Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 2



Phật dạy: “Sa-môn là bậc xuất gia, đoạn dục, dứt ái, nhận biết nguồn tâm của mình, thông đạt giáo lý sâu xa của Phật, tỏ ngộ  pháp Vô vi, trong không sở đắc, ngoài không sở cầu, tâm không bị trói buộc nơi Đạo, cũng không kết nghiệp, không nghĩ nhớ, không tạo tác, chẳng tu, chẳng chứng, không trải qua các quả vị mà tự cao tột. Đó gọi là Đạo!”

Đạo có rất nhiều tên, như: Phật tánh, Phật tri kiến, Bản tâm, Bản tánh, Chơn như, Viên giác v.v… Tại sao có nhiều tên như vậy? Vì nó vốn không tên.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh.” (Đạo có thể chỉ được, tức chẳng phải đạo thường hằng; tên có thể gọi được, tức không phải tên vĩnh cửu).

Đạo là chỉ chỗ cao tột, thường hằng, bất biến, vốn không tướng nên cũng không tên. Do không tên nên có nhiều tên, mới nghe qua như khó hiểu, nhưng ngẫm kỹ lại rất đơn giản. Ví dụ muốn nói về một người không biết tên, mình sẽ tả người đó hoặc cao thấp (theo chiều cao), hoặc mập ốm (theo thể hình), hoặc mặt vuông tròn (theo gương mặt), hoặc da trắng đen (theo nước da), hoặc già trẻ (theo tuổi tác)…

Cũng vậy, đạo không tướng không tên nên chúng ta nương vào những diệu dụng, tính chất khác nhau mà đặt cho nó những tên khác nhau. Gọi là Phật tri kiến vì tất cả chúng sanh đều có cái thấy biết như Phật. Gọi là Bản tâm, vì đó là tâm gốc, tâm nguồn, nhận biết được tất cả mà không bị nhiễm nhơ. Gọi là Chơn như vì nó chơn thật, như như bất động…

Như vậy, tùy theo thể dụng mà Đạo có nhiều tên gọi khác nhau. Sau này, Thiền tông còn gọi Đạo là chủ nhân ông, bản lai diện mục, vô vị chân nhân v.v…, đều là để chỉ tự tánh chúng ta.

Đây là ý nghĩa chữ Đạo của chương này.

Sa-môn là bậc xuất gia, đoạn dục, dứt ái.

Đã xuất gia phải đoạn dứt ái dục, đoạn tất cả dục ái mới đúng ý nghĩa Sa-môn. Trong trăm ngàn người tu, được một người xuất gia đúng với ý nghĩa xuất gia này là rất khó, nhưng chúng ta phải luôn tự sách tấn, lấy đây làm mục tiêu để vươn lên.

Xuất gia có ba nghĩa: Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia.

Xuất thế tục gia là ra khỏi nhà thế tục: Tất cả những gì còn dính dáng đến thế gian như danh lợi, tài sản, tình ái, sự nghiệp, đam mê v.v… đều phải buông bỏ. Đó mới phù hợp với ý nghĩa ra khỏi nhà thế tục.

Xuất phiền não gia là ra khỏi nhà phiền não: Tất cả những điều làm mình bất an như thương ghét, não hận, đố kỵ, tham lam, kiêu ngạo v.v… đều phải buông bỏ, phải xa lìa. Tu làm sao phải giảm dần phiền não cho đến khi sạch hết mới đúng, tu mà phiền não ngày một tăng là đang tu sai. Khi xuất gia rồi phải tìm được cái vui của đạo, phiền não bớt dần, niềm vui tăng lên, càng tu càng an vui, như vậy mới là tu đúng. Ứng dụng những lời dạy của Phật như rải lòng từ, quán nhân duyên, xét nhân quả…, tự nhiên trí tuệ ngày một tăng, phiền não nghiệp chướng dần tiêu dứt. Pháp Phật là chân lý, không ai nương lời dạy của Phật mà không giảm mê tăng trí, dứt não được an. Nếu ai tu mà còn phiền não là vị ấy chưa thực hiện được lời dạy của Phật, lòng từ chưa đủ, trí tuệ chưa sáng… nên gặp việc mới sân, mới não. Đây là ý nghĩa thứ hai của xuất gia. Nếu ra được nhà thế tục thì ra khỏi nhà phiền não sẽ rất dễ, bởi chẳng còn gì vướng bận tự nhiên cũng không còn gì để não phiền.

Xuất tam giới gia là ra khỏi nhà ba cõi. Ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Chỉ đến quả vị A-la-hán mới hoàn toàn ra khỏi ba cõi, tự tại sanh tử. Khi ra khỏi nhà phiền não cũng đồng thời ra khỏi nhà ba cõi, vì dứt tất cả phiền não là đắc A-la-hán. Phiền não giảm một phần là tâm cảnh tiến một bước. Phá được thân kiến, giới cấm thủ và nghi thì chứng Tu-đà-hoàn, tức quả dự lưu (bắt đầu bước vào dòng thánh); tiến đến tham sân si nhẹ mỏng là tiến lên quả Tư-đà-hàm, chỉ còn một lần sanh vào cõi trời Dục nữa thôi; dứt luôn tham sân là đắc A-na-hàm, không còn sanh lại cõi phàm, riêng về cõi Trời A-na-hàm cho đến khi chứng A-la-hán; cho đến khi dứt tất cả mười kiết sử (thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham, sân, ái sắc giới, ái vô sắc giới, ngã mạn, trạo hối, si) là chứng đắc quả cuối cùng A-la-hán, hoàn toàn thoát khỏi luân hồi sanh tử.

