Tuyền thạch tự ngu – Theo cuộc (nhậm vận)
Âm:
Liễu ngạn xuân ba tịch chiếu trung,
Đạm yên phương thảo lục nhung nhung.
Cơ san khát ẩm tùy thời quá,
Thạch thượng sơn đồng thùy chánh nùng.
Tạm dịch:
Sóng xuân bờ liễu lặng soi trong,
Khói nhạt xanh rờn với cỏ thơm.
Khát uống đói ăn không nghĩ nghị,
Sơn đồng trên đá yên giấc nồng.
Giải thích:
– Nơi phồn hoa huyên náo, việc làm hằng ngày thường chẳng mê.
– Nơi cảnh sắc yên vắng, theo dòng nhận được tánh.
– Theo dòng nhận được tánh, trọn không tạo tác thêm ương họa mới.
– Hồn nhiên mặc áo xiêm, chỉ thuận với thiên chân.
Luận rằng:
Như Hòa thượng Vô Nghiệp bảo: “Người xưa sau khi đạt ý rồi, thì ở nhà tranh, thất đá, trong cái đỉnh gãy chân nấu cơm ăn, trải qua hai ba mươi năm, danh lợi chẳng màng, của cải vật báu chẳng dính niệm, quên hết người đời, ẩn dấu nơi núi cao rừng thẳm, vua chúa gọi chẳng đến, chư hầu mời chẳng tới, trong dừng ý ngoài quên duyên, mà chuyên ròng nơi chí đạo.” Như ngài Vĩnh Gia nói: “Thân nghèo đạo chẳng nghèo, nghèo ắt thân thường mặc áo vá, đạo ắt tâm đầy châu báu đeo.” Tức cùng với Thích-ca, Di-lặc, Tịnh Danh, Bàng Lão chẳng thêm chẳng bớt, không hai không khác, đồng một mắt thấy, đồng một tai nghe, đồng một thọ dụng, đồng một ra vào, thiên đường địa ngục mặc tình tiêu dao, hang cọp cung ma ngang dọc tự tại, bay bổng hồn nhiên, hồn nhiên bay bổng. Có một bài cổ ngâm bốn câu nói:
Giữa trời làm nhàn khách,
Trong người làm Tăng quê.
Cười ta ai đó mặc,
Hồn nhiên tự nhẹ bay.
Bài tụng “Buông mặc tình” này, ý đại khái như trên.
GIẢNG
Chúng ta thấy trong bức tranh này con trâu hoàn toàn trắng, trâu hướng về mục đồng mà mục đồng thì nằm ngủ, không cần phải nhìn ngó, phải để ý tới nó. Đó là để nói Buông mặc tình, nguyên văn là Nhậm vận.
Giải thích:
“Sóng xuân bờ liễu lặng soi trong” là nói “nơi phồn hoa huyên náo, việc làm hằng ngày thường chẳng mê”.
Ở chỗ gió xuân, bờ liễu là ở những chỗ vui thích mà vẫn có cái soi sáng trong lòng chớ không quên, không mất. Đó là để tượng trưng những nơi phồn hoa huyên náo chúng ta làm việc hằng ngày, lăng xăng công kia việc nọ mà lòng thường không mê. Đây là chỗ đặc biệt, các Phật tử phải ráng tập, nghĩa là dầu ở chỗ phồn hoa, chỗ huyên náo, mình làm việc hằng ngày mà thường không mê. Tôi giải nghĩa hai chữ mê và ngộ hay mê và tỉnh. Mê là quên mình chạy theo vật, tỉnh là nhớ mình không chạy theo vật. Như vậy mê và ngộ ở sát một bên. Chạy theo cảnh theo vật là mê, còn tự yên tự tỉnh là ngộ. Dù chúng ta có bao nhiêu công việc phải làm, nhưng làm trong tỉnh giác, dù chúng ta lăng xăng nhiều việc, tâm mình vẫn soi sáng chớ không mê.
Khói nhạt xanh rờn với cỏ thơm.
