Kinh Di Giáo Giảng Giải

18. Quyết Nghi



Các ông đối với Tứ Thánh Đế khổ tập diệt đạo, có chỗ nào nghi ngờ phải mau thưa hỏi, không nên ôm lòng hoài nghi không cầu giải quyết.

Lúc này, Thế Tôn còn rất ít thời gian, vậy mà Ngài vẫn muốn chỉ dạy thêm cho đệ tử. Đối với Thanh văn, Tứ Thánh Đế là pháp rất quan trọng, là pháp chủ đạo, nên Phật không muốn chúng còn có chỗ nghi.

Tứ Thánh Đế là bốn chân lý chắc thật mà đức Phật đã chứng biết, nương vào bốn điều này tu tập sẽ chứng quả thánh. Còn gọi là Tứ Diệu Đế, nghĩa là bốn chân lý vi diệu nhiệm mầu. Thường gọi tắt là Tứ Đế. Gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

Khổ Đế là chân lý về sự khổ thế gian. Thế gian khẳng định là khổ, không thể vui được, đó là chân lý, là sự thật. Khổ có thể chia làm hai, làm bốn hay làm tám. Hai khổ là sanh khổ và tử khổ. Bốn khổ là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ. Tám khổ là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương yêu xa lìa khổ, oán thù gặp gỡ khổ, cầu không được khổ và năm ấm hưng thạnh khổ.

Sanh khổ: Lúc sanh mẹ đau con khổ, rồi cả cuộc sống này vì chạy vạy miếng ăn mà phát sinh nhiều khổ đau, cả vật chất lẫn tinh thần. Suốt đời sống của một người luôn vui ít khổ nhiều. Đó là sanh khổ.

Chết khổ: Khi chết thần thức ra khỏi thân xác rất đau đớn, tinh thần sợ hãi không biết đi về đâu. Ai cũng sợ chết, không ai muốn chết, chỉ những người quá tuyệt vọng, quá đau khổ, nghĩ chết sẽ thoát được cái khổ hiện tại mới tự tìm cái chết. Có người tạo ác nghiệp, giết người không gớm tay, nhưng khi bị tuyên án tử hình liền ngất xỉu. Trước khi thi hành án tử, tử tù được cho ăn một bữa ngon nhưng không ai ăn nổi vì sợ hãi, khổ đau. Chết là sự đau khổ, sợ hãi lớn nhất của đời người.

Già khổ: Khi già làm việc gì cũng khó, phải nhờ người giúp đỡ chăm sóc, trong lòng khổ não vì không còn sức khỏe tự lo. Nếu người chăm sóc không chu đáo, hoặc bỏ bê, hoặc nói lời nặng nhẹ, hoặc đánh đập hành hạ… lại càng khổ hơn.

Bệnh khổ: Bệnh làm cho thân đau đớn, mệt mỏi, có tiền thuốc thang còn đỡ, không tiền càng khổ não hơn do bệnh tăng dần. Hoặc phải nhờ người chăm sóc, bị khinh rẻ, rầy la, mắng nhiếc, đánh đập… khổ càng thêm khổ.

Thương yêu xa lìa khổ: Đây là khổ về tinh thần, phải xa cách người thương nên nhớ nhung sầu não. Gồm có sanh ly và tử biệt. Sanh ly là còn sống mà không được gần nhau, như vợ chồng ly dị, vợ hoặc chồng vẫn còn thương người kia nhưng không được sống với nhau nữa, con cái yêu thương cha mẹ mà phải xa lìa một trong hai người, hoặc cha mẹ thương con nhưng phải giao cho đối phương chăm sóc… Những sự khổ tương tự như vậy xảy ra rất nhiều trong cuộc sống. Tử biệt là người mình thương mất đi, xa cách nhau vĩnh viễn, kẻ âm người dương không thể gặp lại được nữa, chồng mất vợ, vợ mất chồng, con mất cha mẹ, cha mẹ mất con, cháu mất ông bà, ông bà mất cháu…, những thứ khổ này xảy ra mỗi phút giây trên thế gian.

