Từ giã thầy Tối Tịch Tịnh, tượng trưng cho một phong cách lặng lẽ thanh tịnh không gì hơn, vì đã thấy các pháp trên đời này dung thông. Trong một lớp kịch có đủ diễn viên hiền thiện hung dữ, bổ sung làm thành cho nhau, nếu chỉ có người hiền không có người ác đối kháng, làm sao nổi bật tính cách của nhân vật. Có người đẹp thì cũng phải có người xấu như ma. Nếu tất cả đẹp hết thì chỉ có lên trời mà ở. Và do đó cõi trời chưa chắc đã vui.
Thiện Tài đến thành Diệu Ý Hoa, tham kiến thiếu niên Đức Sanh và thiếu nữ Hữu Đức, xin giảng dạy về Bồ tát đạo. Con đường tham học đã gần viên mãn, đã gặp các bậc thầy đạo hạnh, các trưởng giả, vua chúa, đạo sĩ tuổi đời pha tóc trắng. Cũng không ít lần gặp những người còn rất trẻ, rất ấu thơ. Việc tìm học không cần lựa chọn đắn đo, mỗi nơi, mỗi người là một bài pháp viên mãn. Đã quên đi bản ngã, quên thân phận giàu có của mình, quên thời gian năm tháng, chỉ còn tâm trí nhạy bén sáng suốt, bền lòng với chí nguyện mở rộng cánh cửa từ bi. Từ bi phải có trí tuệ, nên trên đường thực hành Thiện Tài học biết bao phương cách ứng dụng trí tuệ, không bị rơi vào mềm yếu.
Hai vị thiếu niên này cùng học pháp môn Huyễn trụ, nhờ đó quan sát trên đời sống, trong sinh hoạt hằng ngày, những nhân duyên phát khởi và biến mất đều như một lớp ảo hoá. Hãy lấy thí dụ về dịch bệnh hiện đại của chúng ta. Có phải như một trò ảo thuật không? Bỗng dưng hiển lộ, không biết từ đâu, chợt làm rối tung cả sinh hoạt bình thường. Không được đi đứng thoải mái, du lịch vui chơi, hội hè tưng bừng. Mấy công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn… khóc ròng. Đi đâu cũng bịt mặt bịt mũi như người ngoài hành tinh, tới nhà ai cũng bị hỏi, có ở vùng bị dịch không? Cả thế giới bị xáo trộn. Không thấy nơi chốn và mặt mày virus, thoạt biến thoạt hiện như ma.
Với con mắt trí tuệ đạo đức của bậc hiền nhân, hiện tượng này là một cảnh báo của nghiệp thức sát sanh quá đà, của những bước tiến sinh hóa tột bậc, vì rượt đuổi theo thành tựu công nghiệp, pha trộn điều khiển sinh hoạt tự nhiên của thế giới, đôi khi đưa đến kết quả nguy hại. Danh từ nhà Phật gọi là vô minh, phiền não, kiến chấp… Chúng ta cùng chịu chung hệ lụy, vì chúng ta đang sử dụng thành tựu hóa chất.
Trở về với Thiện Tài, bài học Huyễn trụ của hai vị thầy trẻ tuổi là một lời nhắc nhở cần thiết. Trước đó đã được Ma-gia phu nhân dạy về Huyễn trí, bây giờ tiến lên một bước, dùng trí nhìn muôn vật như một lớp màn trình diễn, chiếu hiện. Biết như huyễn thì không quá trụ trước dính mắc, như xem một cuốn phim, dù hay đến mấy cũng chỉ là bóng hình lướt qua. Người xem ở đâu? Thoảng chốc trả về tính Không của chân như.
Hòa thượng có bài giảng nói về tính cách của người tỉnh và người ngủ chiêm bao. Như có mấy người ngủ say trong phòng, thấy mộng dữ bèn kêu khóc… Người tỉnh ngủ ở gần đó thấy như vậy làm sao? Mặc kệ để cho họ khóc hay tới đánh thức cho khỏi chiêm bao? Bồ tát vào đời là những người đang tỉnh, biết rõ mộng không thật nhưng chúng sanh đang lăn ra đó khóc cười, phải hết sức lôi họ ra khỏi giấc mơ.
Đang viết như thế này không biết là viết trong chiêm bao hay đã tỉnh ngủ?