Kinh Pháp Cú giảng giải

VI. Phẩm Hiền Trí



Pháp Cú 76.

Nếu gặp được người hiền trí chỉ bày lầm lỗi và khiển trách mình những chỗ bất toàn, hãy nên kết thân cùng họ, xem như bậc trí thức chỉ cho kho tàng bảo vật. Kết thân với người trí lành mà không dữ. 

Đức Phật dạy, khi gặp người hiền trí chỉ bày lỗi lầm và khiển trách những sai trái, hãy nên kết thân và xem họ là bậc trí thức chỉ cho chúng ta kho báu, kết thân với người trí rất lợi ích. Người thấy mình có điều gì dở, họ rầy rà nhắc nhở đó là bạn lành. Người toàn rủ rê mình làm điều xấu, đó là người bạn ngu.

Thí dụ có người bạn thấy mình uống rượu say thì chê, anh dở quá, hư quá, không biết giữ mình, say sưa mất tư cách. Đó là người bạn trí nhắc nhở cho mình những sai lầm, Nếu nghe chạm tự ái không thèm chơi với người đó nữa, thì mình là người ngu. Anh nào rủ mình uống rượu say sưa, té bờ té bụi, mai mốt lại rủ uống nữa, đó là người bạn không tốt, xúi mình làm chuyện hư hèn thì phải tránh xa. Người trí khi nghe chỉ dạy thì mừng, như người chỉ cho mình kho tàng quý báu, gần họ càng ngày càng trở nên người tốt, cần phải kết thân với họ. Đó là thế gian.

Người tu hành, nếu ở chung với người thấy mình có điều dở cũng mặc, hoặc xúi mình làm dở thêm, thì biết người đó là người không tốt. Ngược lại nếu mình làm điều dở, được khuyên răn phải sám hối, thì biết đó là người bạn tốt, nên kết thân với người đó, mình sẽ trở thành người tốt. Như vậy người biết chọn những người bạn tốt, nhắc nhở mình những điều sai quấy, gọi là người trí. Còn người sợ bị nhắc nhở những lỗi lầm thì đó là người không trí. Người tại gia hay xuất gia đều phải chọn bạn mà gần, như vậy tu mới tiến. Cho nên đức Phật nhắc chúng ta nên kết thân với người trí thì lành và được chỉ kho tàng bảo vật để xài.

Pháp Cú 77.

Những người hay khuyên răn dạy dỗ can ngăn tội lỗi kẻ khác, được người lành kính yêu bao nhiêu thì bị người dữ ghét bỏ bấy nhiêu. 

Thế gian thường nói “giáo đa thành oán” vì ít ai thích nghe can ngăn. Nhưng thật ra, được người ta nhắc nhở những sai trái cho để sửa đổi mà sanh lòng oán ghét, đó là kẻ dữ, kẻ ngu. Nếu được người khuyên can răn dạy chỉ cho lỗi lầm thì mừng và kính trọng mến thương, đó là người lành, hiền trí. Cho nên người hiền thì thích nghe những điều răn dạy, nhắc nhở; còn người dữ thì không ưa, đó là một lẽ thật. Ở đây Phật dạy nếu là người biết tu thì phải biết trân quý người khuyên răn, dạy dỗ mình.

Pháp Cú 78.

Chớ nên làm bạn với người ác, chớ nên làm bạn với người kém hèn. Hãy nên làm bạn với người lành với người ý chí cao thượng. 

Phật dạy chúng ta không nên gần bạn ác, không nên gần với người bạn kém hèn, người có ý chí tầm thường, mà phải gần với những người ý chí cao thượng để càng ngày càng vươn lên, bằng không thì chúng ta phải bị lùi xuống.

Pháp Cú 79.

Được uống nước chánh pháp thì tâm thanh tịnh, an lạc nên người trí thường vui mừng ưa nghe Thánh nhân thuyết pháp. 

