Nội dung:
Làm sao để thiết lập giá trị về quan điểm thiện ác một cách chính xác? Tôi không cho rằng thời đại hiện nay là xấu ác nhất, là thiện ác không phân, là thiện ác đảo điên. Sự thật, bất kỳ thời đại nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, thiện ác luôn luôn tồn tại song hành. Thiện đại biểu cho giá trị chính diện, tượng trưng cho ánh sáng. Ác đại biểu cho giá trị phản diện, tượng trưng cho bóng tối. Hai thứ này tùy theo thời đại, tùy theo hoàn cảnh khác nhau mà thay thế cho nhau, cái này giảm thì cái kia tăng. Do đó, ở mỗi thời đại đều phải xác định rõ ràng về tiêu chuẩn thiện ác để trợ giúp cho tất cả mọi người trong xã hội.
Chúng ta có thể dựa vào ba phương diện: Hành vi, kết quả và động cơ để đánh giá thiện ác.
Người ta thường quen dựa vào những biểu hiện về hành vi để đánh giá thiện ác của người. Thật ra, người có hành vi xấu không hẳn là người xấu, và người có hành vi tốt cũng không nhất định là người tốt. Ở Mỹ, tôi vừa chủ trì xong một tuần Thiền thất chuyên tu. Trong thời gian ghi danh, có một người Mỹ trên đường đến tham dự đã gặp một sự việc. Sự việc này làm anh trong ba ngày đầu không cách gì tập trung tu tập được, sau cùng anh quyết định đem tâm sự của mình nói với tôi. Té ra lúc anh lái xe trên đường cao tốc, có một con nai nặng khoảng hơn 200 cân đột nhiên từ trong rừng chạy ra, anh thắng xe không kịp nên đã cán chết con nai. Anh rất buồn, nghĩ: “Mình muốn đi tu hành, sao lại sát sanh!” Do đó vô cùng thống khổ. Tôi nói với anh: “Anh chẳng làm việc xấu, nhưng hành vi anh không tốt. Anh không sát sanh nhưng xe của anh đã cán chết con nai.”
Một người Phật tử nếu cho rằng hành vi trên là sát sanh, là làm việc xấu thì đó là quan niệm sai lầm. Theo quan điểm Phật giáo, muốn phán đoán một người là thiện hay ác phải đủ hai điều kiện: Một là lời nói phải ứng hợp với ý niệm, hai là thân làm phải tương ưng với tâm ý. Nếu chỉ nói hay làm mà ý không nghĩ thì cũng không kể là làm việc xấu hay phá hoại giới luật.
Tức là từ kết quả của hành vi mà đánh giá xem là thiện hay ác.
Có một số người có tâm làm việc tốt, nói lời lành, nhưng kết quả lại không tốt. Hoặc có một số người vốn có tâm bất thiện, nhưng xảo hợp thế nào lại khiến người được lợi ích. Những việc tương tợ thế này có rất nhiều trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Do đây có thể biết từ kết quả mà đánh giá thiện ác thường là không chính xác.
Động cơ nghĩa là ý nguyện của chính mình. Theo quan điểm Phật giáo, điểm này rất quan trọng. Phật pháp giảng nhân duyên, nhân duyên là chỉ nhân tố. Mỗi người làm việc gì, nói lời gì, đều có nhân tố chủ yếu của họ. Nếu có người làm với tâm bất lương, nhưng vì những nhân tố bên ngoài biến hóa khiến sinh ra kết quả tốt, hạng người này không kể là làm việc tốt. Tuy họ không làm điều xấu nhưng động cơ không chánh. Thế nên, động cơ tốt hay xấu là căn cứ quan trọng cho việc đánh giá thiện ác.
Thiện ác là chỉ cho sự đánh giá về giá trị. Thiện là giá trị chính diện, ác là giá trị phản diện. Tiêu chuẩn đánh giá về giá trị thiện ác thường dựa theo thời đại, hoàn cảnh và bối cảnh văn hóa khác nhau mà có sự sai khác, nhưng sự ảnh hưởng của nó đối với cá nhân, xã hội, lịch sử thì xưa nay không đổi. Nếu hành vi của một người có thể phát triển song hành với đạo đức, học vấn, kỷ năng của mình thì đó là thiện, là tốt. Ngược lại là ác.
