Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Phần 1 - Luận Thẳng Về Chưa Chăn (chánh văn)



Bởi tất cả tình mê đều nương các kiến chấp mà dấy lên. Giẫm vào đó thì khác chi rừng rậm, chìm trong đó nào khác biển sôi. Như tằm làm kén, cái ổ tốt là nhân nhận lấy trói buộc. Giống như con thiêu thân lao vào đèn, theo ánh sáng làm gốc hủy mình. Nên bậc thông suốt nói: “Kẻ bỏ nhà lang thang mới cảm thông với người lữ khách, người lạnh lẽo cô đơn, mới biết rõ nỗi khổ của kẻ cùng đường.” Không pháp gì cứu được. Đó là cái thấy hẳn nên quở trách. Hãy thuận lời Phật, chớ theo lời dạy của ma. Nay tôi nói phá rành rõ, nhưng nói phá lại bị người ghét. Người xưa nói: “Lời nói đúng lý chẳng sợ bị cắt lưỡi.” Do đó, tôi tạm nêu lên ở cõi này trong hàng Tăng có năm hạng đọa, năm hạng lười cộng chung thành mười hạng người chưa chịu chăn.

1. Rơi vào cuồng vọng buông thả mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Trong giáo nói: Có những kẻ dân ma, chuyên thích cuồng tuệ, chẳng chịu trì giới tu hành, vọng chấp những lời lẽ tương tự trong kinh điển, như câu: “phiền não tức Bồ-đề, dâm nộ si tức phạm hạnh”, rồi theo lời sanh hiểu, theo cái hiểu lại phát độc, mặc tình nói năng ngông cuồng, tội lỗi không lường được. Họ chỉ có giải thoát trên môi lưỡi, thừa và giới đều mất hết, hoàn toàn chẳng tu hành gì. Nên Hòa thượng Vĩnh Minh nói: “Còn mang tập khí vẫn bị nghiệp cảnh lôi đi, hiện hành đâu khỏi duyên ràng buộc.” Như nói: “Học hiểu ngàn ngày, chẳng bằng trì giới một bữa.” Tại sao tham hư danh trên ngữ giải, nhận thật họa nơi địa ngục, dối mình lừa người, cam bị chìm đắm? Đấy chỉ là bọn sủa ngông cuồng, thật đáng thương xót! Những người hạng này tức chẳng chịu chăn.

2. Rơi vào chia chẻ mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Tổ sư nói: Phần nhiều người có thông minh, học chăm săn tìm nơi giáo điển, ghi chú chương cú, chấp vào tên giả Pháp thân, chia chẻ rành mạch trên danh tướng, gom góp chỗ này, vá víu chỗ kia, suốt cả năm tháng. Mỗi người do tranh giành cái thấy của mình, mà không có chỗ sống thật. Thế nên phải biết, trẻ đói đi ngang qua hàng thịt, miệng nhai ngồm ngoàm, chỉ thêm lòng thèm khát, không giúp gì được bụng đói. Hạng người này chỉ lo nói thiền trên miệng, dù ghi nhớ chương cú, chỉ ôm lòng ngã mạn để lấn lướt người. Đây là hạng thô hạnh thứ nhất trong hàng Tăng. Huống nữa, không có công phu tu hành chân thật, luống thêm khẩu nghiệp, rất đáng thương xót! Kẻ như thế nên chẳng chịu chăn.

3. Rơi vào si không mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Người xưa nói: Kẻ học đạo dòm thấy một chút pháp không, rồi nghe người tụng kinh, niệm Phật, lễ bái, thực hành các thứ hạnh, liền bảo: “Pháp lìa danh tự, nếu theo danh giả thuyết quyền, càng thêm hư vọng.” Đây là hạng người trong tâm ngoài miệng trái nhau. Đâu chẳng thấy kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu ở trong định kia, các thiện nam thấy sắc ấm tiêu, thọ ấm sáng tỏ, tự cho mình đã đủ, thì có một phần đại ngã mạn, bị ma nhập tâm phủ. Họ bảo, một niệm vượt qua ba vô số kiếp, trong tâm còn xem thường cả mười phương Như Lai, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác ở bậc dưới. Chẳng lễ tháp miếu, khinh thường kinh tượng, cho đây là đồng, vàng, gỗ, đất. Và bảo nhục thân là chân thường mà chẳng tự cung kính, lại đi sùng mộ gỗ đất, thật là điên đảo. Quả làm nghi lầm người sau vậy.”

Phải biết, chấp không mà phá tướng như thế, đều là quyến thuộc của ma. Mặc cho tất cả đều không, sanh không, tử cũng không, nhưng vua Diêm-la chẳng không thì làm sao đây? Thật đáng thương xót!

Hạng người chấp không này tức chẳng chịu chăn.