Chúng ta đi nghe kinh, tâm hồn nhẹ nhàng, nếu đi tới chỗ ồn ào náo nhiệt, rầy rà cãi lẫy qua lại thì tâm hồn khó chịu, như vậy là người có trí. Người trí rất cần nghe chánh pháp vì tâm hồn sẽ được thanh tịnh an lạc và tránh xa những chỗ làm cho tâm hồn xao động bất an như sòng bạc là nơi người ta toan tính hơn thua, sát phạt lẫn nhau.

Nhiều người tưởng dự vào những cuộc chơi như đánh Pháp Cú để mua vui, nhưng sự thật chính đó là để sát phạt, làm khổ nhau chứ không phải vui. Niềm vui của đạo Phật là khi tâm hồn thanh tịnh an ổn. Còn vui mà có ý sát phạt nhau là trá hình của đau khổ. Cho nên muốn an lạc thanh tịnh thật sự, chúng ta phải thường nghe Thánh nhân thuyết pháp.

Pháp Cú 80.

Người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm cung tên lo uốn cung tên, thợ mộc lo nảy mực đo cây. Còn người trí thì lo việc tự luyện lấy mình.

Những người làm vườn lo tưới nước săn sóc cây, cho nó được tươi nhuần. Còn thợ làm cung tên lo uốn tên cho ngay thẳng, thợ mộc thì cả ngày lo nảy mực, đo cây làm những món đồ tinh xảo. Cũng vậy, người biết lo điều phục tâm mình, niệm xấu khởi lên thì sửa bỏ, niệm tốt khởi lên thì phát huy ra lời nói và hành động, đó là người trí.

Anh làm vườn, người làm cung tên, người thợ mộc, mỗi người đều chăm chỉ thì mới thành công. Cũng vậy, người trí luôn luôn tự điều phục phiền não nơi tâm, không để cho tâm ý chạy theo ngoại trần thì ngày càng thuần thiện.

Pháp Cú 81.

Như ngọn núi kiên cố, chẳng bao giờ bị gió lay. Những lời phỉ báng hoặc tán dương chẳng bao giờ làm lay động người đại trí. 

Chúng ta nhìn lên ngọn Núi Lớn ở Vũng Tàu, thấy nó không bao giờ lay động khi gió thổi. Dù cho giông bão thì núi vẫn là núi. Cũng thế, đối với người trí tuệ, biết điều phục tâm mình dù cho ai khen chê, tâm họ không bao giờ lay động.

Nếu được kêu tên vỗ tay hoan nghênh giữa đám đông, trong lòng chúng ta điềm đạm bình thường, hay có những trạng thái khác thường? Nếu khác thường thì tự biết mình chưa phải là người đại trí, vì người đại trí đối với sự khen ngợi tâm không dao động. Ngược lại giả sử có kẻ chửi bới mình cũng giữa chỗ đông người, lúc đó tâm mình bình thường hay xao xuyến bất an? Nếu bình thường là người trí, nếu chưa được bình thường là người ngu. Nhưng tại sao người trí khi bị khen chê thì không động, còn người ngu thì bị động? Vì người trí biết tự điều phục, không cho tâm chạy theo ngoại cảnh, nên lời khen tiếng chê không làm cho tâm họ xao động. Trái lại người ngu không biết điều phục tâm, bị những tiếng đó làm xao xuyến bất an, chứng tỏ rằng sự tu hành còn yếu.

Như vậy người trí là người không màng những chuyện khen chê, trước ngũ dục họ vẫn an nhiên tự tại, không bị lay động, luôn vững vàng như núi.

Pháp Cú 82.

Như hồ nước sâu và yên lặng trong sạch, những người có trí tuệ sau khi nghe pháp, tâm họ cũng thanh tịnh và lặng yên. 

Người trí sau khi nghe những lời Phật dạy thì tâm họ trong lặng thanh tịnh. Người không có trí nghe Phật dạy không hiểu, tâm không yên ổn và không có lợi ích. Hai người, trí và không có trí khác xa. Vì vậy đức Phật mượn hình ảnh hồ nước sâu yên lặng trong sạch, để chỉ cho người trí sau khi nghe Phật dạy tâm hồn họ cũng giống như vậy.

