Kinh Di Giáo Giảng Giải

19. Chúng Sanh Đều Được Độ



Ở trong chúng đây, hoặc có những người việc làm chưa xong, thấy Phật diệt độ sẽ có lòng buồn bã.

Việc làm chưa xong là chưa đắc quả A-la-hán, còn dừng trụ ở quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Tu-đà-hoàn đã sanh chánh kiến, lòng tin kiên cố không đổi nên sẽ tiến mãi chớ không lùi. Tư-đà-hàm tham sân si đã mỏng ít, chỉ còn vi tế phiền não. A-na-hàm đã dứt tham sân, nhưng chưa đoạn gốc si hoặc, vẫn phải sanh lại ở cõi A-na-hàm thiên. Chỉ tới A-la-hán mới sạch hết lậu hoặc, thoát khỏi sự trói buộc của sanh tử luân hồi, gọi là việc làm đã xong. Còn ba quả vị trước là việc làm chưa xong, còn phải dụng công tu thêm.

Hoặc có những người mới vào đạo pháp, nghe lời Phật nói đều tức thời được độ, thí như đêm tối thấy lằn điện chớp liền thấy đường đi.

Có vị mới xuất gia, nghe lời Phật dạy liền đắc Tu-đà-hoàn, sanh chánh kiến biết phải tu như thế nào. Giống như đêm tối gặp ánh chớp liền thấy đường đi. Được gặp Phật hiện thế là có thiện căn sâu dày, nghiệp chướng mỏng ít, nên vừa nghe pháp liền ngộ, như cây trồng lâu năm, đến mùa liền đơm hoa kết trái, trái chín tự rụng. Các vị đã gieo trồng căn lành nhiều đời trước, đời này gặp Phật là đến mùa, nên một nghe ngàn ngộ. Còn chúng ta thiện căn chưa đủ, công phu chưa sâu, giống như cây mới trồng, tuy được thấm mưa pháp nhưng chưa thể đơm hoa kết trái. Khi nhân duyên đến, một lời một câu cũng giúp mình giác ngộ, công phu chưa tới thì phải tích lũy, như cây mới trồng phải được chăm sóc kỹ lưỡng, kiên trì tưới nước bón phân, đủ ngày tháng tự nhiên đơm hoa kết trái. Cây chưa lớn, chưa có trái mà mình bỏ bê không chăm sóc thì nó sẽ chết yểu. Việc tu cũng vậy, vì công phu chưa đủ chưa thể giác ngộ rồi mình chán nản không dụng công nữa thì tâm đạo sẽ dần yếu đi, tham sân si dần mạnh trở lại, tiếp tục trôi nổi luân hồi. Tuy nhiên, hạt giống Bồ-đề đã gieo không mất, tương lai đủ duyên gặp Phật cũng được độ, nhưng đã lãng phí một thời gian rất dài.

Những vị vừa nghe liền ngộ là đã tu trước đó nhiều đời, công phu đã đủ để chín muồi nên mới được vậy. Nên chúng ta tu đừng ngán, đừng chán nản bỏ lỡ giữa chừng, đừng cho là mình căn cơ kém rồi nghĩ mình dụng công không có giá trị, mỗi một ngày tu là một ngày tích lũy, lâu dần tự nhiên viên mãn.

Trong chúng, có nhiều huynh đệ cùng xuất gia tu học một ngày, nhưng có vị chỉ một thời gian ngắn là đã biết rõ đường tu, tiến bộ rất nhanh, có vị vẫn mờ mịt, hiểu chậm, sửa tập khí cũng lâu. Pháp Phật không đổi, thầy cũng công tâm, nhưng người giỏi người dở là vì sự huân tập ít nhiều từ đời trước.

Thế nên, công phu tu không mất, tất cả đều nằm lại trong tàng thức, nối tiếp từ đời này qua đời khác. Khi dụng công tu mình cứ kiên trì tinh tấn, dù chưa được gì cũng đừng buông lung, đừng chán nản, tích lũy nhiều đời, vị lai sẽ có đời mình đốn ngộ đốn tu, giống như các vị Tổ sư không khác. Đường dù dài đi mãi cũng tới, tập khí dù sâu, gột rửa mãi cũng tiêu. Thành Phật tác Tổ không khó nếu mình kiên trì tu tập.

