Lược Truyện Tiền Thân Đức Phật

04. Thiện hữu và ác hữu



Một hôm trên pháp tòa, đức Phật thuyết giảng về lý nhân quả luân hồi, Ngài nói:

Ngày xưa có một vị vua rất mực đạo đức, công bằng, bốn phương thiên hạ đều ngưỡng mộ. Nhà vua đóng đô tại thành Ba-La-Nại. Trên sáu mươi nước chư hầu quy phục. Cung thành có trên năm trăm thớt voi thiện chiến, và trên hai chục ngàn cung phi mỹ nữ trẻ đẹp.

Tuy uy danh vang lừng bốn phương, nhưng nỗi buồn thầm kín của nhà vua là không có thái tử để kế tự. Nên việc nối dõi tông đường lúc nào cũng làm cho nhà vua suy tư lo nghĩ. Nhà vua thường phát tâm bố thí bần dân, khuyên trăm họ ăn ở hiền lành. Hằng ngày, ngoài việc triều chính ra, nhà vua ngày đêm ăn chay nằm đất khấn Phật cầu trời cho được một hoàng nam để nối nghiệp đế vương, để cho dòng tôn thất của nhà vua khỏi bị vô nhân kế tự. Suốt mười hai năm trầm tư khấn cầu như thế, hoàng hậu và thứ hậu mới cùng lúc thọ thai sanh ra hai hoàng tử. Đặc biệt hoàng tử của chánh hậu thì tướng mạo khôi ngô anh tuấn, có đức tướng trượng phu.

Sau khi hai hoàng tử chào đời, nhà vua vui mừng trút hết bao nỗi ưu sầu trong suốt mười mấy năm lo âu. Nhà vua hội họp quần thần, và cho mời thầy tướng số giỏi nhất trong nước đến để xem tướng cho thái tử.

Vừa thấy con của chánh hậu, các thầy tướng nhìn kỹ một hồi rồi nói: “Tâu Bệ-hạ, khi thọ thai thái tử và khi thái tử sanh ra có điều chi lạ không?”

Vua phán: “Từ ngày thọ thai thái tử thì đặc biệt tánh tình hoàng hậu trở nên hiều lành đôn hậu, khoan dung đại độ, lúc nào cũng lộ vẻ tươi cười dịu dàng, lại hay làm việc bố thí giúp đỡ người khác”.

Các thầy tướng thưa rằng: “Đấy là nhờ thiện nghiệp của thái tử mà cảm hóa tánh tình của hoàng hậu. Vậy theo chúng tôi, xin tâu Thánh-thượng, tên thích hợp nhật đặt cho thái tử là Thiện-Hữu”.

Các thầy tướng lại xoay sang nhìn kỹ con của thứ hậu một hồi lâu rồi cũng hỏi giống như trước, được quan Thái-giám trả lời rằng: “Từ khi thứ hậu thọ thai cho đến khi sanh hoàng nam đến nay, tánh tình của thứ hậu bỗng trở nên kiêu căng ngạo nghễ, tham ác ích kỷ, ăn nói cộc cằn, ưa chấp trách oán giận người khác, thật khác hẳn ngày trước”.

Các thầy tướng thưa rằng: “Ấy là do nghiệp ác của hoàng nam ảnh hưởng đến tánh tình của thứ hậu”.

Nhà vua hỏi: “Vậy theo các khanh thì nên đặt tên gì cho hoàng tử?”

Các thầy tướng số bấm tay suy tư ngập ngừng một hồi rồi tâu vua rằng: “Tâu Bệ-hạ, theo sở kiến của các hạ thần chúng tôi thì nên đặt tên cho hoàng tử là Ác-Hữu”.

Thời gian thấm thoát trôi qua, hai hoàng tử lớn khôn theo năm tháng. Hoàng tử Thiện-Hữu càng lớn, tướng mạo càng lộ vẻ khôi ngô anh tuấn của bậc trượng phu, tánh tình càng đôn hậu thông minh bình dị, lại hay tha thứ thương giúp người. Vì thế, nên vua và hoàng hậu rất mực vui mừng thương mến. Triều đình các quan và hoàng thân quốc thích đều kính yêu. Trái lại, hoàng tử Ác-Hữu thì nghịch ác, đố kỵ tìm cách chống báng phá hại, ăn nói cộc cằn, tánh tình nóng nảy, lại hay nói xấu hoàng tử Thiện-Hữu.

Một hôm hoàng tử Thiện-Hữu xin vua cha ra cung thành dạo chơi, thấy trâu kéo cầy dưới làn roi đánh, người cấy mạ chân tay lấm bùn sình, mình mẩy mồ hôi nhễ nhại dưới ánh nắng. Đó đây trên dãy đồng trùng dế bị lưỡi cầy cắt đứt chúng dẫy dụa trên mặt đất. Chim tranh nhau chụp mổ cắn nuốt. Đây là kẻ giết heo bò, để lấy thịt. Kia là người quay tơ dệt vải không hở tay. Nọ là kẻ ăn xin tật nguyền đói rách. Cảnh tượng người vật vất vả chân lấm tay bùn, mồ hôi cực nhọc. Cảnh khôn hiếp dại, mạnh hiếp yếu hiển bày trước mắt. Thiện-Hữu lấy làm lạ và khởi tâm thắc mắc. Bởi vì từ ngày sanh ra đến nay, thái tử Thiện-Hữu sống trong bốn bức tường của hoàng thành vây kín, ngày ngày chỉ thấy hoa thơm cỏ lạ, nhạc múa đờn ca của các cung phi mỹ nữ trong cung thành, chứ chưa có một lần nào thấy được thực trạng cuộc sống của người dân. Nên thái tử hỏi quan hầu: “Tại sao người ta sống trong cảnh tượng khổ sở như thế?”