Kế đến, theo quan điểm xã hội (xã hội bao gồm cá nhân, gia đình, và sự hỗ tương ảnh hưởng qua lại giữa người với người), vấn đề nội tâm cá nhân là việc của cá nhân, nhưng nếu những điều họ nghĩ lại được biểu hiện ra ngôn ngữ, hành vi thì sẽ ảnh hưởng tới gia đình và tất cả những người có liên quan trong môi trường xung quanh.
Ở Mỹ, thanh thiếu niên dùng á phiện rất nhiều, có người từ tiểu học đã bắt đầu hút. Đây là do nguyên nhân gì? Điều này có liên quan rất lớn với gia đình và bạn bè mà nó tiếp xúc. Người dùng á phiện, vì hay gây ra những ảnh hưởng xấu cho người khác nên đây là việc xấu.
Nghe nói ở Đài Loan hiện nay có rất nhiều người thích ăn rắn, mà rắn càng độc càng thích, nói là rắn có thể trừ tà, giải độc, bổ thân. Ngoài ra có người thích ăn sơn hào hải vị, mục đích của họ không phải vì dinh dưỡng, mà là vì để thỏa mãn tính tự đại và chuộng hư vinh của mình. Ở Đài Loan, kiểu cách này rất phổ biến.
Gần đây, ca sĩ nổi tiếng Hồ Đức Kiện, khi trở về Đài Loan đã nói: “Đài Loan ăn xài phung phí quá!” Ở Mỹ, tôi cũng gặp qua một số bạn Mỹ từng đến Đài Loan, họ nói: “Điều kiện sống ở Đài Loan tốt hơn Mỹ.” Tôi nghe xong cảm thấy rất lo buồn cho Đài Loan. Ở Đài Loan có người ăn một bữa cơm tốn hơn vạn đồng, mà bảo họ quyên tiền làm từ thiện thì 1-2 ngàn đồng cũng than là nhiều. Kiểu cách này, quan niệm này rốt cuộc là thiện hay là ác?
Chúng ta cũng có thể dựa vào giá trị lịch sử mà đánh giá thiện ác. Bạn đọc đều biết rằng không nên tranh giành danh lợi trước mắt, không nên tranh giành hiện thực, mà nên tranh giành lịch sử ngàn năm. Tạm không nói đến có thể lưu danh trong lịch sử hay không, mà chỉ nghĩ xem cuộc sống, hành vi của mình hiện tại đối với tiền đồ của con cháu, dân tộc, và cả đến toàn thể nhân loại đời vị lai sẽ có ảnh hưởng như thế nào. Trong Thư Kinh có nói: “Nhà tích thiện ắt có vui dư, nhà tích ác ắt có họa hậu.” Đây là sự đánh giá về giá trị lịch sử đời vị lai của gia tộc mình.
Còn về những nhân vật lịch sử, đương thời có lẽ có nhiều người sùng bái họ một cách mê muội, nhưng xét theo quan điểm lịch sử, rất có thể cho họ là người xấu. Cho nên theo tư tưởng khác nhau của mỗi thời đại, sự đánh giá về các nhân vật lịch sử cũng sẽ khác nhau. Nhưng theo quan điểm Phật giáo, Phật pháp không thể vì thời đại khác nhau mà có tiêu chuẩn đánh giá thiện ác khác nhau.
Có thể chia làm 4 điểm:
Lấy lập trường tự tư tự lợi làm tiêu chuẩn đánh giá thiện ác là không chính đáng, vì rất nhiều kẻ ác luôn nói mình là người thiện.
Người thiện có thể chia làm hai loại: Một loại xem tất cả mọi người là người tốt, loại khác phân tất cả mọi người làm hai hạng thiện và ác.