Hoặc có những người việc làm đã xong, qua được biển khổ, nhưng khởi nghĩ thế này: “Đức Thế Tôn sao diệt độ mau quá!”

Các vị đã đắc A-la-hán, hiểu rõ đức Thế Tôn xả bỏ thân tứ đại là chuyện đương nhiên, pháp hữu vi phải vậy, nhưng các Ngài nuối tiếc, xót thương cho những chúng sanh chưa được gặp Phật, về sau sẽ không thể gặp nữa.

Tôn giả A-nậu-lâu-đà tuy thưa toàn chúng thảy đều liễu đạt nghĩa Tứ Thánh đế, nhưng đức Thế Tôn muốn khiến đại chúng càng thêm kiên cố, nên dùng tâm đại bi lại vì chúng nói: “Tỳ-kheo các ông chớ ôm lòng buồn thảm, nếu ta còn ở đời đến một kiếp, rốt cuộc cũng phải diệt, có hợp mà không xa lìa, trọn không thể được.”

Dù biết chúng đều liễu đạt nghĩa Tứ Đế, nhưng vì muốn khiến đệ tử đạo tâm càng kiên cố, tín tâm càng vững chắc, nên đức Thế Tôn dùng tâm đại bi nhắc lại những điểm quan trọng.

Đầu tiên Ngài dặn chúng đừng buồn, bởi dù Ngài có kéo dài thọ mạng đến một kiếp rốt cuộc cũng phải diệt, vì pháp hữu vi có hợp mà không lìa là không thể được.

Trong kinh Du Hành (Trường A Hàm), có đoạn:

“Phật nói: “Này A-nan, những ai tu bốn thần túc, tu tập nhiều, thường ghi nhớ không quên, người ấy tùy theo ý muốn có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp. A-nan, Phật đã tu tập nhiều bốn thần túc, chánh niệm, chánh tri, tùy theo ý muốn, Như Lai có thể sống hơn một kiếp, để trừ minh ám cho đời, đem lại nhiều lợi ích, trời và người đều được an ổn.”

Lúc bấy giờ A-nan im lặng không trả lời. Phật nói như vậy ba lần, A-nan cũng im lặng không trả lời. Khi ấy A-nan bị ma ám, mê muội không tỏ rõ. Phật đã ba lần hiện tướng, nhưng A-nan không biết mà thỉnh cầu.”

Do đó về sau, chúng Tăng khiển trách Tôn giả A-nan đã không thỉnh Phật trụ thêm ở đời. Thật ra, nếu đức Phật thật sự muốn kéo dài thọ mạng, Ngài có thể tuyên bố giữa đại chúng, Tôn giả A-nan không thỉnh cũng sẽ có Tôn giả khác thỉnh. Nhưng Ngài chỉ riêng nói với A-nan, lại còn để mặc cho Tôn giả bị ma ám, tức Ngài không thật sự muốn. Ở đây Ngài đã nói rõ lý do, dù có kéo dài thọ mạng cũng phải tới lúc xả thân, vì nó là pháp hữu vi, có sanh tất phải diệt, không thể khác được.

Các vị A-la-hán nhập Diệt tận định có thể kéo dài thọ mạng cả ngàn năm. Thậm chí Tôn giả Đại Ca-diếp nhập định đến tận lúc đức Phật Di Lặc ra đời. Nhưng nhập Diệt tận định để kéo dài thọ mạng thì có ích gì, đã xong việc thì cần gì thêm thọ mạng? Sống thêm là để làm lợi ích chúng sanh, còn nhập định chỉ để kéo dài thọ mạng thì các Ngài sẽ không làm. Tôn giả Đại Ca-diếp vì vâng lời đức Thích Ca giữ y bát giao lại cho đức Phật Di Lặc mới nhập Diệt tận định lâu như vậy.

