Thiện Tài Cầu Đạo

23. Tham vấn Trưởng giả Vô Thượng Thắng



Nếu cứ mãi lên đường để tìm cầu chân lý, chưa được dừng nghỉ ở bên bờ nào, có mỏi mệt lắm không? Đâu là bến bờ an lạc để chúng ta có thể an nhàn sống một đời, không băn khoăn thắc mắc về cuộc đời mình? Vì chưa thấy được nên cứ phải hỏi thăm, suy tư, học tập, không biết mình tu như vầy đúng hay chưa, lâu lâu phải tìm một đạo tràng mới, một vị thầy siêu xuất tài ba để đổi món.

Chúng ta thường cho rằng mình đang ở trong dòng sông sanh tử, mình đang ở bên bờ mê, có bờ bên kia là bờ giác. Mình ngóng đợi bờ giác, hoặc tìm người chở dùm mình qua bờ giác. Mình cứ thường tụng câu “yết-đế ba-la yết-đế…” với một một tâm tư khắc khoải. Yết-đế có nghĩa là qua đi, qua hết tất cả… Vì chưa qua được, chưa độ được mình nên mong cầu Phật độ. Tagore nói, ở Ấn Độ, người lái xe đánh xe hát “Hãy độ tôi qua bờ bên kia”… Có bờ nào khác chăng? Bờ bên kia ở đâu?

Có phải đó là chỗ khác chỗ chúng ta hiện đang ở? Có phải là chỗ yên nghỉ hết công việc, cởi bỏ hết trách nhiệm với cuộc đời? Không! Chính ngay giữa lòng hoạt động mà chúng ta tự tại. Chúng ta kêu gọi người độ chúng ta qua, ngay nơi chỗ chúng ta tự tại. Quả thực, hỡi Đại dương nguồn vui, ở trong Người bờ bên này và bờ bên kia chỉ là Một.

Trong thân xác hữu hạn này, chúng ta kêu gọi tính cách vô hạn tuyệt đối, và luôn luôn đi tìm,“Còn có tâm tìm toàn chẳng biết”. Tagore xác định “Chính trong tâm hồn của con người, biểu lộ tính cách tự do vẹn toàn”. Ngay ở đây, tức thì, nhà thiền cũng lập tức xác nhận. Và chúng ta, tìm đọc, học hỏi biết bao nhiêu điều, vẫn không ngớt lo âu thắc mắc. Biết rằng “Bờ bên kia – Bỉ ngạn” là cõi Niết-bàn, không còn sanh diệt. Làm sao đây? Rốt cuộc một câu chỉ thẳng: Dính mắc nơi tâm nơi cảnh thì gọi là bờ bên này. Buông đi, không dính mắc thì đó là bờ kia. Không cần thay đổi con người, thay đổi vị trí, ngay chỗ đứng của mình mà không dính mắc, thì đó là đã ở bờ giác. Viết ra rất dễ, nhưng thực hành được khó vô vàn. Nhưng ít ra cũng giúp chúng ta không còn khắc khoải đi tìm một bờ an nghỉ, biết cách tự dừng, tự buông bỏ. Nhà Thiền, ngay nơi đó thấy được, và nói “Phật pháp không có chi nhiều”. Thử nghiệm xem, đang bực bội sân si, mặt mày nhăn nhó bỗng dưng buông được cục giận trong lòng, mặt hết nhăn, tâm hết giận, ngay chỗ đang đứng là bờ bên kia. Có phải vui không?

Học đạo thứ hai mươi ba, Thiện Tài tìm đến Trưởng giả Vô Thượng Thắng, thấy ông đang ngồi giữa đám đông, nói những chuyện hòa hợp vui vẻ, dứt hết hiềm khích giận hờn. Một năng lực làm chuyển đổi người, thay đổi tâm như thay một chiếc áo mới, thổi luồng gió mát qua cuộc đời nóng bức. Ông hiện diện tất cả mọi nơi chốn, đến với tất cả hạng người không phân biệt giàu nghèo sang hèn, đến đâu cũng đem niềm vui. Thiện Tài khâm phục và suy nghĩ, do đâu mà ông hiện diện không chướng ngại. Vì trong tâm không dính mắc vào cảnh vào người, hồn nhiên tự tại mà đi mà đến. Với tâm nguyện đại bi muốn giúp người ra khỏi vòng vây của phiền não. Đặc biệt là niềm tin vững chắc, mọi người đều có khả năng giác ngộ. Phật tánh sẵn đủ, dù khi lăn lóc chợ đời hay khi cao sang quyền quý. Mọi loài đều có một mẫu số chung là tánh Phật không thay đổi. Một tên ăn cướp ôm tiền đi qua rừng, thấy chị đàn bà ôm hai con nhỏ ngồi đói meo, đứa bé khóc, đứa lớn đòi ăn. Hắn bèn tặng chị hết số tiền… và đi ăn hàng tiếp.

Tất cả pháp giới chúng sanh là hình ảnh của Phật. Để cúng dường Phật, không cần vào cõi Phật để dâng hoa đốt hương, chỉ cần đến mỗi chúng sanh, tâm ân cần tha thiết, cảm thông, tìm cách lay chuyển họ tỉnh thức. Tâm mở rộng thì cánh cửa mở rộng. Nếu người khác không mở cửa? Lúc này chắc phải về nhà luyện thêm công lực, hoặc tìm thêm chuồn chuồn bươm bướm mà nói chuyện. Đời sống vốn vô cùng vô tận không cần phải bo bo chấp cứng một chỗ.

Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao.

(Basho)

Muốn khuyên người thả tâm ra, trước tiên mình phải thả tâm mình. Đừng la lên: “Trời ơi, sao tôi khuyên bạn nên buông, nên hoan hỷ bỏ qua, cho mọi việc đều không quan trọng. Bạn không nghe lời tôi, bạn chấp cứng quá”. Và mình trở thành một cục đá cứng ngắc. Chúng ta luôn luôn là một ông thầy dở ẹc. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.