Lược Truyện Tiền Thân Đức Phật

05. Hai nhà vua hiền đức



Một hôm đức Phật đang ở trong vườn Trúc-Lâm thuộc thành Vương-Xá, giải đáp những điều thắc mắc cho các đệ tử, thì bất ngờ vua nước Câu-Tát-La đến xin được ra mắt hầu thăm Phật. Vừa trông thấy Phật, vua Câu-Tát-La thành kính cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật. Đảnh lễ xong, vua Câu-Tát-La ngồi qua một bên. Đức Phật hướng về nhà vua ôn tồn hỏi: “Bệ hạ có việc chi mà ngự giá đến đây một cách bất thường như thế này?”

Nhà vua đáp: “Bạch đức Thế-Tôn! Vừa rồi con phê một vụ án khó xử, phải vận dụng nhiều tâm trí, phí nhiều thì giờ mà lòng vẫn thấy chưa được an ổn trọn vẹn”.

Đức Phật nói: “Hay thay! Hay thay! Thưa Bệ-hạ, trị nước an dân nên bằng vào sự công bằng đạo đức mà phê xử. Ấy là con đường thánh thiện trị quốc của bậc minh quân. Như-Lai tin Bệ-hạ thấm nhuần giáo pháp từ bi hỷ xả trí tuệ của Như-Lai, chắc thiên hạ đều được an cư lạc nghiệp”.

Đức Phật lại tiếp: “Có những nhà vua thời xưa không gặp được Phật chỉ nghiên đọc sách vở của các bậc hiền triết mà khéo tu tâm trị quốc, thế mà cũng đã tránh được việc ác, hiện đời quốc gia được thanh bình thạnh trị, khi mạng chung, những nhà vua đó được sanh về cõi trời hưởng phước báu đời đời”.

Vua Câu-Tát-La nghe Phật nói thế xong, liền thưa: “Bạch đức Thế-Tôn! Xin ngài thương xót kể cho con được biết một vài vị vua nào ở thời quá khứ, hành xử đạo đức chánh trực, tiêu biểu để cho con học hỏi theo”.

Đức Phật nói: “Tốt lắm! Thưa Bệ-hạ! Thuở xưa có một vị vua, kinh đô ở thành Ba-La-Nại, sanh được một thái tử thông minh tuấn tú, tài đức song toàn, nên hoàng thân quốc thích, dân chúng lớn nhỏ đều quý mến. Thái tử tuổi vừa mười sáu, thì vua cha băng hà, và được triều thần suy tôn lên ngôi kế vị, lấy vương hiệu là Phạm-Đa-Ta. Vua Phạm-Đa-Ta đạo đức công bình, tánh tình thuần hậu trung trực hơn cả vua cha. Nhờ vậy mà tiếng thơm đồn xa, thiên hạ trong nước không có tiếng kêu ca ai oán, khắp nơi dân chúng an cư lạc nghiệp. Những vụ kiện tụng trong nhân gian gần như không còn. Vua Phạm-Đa-Ta thấy dân chúng sống thanh bình, đất nước thạnh trị, nên lại càng tự xét mình về đường tu tâm dưỡng tánh, hành xử chánh pháp. Nhà vua ấy tự nghĩ rằng, chắc ta không thể nào thấy hết lỗi lầm của ta. Vậy ta nên nhờ mọi người khác soi sáng nhắc chỉ dùm ta, như thế, họa hoằn mới có thể thấy được lỗi lầm của mình, và như thế ta mới thật sự tiến bộ trên bước đường thánh thiện an dân trị quốc.

Nghĩ vậy rồi, nhà vua liền cho truyền rao khắp từ trong thành thị cho đến ngoài thôn quê: “Ai biết được lỗi lầm của đức vua nêu ra, thì sẽ được trọng thưởng. Ai có những oan ức nên trình bày ra, thì sẽ được bảo đảm công minh xét xử”.

Trải suốt hơn một năm trời, lời truyền rao ấy lan khắp mọi nơi trong dân gian. Nhưng nhà vua chỉ tiếp nhận được những lời khen ngợi, mà không có một lời chê trách nào. Nhà vua tự nghĩ rằng, có lẽ vì ta ở ngôi vị đế vương đầy quyền uy tuyệt đỉnh thiên hạ, nên chẳng ai dám mở miệng ra phê phán lỗi lầm của ta chăng? Nghĩ vậy rồi, nhà vua liền bí mật gọi quan tể tướng đầu triều thay thế nhà vua xử lý việc triều chính. Nhà vua lại bảo quan hầu cận đổi y phục thường dân cũng như ngài. Rồi ngài cùng với quan cận thần lặng lẽ lên ngựa ra khỏi hoàng thành. Suốt tám tháng trời, nhà vua giả dạng thường dân đi khắp miền quê đô thị hỏi về đời sống của dân chúng, hỏi về cung cách của nhà vua trị nước. Đến đâu ai nấy cũng đều hết lời khen ngợi vua của họ là bậc minh quân hiền đức.

Lúc bấy giờ có vị vua nước láng giềng tên là Ma-Ly-Ca được dân chúng từ trên đến dưới đều kính mến tài đức. Vua Ma-Ly-Ca cũng biết tu tâm dưỡng tánh, thi hành chánh sự công minh cũng đã từng giả dạng thường dân đi khắp trong nước để hỏi thăm về đời sống dân tình, dò xem dân chúng đối với mình như thế nào.