Vậy, ra khỏi nhà thế tục là nhân để ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà phiền não là nhân để ra khỏi nhà ba cõi. Một người xuất gia chân chánh phải cố gắng làm được ba điều này.

Người thượng căn một nghe ngàn ngộ, ngộ rồi liền đoạn tận tập khí, chóng thành đạo quả. Trung hạ căn như chúng ta thì tu từ từ, dần dần cũng đến đích cuối. Đã xuất gia rồi phải quyết tâm dứt bỏ mọi ràng buộc thế gian, nguyện gắn bó trọn đời với Tam Bảo, sống chết gì cũng quyết không rời chùa. Thân ở trong chùa, tâm cũng ở trong chùa, chớ để thân trong chùa mà tâm ngoài chùa, quyến luyến pháp thế gian không bỏ. Phải xem chùa là nơi gởi thân trọn đời của mình. Như vậy mới phù hợp với ý nghĩa xuất thế tục gia.

Khi đã xuất gia rồi từng bước dọn sạch phiền não từ thô đến tế trong tâm mình, quyết không dung dưỡng thỏa hiệp. Nếu chúng ta đã ở một ngôi Tam Bảo có thầy lành, bạn tốt, có thời gian tu tập, có giáo pháp được dạy, có tứ sự tạm đủ thì nên nguyện gắn bó trọn đời để thực hiện mục đích giải thoát của mình. Nếu ở đâu cũng thấy bất mãn, hoặc không vừa lòng huynh đệ, hoặc không vừa lòng thầy, hoặc không vừa lòng thí chủ…, cứ thế, lúc nào cũng sống với bản ngã thì đi nơi nào cũng không ở lâu được, lăn lốc trôi nổi một đời, cuối cùng không được gì, một chút pháp hỷ cũng không có, một chút thiền duyệt cũng không được, phí một đời tu hành. Thật ra, pháp không lỗi, duyên không lỗi, chỉ lỗi tại tâm mình nhiều điên đảo mà thôi.

Đức Phật dạy: Đạo tràng nào có tứ sự đầy đủ, nhưng không có pháp tu, không có thầy lành dạy, trên đường tu gặp chướng ngại không biết hỏi ai, thì dù nơi đó vật chất dư dã cũng phải dứt khoát ra đi. Ngược lại, nơi nào tứ sự không dư dật, ăn mặc thiếu thốn, nhưng có thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy khiến mình ngộ được chân lý, thì dù vất vả gian nan thế nào cũng cố nương ở để tìm được niềm vui đạo. Người tu phải xem nhẹ vật chất bên ngoài, trọng việc tu đạo bên trong. Thứ ba là nơi nào vừa tứ sự thiếu thốn, vừa không có pháp tu, lại không có thầy lành chỉ dạy, Phật dạy phải đi gấp, không nương ở phút giây nào cả. Cuối cùng là nơi nào vật chất đầy đủ, sung túc, lại có pháp tu, có thầy lành hướng dẫn, thì có bị đuổi cũng cố bám lại để được ở tu, vì nơi đó quá tốt cho sự tu hành của mình.

Như vậy, đến ngôi Tam Bảo nào, chúng ta phải nương theo lời Phật dạy xét xem nơi đó có giúp chúng ta tu tốt không, từ đó mới quyết định trụ lại hay dời đi, chớ không phải dựa theo bản ngã của mình.

Ở một đạo tràng nọ, có một vị thầy rất tinh tấn, rảnh ra là ngồi thiền, lại có một vị khác, rảnh ra là ngủ. Một hôm, Hòa thượng Phương trượng đi tuần liêu, thấy một vị tăng đang ngủ trong Tăng đường và một vị tăng đang tọa thiền trong Thiền đường. Hôm sau, Ngài họp chúng bảo:- Hôm qua ta tuần liêu, thấy một thầy đang vọng tưởng trong Thiền đường và một thầy đang nhập định trong Tăng đường. Người ngồi thiền Ngài bảo vọng tưởng, người ngủ Ngài bảo nhập định. Bởi thầy tọa thiền tâm còn loạn động, còn thầy nằm ngủ thì việc đã xong, không cần thiết dụng công nữa. Thân ngủ mà tâm sáng, không còn si mê.

Thế nên, chúng ta không thể đánh giá đúng một người tu qua hình tướng bên ngoài. Việc tu bên trong mỗi người, không ai biết được, chỉ mình tự rõ mình. Ngài Huyền Trang từng nói: Uống nước lạnh nóng tự biết. Vì vậy, chỉ nên xét mình tu thế nào, đừng nhìn ngó huynh đệ tu ra sao rồi phê bình đánh giá. Lục Tổ dạy: “Thường tự thấy lỗi mình, chớ thấy lỗi người khác, nếu thấy lỗi người khác, lỗi mình đã đến bên.” Lỗi ở chỗ vướng mắc thị phi, tâm bị nhiễm ô, không thể giải thoát.