Quan hầu thưa: “Tâu thái tử! Người sống nhờ ăn uống. Muốn có thức ăn uống thì phải dãi nắng dầm mưa, cầy sâu cuốc bẫm để trồng trọt, giết thú vật để lấy thịt; muốn ấm thì phải quay tơ dệt vải để may áo quần. Dân mạnh nước giàu là nhờ những bàn tay cần cù khổ cực đó. Cung thành vững chắc, ngôi vua trường tồn, thái tử sống trên ngôi vị tôn quý an vui, đều nhờ những người dân cần cù lam lũ nầy, họ ngày ngày vất vả cực nhọc để xây đắp nguồn sống cho quốc gia hoàng triều”.

Thái tử suy tư hồi lâu rồi thở dài: “Sự sống sống trên sự chết! Sự vui vui trên sự khổ! Mạnh được yếu thua, khôn hiếp dại. Cuộc sống được xây đắp trên sự tàn hại lẫn nhau! Ôi! Sao kiếp sống nhân sanh chất chồng bất công và tàn nhẫn thế này!”

Không còn vui thú để tiếp tục du ngoạn nữa. Thiện-Hữu hiện nỗi ưu tư trên nét mặt, liền hỏi nguyên nhân. Thiện-Hữu thuật cho vua cha cảnh tượng tai nghe mắt thấy trong chuyến du ngoạn ngoài thành, khiến cho Thiện-Hữu u buồn. Vua cha khuyên Thiện-Hữu: “Đó là lẽ thường tình của thế nhân thời nào mà chẳng có? Sao con lại ưu tư lo phiền làm chi?”

Thiện-Hữu thưa: “Tâu Phụ-vương! Con muốn xin Phụ-vương một điều, chẳng biết Phụ-vương có hứa khả không?”

Nhà vua vì quá thương con, nên chẳng cần suy nghĩ do dự, liền đáp: “Con là đứa con ngoan của cha! Cha thương yêu con nhất đời, không điều gì con xin mà cha từ chối, miễn là con được vui”.

Thiện-Hữu thưa: “Tâu Phụ-vương! Con muốn đem của cải vàng bạc trong kho ra bố thí cho dân chúng, để họ đỡ bớt nỗi cực khổ, hy vọng có được đời sống sung túc”.

Nhà vua đáp: “Không trở ngại. Cha đồng ý cho con được mãn nguyện”.

Được Phụ-vương cho phép, Thiện-Hữu vui mừng khôn xiết, liền lạy tạ vua cha, đồng thời ra lệnh cho quan hầu mở cửa kho đem lương thực, của báu ra ngoài bốn cửa thành bố thí. Hay tin thái tử bố thí, dân chúng gần xa khắp bốn phương nô nức lũ lượt hướng về hoàng cung để nhận vật bố thí của Thiện-Hữu. Việc bố thí chẳng bao lấu đã hết một phần ba số kho lương thực của báu trong hoàng triều. Các quan giữ kho thấy vậy lo âu, nên vào tâu vua: “Muôn tâu Thánh-thượng, thái tử đã bố thí hết một phần ba trong số các kho lương thực của triều đình rồi, cúi mong Thánh-thượng mau mau xét lại”.

Nhà vua phán rằng: “Trẫm đã hứa cho thái tử tự tiện bố thí tùy ý mình. Vậy phải làm sao bây giờ?”

Thiện-Hữu chẳng hay biết việc gì xảy ra, với lòng phấn khởi, cứ vẫn tiếp tục tuôn của kho ra bố thí. Quan giữ kho thấy lương thực gần hết, chỉ còn một phần ba số kho lương thực mà thôi, nên lo lắng nóng ruột vào tâu vua. Nhà vua lại cũng trả lời như trước. Thiện-Hữu chẳng để ý gì, vẫn tiếp tục bố thí. Đến khi các quan giữ kho thấy lương thực của báu trong các kho của triều đình gần hết sạch, mới lo sợ nghĩ rằng: Triều đình vững chắc , quốc gia xã tắc hùng mạnh là nhờ những kho lương thực của báu này. Nay nếu để cho thái tử đem ra bố thí hết sạch thì nhất định quốc gia sẽ nguy cơ. Họ liền kéo nhau vào bệ kiến vua và tâu tự sự. Nhà vua nghe qua cũng đâm ra lo lắng, nhưng đã lỡ hứa với thái tử Thiện-Hữu rồi chẳng biết phải làm sao, nên phán rằng: “Giờ đây tùy sáng kiến của các khanh định liệu, bí mật tìm cách giữ kho lại, nhưng đừng cho thái tử biết có ý kiến của ta”.

