận tiện thì vui thích, nếu gặp trở ngại thì nổi giận. Như vậy lo cho người là một việc làm tốt, nhưng nếu không biết tự sửa mình thì trở thành xấu. Có nhiều người lúc còn trẻ nhiệt tình, có tinh thần phục vụ xã hội sốt sắng, bất kể lao nhọc. Nhưng khi gặp một vài chướng ngại làm hỏng việc, thì chán nản rồi đâm ra oán ghét xã hội, trở thành những con người tiêu cực, chứ không còn tâm tốt nữa. Đó là vì khi ra làm lợi tha mà quên tự lợi.

Ở đây đức Phật không cấm người Phật tử lợi tha, nhưng khi làm phải nhớ đến tự lợi, là khi lo cho người phải nhớ sửa mình, có sửa mình thì lo cho người mới được lâu dài bền bỉ, nếu không một ngày nào đó gặp việc không như ý, việc lợi tha sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, đức Phật nói rằng người biết lo cho mình mới thường chuyên tâm vào những điều lợi ích của kẻ khác. Người thế gian nhiều khi cực đoan, làm cái gì chỉ nhắm một chiều một hướng, cho nên làm giữa chừng rồi bị đổ vỡ, không được viên mãn. Người Phật tử phải chín chắn, làm cái gì phải thấy rõ cả hai mặt lợi người và lợi mình. Hai điều đó nó song song với nhau mới tốt đẹp lâu dài.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.