Trên thế gian làm sao có thể có người nào thấy tất cả mọi người là người tốt chứ? Nhưng đây chính là thái độ của Phật và Bồ-tát. Bạn chính diện giúp đỡ quý Ngài, quý Ngài sẽ nói: “Rất tốt, cám ơn bạn.” Bạn lén lút đả kích quý Ngài, quý Ngài cũng sẽ nói: “Rất tốt, cám ơn bạn.” Tại sao vậy? Bạn giúp đỡ quý Ngài là tăng thượng duyên, bạn đối phó quý Ngài là Nghịch tăng thượng duyên. Bất luận bạn cư xử như thế nào, quý Ngài đều cho bạn là người tốt.
Người bình thường cũng có thể dùng phương thức này để đánh giá. Có một số người rõ ràng gây bất lợi cho ta và ta không cách gì trốn tránh được, khi đó chỉ đành tiếp nhận, sự tiếp nhận này chính là sự khảo nghiệm. Nhờ sự khảo nghiệm và mài luyện này mà chúng ta càng chín chắn hơn, do đó phải cảm ơn họ. Chúng ta là đệ tử Phật phải học tập thái độ này, thiện ác phân biệt rõ ràng, nhưng không nên xem kẻ ác là loại người hết thuốc chữa, hoặc xem họ là kẻ thù vĩnh viễn của mình.
Nếu các nền văn minh, văn hóa trên thế giới này có thể giao lưu với nhau thì tiêu chuẩn về phong tục tập quán xã hội sẽ giống nhau. Nhưng do sự khác nhau giữa các dân tộc và tín ngưỡng, nên giá trị phán đoán ở các khu vực và các thời đại cũng khác nhau. Do đó, vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài cho rằng một người đệ tử Phật khi đến bất cứ nơi nào, bất cứ nước nào, vào bất cứ thời đại nào cũng không được phản đối phong tục tập quán xã hội đương thời, nếu không thì bị xem là “ác”. Vì nếu bạn phản đối những thứ mà người ta cần thì bạn không cách gì tồn tại được, cả đến Phật pháp cũng không thể hoằng dương được. Đó gọi là “tùy phương tùy thời”, tức là tùy theo hoàn cảnh, tùy theo thời đại mà có tiêu chuẩn khác nhau, đây là cách nghĩ của Thế Tôn.
Có thể có một số người tin tưởng vĩnh viễn vào tư tưởng triết học. Nhưng luận thuyết triết học không thể phổ biến vĩnh viễn được. Do đó, đánh giá bằng tư tưởng triết học là không chính xác.
Theo quan điểm của Kinh Islam và Kinh Cựu Ước, tất cả những người lễ bái thần tượng đều phải đọa địa ngục. Có lần tôi đáp máy bay từ Đài Loan đi Mỹ, trên phi cơ gặp một Mục sư người Hàn quốc, anh ngồi kế tôi, chúng tôi nói chuyện với nhau. Sau khi nghe tôi nói xong, anh lắc đầu than: “Tiếc quá! Tiếc quá!” Tôi hỏi anh: “Tiếc cái gì?” Anh đáp: “Một người ưu tú như anh sao lại tin Phật giáo?” Tôi hỏi: “Vậy tôn giáo nào tốt nhất?” Anh đáp: “Tôn giáo tốt nhất đương nhiên là Cơ đốc giáo.” Tôi nói: “Đúng, đúng”. Anh nói: “Đã nói đúng, sao anh còn tin Phật giáo, không tin Cơ đốc giáo.” Tôi nói: “Đối với anh, Cơ đốc giáo tốt nhất, còn đối với tôi, Phật giáo tốt nhất, anh có đồng ý không?”
Sự thật, bất luận là tôn giáo cũ hay tôn giáo mới, họ đều không chấp nhận nhau, đều cho rằng đối phương có vấn đề. Người sáng suốt tuy không công khai phê bình (vì thời đại này không chấp nhận), nhưng khi đánh giá riêng tư họ vẫn cho rằng tôn giáo của mình là tốt nhất, các tôn giáo khác đều có vấn đề. Do đây có thể thấy tư tưởng tín ngưỡng tôn giáo cũng không thể làm tiêu chuẩn phán đoán.