Nhe nhà vua phán như thế, các quan giữ kho mừng rỡ, họ liền cùng nhau khóa chặt các kho và lánh mặt nơi khác. Thiện-Hữu không tìm ra họ, đành chịu, không cách nào lấy của kho để tiếp tục bố thí nữa. Nhưng hình ảnh người dân đói nghèo cực khổ cứ lảng vảng trong đầu óc Thiện-Hữu làm cho thái tử ăn ngủ không yên. Thái tử đã hỏi ý kiến của các quan đại thần trong triều làm cách nào có được nhiều tiền để bố thí. Mỗi người mỗi ý kiến khác nhau. Người thì bảo thái tử nên có nhiều ruộng đất canh tác trồng trọt để có được nhiều lúa gạo bông sợi. Người thì thưa với thái tử nên chăn nuôi nhiều súc vật để lấy sữa, thịt v.v… Nhưng trong số đó có một đại thần đầu triều khuyên thái tử nên đi tìm ngọc Như-Ý Ma-Ni bảo châu thì sẽ được toại nguyện. Ngọc ở biển khơi, nằm tại nơi Long-vương. Nghe đến đây, Thiện-Hữu rất đỗi vui mừng liền vào xin vua cha cho phép được đi biển tìm ngọc Như-Ý Ma-Ni.

Nhà vua vừa nghe Thiện-Hữu thưa, thì rất đỗi ngạc nhiên lo sợ, than rằng: “Con là vị thái tử, từ bé đến giờ quen sống trong nhung lụa ngọc ngà, kẻ hầu người hạ. Bây giờ lại ra biển khơi sóng dồi gió đập sẽ gặp không biết bao là tai biến hiểm nguy của sóng nước ba đào, gió mưa bão táp, giặc cướp, cá dữ. Xưa nay trăm người đi chỉ một hai người trở về. Giang sơn của cha đây thanh bình thạnh trị cũng là giang sơn của con. Từ từ rồi con toại nguyện bố thí có gấp chi đâu. Sao con lại chọn cho mình việc làm nguy hiểm như thế?”

Nghe vua cha khuyên can như vậy, Thiện-Hữu nằm lăn ra đất buồn khóc suốt tám ngày liền không ăn bỏ ngủ. Mặc dầu vua và hoàng hậu cũng như đình thần khuyên giải, nhưng Thiện-Hữu đã quyết tâm. Cuối cùng vì lo đến tánh mạng của Thiện-Hữu ngày một suy kiệt, nên nhà vua đành lòng chiều thuận cho. Khi được vua cha chấp nhận, Thiện-Hữu ngồi dậy, sắc mặt tươi tỉnh hớn hở, ôm hôn chân vua và hoàng hậu rồi thành kính lạy tạ.

Nhà vua truyền lịnh trong nhân gian, nếu ai cùng đi với thái tử Thiện-Hữu ra biển cả để tìm ngọc Ma-Ni, khi trở về sẽ được trọng thưởng vàng bạc cho suốt cả bảy đời con cháu.

Dân chúng nghe được thánh chỉ này, trên năm trăm người đến hoàng cung ra mắt vua để tình nguyện cùng đi biển với thái tử. Lúc bấy giờ trong nước có nhà mạo hiểm về biển cả, nổi tiếng đầy kinh nghiệm. Tuổi ông tuy đã tám mươi, nhưng vẫn còn sáng suốt khỏe mạnh. Vì quá thương lo cho thái tử, nhà vua đích thân đến nhà mời lão này cùng đi với Thiện-Hữu.

Lão nói: “Ôi! Biển cả đầy hiểm nguy, số người ra đi đến hàng vạn mà khi về chỉ còn một hai. Tâu Bệ-hạ! Thái tử còn quá trẻ, lại quen sống trên nhung lụa ngọc ngà, nỡ nào ngài lại vì ngọc quý mà sai thái tử đến chỗ hiểm nguy như thế?”

Nghe câu nói của lão, nhà vua lại càng trầm buồn xót xa đáp: “Trẫm nào có muốn thế! Trẫm và hoàng hậu cùng quần thần đã hết lời khuyên thái tử, nhưng lòng thái tử đã quyết đi tìm cho được ngọc Như-Ý Ma-Ni để về bố thí cho dân chúng. Ta đành bóp bụng phải ưng thuận đó thôi!”

Nghe thế, lão cảm động xin tình nguyện cùng đi với thái tử Thiện-Hữu.

Sau khi được phụ hoàng ưng thuận cho, Thiện-Hữu lo sắp đặt lương thực, áo quần, thuyền bè cho năm trăm người lái thuyền cùng đi ra biển cả. Trong khi đó, Ác-Hữu nghĩ bụng rằng: “Thiện-Hữu vốn đã được cha mẹ thương mến nay lại đi biển tìm châu ngọc, nếu thành công thì lại càng được sự yêu dấu của phụ hoàng và đình thần hơn nữa. Còn ta thì sẽ bị coi chẳng ra gì”. Nghĩ vậy rồi liền xin vua cha để được đi với thái tử Thiện-Hữu.

Vua hỏi: “Con đi biển để làm gì?”

Tâu phụ vương: “Con muốn cùng đi với anh con cho có bạn, để chia xẻ nỗi khổ cực hiểm nguy”.

Nhà vua nghe thế liền phán: “Được! Như thế thì tốt lắm! Anh em con giúp đỡ săn sóc cho nhau”.

