Bóng Nguyệt Lòng Sông

8. Sống Trong Hiện Tại



Con người đau khổ là vì hoài niệm quá khứ và mơ tưởng đến tương lai, không bao giờ sống trọn vẹn với hiện tại. Một kỷ niệm, nếu là chuyện vui đã làm ta vô cùng thích thú, thì ta ưa làm cho nó sống lại bằng trí tưởng tượng. Chẳng hạn ta hồi tưởng một cuộc đi chơi núi với những người bạn thân. Ta nhớ đến lúc chuẩn bị cuộc hành trình, những người tham dự, nhớ đến cảnh đẹp trên những con đường đã đi qua, nhớ tới khi lên đến đỉnh núi, nhìn thấy cảnh trí đẹp như thế nào, nhớ những lời nói, động tác của những người bạn trong lúc đó. Dĩ vãng trở về trong vòm trời tâm thức ta như một khúc phim sống động làm ta say mê, đắm chìm trong đó, không còn biết gì tới hiện tại với những tiếng động chát chúa khó ưa: tiếng ồn của xe cộ, của người, của vật, của ống loa phóng thanh, của toàn những thứ “oan gia tụ hội”! Đó quả thực là một cách trốn chạy hữu hiệu không khác gì một liều thuốc an thần, một cuộc rượu, một ván bài, một trò giải trí, hay một thời tham thiền nhập định, nếu thiền định đây chỉ là “làm trống không cái tâm, không nhớ nghĩ”. Bởi vì chung quy đó đều là những phương tiện tạm thời giúp ta chạy trốn thực tại trong chốc lát, cái thực tại đau khổ mà ta muốn thoát ly.

Nhưng dù ta có thể làm sống lại quá khứ linh động đến bao nhiêu, nó thực sự vẫn là một cái xác chết. Không thể tránh được cái lúc ta phải trở về với thực tại trước mặt, một sự thực cay đắng. Càng vui với hoài niệm bao nhiêu, ta càng khổ khi bừng tỉnh trước thực tại bấy nhiêu, khi mà:

“Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”

Con người càng sống với hoài niệm nhiều bao nhiêu thì càng dễ điên loạn bấy nhiêu. Quá khứ dần dần đối với họ biến thành một ám ảnh, họ sống trong một cảnh mà danh từ duy thức gọi là “Độc ảnh cảnh”, cái cảnh chỉ có một mình họ thấy bằng tưởng tượng thêu dệt.

“Khi mơ những tiếc khi tàn!” mộng càng đẹp bao nhiêu, càng làm ta khoái ý bao nhiêu, thì khi tỉnh mộng ta càng ngẩn ngơ, tiếc rẻ đau khổ bấy nhiêu trước cảnh thực phũ phàng. Không có một cuộc tỉnh mộng nào mà không đem lại đau khổ, dù mộng ấy là mộng đẹp hay ác mộng. Những người “mơ mộng giữa ban ngày” nghĩa là ưa làm sống lại một hoài niệm hạnh phúc, sẽ phải đau khổ thốt lời than như Chateauriand:

Revenez, revenez, ô mes tristes pensées
Je veux rêver et non pleurer
(Hãy trở về hiện tại, hỡi những hoài niệm u buồn
Tôi chỉ muốn mộng mơ, mà không muốn khóc)

Nhưng đã mơ mộng với quá khứ thì đương nhiên phải khóc với hiện tại, đó là chuyện không thể tránh. Bởi vì khi mộng tưởng như vậy, con người thường đắm mình trong sự say sưa. Đó là một thái độ bám víu, ghì giữ lấy quá khứ, làm sống lại nó để quên đi thực tại.

Nghĩ tưởng về tương lai với niềm hy vọng, khát khao cũng là một thái độ trốn chạy thực tại không khác hoài niệm quá khứ. Khi một viễn tượng tương lai làm ta khoái thích, ta hình dung nó trong trí với tất cả những chi tiết, đến một độ ta hoàn toàn quên bẵng hiện tại. Đó là thái độ của cô bé Pérette trong truyện ngụ ngôn của Lafontaine. Cô bé đội một bình sữa đi bán, giữa đường cô nghĩ tới lúc bán được tiền sẽ mua một con lợn về nuôi. Lợn sẽ lớn nhanh, béo mập, khi lợn đẻ ra một bầy lợn con thì sẽ đem bán được một món tiền to. Với món tiền ấy cô sẽ mua một con bò, còn thừa tiền mua một thêm một con bê xinh xắn. Con bê sẽ nhảy tung tăng khắp nhà, thật đáng yêu biết mấy. Nghĩ tới đây cô khoái trá nhảy lên như con bê trong trí tưởng. Bình sữa đội trên đầu rớt xuống vỡ tan tành. Thế là vốn liếng đi đời nhà ma! Đó là hậu quả dành sẵn cho người nào quá mơ mộng về tương lai, làm cho hiện tại của mình phải hỏng bét như bình sữa vỡ tan tành.

