Thiện Tài đến làng Dharma học với thầy Bà-la-môn Tối Tịch Tịnh. Thầy nói, ta được môn Bồ tát Giải Thoát tên là Thành nguyện ngữ. Các Bồ tát dùng lời nói chân thành này mà được đạo quả.
Đây là bậc thầy về lời nguyện. Bước vào đạo, đầu tiên chúng ta được nghe lời nguyện, đọc lên những lời nguyện tốt đẹp nhất gửi đến thế giới chúng sanh lời nói thành tựu mọi việc lành. Đôi lúc chúng ta không thấy sự quan trọng của lời nói, vô tình phát những lời vô ích hoặc làm tổn hại người, những lời cay đắng mích lòng nhau. Đi học đạo trước tiên phải giữ giới về miệng, riêng cái miệng thôi đã có bốn lỗi. Chúng ta giao tiếp, làm việc học hỏi, phản ứng đều qua ngôn ngữ. Đạo lý uốn nắn, giữ gìn ngôn ngữ chân thật và tốt nhất là mỗi lần xưng tụng, chúng ta đọc lên lời phát nguyện rộng lớn. Đôi khi, chúng ta đọc lên như một thói quen không hề chú tâm, không thấy sự thành tựu quan trọng của lời nguyện.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Bốn câu này tất cả tăng ni phật tử đều thuộc lòng, và đó là Thành nguyện ngữ, lời nguyện chân thành nhất, phát xuất từ trái tim thương yêu, hiểu biết. Thương yêu vì muốn chia sẻ công đức lành đến tất cả mọi người, hiểu biết vì tin rằng ai ai rồi cũng sẽ trở thành một vị Phật.
Các vị Bồ tát lớn đều có lời nguyện lớn. Bồ tát Quan Âm có 12 lời nguyện. Bồ tát Phổ Hiền có 10 đại nguyện. Bồ tát Địa Tạng thì nguyện rằng chừng nào địa ngục không có tội nhân, lúc đó mới thành Phật. Không phải địa ngục của một thế giới mà mười phương thế giới. Lời nguyện mang sức mạnh rộng lớn. Không e ngại do dự, chỉ với mục đích cứu vớt chúng sanh. Nếu mình nguyện không nói ra,không thành sức mạnh, như mũi tên chỉ mới giương lên chưa bắn đi. Mũi tên bắn ra, có sức mạnh nhắm mục tiêu, không lạc hướng. Lời nguyện dẫn đường cho hành động nhất quán là thành tựu Phật quả.
Đời sống chúng ta sẽ lông bông lãng phí, nhiều ngàn năm trôi qua, vô số đời sống sanh ra rồi chết đi, rất hư ảo, mơ hồ và lung tung. Khi lợi ích, khi vô tích sự, nếu chẳng được một sức mạnh làm chủ. Sức mạnh đó chính là lời phát nguyện chân thành dễ thương, hướng đến cộng đồng, hướng đến chân trời cao rộng.
Kinh Hoa Nghiêm, có một phẩm Tịnh Hạnh để viết về những lời nguyện trong đời sống, bất cứ khi làm gì và ở đâu. Khi lái xe trên làn đường thẳng, nguyện :
Gặp đường thẳng tắp
Nguyện rằng chúng sanh
Cõi lòng chính trực
Không dối, không nịnh
Gặp khúc đường bụi nhơ thì sao ?
Gặp đường đầy bụi
Nguyện rằng chúng sanh
Rời xa bụi bặm
Được pháp thanh tịnh.
Hết thảy 141 bài kệ nguyện để nuôi tâm chúng ta không xao lãng trong hành động. Rất thú vị và hữu ích, dần dà tâm chúng ta được vào định, trí tuệ tỉnh thức, đồng thời mở rộng đón tất cả bước chân, tất cả loài hữu tình ôm vào trong bản nguyện của mình.