Các vị Bồ-tát Thánh tăng khi phương tiện độ người cũng có khi hiện tướng bất thiện, làm việc bất thiện. Như Hòa thượng Tế Điên mặc đồ xốc xếch, ăn thịt uống rượu, cắp vặt đồ của tăng v.v… Nếu nhìn theo con mắt phàm sẽ thấy Ngài tu không ra gì, phạm giới phạm trai… Đâu biết Bồ-tát thánh hiền làm việc gì đều có nguyên do, đều vì độ người. Thế nên, nếu chưa có trí tuệ thấu triệt các pháp, không biết được thực hư chân tướng một người, một vật, thì đừng dính mắc thị phi mà tạo nghiệp chẳng lành, ảnh hưởng công đức và phước đức của mình.

Dục (ham muốn) gắn liền với tham sân. Vì muốn mà được làm tăng trưởng lòng tham, như người xưa nói: lòng tham không đáy; muốn mà không được sẽ khởi sân, oán người oán trời. Rồi từ tham sân mà tạo nhiều ác nghiệp, gây họa cho chính mình trải nhiều kiếp. Thế nên, dù khó cách mấy, chúng ta cũng phải cố gắng dứt cho được ái dục.

Có một hôm, đức Phật và tôn giả A-nan đi khất thực, gặp một túi vàng ai đánh rơi dưới đất, Phật nói:- A-nan, đây là rắn độc! Tôn giả A-nan hiểu ý Phật, nên thưa:- Vâng, đây là rắn độc. Một nông dân đang làm ruộng gần đó, nghe Phật nói rắn, ông nghĩ là rắn thật, sợ nó cắn người nên định đến bắt đem đi. Nào ngờ, ông thấy là túi vàng, vội đem về nhà, từ đó ông trở nên giàu có, tạo ruộng cất nhà. Hàng xóm ganh ghét thưa với quan là ông ăn cướp nên mới có nhiều tài sản. Quan bắt về tra tấn buộc nhận tội, ông bị hành hạ khổ sở, mới hiểu ra lời Phật nói: Đây là rắn độc. Ông ăn năn vô cùng nhưng đã muộn.

Dục gây hại rất lớn. Sở dĩ người ta phạm tội ác như giết người, cướp của, lường gạt, hiếp dâm v.v… đều do lòng tham thôi thúc. Nếu người không ham muốn, không tham lam ắt sẽ không tạo những việc ác như thế.

Thế nên, đoạn dục là điều vô cùng thiết yếu. Thời Phật, khi xuất gia rồi tài sản bỏ hết, chỉ có ba y một bát, ngày ngày khất thực nuôi sống, không danh không lợi không nhà cửa sự nghiệp…, không còn gì ràng buộc nên các vị dễ đoạn dục, do đó cũng dễ chứng Thánh quả. Còn chúng ta ngày nay tuy xuất gia nhưng vẫn còn tài sản, còn bị nhiều thứ ràng buộc, nên tâm ái không tận được, phiền não không dứt được…, do vậy, đạo quả cũng khó chứng được.

Có một Thiền sư không bao giờ đóng cửa thất, tối Ngài tụng kinh, ăn trộm lẻn vào lụt đồ, Ngài bảo:- Tiền để trong tủ, con mở ra lấy, đừng làm ồn, để thầy tụng kinh. Anh mở tủ lấy hết tiền, Ngài bảo:- Con để lại chút ít mai thầy đóng thuế. Anh lấy xong đi ra, Ngài bảo:- Sao con không cảm ơn thầy? Anh nghe lời cảm ơn. Một thời gian anh bị bắt, khai có lấy của Ngài, cảnh sát mời Ngài tới, Ngài bảo:- Tôi cho chú ấy, và chú cảm ơn tôi, chú không trộm của tôi. Anh vô cùng cảm động, sau khi mãn hạn tù, anh đến xin theo Ngài xuất gia học đạo, sau này trở thành một vị tăng đức hạnh.

Một Thiền sư khác, trong thất không có bất cứ tài sản giá trị nào, một tên trộm vào lụt đồ, Ngài bảo:- Thầy chẳng có gì cho con, có cái áo lạnh đang mặc, con lấy mặc cho đỡ lạnh. Anh nhận, còn Ngài, mong manh với áo nâu sòng mỏng rách, ngước nhìn ánh trăng, Ngài bảo:- Chỉ không thể cho con chân lý đạo.

Các vị chân tu luôn sống giản dị, không cất chứa tài sản, và luôn sẵn sàng bố thí mọi thứ đang có. Học theo hạnh quý Ngài, chúng ta cũng cố gắng đoạn dục tham trong tâm mình.

Đoạn dục là dứt ham muốn bên ngoài, dứt ái là bỏ tâm ái nhiễm bên trong. Tình thương dính mắc, ích kỷ… đều thuộc về ái nhiễm. Thương một ai, hay thích một vật đến không thể xa rời, không thể vắng thiếu… thuộc tình thương ái nhiễm. Thương không vụ lợi, không dính mắc, trải lòng, bình đẳng… thuộc tình thương vô duyên, không dính nhiễm, đó là lòng từ bi vô lượng của chư Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền Tăng.

