Thiền sư Huyền Giác nói: “Sanh tử sự đại. Vô thường tấn tốc.” Ngài Từ Minh lại nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ.”
Là Phật tử, xuất gia cũng như tại gia, chúng ta phải sống như thế nào đối với hai quan niệm trên?
Thông thường có hai hạng người tu: chưa đạt đạo và đã đạt đạo. Hạng người chưa đạt đạo muốn tiến tu thì lúc nào cũng phải khắc trên trán bốn chữ “Sanh tử sự đại”. Đó là chủ đích của đức Thích-ca lúc xuất gia. Khi đi tu là cốt giải quyết vấn đề này. Bao nhiêu người từ trước đến giờ đành bó tay đối với vấn đề sanh tử. Vì thế đức Phật quyết định giải quyết vấn đề sanh tử, chớ không chấp nhận cách đầu hàng đó. Khi đạt đạo rồi, đó là Ngài thoát ly sanh tử. Thế nên tất cả người tu sau này khi phát tâm xuất gia hay quyết chí tu hành theo đạo Phật để giải thoát thì không ai coi thường vấn đề sanh tử. Đó là ý nghĩa của bốn chữ “Sanh tử sự đại” và cũng là bước đầu trên con đường tu của chúng ta.
Nhưng đối với người đạt đạo thấy rõ mình có cái chân thật bất biến. Cái chân thật đó trong kinh gọi là Pháp thân hay Chân tâm, cái đó không bị sanh tử lôi cuốn và cũng không lệ thuộc vào sanh tử. Sống với cái không sanh tử thì cuộc sống này chỉ là tùy duyên, đủ duyên hợp lại là sanh, thiếu duyên ly tán là tử. Sanh tử là vấn đề của duyên. Đối với Pháp thân hay Chân tâm, nó không dính dáng gì hết. Vì vậy nếu sống với Pháp thân thì sanh tử như trò chơi, như ảo mộng, như huyễn hóa không gì phải bận tâm. Cho nên có Thiền sư nói rằng “ư chư sanh tử bất quan hoài” nghĩa là đối với sanh tử không bận lòng. Cùng một ý này Thiền sư Từ Minh nói:“Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ.”
Người đạt đạo sống với cái không sanh tử, khi đó sanh cũng như mùa đông được chiếc chăn đắp lên cho ấm, có gì mà sợ. Còn khi bỏ thân tứ đại này để trở về Pháp thân thanh tịnh cũng như mùa nực cởi chiếc áo, mát mẻ có gì mà lo. Nhưng đối với chúng ta sanh tử là sự đại, nếu chúng ta chưa đạt đạo thì “sanh tử sự đại” có giá trị. Chúng ta thấy hai câu trên đều đúng. Người tu mà chưa đạt đạo thì sanh tử là việc lớn, khi đạt đạo rồi thấy sanh tử là trò chơi.
Khoảng giữa năm tôi có làm bài kệ:
Gá thân mộng, dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Nhiều vị không biết, nói tôi làm kệ là sắp từ giã. Có người đồn tôi sắp tịch nên mới để kệ lại, nhưng sự thật không phải vậy. Khi dạy Trung Quán, tôi thấy lẽ thật trong đó quá rõ ràng, cho nên làm bài kệ trên. Kệ đó có hai ý:
1- Chúng tôi ước định lại đời sống và ngày cuối cùng của chúng tôi.
2- Mong mỏi người sau nhận, hiểu những cái gì tôi đã hiểu.
