Giải Thích Ý Nghĩa Một Số Thuật Ngữ Phật Học

Ý nghĩa "Đạo cộng Giới" và "Định cộng Giới"



Thời xưa, trước khi Phật chế định giới luật, Ngài dạy chư Tỳ-kheo Đạo cộng giới và Định cộng giới. Nghĩa là khi thấu được lý đạo, hiểu được chân lý tự nhiên đầy đủ giới, đó là Đạo cộng giới. Khi tâm ở trong thiền định, lặng lẽ bất động, cũng tự nhiên đầy đủ giới, đó là Định cộng giới. Nếu chỉ giữ giới trên hình tướng bên ngoài thì chỉ được giới tướng, không được giới thể. Khi mạng chung, giới tướng sẽ mất. Vì chỉ giữ giới trên thân miệng, không giữ giới trong tâm, tức không giữ được gốc của giới, nên qua đời khác sẽ không còn nhớ giới đã thọ. Nếu được giới thể, dù bỏ thân này thọ thân khác cũng không mất, vì sâu trong tâm, mình đã tập được thói quen không làm ác, thói quen giữ giới.

Khi chưa gặp Phật pháp, chưa biết tội phước, chúng ta phạm đủ các lỗi: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối v.v… Nếu đời trước biết giữ giới từ tâm thì đời này đâu đến nỗi ngu mê như vậy! Có một số vị vừa vào bào thai là đã ăn chay, do ảnh hưởng của thai nhi, khi mẹ vừa cấn thai là không thể ăn mặn được, lại ưa thích bố thí cúng dường, làm các việc lành. Đó là do đời trước đứa con này tu hành thanh tịnh, huân sâu pháp lành vào trong tàng thức, nên dù qua đời sau, mất thân cũ mà thói quen làm lành lánh dữ vẫn giữ được. Còn chúng ta vừa vào bào thai đã muốn ăn thịt chúng sanh, khiến mẹ thèm ăn đủ thứ cá thịt. Điều đó chứng tỏ đời trước mình giữ giới không tốt, chỉ giữ nơi thân miệng mà không giữ trong tâm, nên qua đời sau liền quên.

Đời này được gặp Phật pháp, gặp Đại thừa, gặp Thiền tông là duyên tu đời trước của mình rất sâu. Nhưng vì đời trước giữ giới không hoàn mỹ nên không tạo được thói quen toàn thiện cho đời này, do đó, trước khi gặp Tam bảo mình mới phạm nhiều lỗi như vậy. Đời này mình cố gắng tận dụng thắng duyên gặp Phật pháp, ráng đạt được Đạo cộng giới hay Định cộng giới để giới pháp này đi sâu vào tàng thức, thành được thói quen vĩnh viễn, sẽ theo mình qua các đời vị lai không mất.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.