Nói về Thiện-Hữu, khi hành trang chuẩn bị đâu đó xong rồi, Thiện-Hữu ra lệnh cho neo tất cả thuyền tại bờ biển bảy ngày. Mỗi ngày sau bữa cơm sáng, Thiện-Hữu ra lệnh đánh trống tập hợp tất cả thuyền nhân lại và lên đài tuyên bố to rằng: “Trong các người, có ai vì vướng mắc vợ con cha mẹ không muốn đi, thì cứ tự tiện ra về. Còn ai muốn cùng ta đi ra biển cả tìm ngọc Như-Ý Ma-Ni, thì im lặng”.

Sau bảy ngày, thuyền nhổ neo nhắm biển khơi lướt sóng. Ròng rã hơn tháng trời mới thấy một hòn đảo đầy ngọc, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời. Thiện-Hữu cho thuyền đậu lại và truyền lệnh cho mọi người tự tiện mặc tình nhặt lấy vàng ngọc, rồi trở lại quê hương để nuôi vợ con quyến thuộc. Còn Thiện-Hữu cùng với lão già kinh nghiệm biển cả kia tiếp tục cuộc hành trình tìm ngọc Như-Ý Ma-Ni.

Trước cảnh phân ly đôi đường, kẻ về người đi tạo nên bao nỗi sầu bi nước mắt. Thiện-Hữu khước từ tất cả những người nguyện xin theo mình đến bước cuối cùng cuộc hành trình tìm ngọc báu. Bởi Thiện-Hữu e ngại về cha mẹ vợ con của họ trông đợi họ. Và chính họ cũng không khỏi nhớ thương những người thân, đã khuyên họ nên mang vàng bạc trở về với gia đình. Năm trăm thuyền nhân quay thuyền trở lại đất liền, còn Thiện Hữu tiếp tục cuộc hành trình với lão già tám mươi tuổi.

Hai người đã băng núi vượt biển tiến về hướng Đông Bắc. Hai bóng người song song trải qua mấy dãy núi bạc, núi vàng. Hơn hai tháng trời leo núi lội biển, lão già đã ngã quỵ. Thiện-Hữu ôm lấy lão già vào người đấm bóp an ủi. Lão biết sức mình đã kiệt, năng lực không còn, nên trong giọng nói hổn hển yếu ớt đứt quãng, lão chỉ rõ hướng đi và khuyến khích thái tử Thiện-Hữu hãy cố gắng đạt mục đích. Giọng nói của lão yếu dần yếu dần … Lão rùng mình một cái rồi ngã lăn tắt thở.

Giờ đây, Thiện-Hữu một mình một bóng nhắm hướng Đông Bắc mà đi, trải qua bãi biển bạc mênh mông, rồi băng qua bãi biển vàng rộng lớn. Cuối cùng vượt qua ba cái đầm pha lê, trong đó nở đầy hoa sen trắng, hoa sen xanh đỏ. Thiện-Hữu thấy trước mắt hiện ra bức thành cao bằng vàng với cửa tam quan bằng bảy báu. Thiện-Hữu xin phép Long Thần giữ cửa để được vào yết kiến Long-vương. Các Long-nữ đưa Thiện-Hữu vào bệ kiến.

Thiện-Hữu kể hết bao nỗi cực nhọc khổ nguy, thập tử nhứt sanh về cuộc hành trình.

Long-vương hỏi: “Với mục đích gì mà nhà ngươi phải chịu cực khổ lặn lội đến đây?”

Thiện Hữu đáp: “Muôn tâu Long-vương! Dân chúng trong nước tôi nghèo khổ. Vì muốn cứu giúp cho họ được no cơm ấm áo mà tôi không màng vượt biển cả vạn dặm thập tử nhứt sanh đến đây cầu xin Long-vương rủ lòng thương xót cho tôi được xin ngọc Như-Ý Ma-Ni để tôi có phương tiện bố thí theo ý muốn”.

Long-vương cảm kích người có lòng nhân từ nên nhận lời, đồng thời mời Thiện-Hữu lưu lại Long-cung một tuần lễ để thăm viếng và đàm đạo. Thiện-Hữu nhận lời. Trong thời gian lưu lại nơi đây, ngày ngày Thiện-Hữu được mời đi thăm viếng lâu đài điện ngọc bằng lưu ly pha lê, đất đai cây cỏ toàn bằng vàng bạc, núi bằng ngọc ngà, sông suối bằng pha lê, nước bằng lưu ly. Đêm đêm yến tiệc linh đình, đờn ca múa hát đủ thứ khoái lạc vui chơi. Sau bảy ngày, Thiện-Hữu từ tạ Long-vương trở về nước. Trên đường về, Long-vương phái hai tướng rồng đưa đến mé biển, nơi núi vàng đầu tiên mà Thiện-Hữu đã cho các thuyền nhân cập bến lấy vàng và chia tay. Đồng thời nơi đây, gặp lại Ác-Hữu.

Vừa thấy Ác-Hữu, Thiện-Hữu mừng rỡ hỏi: “Bây giờ năm trăm người kia ở đâu em?”

Ác-Hữu đáp: “Năm trăm thuyền nhân kia, vì sóng to gió lớn, nên đã đắm thuyền chết hết cả rồi. Riêng em nhờ ôm được mảnh ván trôi dạt vào đây, nên còn được sống sót đến ngày nay để chờ anh”.