4. Rơi vào tùy duyên mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Người xưa nói: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm.” Chỉ thuận theo thiên chân, muôn hạnh tự tròn đủ. Giở chân, hạ chân, cái gì chẳng phải là nghiệp thanh tịnh, cần chi nhiều thứ tạo tác?

Lại bậc Tiên đức nói: “Tức tâm tức Phật, đâu nhờ tu hành?” Hạng người này như con chó đuổi theo hòn đất, chẳng biết là lời nói nhất thời trong cửa Tổ sư, nhân bệnh mà cho thuốc. Vì vậy nên biết “tùy duyên, mặc tình”, chẳng phải là không làm gì. Nhận lầm cơ Tổ, nắm đá sỏi cho là ngọc, thật đáng xót thương!

Hạng hiểu sai lầm này, tức chẳng chịu chăn.

5. Rơi vào dua nịnh theo quyền thế mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Chỉ vì chẳng biết xấu hổ, cứ lo khoe khoang tiếng tăm, quên mất cả đạo đức, bỏ bê phép tắc luật nghi, không còn gì là chừng mực, buông lung theo tình riêng mà đến nỗi như vậy.

Trái lại, họ chê người thật thà chất phác là quê mùa, và ca ngợi kẻ huênh hoang tự đắc là lanh lợi. Do đó, cứ buông thả tình dục, chẳng biết hổ thẹn. Tự hay nịnh hót kẻ thế lực, nương gá nơi cửa quyền quí để mưu lấy tiếng tăm, lợi lộc. Thường thì hạng người này chẳng nhận rõ gốc đạo, đắm đuối nơi sông ái, biển dục, đành tự cam chịu chìm lịm. Một mai họa đầy phước hết, bị người trời chán bỏ, thầy bạn chịu lây.

Hạng người như thế nên chẳng chịu chăn.

6. Thân tuy xuất gia mà chẳng chịu an tâm vào đạo, lại thuận theo pháp rỗng, chỉ lo giữ gìn thân huyễn, trau chuốt dáng vẻ bề ngoài, biếng nhác mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Hòa thượng Thiên Như nói: Thời gần đây có một hạng xuất gia, tuy nói lìa tục, mà thói tục chẳng trừ. Trọn nói xuất trần mà duyên trần chẳng cắt đứt. Kinh giáo vốn không rõ biết, tham thiền lại chẳng nhận hiểu. Tâm vượn chạy mãi, ý ngựa ruổi rong, thành bầy thành đội, ồn ào cả ngày. Chẳng những luống hao của tín thí, cũng là chôn vùi tánh linh chính mình. Đến khi nhắm mắt, đường trước chẳng biết đi đâu, thật là uổng vào nơi cửa không, sống đã vô ích, chết lại lạc loài.

Hạng người như trên, là vì cơm áo, vì cầu an vui. Xuất gia như vậy, thật đáng đau xót! Đâu chẳng biết kinh Bảo Tích nói: “Quán nơi thân có bốn mươi thứ lỗi lầm, hoặc nói nó là ngục tù tham dục, hằng bị phiền não trói cột, là hố nhơ nhớp, luôn bị các trùng rúc rỉa. Tợ nhà xí với năm điều bất tịnh. Như túi lủng với chín lỗ thường chảy ra. Rắn độc nóng giận dấy lên thì làm hại tâm và thương tổn tuệ mạng. Quỉ La-sát ngu si, chấp ngã kiến mà nhai nuốt trí thân. Giống như giặc dữ, cả thế gian đều muốn tránh. Đồng với chó chết, các Thánh Hiền đều xa bỏ. Chẳng bền chắc như cây chuối, hòn bọt v.v… Vô thường như lửa nháng, điện chớp. Dù cho nó ăn uống mà trở lại thành thù địch. Thường đem đồ nuôi dưỡng mà không biết đền ơn v.v…” Điều đáng chê trách rất nhiều, khó nói đủ hết. Nếu chẳng xét kỹ lỗi lầm sâu nặng này, bèn lo bồi bổ giữ kỹ lấy nó. Mê điều này, vì đó mà chẳng tiến tu thì sẽ thiếu kém cả hai trí và hạnh, mất cả hai lý và sự. Cần trước hết chán ghét, biết quấy, lửa ham muốn sẽ ngầm tiêu dứt. Nếu thiết tha đối trị tận gốc, thì cái chân thật vốn sẵn tự hiện.

Thường hạng này đều bởi bên trong không có trí sáng soi, bỏ gốc chạy theo ngọn, sáng chiều toàn theo những thứ động mà làm rối mất nguồn chân mờ đục nước tánh.

Hạng người như trên đây, hẳn chẳng chịu chăn.

