Từ giã vị thầy thứ hai mươi ba, ThiệnTài theo lời chỉ dạy đi tiếp về phương Nam, đến thành phố Ca-lăng. Và lần này để gặp Tỳ-Kheo-ni Sư Tử Tần Thân. Một vị thầy là Tỳ-Kheo-ni, bậc xuất gia đáng kính, duy nhất trong các vị thầy. Cũng tưởng nên giới thiệu về hệ thống các vị ni xuất gia dưới thời đức Phật. Khởi đầu từ hoàng hậu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, người nuôi dưỡng thái tử sau khi mẹ của Ngài – hoàng hậu Ma-gia – qua đời. Lúc ấy, bà đã tám mươi tuổi, Phật thành đạo năm năm, về lại Ca-tỳ-la-vệ làm lễ viên tịch cho vua cha. Nhìn cảnh tượng vua Tịnh Phạn đắc quả vị A-la-hán, trên giường nằm và an ổn chấm dứt một đời, trong ảnh hưởng của đức Phật, Di Mẫu thấy mọi thứ ở thế gian như hoa chớp tắt, chỉ có niềm an lạc cuối cùng. Bà xin Phật được xuất gia. Lúc này tăng đoàn chỉ có Tỳ-Kheo Tăng. Và cùng với bà, còn có thêm mấy trăm các bà, phi tần cung nữ cùng xin được làm ni. Có thể đức Phật hơi lúng túng. Tăng xuất gia ở dưới gốc cây, ở trong rừng, ở dưới đồng trống, ôm bát đi khất thực… dễ dàng. Còn quý bà này, ở đâu? Xã hội Ấn Độ chưa chấp nhận người nữ ở ngoài ngôi nhà của mình – Và cho tới bây giờ cũng không quen cúng dường Tỳ-Kheo-ni .
Phật từ chối ba lần, rồi đi về phía thành Tỳ-xá-ly, cách Ca-tỳ-la-vệ khoảng hơn hai trăm cây số. Kinh sách ghi lại, Di Mẫu cùng năm trăm quý bà, quý cô, cạo tóc, khoát y vàng, đi bộ từ Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly, đến nơi đứng ngoài tinh xá, không dám vào, đợi xin Phật xuất gia. Ngài A-nan tội nghiệp, cố năn nỉ Phật, và đợi lời xác nhận rằng người nữ cũng có khả năng chứng Thánh quả, cùng điều kiện – tám điều kiện gọi là Bát Kỉnh Pháp – Di Mẫu được xuất gia với năm trăm quý cô.
Ngày nay, với tinh thần Âu Mỹ, không quen cung cách ni phải cung kính đảnh lễ quý thầy. Nhưng đâu có mất mát gì cái xá chào, chỉ tăng vẻ hòa nhã vốn có của mình thôi. Chỉ vì, xuất gia ban đầu toàn là quý cô nương quyền, chỉ một số ít bình dân, rủi như quen theo giai cấp, các bà lên mặt với chư Tăng khất sĩ thì rất khó coi.
Hiện tượng xuất gia một lúc năm trăm người chắc là hoành tráng. Nhưng chưa hết, 40 năm sau hay khoảng thời gian gần như thế, Phật tuyên bố nhập diệt, bấy giờ Di Mẫu 120 tuổi, xin được nhập diệt trước. Bà cùng về tinh xá, với năm trăm vị Tỳ-Kheo-ni chứng A-la-hán, nhập diệt một lần. Thế gian rực sáng khi các vị thực hiện thần thông, phi thân, phóng hào quang, cả khu rừng rung động. Trổ hết thần lực cho oai. Và trong lịch sử nhà Phật, chỉ có hiện tượng này duy nhất, một lúc tịch diệt năm trăm vị. Bên Tăng không ai rủ nhau làm như thế.
Truyền thống chư ni ở Ấn Độ và Tích Lan buổi đầu rất rực rỡ, không như bây giờ. Lịch sử để lại dấu ấn vàng, Tỳ-Kheo-ni trong chuyến đi cầu đạo này cũng phi thường. Thiện Tài tìm đến Vườn Nắng, nơi ở của các vị thầy Ni đức độ. Toàn bộ khu vườn rực nắng, chan hòa nắng, mỗi người ở trong khu vườn này đều phát ra ánh sáng. Thiện Tài cũng thấy mình sáng rỡ, toàn thân bừng sáng đặc biệt. Đó là ánh sáng ẩn chứa trong trái tim mỗi người, khi phát huy sự tỉnh thức, con người chúng ta hết u tối.
Nhiều kỳ hoa dị thảo, cây cao vút tàn xanh biếc, hoa trải vườn, trái trĩu nặng trên cành, ao nước đầy hoa sen thơm:
Nguồn suối, nước ao tuôn nước mát
Vườn rừng, cây báu nở hoa tâm.
Tỳ-Kheo-ni bảo với Thiện Tài: Thiện nam tử, ta được môn giải thoát tên Thành Tựu Tất Cả Trí Tuệ, thân ta hiển hiện khắp mười phương thế giới rất nhanh.
Người đến Vườn Nắng của ta, ta giảng nói pháp Ba-la-mật, nhuộm đầy tâm với trí tuệ rốt ráo thanh tịnh, khiến tâm tình chói sáng không còn vướng bận chấp trước bon chen. Bậc Đại Bồ tát nhờ tâm không phân biệt, mở thân ngồi yên mà hiện khắp nơi. Trong Vườn Nắng, đâu đâu cũng có các vị Tỳ-Kheo-ni ngồi tòa thuyết pháp, mỗi lời đều hiển lộ tâm sáng ngời, người đến nghe, tâm cũng sáng tỏ, vì thế vườn này tên là Vườn Nắng. Nếu biết chỉ vì tâm chấp chặt không buông, tâm phân biệt lang thang làm bóng tối ngăn che. Một khi đổi bỏ sự phiền muộn ảm đạm thành năng lực tươi sáng thì nhìn đâu cũng là Phật cảnh.
Lời thuyết pháp của Ni sư như tiếng gầm của sư tử, đẩy lùi tất cả nghi ngờ nhỏ nhen. Vươn thân lên, rộng lớn hùng mạnh. Không mặc cảm vì mình khó tu, nghiệp nặng, yếu ớt. Chỉ cần đổi một tâm, một giây phút ưu tư, trong ba mươi giây thành hoan hỷ cười với mọi người. Trong khoảnh khắc, Thiện Tài thấy mình dạo qua khắp các chỗ các nơi. Vô biên cảnh giới mình phải nguyện đi đến cùng tận để giúp đỡ an ủi mọi người. Hạnh Bồ tát rộng khắp, và vũ trụ này tuy rộng lớn nhưng so với chân tâm thanh tịnh thì chỉ như một điểm mây giữa trời. Trải lòng ra vô cùng tận cũng chẳng bao giờ cạn hết ánh sáng rực rỡ của tâm mình. ¤