Oán thù gặp nhau khổ: Vật không thích mà phải nhận, người không thích phải ở chung. Như những người vợ gặp phải chồng vũ phu, đánh đập mỗi ngày nhưng lại không thể chia tay, phải nhẫn nhục chịu đựng, ngày dài như tháng, tháng dài như năm, sống trong roi vọt, ăn cơm chan nước mắt. Một phụ nữ ở Hà Nội bị chồng hành hạ như thời trung cổ, mãi đến năm 65 tuổi, ông chồng đánh đến xuýt chết phải nhập viện cấp cứu, chồng bị bắt ở tù, bà mới được giải thoát. Bị ngược đãi như vậy lẽ đương nhiên sẽ oán hận vô cùng mà vẫn phải sống chung cùng nhau, nên rất đau khổ. Những trường hợp tương tự như vậy nhiều vô số. Đó là oán thù gặp nhau khổ.

Cầu muốn không được khổ: Ở thế gian, người cầu được ước thấy rất ít, muốn mà không được nhiều vô cùng. Ai sống ở đời cũng phải chạy vạy lo cái ăn cái mặc. Có người vất vả cả đời cũng kiếm không đủ tiền mua nhà, suốt đời ở nhà thuê hoặc lăn lóc xó chợ. Muốn đổi đời có khi phải dựa vào may rủi như mua vé số, đánh bài, chơi đề v.v… cầu mong được trúng, được thắng, mà đâu được như ý, nghèo vẫn hoàn nghèo, có khi còn tăng thêm nợ.

Thật ra, sở dĩ cầu không được là do không đủ phúc, nếu có phúc không cầu vẫn được. Thời Phật có một gia đình Phật tử nọ, một hôm ông chồng xới đất bỗng xới phải một hũ đựng đầy vàng, nhưng ông vẫn để nó ở nguyên đó không đem về nhà. Tối nằm bên vợ ông kể cho bà nghe, bà hỏi: Sao không đem về? Ông đáp: Không phải của mình, có lấy về cũng không giữ được. Là của mình, không lấy nó cũng tự về. Không ngờ, lúc đó một tên trộm đang rình rập bên vách, nghe chuyện nó chạy ra ruộng tìm hũ vàng, tuy tìm được nhưng mở ra thấy chỉ toàn đá. Nó nghĩ ông lão bịa chuyện lừa vợ, nên vác hũ vàng đem để trước cửa nhà ông để sáng ra bà vợ thấy biết bị chồng lừa sẽ mắng chồng. Sáng ra, ông mở cửa nhìn thấy hũ vàng ngay trước mặt, ông nói với vợ: Bà xem, hũ vàng tự chạy về nè, tức đây là phước của mình. (Chú: Tên trộm mở hũ thấy đá vì vốn không thuộc về nó, vợ chồng Phật tử mở ra thấy vàng là do phước báo chiêu cảm).

Người tin sâu nhân quả sống và làm việc theo hoàn cảnh, điều kiện, năng lực của mình, nếu có phước tự nhiên giàu có, không phước vui vẻ chấp nhận sống nghèo. Nếu tệ nữa đi xin cũng được người cho bữa ăn, kiên quyết không tạo ác nghiệp để cầu cái không phải của mình.

Ở một làng quê miền Trung nước ta, có một thanh niên mồ côi cha mẹ, anh không có việc làm, mỗi ngày đều dạo đi trong xóm giúp đỡ mọi người. Hoặc xách thay đồ nặng cho phụ nữ, hoặc phụ giúp đám tiệc, hoặc trông hộ người già trẻ nhỏ v.v… Ai có việc gì cần anh đều đến giúp, chẳng nề hà nặng nhẹ lớn nhỏ. Khi đói ăn cơm ở một nhà nào đó, ai cũng vui vẻ cho anh ăn, có gì ngon đều để phần anh. Cứ như vậy ngày ngày anh phụ việc cho cả làng, không người thân mà toàn làng là thân nhân, không làm ra tiền mà không bao giờ đói. Cuộc sống anh vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên. Mọi người gọi yêu anh là “thằng khờ”, vì chẳng ai sống được vô tư như anh.