7. Đuổi theo bám víu việc đời, ngày càng tinh chuyên, tâm động mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Kinh Pháp Cú Thí Dụ nói: “Như giấy gói hương, dây buộc cá.” Vật vốn trong sạch, đều bởi duyên mà dấy thành tội phước. Bạn hiền minh thì đạo nghĩa ngày thêm đầy. Bạn ngu tối thì ngày càng gom tụ họa ương. Giống như giấy và dây, gần hương thì thơm, gần hôi thì tanh. Nó thấm dần trở thành thói quen, đều chẳng tự hay biết. Nên bậc Tiên đức nói: “Dừng dừng dừng, kíp tu mau. Trời trong chẳng chịu đi, đợi đến mưa ướt đầu.”

Hạng người trên đây, thuận theo bánh xe nghiệp, chính mình bỏ mất gốc đạo nên chẳng chịu chăn.

8. Đem Phật pháp làm theo tình đời, tâm động mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Nhân vì tài trí chẳng đủ, thấy biết chẳng sáng mà đến như thế! Hòa thượng Dụ hiệu Phật Trí nói: “Ngựa hay chạy nhanh mà chẳng dám thả chân bước càn, là nhờ dây cương kềm chế. Ý thức trôi nổi mà chẳng dám vin theo duyên, là nhờ sức giác chiếu.” Than ôi! Đem Phật pháp làm theo tình đời, quả là kẻ ngoắt đuôi cầu xin thương xót. Đó là không có giác chiếu vậy.

Hạng người như trên nên chẳng chịu chăn.

9. Ngu điếc, giải đãi, biếng nhác cầu an mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Chỉ vì tự phụ, tự bỏ nên như thế. Bậc Tiên đức nói: “Chỗ tài năng chứa đựng của con người tự có lớn nhỏ, thật không thể dạy.” Nên nói: “Giấy nhỏ chẳng gói được vật lớn, dây kéo nước ngắn chẳng thể múc được sâu. Chim cú ban đêm vạch bắt bọ chét, thấy rõ từng sợi lông tơ, nhưng sáng ra thì mắt mờ chẳng thấy gò núi, vốn đã phân định rồi vậy.”  Người như trên là tự chấp cho mình đã đủ, nên không thấy trước thật xa. Sống đã không ích gì hiện tại, chết cũng không tiếng tăm về sau.

Nói chung, hạng người như thế nên chẳng chịu chăn.

10. Cờ bạc vô dụng, tụ nhóm thành bè thành lũ, biếng nhác nên chẳng chịu chăn. Vì sao? Chỉ mong lợi nhỏ trước mắt mà ôm lòng tính toán cẩu thả. Lại nói rằng, việc cầu đạo quá viển vông, chẳng bằng cầu lợi thực tế hơn. Do đó họ đua theo thói phù hoa, so đo nhỏ nhặt. Bởi vậy, không ai chịu toan tính trọn năm, huống là lo nghĩ đến sanh tử? Đó là lý do học đạo ngày càng tệ, pháp môn ngày càng xuống dốc.

Nói chung, hạng người như thế nên chẳng chịu chăn.

Mười hạng người trên đây, tuy nói là xuất gia mà không có hạnh dứt khỏi trần tục. Luống mang thân nam tử mà không có chí trượng phu. Nên Tổ Qui Sơn nói: “Đáng tiếc một đời qua suông, gặp việc thì ngó vách.” Chỉ vì trọn ngày lăng xăng, cả đêm mê mệt. Rơi vào hầm vô tri, ngồi trong ngục hắc ám. Chẳng thông suốt ý chỉ tức sự tức lý. Chỉ nhớ suông lời phá bệnh phá chấp. Người trí rất thương hại, kẻ ngu lại bắt chước theo. Đã thành lối mòn, muốn dứt bỏ nhanh đi càng rất khó! Vì vậy mới dẫn rộng ra.

Thâm tâm của Phật Tổ đã bày rõ đủ hết đại ý kinh luận. Mong người chừa bỏ những chấp cũ, để sửa đổi điều sai quấy trước, mà đồng bước theo dấu vết của bậc Tiên Thánh còn để lại, và cùng chung lãnh nhận lời răn bảo của đức Phật. Như thế mới không khuyết tổn bản chí, khỏi cô phụ bốn ân, cùng nhau bước lên cửa giải thoát và tiến vào đường thẳng tắt tu hành chân thật, thành tựu đạo nghiệp của chư Phật, đầy đủ đại Bồ-đề. Ngăn bít nẻo tà mà mở ra lối chánh, vững niềm tin mà nhổ bật gai chấp trước. Vượt bến khổ nơi ba cõi, vào nguyện hải Phổ Hiền. Qua cảnh lênh đênh nơi pháp giới, tiến vào thành lớn Niết-bàn.

Ngưỡng mong mắt Phật chứng cho chút lòng thành và khắp vì người đương thời, xin kính dẫn tập này.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.