Một nữ cư sĩ thời Phật, con gái 12 tuổi chết, thân quyến đều buồn, duy bà thản nhiên, mọi người thắc mắc nghĩ rằng bà không thương con, bà đáp:- Tôi không mời nó tự đến, nó đến, tôi thương yêu lo lắng chu toàn; giờ tôi không đuổi, nó tự đi, nó đã hoàn tất nghiệp duyên đời này của mình, tôi không có gì để buồn. Bà là đệ tử Phật, học đạo, hiểu đạo, khi có con làm tròn bổn phận người mẹ: yêu thương, che chở, dạy dỗ, nuôi nấng…, khi con hết thọ mạng ra đi, bà đón nhận với tâm bình thường, không quyến luyến, khổ đau. Đó mới thật sự là ái, thương mà không nhiễm, không bấu víu. Ái như thế, thương như thế mới không bị đau khổ, không bị trói buộc.

Học Phật phải thấu rõ ý nghĩa ái dục, thấy được tác hại của nó đối với tâm đạo, nên kiên quyết đoạn dứt, một bề thẳng tiến trên đường đạo.

Nhận biết nguồn tâm của mình.

Nguồn tâm chính là tự tánh. Nguồn là chỗ xuất phát mọi thứ, đó mới thật là tâm mình. Từ chân tâm này sanh ra thân tứ đại ngũ uẩn, sanh ra các niệm thương ghét. Các phiền não tham sân… đều từ tâm sanh, các hạnh lành từ bi, hỷ xả, trì giới, nhẫn nhục… cũng do tâm sanh, nên gọi tâm này là nguồn tâm.

Làm sao để nhận biết nguồn tâm? Kinh Lăng Nghiêm chỉ ra 25 chỗ vào: sáu căn + sáu trần + sáu thức + bảy đại. Chư Tổ tóm lại sáu cửa: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thân ngũ uẩn như ngôi nhà, sáu căn là sáu cửa, chân tâm là ngọn đèn bên trong. Ánh sáng đèn theo sáu cửa chiếu ra ngoài. Muốn thấy được đèn phải từ một trong sáu cửa đi vào. Nương tánh thấy nhận được nguồn tâm là từ cửa mắt vào, nương tánh nghe là từ cửa tai, nương tánh ngửi là từ cửa mũi, nương tánh biết vị là từ cửa lưỡi, nương hành vi của thân là từ cửa thân, nương tánh biết niệm khởi diệt là từ cửa ý.

Tánh thấy nghe hiểu biết… như mặt trăng thứ hai, không phải mặt trăng thật, nhưng nương nó có thể nhận được tự tánh. Bởi tự tánh vốn không hình tướng, hiển dụng qua sáu căn thành tánh thấy nghe… Như vậy, thấy nghe… không phải thể tự tánh, nhưng là dụng phát ra từ tự tánh, nên nương nó sẽ nhận được tự tánh. Như ánh sáng đèn không phải là đèn, nhưng nương ánh sáng sẽ thấy được đèn.

Niệm khởi sanh diệt là bóng mặt trăng, tánh thấy nghe… là mặt trăng thứ hai, tự tánh là mặt trăng thật. Mặt trăng trên trời, chiếu bóng xuống nước, thấy tưởng như thật, nhưng vớt mãi cũng không được. Vọng niệm khởi hiện trong tâm dường như là tâm, nhưng tìm lại không được, chợt sanh chợt diệt, sanh đó mất đó, nắm bắt không được, như bóng mặt trăng.

Lấy tay dụi mắt, khi nhìn lên trời sẽ thấy có hai mặt trăng, không biết mặt trăng nào là thật, khó phân biệt được thật giả vì quá giống. Tánh thấy nghe… cũng không hình tướng, không sanh diệt, không phân biệt, rất giống với đặc tánh của tự tánh, dễ lầm cho là tự tánh. Thật ra không phải, bởi nếu cho tánh thấy nghe là tự tánh, chẳng lẽ chúng ta có sáu tự tánh, một mình mình thành sáu ông Phật? Vô lý!

Thế nên, tánh thấy nghe… qua sáu căn là mặt trăng thứ hai, không phải mặt trăng thật, không phải thật là tự tánh. Tự tánh chỉ một, nhưng hiện dụng vô cùng. Qua mắt thì thấy, qua tai thì nghe… Trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói: “Nhất tinh minh sanh lục hòa hợp”. Tự tánh chiếu qua mắt thấy được sắc, chiếu qua tai nghe được tiếng, chiếu qua mũi ngửi được hương v.v… Những cái biết này tuy không còn dính mắc, nhưng chưa trùm khắp, vẫn còn hạn cuộc trong sắc, thanh… Đó là cái biết của mặt trăng thứ hai, tuy không phải bóng mặt trăng, nhưng cũng không phải mặt trăng thật.

Chỉ khi nào nương sáu căn nhận được bản tâm. Thấy, nghe, hiểu biết… thành một, lục hòa hợp trở về nhất tinh minh, lúc đó mới là mặt trăng thật.

Muốn nhận được bản tâm phải đi vào từ các căn, từ cửa căn nhận được sự hiện diện của tự tánh. Khi nhận được tự tánh rồi mới có thể thể nhập, thể nhập được rồi mới có thần thông, tự tại thọ dụng. Đến khi thể dụng viên dung, phước trí viên mãn là hoàn mãn sự tu tập của mình, đạt đến chỗ cứu kính, tức thành tựu quả Phật.

Thế nên, nhận biết nguồn tâm là điều tiên quyết trên bước đường tu tập của mỗi người. Thấy nghe hiểu biết đều từ nguồn tâm ra, vốn không dính mắc, không phân biệt. Sở dĩ chúng ta dính mắc là do tâm si mê chạy theo đối tượng, không phải tánh thấy nghe có dính mắc.