Chỗ có khói nhạt và cỏ thơm xanh rờn là để nói “nơi cảnh sắc yên vắng, theo dòng nhận được tánh”. Trước cảnh khói mờ nhạt, cỏ thơm xanh rờn, cảnh đẹp đẽ tươi mát của vạn vật, mọi người đang say mê, chúng ta vẫn không quên mình, đó là theo dòng nhận được tánh, tức là nương nơi cảnh mà thấy mình. Thế nên trong nhà thiền dùng câu “kiến sắc minh tâm”, thấy tất cả cảnh, tất cả vật mà sáng được tâm mình chớ không phải vì cảnh vật mà mình mờ tối.
“Khát uống đói ăn không nghĩ nghị”, nói lên rằng khi chúng ta “theo dòng nhận được tánh, trọn không tạo tác thêm ương họa mới”. Như vậy cuộc sống của chúng ta rất là tự tại, đói thì ăn, khát thì uống, không còn nghĩ suy gì nữa, tâm luôn an nhiên thanh nhàn không bận rộn, đó là không tạo thêm nghiệp mới.
“Sơn đồng trên đá yên giấc nồng”, tức là chú mục đồng nằm yên trên tảng đá ngủ một giấc say sưa. Người tu đến đây thì “hồn nhiên mặc áo xiêm, chỉ thuận với thiên chân”. Hồn nhiên mặc áo xiêm tức là tự tại an nhiên không có gì phải bận rộn. Câu này chúng ta được nghe Tổ Lâm Tế nói: “nhậm vận trước y xiêm”, tức là mình mặc áo một cách hồn nhiên tự tại không phải bận nghĩ suy. Như vậy dầu mình đang làm công tác mà tâm mình vẫn hồn nhiên tự tại, sống với thiên chân chớ không bị bên ngoài lôi kéo. Trâu lúc này không cần giữ, mục đồng chỉ nằm ngủ chơi đó là hồn nhiên mặc áo xiêm. Như vậy người tu đến mục thứ bảy này là tự tại an nhiên không còn bận rộn theo cuộc sống bình thường. Nếu chúng ta tu chưa đến đây mà bắt chước chư Tổ, cũng hồn nhiên mặc áo xiêm thì được không? Đó là điều chúng ta phải khéo, mình tu phải biết mình đang ở vị nào, thứ lớp nào, nếu nói quá thứ lớp ngôi vị của mình thì không đúng. Thường thì người đến chỗ này, đói thì ăn khát thì uống, mình chưa đến mà cũng muốn đói ăn khát uống thì thế nào? Ví dụ như có người tu ở chùa Bắc tông ăn chay, nay bất chợt đến nhà Phật tử, đến bữa cơm trưa họ không có sắm sẵn thức ăn chay, họ có thức ăn mặn mời mình ăn, mình nói: Đói ăn khát uống mà, chư Tổ đã dạy như vậy, ai mời gì ăn nấy. Nói nghe cũng được phải không? Được mà đúng chưa? Như vậy để thấy điều mình tưởng như phải mà thật là chưa phải.
Luận rằng:
Như Hòa thượng Vô Nghiệp bảo: “Người xưa sau khi đạt ý rồi, thì ở nhà tranh, thất đá, trong cái đỉnh gãy chân nấu cơm ăn, trải qua hai ba mươi năm danh lợi chẳng màng, của cải vật báu chẳng dính niệm, quên hết người đời, ẩn dấu nơi núi cao rừng thẳm, vua chúa gọi chẳng đến, chư hầu mời chẳng tới, trong dừng ý ngoài quên duyên, mà chuyên ròng nơi chí đạo.”
Thiền sư Vô Nghiệp dạy: Khi chúng ta tu mà đạt ý rồi, nay chúng ta gọi là giải ngộ, tức là nhận ra được mình có cái chân thật, thì ở am tranh thất đá, trong cái đỉnh ba chân gãy mất một chân nấu cơm ăn. “Trải qua hai ba mươi năm”, không phải là một hai năm, “danh lợi chẳng màng, của cải vật báu” tức là vàng bạc… không dính niệm. “Quên hết người đời, ẩn dấu nơi núi cao rừng thẳm, vua chúa gọi chẳng đến, chư hầu mời chẳng tới, trong dừng ý ngoài quên duyên, mà chuyên ròng nơi chí đạo.” Trong thì dừng ý, ngoài thì quên duyên, sống với chỗ đạo tột cùng.