Giờ đây tôi đi thẳng vào bài kệ. Gá thân mộng, dạo cảnh mộng. Hiện giờ, chúng ta thấy sự sống còn của thân này thật là quan trọng. Nhưng nếu dùng con mắt Trí tuệ Bát-nhã mà thấy thì chỉ là một mớ nhân duyên hòa hợp. Sự sống do duyên mà có, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất, không có gì bảo đảm lâu dài hết. Thân chúng ta gọi là nội tứ đại, bên ngoài là ngoại tứ đại. Hai phần này hỗ tương nhau mà tồn tại. Vì vậy cuộc sống chúng ta hiện nay là tạm bợ, vay mượn tứ đại bên ngoài hòa hợp với tứ đại bên trong. Sống bằng sự vay mượn tạm bợ như thế không phải mộng là gì, không phải huyễn hóa là gì? Nhưng chẳng lẽ chỉ có thân huyễn hóa tạm bợ này thôi sao? Ở đây chúng tôi dùng chữ “gá”. Ai “gá”? Không phải chỉ có thân tứ đại này là cứu kính duy nhất, mà còn có “chủ nhân ông”. Nói “chủ nhân ông” là khi nào chúng ta tỉnh giác. Nếu chưa tỉnh giác thì phải nói danh từ khác tức là “nghiệp thức”. Như vậy cái gá đó là Ông chủ. Chính cái thân tứ đại mới là cái tầm thường để cho Ông chủ nương tựa. Khi gá vào thân tứ đại mộng huyễn này thì cảnh mà thân tứ đại tới lui qua lại đó cũng là cảnh mộng. Thân là mộng, cảnh cũng là mộng, nên nói “gá thân mộng, dạo cảnh mộng”. Tổ Qui Sơn thường nhắc nhở: Người xuất gia phải coi mình như khách qua lại trong Tam giới. Ở đây tôi dùng câu dạo cảnh mộng vì đa số chúng ta mắc kẹt trong cảnh, thấy cảnh này là thật. Nhà của mình, đất của mình, tất cả cái gì cũng là của mình hết, cho nên được thì mừng mất thì khổ, bị ngoại cảnh lôi cuốn, sống trong bất an, bất ổn. Nếu chúng ta thấy thân và cảnh đều là mộng thì còn gì ràng buộc, còn gì lo sợ, được mất đối với chúng ta như trò chơi, không còn gì phải khổ đau nữa.
Đó là tôi diễn tả lại thân và cảnh. Khi cảnh và thân này tan rồi tức “mộng tan rồi” thì thế nào? Thì “cười vỡ mộng”. Như chúng ta đã biết một khi trả ra mà không mượn lại là thân tứ đại sắp hoại. Thở ra mà không hít vào là phong đại đã hết. Phong đại đã hết thì hỏa đại sẽ tan từ từ. Rồi tới thủy đại, địa đại sẽ tan rã sau. Như vậy một khi thở ra không hít vào thì thân tứ đại chúng ta không còn hoạt động như trước nữa, đôi mắt cũng nhắm nghiền, lúc đó ngoại cảnh không còn gì với chúng ta nữa. Thân thiếu phong đại thì thân sắp tan, mắt không còn mở thì cảnh đời đối với chúng ta cũng vắng. Thân và cảnh tan hoại nên nói rằng “mộng tan rồi”.Khi đó người đời sẽ làm sao? Hoặc là khóc biệt ly, thương cha mẹ, thương anh em, thương tất cả người chung quanh… coi đó như là một chuyến đi không bao giờ gặp lại. Hoặc là bản thân người đó sẽ khổ đau vì “tiền lộ mang mang vị tri hà vãng”, nghĩa là đường trước mờ mờ không biết về đâu. Khi sắp tắt thở nhớ lại mình không có đức hạnh gì, không biết rồi sẽ ra sao, không biết mình đi đâu? Thật là đau khổ. Như vậy có hai nỗi khổ: khổ khóc vĩnh biệt và khổ không biết thân phận mình ra sao! Hai cái đó làm cho người sắp ra đi đau khổ tràn trề. Đó là thân phận những người không biết đạo.
Nhưng ở đây tôi nói: “Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.” Tại sao chúng ta lại cười vỡ mộng? Bởi vì mình biết đó là một giấc mộng. Đã biết là một giấc mộng thì khi hết mộng chúng ta trở về thật. Đang mộng mà chúng ta chợt tỉnh là hết mộng. Khi hết mộng chúng ta còn sợ hay không? Khi biết đó là một cơn mộng thì dù đẹp, dù xấu, dù khổ, dù vui, chúng ta đâu có gì phải sợ. Khi mộng tan chúng ta nở một nụ cười từ biệt mọi người, an lành trở về quê cũ, tức trở về cái chân thật muôn đời. Đó là “cười vỡ mộng”.