Pháp Cú 83.

Người lành thường xa lìa mà không bàn đến những điều tham dục, kẻ trí đã xa lìa niệm lự mừng lo, nên chẳng còn bị lay động vì khổ lạc. 

Người liêm sỉ biết chút ít đạo đức, không bao giờ nói những lời thô tục có tính chất làm cho người phóng tâm loạn ý. Người biết tu thì ít nghĩ tới chuyện tham dục. Cũng vậy, người trí xa lìa niệm lự mừng lo, không bị khổ và lạc làm lay động.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi gặp những tai họa thì gọi là khổ, gặp những điều tốt lành gọi là lạc. Như người có thân nhân bị tai nạn, đêm đến không ngủ được vì đau buồn. Người trúng số độc đắc mừng quá, đêm cũng không ngủ được, vì bị cái vui lay động. Cả hai trường hợp tâm đều không yên. Người như vậy chứng tỏ không phải là người trí, nếu là người trí thì khổ vui không bao giờ làm cho động tâm, vẫn an tịnh trước những cảnh bất thường mà người thế gian không kham chịu nổi, đó mới thật là người đại trí.

Pháp Cú 84.

Không vị tình thiên hạ cũng không vị tình một người khác, người trí không làm bất cứ điều gì sai quấy, không nên cầu con trai, sự giàu có, không nên cầu mong thành công của mình bằng những phương tiện bất chánh, được vậy mới thật là người đạo đức trí tuệ và ngay thẳng. 

Không vị tình nhiều người, cũng không vị tình một người nào. Người trí không bao giờ làm điều sai quấy, dù người thân xúi giục hay để được người khen ngợi, nhất định không làm. Nghĩa là người trí không bao giờ chịu làm điều sai quấy do vị nể mọi người. Ngược lại nếu vị nể người này người kia, thì hay làm những chuyện không phải đạo.

Không nên cầu con trai, sự giàu có sung túc bằng việc làm sai quấy. Thí dụ Phật tử đã quy y thọ năm giới, không có con trai, bây giờ một ông thầy bùa hứa rằng, nếu cô nghe lời tôi giết năm con bò bảy con heo v.v… cúng tế sẽ được con trai. Người Phật tử giữ giới không bao giờ làm. Thà không có con còn hơn hại sanh vật, đó là người trí. Người không biết tu khi muốn điều gì, dù cho tội lỗi mấy cũng làm để đạt được sở nguyện của mình. Không nên cầu mong thành công của mình bằng những phương tiện bất chánh, được vậy mới thật là người đạo đức trí tuệ và ngay thẳng. Cho nên người Phật tử chân chánh, hễ phương tiện làm ăn nào trái với đạo lý đều không nên làm.

Nhiều người thờ Quan Công, ông có tài đức gì mà thờ? Đời Tam Quốc, Quan Công tài không bằng Lữ Bố, trí không bằng Khổng Minh, nhưng hai ông kia không ai thờ mà thờ Quan Công. Chính vì ông không muốn thành công bằng những phương tiện bất chánh. Khi đánh giặc, ông không giết người ngã ngựa, hết lòng với anh em kết nghĩa, luôn biết trả ơn. Ông không làm điều gì có vẻ thiếu quang minh chính đại, đó là tấm gương mà sau này người ta kính thờ. Trường hợp như Quan Công gọi là người tiết nghĩa ngay thẳng. Ở đây chúng ta thấy đức Phật dạy cũng tương tự. Chúng tôi không nói đến phạm vi đánh giặc mà chỉ nói phạm vi tiết nghĩa của ông thôi.

Pháp Cú 85.

Trong đám nhân quần này, chỉ có một ít người đã đạt đến bờ kia, còn bao nhiêu người khác còn đang bồi hồi vơ vẩn tại bờ này. 