Thế nên, nếu vui vẻ với cái mình đang có thì sẽ sống rất thoải mái. Còn cầu cho được cái chưa có thì tùy phước, có phước sẽ được, không phước thì chưa chắc. Nhưng con người thường cầu quá cái phước của mình nên thường không được toại nguyện, do đó buồn khổ, Phật gọi là “cầu không được khổ”.

Năm ấm hưng thạnh khổ: Thân năm ấm này làm mình khổ. Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm. Sắc ấm thuộc vật chất, thọ, tưởng, hành, thức, ấm thuộc tinh thần. Những cái khổ trên đều nhiếp thuộc năm ấm khổ này, nếu không có thân ắt không khổ. Sanh là năm ấm hòa hợp sanh, chết là năm ấm chia lìa, già bệnh do sắc ấm vô thường biến đổi, thương yêu xa lìa, oán thù gặp gỡ, cầu muốn không được đều là do thọ, tưởng, hành, thức ấm mà ra. Như vậy, khổ trên thân nhiếp thuộc sắc ấm, khổ về tinh thần nhiếp thuộc thọ, tưởng, hành, thức ấm.

Sanh ra thân rồi phục vụ nó, chìu chuộng nó, vì nó làm đủ mọi việc và cũng vì nó thọ lãnh mọi khổ não. Thế nên, Phật luôn nhắc nhỡ đệ tử phải rõ biết cái hoạn của năm ấm để xa lìa sự trói buộc của nó.

Tập Đế: Là nguyên nhân thật sự gây ra khổ. Nói đủ là “Ái tập khổ tập đế”, nghĩa là Ái là nguyên nhân tạo ra khổ. Ái đây là ái ngã, chấp ngã. Chính vì ái chấp nên mới khổ, hết chấp là hết khổ.

Các vị Cao Tăng khi gặp nghịch duyên đều thản nhiên, không lo sợ, không sầu khổ. Vua Kế Tân cầm kiếm đến xin đầu Tổ Sư Tử, Tổ bảo: “Năm uẩn còn không, sá gì cái đầu!” Vua chặt đầu, Tổ thản nhiên không sợ, cũng không oán hận. Các Ngài không còn chấp thân, đã xả được ái ngã, bị mắng chửi, đánh đập, thậm chí giết chết, vẫn không làm tâm các Ngài dao động.

Thế nên, chính sự chấp ngã, chấp pháp làm mình khổ. Cho thân thật, pháp thật nên mến thích, cố gắng níu giữ, cái gì thích làm mọi cách gom vào, cái gì ghét tìm cách đẩy ra, cả hai đều làm mình đau khổ, nên nói “Ái tập khổ tập đế”, ái là nguyên nhân dẫn đến khổ.

Diệt Đế: Là sự thật về Niết-bàn, an lạc, tịch tĩnh. Nói đủ là “Ái diệt khổ diệt đế”. Khi diệt ái, không còn chấp, tự nhiên hết khổ. Cái gì làm mình khổ buông đi sẽ hết khổ, chân lý là vậy, rất giản đơn. Do chấp làm mình khổ thì buông chấp, do ái làm mình khổ thì buông ái. Vậy thôi!

Đạo Đế: Là phương pháp đúng đắn để diệt ái dứt khổ. Nói đủ là “Ái diệt khổ diệt đạo đế”. Đạo đế gồm 37 phẩm trợ đạo, chia làm 7 phần, gồm: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo. Trợ là giúp, đạo là phương pháp hay con đường. Trợ đạo là phương pháp giúp mình diệt ái dứt khổ.