Nói như vậy mà chúng tôi đã được như vậy chưa? Đó là một vấn đề ước định. Chúng tôi tự nhắc mình phải sống thế nào? Nghĩa là đối với thân và cảnh này chúng tôi phải luôn luôn thấy nó là mộng, để khi thân này sắp hoại chúng tôi thấy đó là tan cơn mộng, chỉ “cười vỡ mộng” thôi, không có gì quan trọng. Đó là một ước định cho ngày ra đi của chúng tôi.
“Ghi lời mộng, nhắn khách mộng”, nghĩa là chúng tôi tự thấy mình sống trong cõi đời tạm bợ hư ảo không có gì thật, không lẽ biết nó hư ảo rồi an ổn vui vẻ, mặc cho người khác chìm lịm trong cơn mộng đó để than khóc, chịu đủ thứ đau khổ. Chúng tôi không nỡ nên buộc lòng phải ghi lại ít lời, nhắc những người đồng hành với mình trong cơn mộng đó. Đây là tấm lòng nghĩ đến người sau, muốn cho mọi người khi ra đi đều nở một nụ cười, chớ không phải rơi lệ dầm dề.
Nhưng “ghi” và “nhắn” cái gì đây? Nhắn rằng “biết được mộng, tỉnh cơn mộng”, nghĩa là một khi biết rõ sự sống này là mộng thì tỉnh được cơn mộng. Chủ yếu là chúng ta phải thấy rõ lẽ thật, chớ đừng lầm lẫn tưởng cuộc đời là thật rồi chìm đắm, hết cơn mộng này đến cơn mộng khác. Tỉnh được cơn mộng thì mọi khổ vui trong cuộc đời không còn chi phối được chúng ta. Cho nên sau khi tôi vỡ mộng rồi, khỏi cần họa hình họa tượng gì cả, chỉ cần biên bài kệ đó, hoặc tám câu một câu ba chữ, hoặc bốn câu một câu sáu chữ để nơi nào quí vị dễ thấy, cốt nhắc nhở lấy mình, có lợi hơn là họa hình to thờ mà không nhớ cũng vô ích. Đó là sở nguyện của tôi. Nếu được, thì tôi mãn nguyện, ngược lại thì tôi chưa hài lòng.
Bao năm qua ở Thiền đường này, tôi là người hay giảng, quí vị là người nghe giảng, hình như chúng ta đều là kẻ tỉnh hết. Nhưng sau buổi giảng, có lẽ người giảng hay quên, người nghe lại càng quên hơn nữa. Như vậy là có tỉnh nhưng lại mê. Tỉnh thì ít, mê thì quá dài. Nếu chúng ta gặp cơn ngủ quá mê, vừa mãn mộng thứ nhất, là vừa hơi tỉnh. Tỉnh rồi mà chưa có sức ngồi dậy, rửa mặt và cũng còn ham ngủ nữa thì sao? Một cơn mộng thứ hai tiếp nối, và cứ thế tiếp nối tiếp nối, không biết tới lúc nào mới hết. Chỉ khi nào chúng ta biết đó là mộng, mặc cho mộng vui hay mộng buồn, chúng ta nhất định trỗi dậy rửa mặt, đi ra ngoài hoạt động thì khả dĩ hết mộng.