Đức Phật nói, trong đám đông quần chúng, chỉ có một ít người đạt đến bờ kia, nghĩa là đạt đến cảnh giới an lạc Niết-bàn. Bờ kia chữ Hán gọi là bỉ ngạn, là chỉ cho Niết-bàn. Người đạt được Niết-bàn rất ít ỏi. Còn bao nhiêu người khác thì vẫn bồi hồi vơ vẩn ở bên bờ sanh tử chứ không qua nổi. Cho nên người tu Phật cố gắng đến bờ kia, chứ đừng lẩn quẩn ở bờ này.

Pháp Cú 86.

Những người nào hay thuyết pháp, theo chánh pháp tu hành, thì được đạt tới bờ kia, thoát khỏi cảnh giới tà ma khó thoát. 

Người nào muốn đạt tới bờ kia, là bờ Niết-bàn, thì phải tu hành theo chánh pháp, là người vừa hay thuyết pháp vừa ứng dụng Phật pháp tu hành. Thuyết pháp không phải chỉ là vị pháp sư lên tòa ngồi thuyết pháp, mà chúng ta đem lời Phật dạy, nói cho huynh đệ nào chưa hiểu Phật pháp nghe, cũng gọi là thuyết pháp. Dù nói cho một người nghe, hoặc cho hai người đến trăm ngàn người nghe v.v… cũng gọi là thuyết pháp. Như vậy người biết thuyết pháp, biết theo chánh pháp tu hành, là người dễ đạt đến bờ kia, người đó mới thoát khỏi cảnh giới của sanh tử luân hồi.

Pháp Cú 87.

Người trí nên rời bỏ hắc pháp tức là pháp ác mà tu tập bạch pháp tức là pháp thiện, xa gia đình nhỏ hẹp, xuất gia sống độc thân theo phép tắc Sa-môn. 

Đức Phật khuyến khích người trí hãy nên rời bỏ việc ác, luôn luôn tập làm những việc lành và nên xa gia đình nhỏ hẹp, để làm vị Sa-môn tu hành giải thoát. Đó là lời của Phật khuyên người trí nên tu tập để tiến lên, chứ đừng dừng lại ở một phạm vi nhỏ hẹp.

Pháp Cú 88.

Người trí cần gột sạch những điều cấu uế trong tâm, cầu cái vui chánh pháp, xa lìa ngũ dục, chẳng còn vướng mắc chi. 

Người trí phải gột sạch những điều cấu uế trong tâm, như là tham, sân, si, mạn, nghi v.v… hãy cố gắng gột rửa cho sạch và cầu cái vui chánh pháp. Nghe Phật pháp rồi tư duy ứng dụng tu hành, để tâm hồn an tịnh, đó gọi là cầu cái vui chánh pháp. Đối với ngũ dục thế gian, như tiền của, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ, thì phải xa lìa, tiến đến chứng quả Niết-bàn, đó mới gọi là người trí.

Pháp Cú 89.

Người nào thường chánh tâm tu tập các pháp giác chi, xa lìa tánh cố chấp rời bỏ tâm nhiễm ái, diệt hết mọi phiền não để trở nên sáng suốt, thì sẽ chứng Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. 

Người nào chánh tâm tu tập pháp Thất giác chi, bỏ hết những tánh cố chấp tập nhiễm ái dục thế gian, sạch hết phiền não thì trở nên sáng suốt và chứng được Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Pháp Thất giác chi chỗ khác gọi là Thất bồ-đề phần, gồm có niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi và xả giác chi.

Ở phẩm Ngu, chúng ta đã biết rõ thế nào là người ngu. Ở đây đức Phật chỉ cho chúng ta thấy, người biết điều phục tâm mình, dùng pháp thất giác chi để dứt trừ ái nhiễm, dứt sạch phiền não, từ phàm tiến đến Thánh, chứng được Niết-bàn, đó mới thật là người đại trí. Cho nên chúng ta phải biết phân biệt rành rẽ trí ngu, sau đó mới có thể giác ngộ hoàn toàn.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.