Nghe xong, Thiện-Hữu ngước mắt lên trời vừa mừng vừa than: “Ôi! Đời người quá vô thường. Ta thương họ, nên cho họ ở lại lấy vàng để trở về quê quán được giàu sang với cha mẹ vợ con. Nào ngờ đâu xảy ra cảnh tử biệt thê thảm đến thế nầy”.

Thấy Thiện-Hữu trầm ngâm suy tư, Ác-Hữu hỏi: “Hơn hai tháng trời anh đi nơi nào, có tìm được ngọc quý không?”

Thiện-Hữu đáp: “Anh đã đến Long-cung xin được ngọc Như-Ý Ma-Ni. Ngọc quý nầy giúp cho anh muốn gì được nấy. Từ đây anh sẽ có đủ phương tiện bố thì thần dân, làm điều lợi ích cho xứ sở”.

Ác-Hữu nghe nói như thế, long tham cuồn cuộn trào dâng ngập tràn tim óc, không còn khống chế được nữa! Lòng Ác-Hữu sôi sục thúc dục nghĩ mưu tìm cách đoạt lấy, nên nói với Thiện-Hữu rằng: “Ngọc quý giá như vậy cần phải hết sức cẩn thận. Nếu mất thì không còn cơ may có lại được. Hay là anh em mình thay phiên nhau giữ gìn, hễ khi anh ngủ thì em giữ nó, và khi em ngủ thì anh giữ gìn. Như thế thì chắc chắn không bị mất”.

Thiện-Hữu nghe có lý, liền lấy viên ngọc quý cất kỹ trong đầu tóc đem ra trao cho Ác-Hữu giữ lấy, rồi nằm dưới gốc cây cổ thụ ngủ ngon lành. Trong khi Thiện-Hữu an nhiên ngủ say, thì Ác-Hữu lòng bồn chồn không yên, liền nảy sanh ý nghĩ: “Hắn vốn đã được cha mẹ thương mến cưng chìu, nay lại được ngọc Như-Ý Ma-Ni bảo châu nữa, thì chắc ta sẽ bị phụ hoàng, mẫu hậu và cả triều đình coi rẻ như đồ mảnh sành chén bể”. Càng nghĩ, lòng càng uất ức, cơn ganh tức lên tới cực độ. Ác-Hữu liền tìm thanh tre bén nhọn, không một chút do dự, đâm mạnh vào hai mắt Thiện-Hữu, rồi mang ngọc Như-Ý đi.

Thiện-Hữu đang ngủ say, bỗng nhiên bị cây đâm sâu vào đôi mắt đau nhức vô cùng, kêu la cầu cứu. mắt mù quờ quạng gọi em, nhưng không thấy Ác-Hữu lên tiếng, tưởng là bị cướp giết đoạt lấy châu ngọc. Thiện-Hữu đau nhức than khóc, khóc vì bản thân đau nhức, khóc vì thương em đã mất tăm tích đâu rồi!

Tiếng khóc than thê thảm động đến trời đất. Vị thần cây hiện ra nói: “Đừng khóc than nửa. Không phải kẻ cướp hại ngươi, mà chính em ngươi là Ác-Hữu đã dùng thanh tre đâm vào mắt ngươi để đoạt lấy ngọc quý. Nó đã lấy ngọc đi rồi!”

Từ khi đoạt được ngọc quý, Ác-Hữu mừng rở liền trở về thành Ba-La-Nại vào ra mắt vua cha. Vua và hoàng hậu thấy Ác-Hữu trở về, lòng mừng vô cùng mừng vui và hỏi về Thiện-Hữu đâu không thấy về? Ác-Hữu thưa: “Tâu Phụ-vương và Mẫu-hậu! Tất cả đều chết hết, chỉ còn lại một mình con. Lại nhờ phước đức mà con lấy được ngọc Như-Ý Ma-Ni đem về đây”. Nghe Thiện-Hữu đã chết, Vua và Hoàng-hậu như sét đánh vào đầu, cả hai người đều bất tỉnh ngã ra than khóc, chẳng để ý gì đến ngọc quý của Ác-Hữu trình khoe.

Nói về Thiện-Hữu, từ ngày bị mù, một mình la lết rày đây mai đó. Một hôm nọ, có đàn bò đi ngang qua đụng té, người chăn bò thấy tội nghiệp liền chạy tới đỡ Thiện-Hữu dậy, và đưa về nhà cho ăn uống săn sóc. Sau hơn bảy ngày, Thiện-Hữu xin đi, cha mẹ người chăn bò cố lưu lại, nhưng Thiện-Hữu nói: “Nếu hai bác có lòng thương giúp cháu, thì cho cháu xin một cây đờn và đưa cháu ra chỗ chợ. Như thế là quý hóa lắm rồi, và cháu suốt đời xin đội ơn cứu giúp của hai bác”. Thiện-Hữu được toại nguyện.

Thiện-Hữu có tài đờn giỏi, tiếng đờn réo rắt khi bổng lúc trầm, khiến cho người nghe tâm thần ảo não xao xuyến cõi lòng. Một hôm nọ, hoàng hôn phủ trên vạn vật, người giữ vườn nhà vua nghe tiếng đàn réo rắt, lòng cảm thấy bang khuâng tìm đến người khảy đàn. Thấy một chàng thanh niên mù, mặt mày khôi ngô, dáng điệu trượng phu, người giữ vườn lén đưa chàng mù vào vườn ngự uyển để chuyện trò cho có bạn, và được dịp thưởng thức tiếng đàn.