Vào một dịp đi dự hội quốc vương ở nước lân bang, giữa đường, xe vua Ma-Ly-Ca gặp xe vua Phạm-Đa-Ta. Quan đánh xe của vua Ma-Ly-Ca bảo vị quan đánh xe của vua Phạm-Đa-Ta rằng:

– “Anh tránh xe ra một bên, để cho xe đức vua Ma-Ly-Ca của ta đi trước”.

Vị quan đánh xe cho vua Phạm-Đa-Ta cũng nói: “Anh nên tránh xe anh ra, để cho xe đức vua Phạm-Đa-Ta của ta đi trước mới phải”.

– “Nhà ngươi nên biết đây là xe của đức vua Ma-Ly-Ca, ngài là bậc vua hiền đức được toàn dân cả nước Kosala ca tụng”.

Người đánh xe của vua Phạm-Đa-Ta nghĩ bụng rằng: “Bên kia xe cũng đường đường là một nhà vua, thì biết phải làm sao để họ nhường cho xe của vua ta đi trước bây giờ?”

Đang lúc suy tư tự tìm lời thuyết phục đối phương, thì như nghĩ ra một điều gì kỳ diệu, ông tự nói: “ờ! Ta có cách!”

Rồi xoay hỏi người đánh xe hầu vua Ma-Ly-Ca kia: Vậy tuổi tác đức vua của nhà ngươi là bao nhiêu?”

– Đáp rằng: “Vua Ma-Ly-Ca của ta bằng tuổi vua Phạm-Đa-ta của ngươi”.

Khi hỏi đến diện tích đất nước, dân số, quân lính, hoàng thân quốc thích, quần thần thì được quan hầu kia cho biết thế lực của quốc vương Ma-Ly-Ca không kém gì thế lực của vua Phạm-Đa-Ta. Người đánh xe của vua Phạm-Đa-Ta. Người đánh xe của vua Phạm-Đa-Ta lại nghĩ rằng, thế lực hai nước đã bằng nhau, bây giờ chỉ còn có cách sánh về đạo đức thử xem ai hơn ai, nên liền hỏi: “Vua của nhà ngươi đức hạnh như thế nào? Lấy gì làm vinh quanh?”

Để trả lời, người đánh xe của vua Ma-Ly-Ca ngâm lớn rằng:

Với người thế lực hùng cường,
Vua tôi quyết thắng chẳng nhường cho ai,
Gặp người thanh nhã văn tài,
Vua tôi khuyến lệ những bài ái êm,
Với người đôn hậu thanh liêm,
Vua tôi quý mến lòng thêm kính nhường
Gặp kẻ hung ác đứng đường,
Ngài quyết trừng trị không đường thoát thân.

Đọc xong bài thơ, người đánh xe cho vua Ma-Ly-Ca hỏi: “Vậy đức tánh của vua nhà ngươi như thế nào, sao không nói ra, để chúng ta cùng quyết định ai nên tránh đường nhường xe cho đức vua của ai đánh được đi trước. Còn đức tánh của vua Ma-Ly-Ca ta thì đã rõ ràng như thế rồi đó”.

Vị quan đánh xe cho vua Phạm-Đa-Ta ôn tồn đáp:

Vua tôi hiền đức ôn hòa,
Anh minh từ thiện nhà nhà an vui,
Kẻ hung, người ác, hận đời,
Vua tôi độ lượng dùng lời nhủ khuyên,
Khắp trong thiên hạ lành hiền,
Bỏ lòng bỏn xẻn, tinh chuyên tu hành,
Vua tôi dân chúng tín thành,
Nói lời chân thật, giữ mình tu tâm,
Việc lành nào chẳng không làm,
Việc ác nào chẳng lưu tâm tránh chừa,
Đức vua tâm hạnh đại thừa,
Nhân dân trên dưới hưởng mưa phước lành.

Ngồi trong xe, nghe rõ lời đối đáp, thấy rõ cung cách của vua tôi Phạm-Đa-Ta đã hơn hẳn mình, nên vua Ma-Ly-Ca liền bước xuống xe ra lệnh cho quan hầu kéo xe mình qua một bên để nhường lối cho vua Phạm-Đa-Ta đi trước. Nhân đây vua Phạm-Đa-Ta dùng đạo lý khuyến hóa vua Ma-Ly-Ca.

Những lời khuyến hóa đầy đạo lý của vua Phạm-Đa-Ta như những giọt nước mát chảy sâu vào tim phổi vua Ma-Ly-Ca. Thế rồi, cả hai nhà vua sau khi chia tay từ biệt ai về nước nấy, mỗi người đều lấy đạo đức trị dân, còn chính bản thân mình thì ngày đêm ngoài việc quốc sự ra cũng hết sức chuyên cần tinh tấn tu tâm dưỡng tánh hành thiện bố thí không một chút giải đãi. Cả hai nhà vua ấy khi mạng chung đều sanh lên cõi trời hưởng phước báu và tiếp tục tu hành không đời kiếp nào gián đoạn.

Nói xong, đức Phật khai thị cho vua nước Câu-Tát-La biết rằng: Người đánh xe cho vua Ma-Ly-Ca trong kiếp quá khứ đó, chính là tiền thân của Mục-Kiền-Liên ngày nay. Còn vua Ma-Ly-Ca của kiếp quá khứ xa xưa kia, chính là A-Nan. Người đánh xe cho vua Phạm-Đa-Ta thuở xưa, chính là tiền thân của Xá-Lợi-Phất. Còn vua Phạm-Đa-Ta trong quá khứ đó, chính là tiền thân của Như-Lai ta đây vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.