Kinh Lăng Nghiêm, đức Như Lai phóng một đạo hào quang báu đến bên phải A-nan, A-nan liền xoay đầu qua phải nhìn. Phật lại phóng một đạo hào quang đến bên trái A-nan, A-nan lại xoay đầu qua trái nhìn.

Phật hỏi A-nan:– Đầu ông hôm nay cớ sao dao động?

A-nan thưa:– Con thấy Như Lai phóng hào quang báu nhiệm mầu đến bên phải bên trái con, nên con nhìn sang trái sang phải, khiến đầu tự dao động.

– A-nan! Ông nhìn hào quang Phật, đầu xoay qua phải qua trái. Vậy đầu của ông động hay cái thấy động?

– Bạch Thế Tôn! Đầu con tự dao động, chứ tánh thấy của con còn không có dừng, nói gì là dao động.

Như vậy, sắc có sai khác, có động tĩnh, cái thấy không sai khác và luôn bất động, không dính nhiễm. Tánh nghe, ngửi, nếm… cũng vậy. Chính từ các cửa này, đi ngược vào sẽ nhận được bản tâm thanh tịnh như như.

Thông đạt giáo lý sâu xa của Phật.

Giáo lý sâu xa là giáo lý chỉ thẳng tự tánh, nhắm đến quả Bồ-đề Vô thượng. Giáo lý Phật chia làm 5 cấp bậc, gọi là ngũ thừa Phật giáo, gồm: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Bồ-tát thừa còn gọi là Phật thừa hay Tối thượng thừa.

Nhân thừa dạy cho những ai còn ưa thích thú vui cõi người, muốn hưởng phúc báo nhân gian. Thiên thừa cao hơn một bậc, dạy cho những ai đã nhàm chán cõi người, muốn sanh thiên thượng hưởng thọ ngũ dục lạc vi diệu hơn. Thanh văn thừa và Duyên giác thừa dạy cho những vị đã thấy được thế gian là khổ, muốn thoát khỏi sự trói buộc của sanh tử, không còn chịu khổ luân hồi ba cõi. Bồ-tát thừa hay Phật thừa dạy cho những vị có chí hướng thượng, muốn đến chỗ rốt ráo cứu kính, thành tựu quả vị tối thượng.

Ở Nhân thừa Thiên thừa, đức Phật chủ yếu chỉ dạy giáo lý nhân quả, tạo nhân nào hưởng quả nấy, muốn sanh ở cõi trời người hưởng phước báo nhân thiên thì phải tạo nhân lành thích hợp (giữ ngũ giới, hành thập thiện). Đối với Thanh văn thừa, Phật dạy lý Tứ đế, giúp hành giả thấu được lý khổ và cách diệt khổ dứt ái, thành tựu Niết-bàn. Với Duyên giác thừa, Phật dạy giáo lý nhân duyên, lý vô thường, giúp hành giả phá được tâm ái nhiễm, dứt phiền não, đoạn vô minh…, từ đó thoát ly sanh tử luân hồi. Với Bồ-tát, những vị lập chí thành Phật, Phật dạy “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, nhận được, sống được trở lại với tự tánh đều sẽ thành Phật.

Giáo lý sâu xa được chỉ dạy ở tất cả kinh điển Đại thừa, hay còn gọi là Kinh liễu nghĩa. Mỗi bộ kinh Phật chỉ dạy khác nhau, nhưng đích đến chỉ là một, đó là: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Đó cũng là mục đích tối thượng và duy nhất của Phật, như kinh Pháp Hoa khẳng định: “Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.”

Khai là mở ra, Thị là chỉ cho, Ngộ là nhận được, Nhập là thể nhập. Nghĩa là chư Phật ra đời chỉ vì một lý do lớn nhất là chỉ cho chúng sanh biết nguồn tâm, rõ tự tánh, từ đó nhận ra và sống trở lại. Còn những mục tiêu khác chỉ là phương tiện, vì chúng sanh căn cơ khác nhau nên Phật nói nhiều pháp môn khác nhau, gọi là phương tiện. Nhưng dù chỉ dạy pháp môn nào, đức Phật vẫn muốn chúng ta nhận ra và thể nhập được Phật tri kiến, tức bản tâm hay nguồn tâm, tự tánh của chính mình.

Nhận được tự tánh tức tỏ ngộ pháp vô vi. Sở dĩ gọi là pháp vô vi vì để đối với pháp hữu vi, chớ chỗ chân thật đó vốn không có tên.

Trong không sở đắc, ngoài không sở cầu.

Bản tâm là cái có sẵn của chính mình, nên nhận và sống lại được không gọi là chứng đắc, nên nói “trong không sở đắc”. Khi rõ được tâm chân thật rồi tức biết tất cả pháp bên ngoài chỉ là giả dối, tự nhiên tâm không còn mong cầu, nên nói “ngoài không sở cầu”.