Ngoài tôn giáo còn có biện pháp nào khác ước thúc tâm người không? Tuy có, nhưng không đáng tin. Do đó, trong tình huống bất đắc dĩ vẫn cần có tôn giáo, có tôn giáo vẫn tốt hơn không có. Cho nên Phật giáo cho rằng mọi tôn giáo đều nên tồn tại, hạng người khác nhau, tầng lớp khác nhau, hứng thú khác nhau đều có thể tin tưởng tôn giáo khác nhau.
Có thể chia làm bốn điểm:
Đây là tiêu chuẩn thế gian, chỉ tiêu chuẩn đánh giá trong xã hội thông thường, là sự đánh giá mức ảnh hưởng của một người đối với cá nhân, gia đình, xã hội. Tốt gọi là thiện, xấu cho là ác, bao gồm các tiêu chuẩn về luân lý, đạo đức, phong tục tập quán và pháp luật. Cho nên là một đệ tử Phật, trước phải chấp nhận tiêu chuẩn thiện ác trong xã hội hiện thực.
Là công năng giáo hóa của Phật giáo, lấy hiện thực xã hội làm cơ sở, nâng xã hội tiến lên cảnh thanh tịnh. Cũng có nghĩa là xã hội đã có thiện, có ác, chúng ta mong muốn làm càng nhiều việc thiện càng tốt, vận dụng các phương pháp trì giới, tu định, tăng trưởng trí tuệ trong Phật pháp để làm hoàn thiện những hành vi từ thân, miệng của mình, sau đó điều chỉnh theo quan niệm tư tưởng căn bản và phương diện tâm lý để đạt đến mục tiêu sanh thiện dứt ác.
Đây là cảnh giới của Bồ-tát, người bình thường rất khó làm được. Nếu có người thấy việc nào, người nào cũng tốt thì đó là thiện ác bất phân, là kẻ giả dạng chất phác để lừa bịp người, đối với cá nhân và xã hội đều không tốt.
Nhưng theo lập trường Phật giáo thì nhất định phải nói đến tầng bậc này. Vì thế gian tuy có không ít người tâm địa không tốt, hành vi không lành, nhưng chúng ta tin: “Tất cả mọi người tương lai đều có thể thành Phật, thành Bồ-tát.” Hiện giờ nhân duyên của họ chưa chín muồi, nếu chúng ta có thể thúc đẩy nhân duyên cho họ khiến họ đi theo đường thiện thì tương lai họ cũng sẽ thành Phật. Cho nên họ cũng là Phật vị lai, Bồ-tát vị lai, chúng ta không nên xét nét sự tốt xấu trong hiện tại của họ.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tính, Bồ-tát không bỏ bất cứ chúng sanh nào, dùng tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, không có chúng sanh nào có ác tính không đổi. Do đó chúng ta không nên thất vọng đối với bất cứ ai.
Là cảnh giới của Phật. Cảnh giới này cao hơn hết, thiện ác đối với quý Ngài đều không tồn tại. Đại Sư Vĩnh Gia nói: “Trong mộng rõ ràng có sáu thú, giác rồi rỗng rỗng không đại thiên.” Nói “trong mộng” là chỉ cho lúc trí tuệ chưa xuất hiện, vẫn còn phiền não. Còn “giác rồi” là chỉ cho đã khai ngộ, đã thành Phật.
Trước khi khai ngộ, thiện ác v.v… các thứ hiện tượng sai biệt đều tồn tại. Sau khi khai ngộ, thành Phật rồi thì tất cả mọi thứ đều bình đẳng. Cho nên chẳng còn bất cứ thứ gì có thể làm chướng ngại tâm của quý Ngài.
Gồm 5 tầng bậc:
Theo bậc người, tin Tam Bảo, tu bố thí, giữ năm giới là lành; hủy báng Tam Bảo, không tu bố thí, không giữ năm giới là ác. Tại sao tôi không nói tin tất cả tôn giáo là lành, không tin tất cả tôn giáo là ác? Vì tiêu chuẩn tôn giáo không khách quan, do đó không thể làm tiêu chuẩn. Còn Tam Bảo Phật Pháp Tăng không phải là một loại tôn giáo. Phật là người nói pháp, Pháp là phương pháp hay đạo lý dùng để dứt ác hành thiện, Tăng là những người đang tu theo Phật pháp, hoằng dương Phật pháp và chủ trì Phật pháp.