Trong 37 phẩm 7 phần đó, chọn lựa pháp nào thích hợp với căn cơ mình nhất để ứng dụng tu dễ dàng, giúp mình diệt tâm chấp ngã, dứt tâm nhiễm trước, không cần phải tu đủ cả 37 phẩm. Thậm chí, nếu một pháp nào không nằm trong 37 phẩm nhưng cũng trợ giúp mình đoạn ái thì cũng nhiếp thuộc đạo đế. Thế nên, ở đây đức Phật dùng chữ “trợ đạo”, tức là chỉ trợ giúp thôi, không phải là duy nhất cũng không phải chỉ có bấy nhiêu.

Như một bà lão được Thiền sư dạy pháp tu “mặc kệ”, bà ứng dụng tu và đắc đạo, pháp này không nằm trong 37 phẩm trợ đạo nhưng vẫn thuộc đạo đế. Hay như pháp quán hơi thở, cũng không phải là 37 phẩm trợ đạo, nhưng đã giúp rất nhiều vị đắc quả A-la-hán, nên cũng là đạo đế.

Thế nên, đức Phật dùng 37 phẩm trợ đạo để định hướng, theo hướng đi này ắt giải thoát. Như pháp “mặc kệ” thuộc định hướng “xả” trong Thất Bồ Đề Phần, pháp “quán hơi thở” thuộc định hướng “niệm thân”, pháp “niệm Phật”, “trì chú” thuộc định hướng “niệm tâm” trong Tứ Niệm Xứ… Tương tự như vậy, tám muôn bốn ngàn pháp môn của Phật đều có thể xếp vào 37 phẩm trợ đạo, thuộc về một trong 37 định hướng này.

Trên đây là giảng nói sơ lược về Tứ Thánh Đế. Bốn chân lý này vô cùng quan trọng nên đức Phật mới gạn hỏi đệ tử còn có nghi ngờ không.

Bấy giờ đức Thế Tôn lặp lại như thế ba lần mà không có người hỏi. Vì cớ sao? Vì cả chúng đều không nghi ngờ.

Pháp Tứ đế được Phật chỉ dạy rất cặn kẽ và liên tục suốt 49 năm hoằng pháp. Thế nên, Tăng chúng đều đã nắm vững, tuy còn có vị chưa đắc A-la-hán, nhưng không phải vì chưa hiểu nghĩa Tứ đế mà vì chưa hành tới, nên các Ngài không có thắc mắc để hỏi.

Khi ấy, Tôn giả A-nậu-lâu-đà xem xét tâm của chúng, bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Mặt trăng có thể thành nóng, mặt trời có thể thành lạnh, Phật nói pháp Tứ đế không thể nào khiến dời đổi được.”

A-nậu-lâu-đà còn được phiên âm là A-na-luật-đà, là một trong Thập đại đệ tử Phật, được Phật tuyên dương là vị Thiên nhãn đệ nhất trong hàng đệ tử Thanh văn. Ngài là em chú bác với Phật, theo Phật xuất gia. Một hôm khi Phật đang giảng, Ngài không chú tâm nghe mà ngồi ngủ gục. Phật quở Ngài ham ngủ giống như con sâu. Xấu hổ trước đấng Đạo sư và đại chúng thanh tịnh, Ngài thệ nguyện từ đây về sau quyết không ngủ. Trải nhiều ngày, mắt Ngài trở nên đau rát, chảy nước mắt liên tục, y sĩ khuyên Ngài nên ngủ lại rồi thoa thuốc sẽ hết đau, nếu tiếp tục không ngủ ắt mắt sẽ mù. Ngài kiên quyết giữ lời thề, dù Phật bảo cũng không đổi, cuối cùng bị mù. Phật thấy Ngài dõng mãnh như vậy nên dạy Ngài phương pháp quán sát. Nhờ tu pháp này Ngài đắc A-la-hán, có thiên nhãn thông vượt trội hơn các vị khác, được Phật ấn ký là đệ tử có thiên nhãn đệ nhất.