Như vậy hoài niệm quá khứ, mơ tưởng vị lai đều là hai thái độ nguy hiểm. Chỉ còn cách an vui là sống với hiện tại hiện tiền. Nhưng làm sao để sống hoàn toàn trong hiện tại? Điều này dường như bất khả, vì cái tâm con người luôn luôn hoạt động dù trong giấc ngủ. Mà nó đã hoạt động thì không nghĩ về tương lai cũng đoái tưởng quá khứ. Ký ức là một phần tất yếu của tâm thức con người, không thể nào phủ nhận. Có người, vì ký ức dĩ vãng làm họ đau khổ, thường tìm cách để quên. Nhưng càng cố quên, nó lại càng hiện rõ. Cố quên một hoài niệm khổ cũng là thái độ điên đảo không khác gì làm sống lại một hoài niệm vui: hai hạng người này đều có mặt tại dưỡng trí viện. Có những người điên, đúng giờ ngày tháng đó trong năm, thì nổi cơn điên loạn. Đó là do họ đã tự ức chế, không muốn nhớ lại một hoài niệm đau buồn vào ngày, tháng, giờ đó. Chính sự đè nén đó đã ăn sâu vào tiềm thức, làm họ trở thành điên loạn.

Như thế thì chúng ta rơi vào ngõ bí không thể thoát chăng? Bởi vì nhớ cũng không được mà quên cũng không xong. Vậy thì ta phải sống làm sao với cái “của nợ ký ức” này? Vả lại ta làm sao chối bỏ hoàn toàn quá khứ! Kinh nghiệm cũng là do ký ức quá khứ, nếu không có ký ức thì không luôn cả cái kinh nghiệm đang giúp ta sống trong hiện tại. Khi đó, có lẽ chúng ta không khác gì trâu bò, chúng cũng sống không có hoài niệm dự tưởng gì ráo. Dự tưởng về tương lai cũng vậy, làm sao ta có thể sống trong hiện tại nếu không có một ít bảo đảm tối thiểu về tương lai? Một đời sống mà không nhớ gì đã qua, không tự tính việc gì chưa đến, thì có lẽ không khác gì cỏ cây, ngói đá, súc vật cả. Có phải đạo Phật khuyên ta trở về với một lối sống như vậy không ?

Hoàn toàn không !

Trái lại, thiền định của Phật giáo có năng lực phát triển trí nhớ (niệm lực) đến mức độ triệt để, làm cho người ta có thể nhớ tới không những tuổi thơ của mình đời này mà còn có thể nhớ đến nhiều đời trước với đầy đủ các chi tiết: chủng tộc, quê hương, cha mẹ, đồ ăn, tuổi thọ v.v.. Không những có thể nhớ đến vô số kiếp quá khứ của mình, túc mạng minh, mà còn có thể nhớ quá khứ của người khác gọi là thiên nhãn hay sinh tử trí, những thần thông mà Phật có được khi đắc quả.

Như vậy, có thể nói tu là phát triển toàn bộ tâm thức, trong đó có trí nhớ, chứ không phải cố quên. Cố quên hay cố nhớ, do vui hay buồn, do tư dục thúc đẩy, do sự trốn chạy thực tế thúc đẩy, mới là tâm bệnh. Bởi vậy, chính thái độ khoái thích đắm say, hay thái độ xua đuổi tránh né mới là điểm đáng phàn nàn trong lúc nhớ về dĩ vãng hay dự phóng tương lai. Một vị A la hán cũng có thể diễn tả một hoài niệm quá khứ hay một dự phóng tương lai, nhưng vị ấy không thích thú, không có thái độ bám víu hay xua đuổi của người thường đối với hoài niệm, dự phóng ấy. Chính nhờ thái độ vô dục, giải thoát đối với hoài niệm, mà Phật có thể bình thản nhớ lại vô số tiền kiếp của mình: “Tại chỗ kia, Ta đã sinh ra, dòng họ như vậy, màu da như vậy, ăn đồ ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy… Ta nhớ đến một đời, hai đời… Cho đến trăm ngàn đời….” (kinh Trung Bộ I) Nếu chúng ta có thể gợi lại một kinh nghiệm khổ vui của mình trong quá khứ với một thái độ vô dục như Phật nhớ các tiền kiếp của ngài, không xen lẫn vui buồn, không bám bíu, không thích thú, tức là ta đã giải thoát khỏi những ràng buộc của dĩ vãng và vị lai. Sống trong hiện tại có nghĩa là làm chủ được tâm thức mình, rõ biết những khởi tâm động niệm của mình trong giây phút hiện tại, không để bị lôi kéo về dĩ vãng hay tương lai ngoài sự kiểm soát của mình, nghĩa là một cách vô thức. Cái gì lôi kéo tâm trí ta trở về quá khứ hay khát vọng tương lai? Chính là chấp thủ, sự bám víu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.