Phật pháp không bắt buộc chúng ta tin phục một loại đối tượng chỉ định nào, mà dạy chúng ta y theo Phật pháp thực hành. Ví dụ như bố thí, là làm cho người khác được lợi ích, bất kể là chúng ta dùng trí tuệ, tri thức, tài lực, thể lực hay lời nói để giúp đỡ người, khuyến khích người khiến người được lợi ích trong lúc khó khăn đều gọi là bố thí. Trì giới là chỉ tất cả những việc tốt nên làm đều phải làm, những việc không nên làm thì tuyệt đối không làm. Hủy báng Tam Bảo là xúi người không tin Tam Bảo, và nói xấu Phật Pháp Tăng.
Cao hơn người một bậc, sau khi có đủ đạo đức làm người phải tu thêm thập thiện và Thiền định mới có thể sanh lên cõi trời Dục giới và cõi trời Thiền định. Cõi trời dục giới còn thuộc về thế giới vật chất, cõi trời Thiền định thì thuộc về thế giới tinh thần.
Theo quan điểm Phật giáo, nếu người nào hành vi phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại thì sau khi chết sẽ tái sanh làm người. Nếu người nào đạo đức cao hơn đạo đức của người thường thì có tư cách sanh vào cõi trời Dục giới, ở đó hưởng thụ khoái lạc ngũ dục tinh tế hơn, tốt đẹp hơn, dài lâu hơn nhân gian. Nếu người nào tu Thiền định thì sẽ rời khỏi thế giới vật chất, tiến nhập thế giới tinh thần, tức là cõi trời Thiền định.
Người nào cho rằng thế gian quá hỗn loạn, quá thống khổ, mong muốn từ đây về sau không sanh lại nữa, tức là tầng bậc này.
Thực tế là thuộc bậc nhập thế. Bồ-tát xưa nay cho ra không hề muốn thâu lại, quý Ngài chỉ muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh, không chuẩn bị nhận lại ân nghĩa của bất cứ ai. Các Ngài không dự định đến nhân gian hay sanh cõi trời hưởng phúc, cũng không muốn thường trú ở thế giới tinh thần, vĩnh viễn không nhập thế.
Ngài thường trụ thế gian, vĩnh viễn tồn tại, nơi nơi tồn tại, độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy mình có độ sanh. Đối với quý Ngài, không có vấn đề thiện ác.
Phật giáo chia tâm làm hai loại: Tâm còn quan niệm thiện ác và tâm thanh tịnh.
Có thiện ác là tác dụng ý thức của chúng ta, lấy trung tâm tự ngã làm lập trường mà phán đoán mọi sự vật, hiện tượng thấy được. Có thể chia làm hai phương diện: Một là do tự chúng ta có sự đánh giá thiện ác nên có luân hồi, sanh rồi lại sanh, chết rồi lại chết. Thứ hai là bất luận ta muốn tiếp nhận hay không, thừa nhận hay không, thì bản thân lực lượng này cũng sẽ tự đánh giá, tự quyết định. Phật giáo gọi chung nó là nghiệp lực, là tên khác của tâm.
Tiếp theo ta bàn về “tính”. Tính có thiện, có ác. Theo cách nói của Phật giáo, “tâm” mà chúng ta nhận biết này chia làm ba bộ phận là: Thiện, ác và vô ký. Tức là những phản ứng, hiệu quả sản sinh khi ta khởi tâm động niệm có thể là thiện hoặc là ác. Còn vô ký là hoạt động tâm lý tuy có nhưng không thể phán đoán nó rốt cuộc là thiện hay ác.
Đứng trên lập trường Phật giáo, thiện, ác, vô ký là một loại hiện tượng của chúng sanh. Đối với Phật, tất cả chúng sanh đều có Phật tính, tất cả chúng sanh đều thanh tịnh, đều thiện. Thuyết về ba tính thiện, ác, vô ký không tồn tại.