Nếu tu mà còn thấy có chứng có đắc tức chưa thật sự đến chỗ rốt ráo, chưa nhận được tự tánh, lầm nhận cảnh giới ảo vọng làm chỗ được, rơi vào chấp nhân chấp pháp. Kinh Kim Cang dạy: Nếu Tu-đà-hoàn cho mình chứng Tu-đà-hoàn thì vị ấy không phải Tu-đà-hoàn, cho đến A-la-hán cũng vậy, còn thấy chứng quả tức chưa thật chứng. Thế nên, muốn vào quả vị phải buông tâm chứng đắc, còn chấp sở chứng tức không thể chứng.

Khi tu nên giữ tâm không được không đắc. Bởi tất cả cảnh giới đều từ tâm sanh. Như chúng ta đến ngân hàng rút tiền, tuy trên tay có tiền mà không gọi là được tiền, vì tiền đó vốn dĩ của mình, không phải từ bên ngoài được. Cũng vậy, các pháp vốn từ tâm sanh, rời tâm không có pháp, không ai có thể ban pháp cho mình. Giả sử có người đến ban cho mình quả Tu-đà-hoàn thì mới gọi là chứng Tu-đà-hoàn. Nhưng sự thật là do chúng ta tu, tâm cảnh tới đó, nhận được tới đó, phá được những kiết sử đó, gọi là tới quả Tu-đà-hoàn, không do ai ban cho cả. Vốn dĩ có sẵn, chỉ vì mình tự đóng bít, giờ mình tu mở cửa đầu tiên là Tu-đà-hoàn, vốn là nhà của mình, mình tự mở ra, không ai mở giùm, nên không thể gọi là được. Nếu thấy được tức là từ bên ngoài, không phải của mình.

Thiền sư Tuyết Phong lúc đi hành cước, được nghe rất nhiều thiện tri thức khai thị, Ngài tưởng chừng như đã hiểu nhưng vẫn không ngộ đạo, đem mối nghi này hỏi sư huynh Nham Đầu. Nham Đầu bảo: “Từ cửa mà vào chẳng phải của báu trong nhà, phải từ hông ngực lưu xuất.” Ngay lời này Ngài đại ngộ, trước đó do Ngài dính chấp vào kiến giải, lầm cho có sở chứng sở đắc nên không ngộ được. Chỉ khi được ngài Nham Đầu phá cho, Ngài nhận ra chỉ ở trong mình mới thật là mình, không thể từ bên ngoài được, và như vậy mới thật là chứng đắc.

Ngũ Tổ đưa Lục Tổ qua sông, Ngài cầm chèo định chèo, Lục Tổ thưa:- Để con chèo. Ngũ Tổ bảo:- Phải là ta độ ông (Trong chữ Hán, chữ độ vừa có nghĩa là đưa qua sông, vừa có nghĩa là độ thoát, nên ý Ngũ Tổ là Ta là thầy thì phải là ta độ ông, dạy ông pháp giải thoát, giáo hóa ông). Lục Tổ thưa:- Khi mê thì thầy độ, ngộ rồi con tự độ (Lúc con chưa biết, thầy chỉ dạy cho con, khi đã biết rồi, con phải tự tu tự độ, thầy không thể tu giùm con, giải thoát giùm con). Đây cũng là câu nói nổi tiếng trong Thiền tông.

Trên đường tu, chúng ta đừng mong cầu chứng đắc. Vì vốn mỗi người tự có sẵn, chỉ cần nhận rồi tu, tu tới đâu tiến tới đó, biết tới đó. Chỉ biết thôi, đừng cho là chứng, nếu không sẽ bị dính kẹt ngay nơi đó, ngay lúc cho là được liền bị cột trói, không tiến lên được nữa.

“Ngoài không sở cầu”  là nói theo nghĩa rộng: bất cứ pháp gì, bất cứ ai cũng đều không cầu. Vì sao? Vì tự có đủ. Mỗi người đều có kho tàng vô giá, chỉ cần quay lại sẽ tự đầy đủ, không cần cầu bên ngoài. Lục Tổ khi ngộ đã thốt lên: “Đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ.”

Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy: Từ bi là Quán Âm, hỉ xả là Thế Chí, hay tịnh là Thích Ca, bình trực là Di Đà. Nhân ngã là Tu-di, tà tâm là biển độc, phiền não là sóng mòi, độc hại là rồng dữ, hư vọng là quỉ thần, trần lao là rùa trạnh, tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh.

Vậy, muốn thiện thì ngay tâm mỗi người chính là Phật, Bồ-tát. Muốn ác cũng tự biến thành rồng dữ, rắn độc… Đầy đủ tất cả, chẳng cần cầu bên ngoài. Không cần chạy lên Ngũ Đài tìm đức Văn Thù, lên núi Phổ Đà tìm ngài Quán Âm, về Tây phương lễ Phật Di Đà…, chỉ cần quay về tâm tu từ bi, hỷ xả, bình trực, tự có Phật Bồ-tát hiện thành.

Nhiều vị tu sĩ cả đời chẳng đi đâu, chỉ yên ở trong chúng, tu học công tác theo chúng, sống bình thường giản dị, không gì khác lạ, chỉ đến khi xả báo thân rồi mọi người mới biết vị ấy đã vào các quả vị hiền thánh, hoặc nếu không muốn cho người biết thì cũng không ai biết được chỗ chứng chỗ ngộ của quý ngài.

Thế nên, việc tu mỗi người chỉ tự người đó biết, không ai rõ được. Nhà Phật có câu “uống nước lạnh nóng tự biết”, là ý này vậy.

Tâm không bị trói buộc nơi đạo.

