Thiện Tài Cầu Đạo

25. Tham vấn Cô nương Bà-tu-mật-đa



Giã từ khu vườn Trang Nghiêm và vị thầy trang nghiêm, tiếp tục lên đường. Qua sa mạc xương khô nắng cháy, không có một bóng chim bay, không có âm thanh vang vọng của sinh hoạt. Gẫm lại, mỗi cuộc đời như một cuộc dấn thân lên đường, sinh tử không dừng. Có khi đến một nơi yên ổn mát lành, có khi phải trải qua từng bước gian khổ.

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn

Treo gót hài trên mái tóc vào thu

Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá

Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô.

Thời sinh viên, mấy câu thơ mơ mơ hồ hồ được ghi chép trong sổ tay, để ngẫm nghĩ về sự có mặt của mình.

Thiện Tài đi đến ngày thứ ba mới thấy hơi ấm xóm làng, xa xa là dãy núi để bước qua đó, vào thành Bửu Trang Nghiêm. Hỏi thăm nhà của cô nương Bà-tu-mật-đa, mọi người đều thắc mắc, cớ gì một người hành đạo lại đến nhà kỹ nữ?

Thời Phật, có một nhân duyên làm chấn động các đệ tử. Đó là lúc Ngài ở thành Tỳ-da-ly nhận khu vườn xoài của kỹ nữ Am-pa-ba-li, đến nhà nàng thọ trai, thuyết pháp độ người. Am-pa-ba-li là một cô nàng chốn lầu xanh, nhan sắc và quyền lợi vượ hơn người. Biết bao vua chúa, công tử bị dụ dẫn, đem hết của cải đổ vào để mua vui. Khi Phật về đến thành, cô nghe tin, muốn gặp Phật, và rốt cuộc với lòng từ bi, Phật cảm hoá cô nàng. Nghe tin Phật nhận lời thọ trai tại vườn xoài Am-pa-ba-li, các vương tử thành Tỳ-da-ly vội vàng thắng xe ngựa đến nhà cô, đề nghị trao đổi, sẽ bù bao nhiêu vàng, bao nhiêu ngọc để đổi lấy buổi cúng dường. Dễ gì cô chịu. Quyền thế và tiền tài chẳng là cái đinh gì. Và ở Ấn Độ, có những khu vườn được ghi danh trong kinh sử, vườn của thầy thuốc Kỳ-bà ở thành Vương Xá, vườn xoài Am-pa-ba-li ở Vesali, vườn thái tử Kỳ-đà… thiên nhiên xanh hiện giờ vẫn còn.

Có lẽ vì thế, kỹ nữ Bà-tu-mật-đa được ghi chép trong chuyến đi cầu đạo. Biệt thự lâu đài của cô tráng lệ nguy nga, cát vàng đầy sân, ao nước trong mát sen nở bốn mùa. Dung nhan tuyệt trần, toàn thân mát dịu hương thơm. Cô dùng sắc đẹp của mình dụ dẫn người tìm đến, đối diện, nghe tiếng nói, chạm tay… đều lìa tham ái. Nghe thiên hạ bảo nhau rằng, ai khổ vì si mê mà trao đổi vài câu với cô thì khổ đau hết, cầm tay cô thì cảm xúc biến mất, ngồi gần cô một chút để tất cả rối loạn đều thư giãn, ngắm dung nhan một thuở thì điên đảo không còn. Nhà Thiền có câu: “trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí để nhổ”, áp dụng trong trường hợp này. Đôi khi nghe và ái mộ sắc hương, họ rủ nhau đi tìm. Tìm đến ái dục thì dễ dụ hoặc hơn rủ nhau đi nghe pháp. Phải là công lực thượng thừa mới chuyển đổi tâm người.

Tùy theo chủng loại, có khi cô hiện thân làm thiên nữ, hoa hậu cõi người, ngư nữ biển, ma vương nữ… so one! Trước mặt mọi hình ảnh đẹp đều tan như mây khói, nếu đang là người biến dạng thành một loài khác, chúng ta sẽ tan vỡ ảo tưởng. Trong si mê vẫn có mầm chồi trí tuệ, đưa si mê tới tận cùng tâm tưởng nhằm hoá độ chúng sanh. Công hạnh của vị này đặc biệt. Thuở quá khứ đã từng gặp Phật, xúc động vì ánh sáng từ bi trí tuệ của Ngài, phát thệ nguyện đưa sự xúc động của chính mình làm yếu tố khởi dậy lòng từ bi trí tuệ nơi mọi người. Với tâm hồn đoan chánh, Bồ tát xả trừ lòng tham dục, xông pha vào cõi dục để cứu vớt chúng sanh, đưa hết thảy lầm mê về nhận thức chơn chánh, không còn gì là đẹp xấu tồn tại nơi đời.

Bài học lần này, rất đẹp và thú vị. Thiện Tài nhìn lên hư không, mây hiển hiện và tan biến, không có gì để luyến tiếc.

Thế gian hằng như mộng

Niết Bàn như không hoa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.