Từ kinh Phật ta có thể tìm ra hàng trăm thuyết về thiện ác tương đối, dưới đây chỉ thuyết minh 5 điểm:
Nhân thiện kết quả thiện, nhân ác kết quả ác, tức là “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.” Nhưng quan hệ nhân quả không chỉ đơn giản như vậy. Ví dụ có hai người đồng giết người, một người có thể phải trả nợ hai mạng người, người kia không nhất định phải đền mạng, có thể chỉ bị đánh một bạt tai là xong.
Nhưng đạo lý “thiện có thiện báo, ác có ác báo” thì nhất định không thay đổi. Đời nay không thấy quả báo, đời sau quả báo chắc chắn sẽ xuất hiện. Nhưng tại sao cùng giết người mà quả báo hai người lại không nhất định giống nhau? Điều này có quan hệ rất lớn với nhân thiện, duyên thiện, nhân ác, duyên ác.
Nhân thiện có thể gặp duyên thiện, cũng có thể gặp duyên ác, quan hệ về nhân duyên cực kỳ phức tạp, do đó nói: “Nhân duyên không thể nghĩ bàn”, và nhân quả cũng không thể nghĩ bàn. Nhưng có một nguyên tắc bất biến: “Chúng ta phải tăng trưởng nhân duyên thiện, cố gắng tránh tạo nhân duyên ác.” Làm sao làm được? Phải thường xuyên gần gũi thiện tri thức.
Giống như câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Đạo lý gần gũi thiện tri thức cũng vậy, do đó chúng ta phải kết giao nhiều thiện tri thức, xa lìa ác tri thức. Nhưng làm sao để phân biệt thiện tri thức và ác tri thức đây?
Những bậc Thầy tốt bạn lành khuyến khích chúng ta nỗ lực hướng thượng, khiến thân tâm chúng ta khỏe mạnh, gia đình hòa vui, xã hội an định…, đây là thiện tri thức, pháp mà họ dùng là pháp thiện. Ngược lại, những kẻ xúi ta giết người, phóng hỏa, trộm cướp, tà dâm, nói dối v.v… là ác tri thức, pháp họ dùng là pháp ác.
Có một số người cho rằng giành được vào tay là do tài giỏi, giành không được là do xui xẻo. Do đó, bất chấp thủ đoạn, tận dụng mọi cách để có được lợi ích bất hợp pháp, đây đương nhiên là pháp ác.
Lại một số kẻ cho rằng, tao làm việc xấu bị bắt ngồi tù mấy năm kể là tao xui, bắt không được tao là tao hên. Còn mày làm người tốt có chỗ nào hay chứ?
Người làm việc thiện sẽ sanh về cõi thiện, kẻ làm việc ác phải sanh về cõi ác, đây là điều không có gì phải nghi ngờ.
Nhân gian cũng có cõi thiện và cõi ác. Như sanh những nơi không có quần áo mặc, không có cơm ăn, thiên tai nhiều, tật bệnh lắm là cõi ác. Ngoài ra trong kinh Phật nói sanh vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng gọi là cõi ác. Còn sanh lên trời, hay sanh nơi nhân gian ở những nơi xã hội an ninh là cõi thiện.
Nhớ lúc tôi mới đến Đài Loan, điều kiện vật chất xã hội rất tệ, nhiều người không có giày mang. Nhưng lúc đó mọi người đều làm việc siêng năng, sống tiết kiệm. Tôi nghĩ: “Người Đài Loan có phúc, sanh làm người Đài Loan là có thiện căn.” Trải qua 40 năm, cuộc sống chúng ta càng ngày càng khá lên, mà phong khí xã hội thì càng ngày càng tệ. Nếu chúng ta cứ thế này mãi, chỉ biết tham thú hưởng thụ và tự tư tự lợi, chẳng cần nói đến đời sau chúng ta sẽ như thế nào, chỉ nói phúc báo đời sau hiện giờ đã dùng sạch rồi, tai nạn sẽ đến sớm thôi.
Hiện nay người tin Phật càng ngày càng nhiều, hiện tượng này có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, tôi tin rằng xã hội chúng ta còn có hy vọng, hy vọng này đặt nơi bạn, nơi tôi……