Chữ đạo ở đây là chỉ tự tánh mình. Đã là mình mà còn bị trói buộc thì đâu gọi là mình. Cho nên, vừa bị trói buộc nơi đạo liền là sai. Làm sao để cầu đạo mà không bị trói buộc nơi đạo? Vì đạo là chính mình nên chỉ cần quay lại, từ từ nhận ra, thầm thầm thể nhập, không có đạo bên ngoài để cầu, để chứng.

Tu như đi trên băng mỏng, phải cẩn thận dè dặt, một chút cũng không được dính mắc, vừa khởi niệm thích đạo, cầu đạo liền là chấp trước, ắt rơi xuống hố băng. Đức Phật luôn dạy thích đạo, cầu đạo là sai, phải nhận được tánh đạo, tức tự tánh mình, rồi thể nhập. Không có gì cao siêu, không có gì bí mật.

Thiền sư dạy: Tâm bình thường là đạo. Từ việc bình thường mà quay lại thể nhập, chạy tìm bên ngoài đều sai. Cầu đạo, thích đạo đều là bị trói buộc nơi đạo, như tằm kéo kén tự trói mình.

Cũng không kết nghiệp.

Nghiệp gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Nói không kết nghiệp đừng lầm nghĩ là không làm gì hết, mà là làm tất cả nhưng không chấp tất cả. Như đôi bàn tay của chúng ta, vốn có thể cầm nắm và làm tất cả việc, nếu chúng ta không làm gì cả thì có tay như không tay, mất đi diệu dụng của đôi tay. Vốn dĩ tự tánh chúng ta thể hiện ra sáu căn ứng xử với sáu trần, nếu chúng ta chẳng làm gì sẽ mất đi diệu dụng của nó.

Như đôi tay chúng ta, gặp việc thì làm, làm xong là buông, tay thường trống mà thường dụng, thường dụng mà thường trống: Cần ăn cầm bát đĩa chén muỗng, hết ăn buông xuống, cần quét nhà cầm chổi, quét xong buông xuống… Cứ như vậy, khi dụng liền dùng, hết dụng liền buông, như có như không. Tự tánh chúng ta cũng vậy, gặp duyên thì làm, xong việc rồi buông, tâm trở về trạng thái thanh tịnh. Tâm vốn thanh tịnh, khi khởi dụng sẽ ứng duyên tiếp vật, khi không cần trở lại vắng lặng, đó gọi là không kết nghiệp. Làm mà không có gì gọi là làm, tâm chẳng dính mắc vào đâu cả, thường làm mà thường vô sự!

Không nghĩ nhớ, không tạo tác.

Điều này làm sáng tỏ nghĩa không kết nghiệp.

Không nghĩ nhớ là không nghĩ vị lai, không nhớ quá khứ, tâm thường lặng lẽ như ngu như ngơ. Như ngu ngơ mà không phải thật ngu ngơ, trái lại vô cùng sáng suốt, biết tất cả nhưng không phân biệt, không luận bàn, nên nhìn giống người ngu. Nhà Nho có câu “đại trí như ngu”, người càng trí tuệ càng giống người ngu.

Mọi pháp thế gian đều là mộng huyễn, đã là mộng huyễn thì nghĩ làm gì, nói làm chi, nên các Ngài lặng lẽ không nghĩ, im lặng không nói, không khác gì người ngu ngơ, mặc kệ thế gian điên đảo tranh giành. Tuy nhiên như thế, nếu cần dùng ngôn ngữ để độ người, các Ngài sẽ biến thành người hùng biện tài ba, có thể giảng rộng nghĩa lý trong kinh, chỉ thẳng chỗ cốt yếu giúp người cầu học tiến tu, vận dụng khéo léo 12 bộ kinh trợ giúp cho sự thuyết giảng của mình được phong phú, sinh động, thuyết phục, lúc đó các Ngài có nghĩ nhớ, có nói năng. Tuy nghĩ mà không nghĩ, nói mà không nói, vì không đắm trước, xong việc liền buông, nên vẫn là không nghĩ nhớ, không nói năng.

Không tạo tác là không làm. Không làm không có nghĩa là không làm gì, mà là làm tất cả việc mà không dính trước, cần làm thì làm, xong việc liền buông, khi làm không dính, khi xong không trước, đó là không tạo tác. Như đến giờ tụng kinh theo chúng tụng kinh, mở miệng tán tụng lời kinh tiếng kệ, tụng xong lặng lẽ, không nói năng, không tham gia bàn luận, nói chuyện phải quấy tốt xấu của người. Tổ dạy: Để khóe miệng lên meo như chiếc quạt mùa đông. Đức Phật dạy: Im lặng như Thánh, nói năng như Thánh.

Chẳng tu chẳng chứng.

Tu là sửa. Nhưng pháp tu đúng là sống trở lại với tự tánh, mà tự tánh vốn trọn vẹn, đầy đủ, đâu cần sửa, nên nói chẳng tu. Chứng là chứng được những gì trước nay chưa có, nhưng tự tánh vốn có sẵn, là của chính mình, chỉ cần nhận lấy là xong, không do ai cho, không cần ai chứng minh, nên nói chẳng chứng.

Không trải qua các quả vị mà tự cao tột.