Phật thường không xen vào hạnh nguyện đã phát của đệ tử. Ngài Đại Ca-diếp tu khổ hạnh chỉ xin thức ăn người nghèo, Ngài Tu-bồ-đề chỉ xin người giàu, Phật đều không la rầy, vì mỗi người có hạnh nguyện riêng, miễn không đắm nhiễm, không ảnh hưởng đến sự tu tập là được. Ngài A-na-luật vì lời thề đã phát nên không nghe lời Phật khuyên. Phật vì tôn trọng lời nguyện của Ngài nên cũng không cản ngăn.

Tuy có thiên nhãn thông, nhưng trong công việc hàng ngày, Ngài không dùng thần thông. Một hôm cần vá y, vì không thấy đường xỏ kim, Ngài đã lên tiếng nhờ: Có ai làm phước xỏ giùm kim cho tôi không? Khi ấy Thế Tôn đi ngang qua phòng Ngài, nghe vậy liền nói: Để Như Lai làm phước xỏ kim cho ông.

Phật đã là vị phước huệ viên mãn mà không chê một phước nhỏ như xỏ kim. Còn chúng ta, phước nhỏ chê không làm, phước lớn thì không có khả năng làm, rốt cuộc không được chút phước nào cả. Làm phước không kể lớn nhỏ, cốt để tâm mình luôn hướng thiện, hành thiện. Ai cần cũng đều giúp, không kể địa vị sang hèn, không kể việc làm lớn nhỏ.

Có một Tỳ-kheo bị bệnh ghẻ lở, chúng Tăng không ai gần gũi chăm sóc. Khi sắp mất, ông nghĩ nhớ đến Phật. Đức Phật đến hỏi: Ông có biết vì sao ông bệnh vậy mà không ai đến thăm hỏi chăm nom không? Ông thưa: Bạch Thế Tôn! Con biết, trước đây khi có Tăng bệnh, con chưa từng đến thăm, nay phải lãnh quả không người thăm viếng.

Phật bảo Ngài A-nan nấu nước nóng, đích thân Thế Tôn tắm rửa thay đồ cho Tỳ-kheo ấy. Được tắm rửa sạch sẽ, đắp y đã giặt, ông thấy toàn thân thơ thới. Phật nhân đó thuyết pháp, ngay lời dạy của Phật ông đắc A-la-hán, nhẹ nhàng xả báo thân vào Niết-bàn.

Các vị đệ tử lớn của Phật như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề v.v… đều đã Niết-bàn trước Phật. Ngài Đại Ca-diếp ở xa chưa về kịp. Lúc này, chỉ có Tôn giả A-nậu-lâu-đà là lớn nhất, lại là vị có thiên nhãn thông đệ nhất, Ngài quán sát tâm đại chúng rồi bạch Phật: Mặt trăng có thể thành nóng, mặt trời có thể thành lặng, Phật nói pháp Tứ đế không thể nào dời đổi được.

Vì pháp Tứ đế là chân lý. Do Phật nhận được chân lý đó nên giải thoát, nay đem chân lý đó chỉ dạy chúng sanh, không phải Ngài tự đặt ra, cũng không phải do ai đặt, nên không có vấn đề dời đổi. Khi giảng Tứ đế Tam chuyển thập nhị hành, Phật đã khẳng định: “Đây là Khổ chính ta đã biết, đây là Tập chính ta đã đoạn, đây là Diệt chính ta đã chứng, đây là Đạo chính ta đã tu.”

Phật nói Khổ đế thật là khổ, không thể nào khiến cho nó được vui. Tập đế thật là nhân, không thể có nhân nào khác.

Tất cả chúng sanh sanh ra đều khổ, không thể nào vui được. Dù chúng sanh cõi trời cũng phải chịu cái khổ của sự chết. Có một vị trời khi thọ mạng sắp hết, biết đời vị lai phải đọa làm thân ngựa, ông sợ hãi đến lễ Phật cầu cứu giúp. Cho nên, đời này làm trời, chưa chắc đời sau không đọa! Không phải chỉ có các vị trời ở cõi Dục, mà chư thiên cõi Sắc, Vô sắc cũng có thể bị đọa ở đời vị lai.

