Chánh văn:
Phật dạy: “Kẻ ác nghe có người làm thiện liền cố ý đến quấy nhiễu. Các ông hãy tự chế ngự, không nên giận trách. Vì kẻ ác kia phải tự nhận quả ác. Còn hương thơm phước đức luôn ở bên người làm thiện.”
Giảng:
Kẻ ác đây không nhất định là kẻ cùng hung cực ác, hung tợn dữ dằn, giang hồ anh chị…, mà chỉ chung những người khởi tâm ác khi nghe người khác được khen, tức chỉ những kẻ hay sanh tâm đố kỵ. Đố kỵ có thể khiến một người bình thường trở thành kẻ ác.
Có hai người bạn chơi thân với nhau từ nhỏ, việc gì cũng tâm sự nhau. Bỗng một hôm cô A đầu độc giết cô B, khi bị cảnh sát bắt, cô khai vì đố kỵ nên giết bạn, cho đến lúc đó cô cũng không hối hận, nghĩ rằng cô B đáng chết. Cô B sanh trong gia đình khá giả, được cha mẹ yêu thương, anh chị em hòa thuận; đi học được thầy cô thương, bạn bè thích; ra trường tìm được việc làm ưng ý, chủ dễ chịu, đồng nghiệp vui vẻ; có bạn trai được chăm sóc tỉ mỉ, cưng chìu. Cô A ngược lại, gia đình chỉ đủ sống, cha mẹ không thuận nhau, anh em mỗi người mỗi ngã; khi thi kết quả luôn không tốt dù bình thường học giỏi; ra trường làm việc trong môi trường không ưng ý, chủ khắt khe, đồng nghiệp cạnh tranh; bạn trai không cưng chìu, thường gây gỗ nhau. Đến một hôm, bạn trai cô A đòi chia tay, trong khi cô B lại được bạn trai cầu hôn. Đến đây thì tâm đố kỵ của cô A lên tột đỉnh, cô hận thấu bạn mình, trách sao mọi bất công ập lên cô, mọi điều tốt đẹp lại dồn cho B, thế là cô lên kế hoạch bỏ thuốc độc vào cốc cà phê mời bạn uống. B chết mà không biết bị chính bạn thân giết. A cũng vô cùng hả hê vì giết được một người có phúc hơn mình.
Tâm đố kỵ đáng sợ thế đó. Người tu phải dè dặt kiểm tâm, đừng để tật đố biến mình thành kẻ ác.
Để có thể diệt được tâm đố kỵ, Phật dạy chúng ta hành hạnh tùy hỷ, thấy ai hay giỏi đều khởi tâm tán thán ca ngợi; nghe ai được khen, vui theo họ, lâu dần tâm tật đố sẽ dứt, ác nghiệp không sanh.
Đối với người đố kỵ hại mình, nên sanh lòng từ bi, thông cảm và không giận họ. Trái lại, thương họ tạo ác nghiệp không tự biết, đời này đời sau phải chịu quả không lành.
Người làm lành, tu phước, công đức rất lớn, người nào ác tâm làm hại sẽ chịu quả báo gấp bội. Người bị hại càng hiền, quả ác của người hại càng nặng. Đề-bà-đạt-đa ác tâm hại Phật, giúp Phật sớm viên mãn công đức, bản thân ông phải đọa địa ngục chịu khổ hình.
Người hiểu sâu nhân quả biết rõ người hại mình là làm thành cho mình, giúp mình sớm trả nợ cũ, thành tựu công đức mới. Họ là người ơn, không phải kẻ thù, vì mình mà họ chịu quả dữ nên phải thương họ nhiều hơn. Đó là những vị Bồ-tát nghịch hạnh giúp mình mau tiêu nghiệp, mau viên mãn công hạnh, bản thân họ phải theo luật nhân quả mà thọ khổ hình. Như Bồ-tát Đề-bà-đạt-đa, vì phát nguyện hành nghịch hạnh trợ giúp Phật sớm thành Phật mà phải nhiều đời đọa địa ngục.
Thế nên, người tu xem kẻ hại mình là ác tri thức, nhớ ơn chớ không oán giận.