Tự tánh cao tột hơn hết. Thế Tôn mới sanh, đi 7 bước, một tay chỉ trời một tay chỉ đất, tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử.” (Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết, tất cả thế gian, sinh già bệnh chết). “Ta” đây là bản thể, là tự tánh, tự tâm, là đạo… Ngay đây quay trở về nhận lấy, thể nhập liền là thành Phật, không trải qua thứ bậc, quả vị, thẳng tiến đến Chánh giác. Như Long nữ trong kinh Pháp Hoa, liền đó thành Phật, đầy đủ mười hiệu.

Tuy vừa tin nhận liền là Phật, nhưng để thể nhập phải từ từ. Phật tánh không phân chia, không thứ lớp, nhưng chỗ thể nhập có sâu cạn. Dựa trên sự thể nhập cạn sâu này mà Đại thừa chia thành 52 quả vị. Tin chắc không nghi mình có tánh Phật, quyết định sẽ thành Phật là bước vào vị Thập Tín. Trụ vững sức tin, không gì lay động được ắt tiến lên vị Thập Trụ. Thực hành mọi phương tiện giúp sự thể nhập ngày một mạnh sâu, đó là Thập Hạnh. Làm tất cả việc đều chỉ một mục tiêu là thể nhập bản thể, quay về bản thể, tức vào vị Thập Hồi Hướng. Từng bước từng bước vững chắc thể nhập, càng nhập càng sâu, đó là vào vị Thập Địa. Thể nhập hoàn toàn vào bản thể như chư Phật không khác, tức tiến lên vị Đẳng Giác. Thấu rõ mọi diệu dụng không thể nghĩ bàn của bản tâm, ứng dụng tự tại, thể dụng viên mãn, chính là lúc thành tựu Phật quả.

Tuy chia thứ lớp mà thật không thứ lớp để chia. Vì tự tánh là chính mình, thể nhập là tự mình thể nhập, cạn sâu cũng là tự biết tự hay, không cần ai chứng minh, không cần ai giúp đỡ, và cũng không ai có thể giúp được. Thiền sư nói: Đó là việc nhà, người ngoài không xen vào được. Như tài sản trong kho tàng của mình, lấy được bao nhiêu xài bấy nhiêu, mở được bao nhiêu lớp cửa thì có được bao nhiêu tài sản, khi mọi lớp cửa được mở toang tức toàn bộ tài sản tùy nghi sử dụng. Tài sản và kho tàng đều là của mình, tùy ý sử dụng, không cần xin ai, không cần ai cho phép.

Chư Phật ra đời chỉ với một mục đích duy nhất là chỉ cho chúng sanh phương cách quay về sống với chính mình. Tám muôn bốn ngàn pháp môn đều là phương tiện giúp chúng sanh đạt được điều này mà thôi. Phật dạy lìa thế gian, đoạn dục vọng, dứt phiền não, trừ ái nhiễm v.v… đều là để chúng sanh dễ dàng trở lại bản tâm, chịu nhận ông Phật thật của mình, từ đó dần dần thể nhập. Như thí dụ cùng tử trong kinh Pháp Hoa, cha phải cùng hốt phân để con chịu chấp nhận mình, sau đó mới tuyên bố nhìn con và trao cho tài sản ức vạn.

Một Thiền sư nói: Đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm. Đốn ngộ tuy giống Phật không khác, nhưng sanh tử nhiều đời đã tập nhiễm những thói quen xấu sâu dày, không thể một sớm một chiều bỏ được, phải buông bỏ từ từ, nên nói “đốn ngộ tiệm tu”. Ngộ tuy nhanh, nhưng thể nhập phải từ từ, mỗi ngày một ít cho đến khi thể nhập hoàn toàn.

Ngài Đại Mai Pháp Thường nghe Mã Tổ nói “tức tâm là Phật” liền đại ngộ, nhận ra chính tâm mình là Phật. Từ đó quay về tâm mà sống, không còn chạy tìm bên ngoài. Sau, Mã Tổ vì muốn kiểm chứng chỗ sống của Ngài nên sai một vị tăng đến nói:- Bây giờ Mã Tổ không dạy tức tâm tức Phật nữa, mà dạy phi tâm phi Phật. Ngài bảo:- Mặc ông già làm loạn thiên hạ, tôi chỉ biết tức tâm tức Phật. Nghĩa là ngài đã nhận ra chân lý, biết rõ mọi lời nói hành vi của Phật Tổ đều chỉ là phương tiện, dùng phương tiện nào cũng được, bởi đích đến chỉ là một. Đến đích rồi thì phương tiện nào cũng phải bỏ, dù phương tiện có thù thắng đến đâu khi ấy cũng trở nên vô dụng. Tổ nói: Mạt vàng tuy quý rơi vào mắt cũng thốn. Phật dạy: Đến bờ rồi phải bỏ bè.

Biết mọi lời dạy của Phật Tổ đều là phương tiện giúp chúng ta nhận và sống lại với bản tâm, nên thấy phương tiện nào phù hợp với mình thì chọn rồi ứng dụng tu. Tuy nói tu nhưng thật không có pháp tu, chỉ là trở về với tự tâm, mà tâm vốn hoàn mỹ, không cần chỉnh sửa, nên tu mà không tu. Nhận được bản tâm giống như chứng ngộ mà thật không có chỗ chứng, vì vốn là của mình, không do bên ngoài được. Nên Phật dạy: Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng.

Trang trước

Mục Lục

Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.