Hai vị thầy trước của Phật, Ngài Uất-đầu-lam-phất và Ngài A-la-la, một vị sanh lên cõi trời Phi phi tưởng, một vị sanh lên cõi trời Vô sở hữu xứ. Nhưng Phật nói đời vị lai, Ngài Uất-đầu-lam-phất sanh làm con thú có cánh, trên bắt chim dưới bắt cá; Ngài A-la-la sanh làm Quốc vương vùng biên địa, sát sanh hại vật vô số. Do đó, đời kế tiếp cả hai đều đọa địa ngục.

Chúng sanh còn ở trong tam giới là còn khổ, bị sanh tử buộc ràng, không ai thoát được. Nên Phật nói Khổ đế thật là khổ, không thể nào khiến cho nó vui được.

Tập đế thật là nhân, không có nhân nào khác. Tập đế là ái tập khổ tập. Sở dĩ chúng ta không ra khỏi ba cõi là vì ái ngã, chấp ngã là thật. Do ái chấp nên tạo các nghiệp trôi trong sanh tử. Chính mình tạo nghiệp rồi trở lại bị nghiệp lôi dẫn luân hồi trong ba cõi. Không có vị thần nào sắp đặt sanh tử cho chúng sanh, chúng sanh tự tạo nhân rồi tự trôi nổi.

Ái chính là nguyên nhân quyết định khiến chúng sanh sanh tử luân hồi. Chấp thân ngũ uẩn là thật, mất thân này liền tìm thân khác, dù mang thân nào cũng cho đó là thật mình, bám víu giữ gìn, vì thân mà tạo nghiệp, vì thân mà thọ khổ.

Một quý phi rất xinh đẹp được vua cực kỳ yêu quý. Không ngờ đoản mệnh, ra đi lúc tuổi còn thanh xuân, vua đau khổ không chịu chôn, chỉ nguyện cầu sao cho cô sống lại. Một Hòa thượng đến nói sẽ dẫn vua đi gặp cô quý phi đó. Ngài biến hình thành con bọ hung, cũng biến vua thành bọ hung, rồi dẫn đến gặp một con bọ hung cái (chính là thân hiện tại của quý phi). Vua xúc động bảo quý phi trở về với mình, không ngờ con bọ hung cái nói: Ông là ai, vừa già vừa xấu lại muốn rủ rê tôi, chồng tôi khỏe mạnh đẹp trai, tôi mắc gì theo ông. Ngờ đâu lúc đó con bọ hung chồng về, rượt vua và hòa thượng chạy trối chết. Hòa thượng thâu pháp thuật, hỏi vua: Còn muốn rướt quý phi về không? Vua thức tỉnh, không còn đau buồn nữa.

Làm thân gì sẽ chấp thân đó, yêu thân đó. Ái đó theo chúng sanh suốt chặng đường dài sanh tử. Nên trong giới sát, Phật có dạy: Tất cả chúng sanh đều quý tiếc thân mạng mình nên đừng giết hại, dù con kiến con muỗi cũng quý thân nó. Mình thương thân mình thì cũng nên thương thân chúng sanh.

Vậy nguyên nhân chính của khổ là ái ngã, cho ngã là thật, bám chặt không rời, từ đó trôi lăn trong sanh tử không có ngày ra.

Khổ nếu diệt tức nhân diệt, nhân diệt nên quả diệt.

Diệt đế là Ái diệt khổ diệt đế. Ái là nguồn của khổ, muốn hết khổ chỉ cần diệt được ái, chân lý là vậy. Không còn chấp ngã, không cho thân tâm này là thật, không bám vào nó nữa tự nhiên sẽ hết khổ.

Đạo diệt khổ thật là chân đạo, không có đạo nào khác.