Một ngày nọ, vào một bình minh trời đẹp, công chúa và các tỳ nữ đi dạo vươn hoa, bỗng nghe tiếng đàn thanh tao tuyệt diệu phát ra từ một góc vườn. Công chúa và các tỳ nữ lần bước đến chỗ phát ra tiếng đàn. Lắng tai nghe, công chúa càng cảm thấy trong lòng rạo rực, tiếng đàn có sức cuốn hút lạ thường, nên quên về cung. Vua cha hay tin truyền lệnh triệu hồi, nhưng công chúa mải mê tiếng đàn vẫn chưa chịu hồi cung, làm cho vua cha cả giận phải đích thân ra chỗ người mù khảy đờn.

Nhà vua quan sát thấy công chúa càng nhìn người mù khảy đờn, càng say đắm ngắm mãi không chán. Công chúa bị bắt buộc theo vua cha về cung. Suốt đêm hôm ấy, công chúa trằn trọc không ngủ được. Hình ảnh người mù và tiếng đàn réo rắt đã chiếm trọn cõi lòng công chúa. Không nén được nỗi nhớ thương, công chúa đã thưa với phục vương và hoàng hậu: “Tâu Phụ-vương! Con muốn Phụ-vương và Mẫu-hậu cho phép con được sống với người khảy đàn kia”.

Trước lời thưa bất ngờ của công chúa, nhà vua vừa cảm thấy xấu hổ vừa tức giận phán rằng: “Cha đã hứa gã con cho Đông cung thái tử Thiện-Hữu thành Ba-La-Nại rồi, nay thái tử đi biển tìm ngọc quý chưa về. Cớ sao con lại đòi được gả cho người mù nghèo khổ này, có phải con đã điên rồi chăng?” Đồng thời nhà vua hạ lệnh bắt giam người mù vào ngục. Công chúa lạy lục van xin vua cha tha cho, nhưng không được.

Từ khi Thiện-Hữu bị giam vào ngục, công chúa nhớ thương, nên ngày ngày lén vào ngục để thăm Thiện-Hữu. Thân gần ngày tháng dài lâu, công chúa cảm thấy Thiện-Hữu tâm lượng thanh cao, tánh tình tao nhã, trí thức hiểu biết quảng bác, nên đem lòng kính yêu. Khi lửa tình nung nấu cõi lòng lên đến cao độ, công chúa không còn đủ sức dấu kín nỗi lòng, nên một hôm thố lộ với Thiện-Hữu, xin kết nghĩ trăm năm.

Thiện-Hữu nói: “Nàng đường đường là một công chúa con vua một nước, ngôi cao tước cả, muôn dân trọng vọng. Còn tôi là kẻ mù lòa sống nhờ tiếng đàn, lang thang khắp chốn, đâu dám sánh cùng”.

Công chúa nói: “Nhân duyên thiện cảm, nhân cách tâm lượng con người đâu phải chỉ hạn cuộc nơi giai cấp giàu sang vua chúa?”

Thiện-Hữu nói: “Cảm ơn lòng tốt của công chúa. Nhưng thật tình tôi không dám. Nếu vua biết được việc này, thì tôi bị chém đầu”.

Công-chúa nói: “Việc nầy để em lo”.

Một hôm nhân lúc vua cha và mẫu hậu vui vẻ, công chúa bày tỏ việc thương yêu Thiện-Hữu. Vua cha bất ngờ kinh ngạc, liền trợn mắt nghiêm sắc mặt nhìn thẳng vào công chúa mà phán rằng: “Con điên rồi sao chứ? Con đường đường là công chúa của một nước, cao sang quyền quý tột đỉnh hơn người, sao lại muốn kết hôn với kẻ ăn mày mù lòa tù đày?”

Công chúa đã tha thiết trình bày nhân cách phong độ, kiến thức quảng bác của Thiện-Hữu, và lòng yêu thương của mình, rồi một mực khẩn cầu vua cha cho thành hôn với Thiện-Hữu. Nhưng nhà vua không những không bằng lòng mà còn nổi giận lôi đình to tiếng nặng lời mắng nhiếc. Công chúa đã đau khổ buồn khóc suốt mấy ngày liền. Lòng lại càng thương nhớ Thiện-Hữu hơn.

Nói về Thiện-Hữu bị giam trong ngục. Sau những ngày được công chúa vào thăm, lòng cảm thấy an ủi vô bờ bến. Thì bỗng nhiên công chúa vắng bặt, không còn vào thăm viếng như mọi ngày. Thiện-Hữu có ý trông với cõi lòng thương nhớ. Nhưng Thiện-Hữu đã linh cảm được điều gì bất trắc xảy ra cho công chúa rồi! Còn về phần công chúa tuy bị vua cha giận dữ khước từ, nhưng không dằn nén được nỗi lòng thương nhớ Thiện-Hữu, nên quyết tâm lấy lại bình tĩnh tiếp tục lén vào ngục thăm. nghe tiếng động, Thiện-Hữu hỏi lớn: “Ai đó?”

Công-chúa đáp: “Em đây!”

Thiện-Hữu với giọng buồn trách: “Công-chúa vào đây chi nữa! Kẻ ăn mày mù lòa này có đáng chi đâu, để cho người cao quý bận tâm, tôi không dám!”