Ở Trung Quốc vào thời Hán, một Hòa thượng vào rừng tọa thiền trong một bọng cây. Ngài nhập Diệt tận định, dứt mọi thọ tưởng, quên cả thời gian, trải mấy trăm năm. Đến thời Tống, một tiều phu đốn củi phát hiện ra Ngài, nghĩ đã chết nên hỏa táng thân Ngài. Do nhân duyên đó Ngài xuất định, biết đã nhập định thời gian dài nên Ngài liền xả thân viên tịch. Cho nên, chư Thánh không dùng Diệt tận định kéo dài tuổi thọ, vì làm vậy không có ý nghĩa chi cả.

Các pháp tự lợi lợi tha đều đã đầy đủ, nếu ta còn ở đời cũng không còn lợi ích gì nữa.

Trong kinh Pháp Hoa phẩm Như Lai Thọ Lượng, đức Phật có ví dụ về một người cha là đại lương y, đi xa về thấy các con bị trúng độc nặng nên chế lương dược cho uống, nhưng có những người con ỷ có cha ở bên nên không chịu uống, nên ông giả bộ đi xa rồi báo tin đã chết. Các người con sầu khổ nghĩ mình nay côi cút, không có chỗ cậy nhờ, lòng thường bi cảm, tâm bèn tỉnh ngộ, lấy lương dược cha chế uống vào, bệnh độc đều lành. Người cha nghe các con đều đã mạnh, liền trở về cho các con đều thấy. Các con vui mừng biết rằng cha vì phương tiện cứu con nên mới dối gạt như thế.

Nếu Phật trụ thế mãi mình sẽ ỷ lại, nghĩ chừng nào tu cũng được, có Phật ở bên lo gì. Còn giờ Phật thị hiện Niết-bàn, giáo pháp Ngài chỉ trụ có mười một ngàn năm thôi, không tranh thủ tu sẽ không có dịp gặp lại nên mình sẽ cố gắng tu.

Phật Thích Ca chỉ là hóa thân, Ngài thị hiện đản sanh, thành đạo, Niết-bàn ở cõi này. Còn báo thân Phật vẫn ở cõi của Ngài, vì cảnh giới tâm của mình chưa tới nên không thể thấy biết được. Chư Phật thành đạo đều có thọ mạng vô lượng, cõi giới trang nghiêm, đệ tử thanh tịnh. Phước báo của đức Phật A Di Đà như thế nào thì của đức Phật Thích Ca cũng như thế đó, chư Phật không có hơn kém. Đức Phật Niết-bàn chỉ là hóa thân thị hiện, phương tiện sách tấn chúng sanh mà thôi.

Đức Phật đã chỉ cho mình đường đi, cho mình thuốc uống. Việc của mình là đi để đến đích, uống thuốc để hết bệnh.

Những người đáng độ, hoặc ở cõi trời hoặc ở nhân gian, Ta thảy đều độ xong. Những người chưa được độ, Ta cũng đều đã làm các nhân duyên để cho họ được độ.

Ban ngày Phật giảng pháp cho người, ban đêm Phật dạy chư thiên. Ngài đi khắp nơi giáo hóa cho người, lên cõi trời giáo hóa chư thiên. Đức Phật không hề ngủ, khi thân tứ đại mỏi mệt, Ngài nghiêng mình nằm nghỉ, thân nghỉ nhưng tâm luôn sáng. Các vị Thánh A-la-hán và chư đại Bồ-tát cũng vậy, chỉ nghỉ vì thân chứ không ngủ mê nên không hề có chiêm bao.

Những người không được sanh trong thời Phật, như chúng ta hiện nay là chưa được Phật trực tiếp độ, nhưng Phật đã để lại nhân duyên để mình được độ, dù cách xa thời Phật vẫn được nghe lời dạy của Ngài. Thực hành theo sự chỉ dạy của Phật cũng được giải thoát giác ngộ như ở cạnh Ngài không khác.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.