Như ngài Vĩnh Gia nói: “Thân nghèo đạo chẳng nghèo, nghèo ắt thân thường mặc áo vá, đạo ắt tâm đầy châu báu đeo.”
Nguyên bài ca chữ Hán là:
Thân bần đạo bất bần,
Bần tắc thân thường phi lũ hạt,
Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.
Tức cùng với Thích-ca, Di-lặc, Tịnh Danh, Bàng Lão chẳng thêm chẳng bớt, không hai không khác, đồng một mắt thấy, đồng một tai nghe, đồng một thọ dụng, đồng một ra vào, thiên đường địa ngục mặc tình tiêu dao, hang cọp cung ma ngang dọc tự tại, bay bổng hồn nhiên, hồn nhiên bay bổng.
Nếu người nào sống được như lời ca của Thiền sư Vĩnh Gia thì tuy thân mình nghèo mà đạo không nghèo. Thân nghèo vì mặc áo vá, còn đạo không nghèo vì tâm chứa đầy của báu. Nếu thấy biết được như vậy là mình đồng với đức Phật Thích-ca, Phật Di-lặc, đồng với ông Duy-ma-cật, ông Bàng Long Uẩn không thêm không bớt, không hai không khác, đồng mắt thấy đồng tai nghe, đồng thọ dụng v.v… Tại sao? Vì nếu được tự tại như vậy thì chúng ta thấy cũng giống như Phật thấy, nghe cũng như ông Duy-ma-cật nghe… dầu cho ra vào nơi địa ngục cũng được tiêu dao tự tại, dù cho trong hang cọp hay chỗ cung ma cũng vẫn dọc ngang không có gì sợ hãi kinh hoàng.
Có một bài cổ ngâm bốn câu nói:
Giữa trời làm nhàn khách,
Trong người làm Tăng quê.
Cười ta ai đó mặc,
Hồn nhiên tự nhẹ bay.
“Giữa trời làm nhàn khách” tức là ở giữa bầu trời này làm một người khách nhàn nhã, thong thả tự do, không gì làm trở ngại. Nhưng tôi nhắc lại chữ “nhàn Tăng, nhàn khách” để quí vị không lầm. Nhàn khách hay Nhàn tăng có phải là ông Tăng lười biếng không? Nhàn tăng là một vị Tăng dù làm tất cả việc mà tâm vẫn thanh thản tự tại, chớ không phải là vị Tăng ở không đi chơi hoài. Khách nhàn là trong lòng không bận bịu một việc gì, dù bên ngoài làm việc tay lấm chân bùn vẫn không e ngại.
Trong người làm Tăng quê.
Ngay nơi thân mình làm một vị Tăng nhà quê, ăn mặc đơn sơ giống như người quê mùa nhưng trong lòng thì thảnh thơi, cũng như nghèo vì thân mặc áo vá nhưng giàu vì tâm có châu vô giá.
Cười ta ai đó mặc.
Dầu ai đó muốn cười ta bao nhiêu thì cười, khi ta bao nhiêu thì khi, không quan trọng.
Hồn nhiên tự nhẹ bay.
Lòng vẫn hồn nhiên, nhẹ nhàng bay bổng không có gì trở ngại. Đó là tinh thần tự do tự tại trong giai đoạn này. Như vậy trong giai đoạn “nhậm vận” tức “mặc tình” không phải kềm chế, gìn giữ cố gắng nữa mà an nhiên tự tại theo cảnh theo tình mà giải quyết chớ không bận bịu. Thế nên tu đến đây thì xem rất là thảnh thơi, thấy như là người không có tài, không có giỏi gì, nhưng lại là người thảnh thơi tự tại, lòng không dính bận, không còn ràng buộc, không còn nỗ lực, chỉ an nhiên tự tại không lo buồn sợ hãi. Tất cả gì đến thì đến, đi thì đi không bận bịu nên hồn nhiên tự nhẹ bay.
Bài tụng “Buông mặc tình” này, ý đại khái như trên.