Công chúa nói: “Sao chàng lại nói như vậy?”

Thiện-Hữu đáp: “Chẳng phải đã quên kẻ hèn hạ mù lòa nầy rồi sao? Nếu không, mấy ngày vừa qua bặt vô âm tín?”

Công chúa buồn đáp: “Thật oan cho em lắm chàng ơi! Em nào có quên! Một ngày không gặp còn dài hơn ba mùa thu! Nếu em nói dối thì đôi mắt chàng mãi mãi mù lòa. Còn em thật lòng thì xin trời đất chứng cho, để đôi mắt anh được sáng”.

Công chúa vừa dứt lời, thì trời sấm sét, mắt trái của Thiện-Hữu sáng ra. Ánh sáng từ mắt của Thiện-Hữu tỏa ra như vì sao sáng, sắc mặt của Thiện-Hữu trở nên anh tuấn phi thường. Công chúa vừa cảm mến vừa khâm phục, mới gạn hỏi thăm quê quán tông tích của Thiện-Hữu. Thiện-Hữu thật tình đáp: “Không dấu gì nàng. Tôi chính là Đông cung thái tử nước Ba-La-Nại đây”.

Vừa nghe, công chúa nói: “Xin chàng đừng nói thế. Tôi biết thái tử Thiện-Hữu đã đi biển khơi để tìm ngọc chưa về”.

Thiện-Hữu không muốn cho ai biết mình đã bị em hại để đoạt lấy ngọc quý, nên nói với công chúa: “Chính tôi là Thiện-Hữu đã cãi phụ hoàng đi biển khơi tìm ngọc quý, trên đường về nước bị người đâm đui đôi mắt để đoạt lấy ngọc, nên tôi mới ra nông nỗi này!”

Công chúa nói: “Có lẽ chàng bị mù lâu ngày không tiếp xúc với ánh sáng, nay mắt vừa mới được thấy, làm tinh thần điên loạn giao động, nên mới nói sảng thế chăng?”

Thiện-Hữu nói: “Thôi xin thề, mong thánh thần trời đất chứng minh cho. Nếu tôi nói dối thì mắt tôi mù trở lại. Bằng như lời nói tôi chân thật, thì xin cả hai mắt tôi đều sáng”.

Vừa dứt lời, mắt Thiện-Hữu chớp chớp mấy cái, đôi mắt mở sáng như hai vì sao. Tướng mạo của Thiện-Hữu trở nên khôi ngô anh tuấn lạ thường, làm cho công chúa càng tin tưởng kính phục không còn hồ nghi gì nữa. Công chúa vô cùng mừng rỡ vội chạy vào tâu vua cha tự sự và xin được dẫn Thiện-Hữu yết kiến. Thiện-Hữu trình bày sự tình. Nhà vua lúc đầu không tin, hầm hừ nạt nộ. Nhưng mỗi lúc thấy phong độ đối đáp của Thiện-Hữu không phải là hạng người thường, dần dần nhà vua đem lòng thương mến tin tưởng, mời Thiện-Hữu lưu lại triều đình thời gian tĩnh dưỡng, đồng thời lập tức sai sứ đi gấp đến thành Ba-La-Nại báo tin.

Thiện-Hữu bây giờ đôi mắt sáng trở lại như xưa. Nghĩ nhớ ơn người chăn bò giúp đỡ, Thiện-Hữu yêu cầu công chúa xin vua cha đem vàng bạc trọng thưởng cho họ. Người chăn bò rất đỗi ngạc nhiên mừng nói: “Tôi thương giúp đỡ người nghèo mù lòa có ít, mà sao được phước lợi nhiều như thế nầy. Rồi tự giải thích: Nếu như mở lòng từ bi quảng đại giúp đời, thì công đức chắc phải vô lượng vô biên”.

Từ triều thần cho đến dân chúng nghe biết chuyện này, ai nấy đều phải tỉnh ngộ, ngâm câu: “Ở hiền thì được gặp lành, giàu sang hạnh phúc dành người từ tâm”.

Trong khi sứ giả nước Lý-Chơn-Ban chưa đến thành Ba-La-Nại, vua và hoàng hậu vì quá nhớ thương Thiện-Hữu, nên mất ăn bỏ ngủ khóc đến mờ mắt. Một hôm nghe tiếng chim bạch-hạc của Thiện-Hữu nuôi ngày trước, đang ở trong lồng bỗng nhiên kêu lên thảm thiết. Hoàng hậu xót xa viết thư đeo vào cổ bạch-hạc, rồi an ủi vỗ về chim và nói: “Chủ của con đi biển tìm ngọc quý đã lâu quá rồi mà chưa thấy về, không ai để tâm thương yêu chăm sóc con. Ta thì mất con, còn con thì mất chủ, cả hai cùng chung nỗi đau khổ buồn thương mất mát người yêu mến! Vậy nay ta nhờ con mang thư này tìm Thiện-Hữu, người chủ yêu quý của con. Con hãy hết sức cố gắng để cho có ngày sum họp”.