Tất cả những phương pháp Phật dạy cốt để giúp chúng ta nhận được thân không thật, bỏ được ái chấp, từ đó hết khổ đau. Nên Đạo đế nói đủ là Ái diệt khổ diệt đạo đế.

Đạo đế gồm 37 phẩm trợ đạo. Trợ là giúp, 37 phẩm giúp chúng ta nhận được chân lý, thấy được lẽ đạo. Đạo đế như tông chỉ của mọi pháp tu trong Phật giáo. Dù pháp tu nào cũng không rời một trong 37 phẩm này. Ví dụ pháp môn niệm Phật có thể nhiếp thuộc về Thất giác chi: Chọn lựa câu niệm Phật là Trạch pháp, nhớ mãi câu niệm Phật không quên là Niệm, trì niệm liên tục là Tinh tấn, một thời gian tâm sanh hỷ lạc là Hỷ, càng niệm càng an lạc là Khinh an, lâu hơn nữa tâm trở nên thanh tịnh không dấy niệm khác là Định, đến khi cả câu niệm Phật cũng buông, thể nhận tâm chính là Phật, cõi này chính là Tịnh độ, đó là Xả.

Như vậy Trạch pháp trong Thất giác chi không cố định là pháp nào, chọn lựa pháp tu nào cũng sẽ dẫn đến thành tựu cả. Cốt lõi của phẩm này là lựa chọn được pháp thích hợp, tinh tấn tu tập, sau khi tâm đã thanh tịnh rồi phải buông bỏ pháp ấy, như vậy mới có thể giác ngộ hoàn toàn. Như kinh Kim Cang dạy: Dùng bè qua bờ, đến bờ rồi phải bỏ bè.

Trong một bài kinh A Hàm, Phật khẳng định: Nếu ai tu Tứ niệm xứ và thực hành Thất giác chi sẽ đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác đây không có nghĩa là thành Phật, mà là nhận được tự tánh. Tứ niệm xứ là quán niệm thân, thọ, tâm, pháp. Nếu sự quán niệm được liên tục cho đến khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi liền buông bỏ tâm quán đó. Chính ngay khi đó tự tánh tự hiện, gọi là chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Một bà lão lớn tuổi, được một Thiền sư dạy pháp quán “Mặc kệ”, gặp việc gì cũng mặc kệ không quan tâm. Cách tu này tương đương với “niệm pháp” trong Tứ niệm xứ, “quán pháp như pháp niệm xứ”, thấy các pháp đúng như là nó, mặc kệ không quan tâm. Bà lão tu một thời gian, tâm trở nên thanh tịnh không còn bị pháp chuyển, chợt nhận ra tâm hằng chiếu, thường trụ chẳng mất, gọi đó là ngộ đạo.

Hay như Bát chánh đạo, mở đầu là chánh kiến thấy đúng chân lý. Khi có chánh kiến tức đã vào quả vị Tu-đà-hoàn, lòng tin đã sanh, không bao giờ còn lui sụt. Các pháp tu của Phật luôn giúp mình sanh được chánh kiến, bởi có chánh kiến việc tu mới không bị sai lạc, nó như kim chỉ nam giúp mình không bị lầm đường lạc lối.

Thế nên Đạo đế với 37 phẩm trợ đạo là cương lĩnh bao trùm tất cả pháp tu trong đạo Phật. Phật dạy chúng ta những phương pháp dứt được ngã ái, nhận được bản tâm, từ đó tự tại trong sanh tử, không còn khổ đau.

Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo đối với pháp Tứ đế quyết định không có nghi ngờ.

Ngài A-nậu-lâu-đà khẳng định với Phật là chúng Tỳ-kheo đối với pháp Tứ đế đã hiểu rất rõ, không còn gì nghi ngờ. Từ trước đến giờ, đức Thế Tôn đã chỉ dạy cho đệ tử vô cùng cặn kẽ, mọi người đều đã nắm rõ đường lối tu hành, không cần phiền Thế Tôn phải nhọc nhằn giải thích thêm nữa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.