Trải mất ngày trời, bạch-hạc bay khắp nơi trên biển cả, không hoang đảo nào mà không lượn bay tìm kiếm, nhưng bạch-hạc chẳng thấy tông tích Thiện-Hữu đâu cả. Thế rồi, vào một hoàng hôn gió mây hiu hắt, bạch-hạc muốn tìm nơi nghỉ cánh qua đêm, để ngày mai lại tiếp tục bay đi tìm tông tích người chủ yêu quý, thì thấy vườn ngự uyển của vua nước Lý-Chơn-Ban, cây cỏ um tùm, hoa thơm cỏ lạ, liền lượn mấy vòng trên không, muốn tìm chỗ dừng chân nghỉ đêm. Bỗng nhiên liếc thấy trong vườn ngự uyển có đôi trai tài gái sắc dắt nhau ngắm cảnh dạo mát. Bạch-hạc nhìn kỹ thì thấy đấy chính là người chủ của mình. Quá mừng, nên không một chút do dự, liền đáp xuống đậu trên vai Thiện-Hữu. Bất ngờ Thiện-Hữu thấy trên cổ bạch-hạc có mang lá thơ, nỗi vui mừng chủ tớ hội ngộ. Thiện-Hữu liền quỳ lạy, hai tay chấp lấy phong thơ của Mẫu-hậu mở ra xem.

Biết được tự sự, Thiện-Hữu liền viết thư hồi âm rồi đeo vào cổ bạch-hạc. Thiện-Hữu vuốt ve vỗ nhẹ trên thân bạch-hạc với lời an ủi dịu dàng: “Con hãy giúp ta mang thư này về cho Mẫu-hậu ta. Ta và con sẽ đoàn tụ trong ngày gần đây. Ơn của con ta không quên được”. Thái tử dứt lời, bạch-hạc vỗ cánh tung bay.

Sau khi biết được chuyện nầy, vua nước Lý-Chơn-Ban liền ra lệnh chuẩn bị hành trang và cho đoàn hộ tống Thiện-Hữu về nước Ba-La-Nại.

Được tin Thiện-Hữu về nước, không khí u buồn bấy lâu nay bỗng nhiên tan biến trong khoảng khắc. Từ trong triều, vua quan hoàng thân quốc thích, cho đến ngoài nhân gian bá tánh quốc dân, người người đều lộ vẻ vui mừng. Treo đèn kết hoa trống chiêng nghênh đón thái tử Thiện-Hữu. Niềm hân hoan lộ trên mặt mọi người. Không khí tưng bừng náo nức khắp cả nước từ thành thị đến thôn quê.

Tất cả mọi người đón chào Thiện-Hữu trở về, tay bắt mặt mừng, ai cũng muốn ôm chầm lấy Thiện-Hữu. Thiện-Hữu nhìn khắp mọi người như để đáp lễ về sự ngưỡng mộ nồng nhiệt dành cho mình. Nhưng Thiện-Hữu nhìn khắp trong đám đông mấy lượt mà vẫn không thấy Ác-Hữu đâu cả. Hỏi ra mới biết đã bị vua cha hạ lệnh bắt giam vào ngục. Thiện-Hữu xót thương, đã mấy lượt khẩn thiết cầu xin vua cha tha tội cho em. Nhưng vua cha chỉ cho phép Ác-Hữu ra để Thiện-Hữu thăm. Thiện-Hữu thấy em tay chân bị gông cùm đau đớn khổ sở, động lòng trắc ẩn, đã mấy lần quỳ lạy xin vua cha mở lượng hải hà khoan dung cho Ác-Hữu.

Trong lúc vua cha còn lưỡng lự, triều đình các đại thần đồng thanh lên tiếng ngăn cản phản đối: “Quốc gia xã tắc có pháp luật kỷ cương. Vua có công minh, trăm họ mới kính phục, dân nước mới thịnh trị”.

Thiện-Hữu ôm lấy Ác-Hữu vỗ về rơi lệ thở than, rồi hỏi ngọc Như-Ý Ma-Ni bảo châu cất ở đâu. Hỏi đến ba bốn lượt, Ác-Hữu mới ngập ngừng chịu nói.

Thiện-Hữu được ngọc Như-Ý Ma-Ni bảo châu rồi, liền đốt hương quỳ trước ngọc quý mà khấn nguyện: “Nếu quả thật ngọc Như-Ý Ma-Ni bảo châu linh diệu muốn gì được nấy, thì xin cho đôi mắt của cha mẹ tôi sáng đẹp như xưa”. Lời khấn nguyện của Thiện-Hữu vừa dứt, thì đôi mắt của vua và hoàng hậu trở nên sáng đẹp hơn trước.

Từ ngày được ngọc Như-Ý, Thiện-Hữu dốc lòng lo việc bố thí giúp đỡ muôn dân. Khắp bốn phương thiên hạ ai nấy đều được ấm no hạnh phúc, sống trong thanh bình lạc nghiệp. Người người lớn nhỏ đều lo tu tâm dưỡng tánh, làm việc phước lành, sống trong quốc gia thạnh trị thái bình.

Đến đây, đức Phật nói với A-Nan rằng: “Vua và hoàng hậu xứ Ba-La-Nại thời xưa, chính là Phụ-vương Tịnh-Phạn và Mẫu-hậu Ma-Da của ta ngày nay. Hoàng tử Ác-Hữu ngày xưa, chính là tiền thân của Đề-Bà Đạt-Đa ngày nay. Còn thái tử Thiện-Hữu thời quá khứa đó, chính là tiền thân của Như-Lai ngày nay vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.