Đây nói tới việc tu. Nếu chúng ta biết điều nào dở, điều nào tạo nghiệp khổ, cái nào giả cái nào thật, cái biết đó chưa đủ làm cho chúng ta giải thoát và hết khổ. Biết rồi chúng ta còn phải hành. Cho nên Phật dạy người học đạo phải đủ văn tư tu. Văn là nghe, tư là suy nghĩ, nhận định đúng. Cái biết mà chúng tôi vừa nói chính là văn và tư vậy. Nhưng chưa đủ, chúng ta còn phải tu tức là hành, cái hành đó mới là thiết yếu. Như chúng tôi thường nói: Chủ động trong cuộc luân hồi, sanh tử là ba nghiệp, chủ động trong ba nghiệp là ý nghiệp. Ý nghiệp trong nhà Thiền gọi là vọng tưởng. Vọng tưởng là động cơ chánh yếu khiến ta luân hồi sanh tử. Bây giờ muốn thoát ly sanh tử không gì hơn là chận đứng hay dừng lại vọng tưởng. Nói chận nói dừng chỉ là một lối nói, đúng ra chúng ta nhè nhẹ buông thôi. Biết rõ bộ mặt nó là không thật, buông nó rồi sẽ hết. Như vậy công phu buông xả đó tuy nhẹ nhàng đơn giản nhưng đòi hỏi phải bền bỉ lâu dài. Thuở xưa, các Thiền sư muốn buông hết phải trải qua mấy mươi năm. Như ngài Triệu Châu bậc kiệt xuất trong nhà thiền ở Trung Quốc còn nói: Ngót ba mươi năm phải buông hết mới thành một khối. Huống chi chúng ta mới buông sơ sài làm sao hết được. Như vậy chúng tôi nói rằng người quyết chí tu đạt đến kết quả viên mãn, thì phải khẳng định lập trường của mình trước mọi hoàn cảnh, nhất là về tình cảm. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến tình cảm của người xuất gia. Người xuất gia trước tiên phải cắt đứt tình cảm gia đình, chính nó làm chúng ta rối ren, lo sợ, khó xử. Nói đi tu mà ít bữa nhớ nhà, lo ở nhà không có cơm ăn, áo mặc. Như vậy thì làm sao thực hiện được bản nguyện của mình. Nếu chúng ta không có thái độ dứt khoát, không can đảm như đức Phật thì khó mà giải quyết nổi. Đức Phật một phen ra đi, đến khi thành đạo mới trở về. Đó là hình ảnh một con người dứt khoát, không có thái độ chần chờ. Ngài chỉ trở về thăm vua cha, độ thân quyến là sau khi đã đạt đạo. Nhờ thái độ khẳng định đó mà Ngài thành công.
Đến đây tôi dẫn Thiền sư Lương Giới, Tổ của tông Tào Động ở Trung Hoa. Khi đi tu Ngài có viết mấy lá thư cho cha mẹ. Đọc thư Ngài, ta mới thấy ý chí người xưa.
Lá thư thứ nhất:
Được nghe, chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ trời đất che chở. Cho nên, không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che.
Song, tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc vô thường chưa lìa sanh diệt. Ân bú xú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm, dù đem của cải thế gian phụng dưỡng trọn khó đáp đền, dùng máu thịt dâng hiến cũng không được bền lâu. Trong Hiếu kinh nói: “Dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ lôi nhau vào vòng trầm luân chịu muôn kiếp luân hồi.” Muốn đền ân sâu dày của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia, cắt đứt dòng sông ái sanh tử, vượt qua khỏi biển khổ phiền não, đáp ân cha mẹ ngàn đời, đền công từ thân muôn kiếp, bốn ân ba cõi thảy đều đền đáp. Kinh nói: “Một đứa con xuất gia chín họ đều sanh lên cõi trời.” Con thệ bỏ thân mạng đời này, chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát-nhã.
Cúi mong cha mẹ mở lòng hỉ xả, ý chớ trông mong, học theo gương Quốc vương Tịnh Phạn và Thánh hậu Ma-da. Hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì: “Thời giờ chẳng đợi người.” Cho nên nói: “Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này.”
Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong.
Tụng rằng:
Vị liễu tâm nguyên độ sổ xuân
Phiên ta tịnh thế mạn thuân tuần
Kỷ nhân đắc đạo không môn lý
Độc ngã yêm lưu tại thế trần
Cẩn cụ xích thư từ quyến ái
Nguyện minh đại pháp báo từ thân
Bất tu sái lệ tần tương ức
Thí tợ đương sơ vô ngã thân.
Dịch:
Chưa rõ nguồn tâm quá mấy năm
Thương thay mê mải luống trì trầm
Cửa không đã lắm người đắc đạo
Riêng ta trì trệ ở trong trần
Xin viết lá thư từ quyến thuộc
Nguyện thông đại pháp đáp từ thân
Không nên rơi lệ thường thương nhớ
Xem tợ buổi đầu không thân con.
Qua lá thư này chúng ta thấy Ngài cố tình nhắc cha mẹ đừng buồn, đừng khóc, coi như buổi đầu không có thân Ngài. Đó là lá thư thứ nhất gởi cha mẹ.
Lá thư thứ hai:
Con từ lìa cha mẹ chống tích trượng dạo phương Nam, tháng ngày trôi qua tính đã mười năm, trên đường con đã trải qua muôn dặm.
Cúi mong mẹ đem hết tâm ý hướng về Phật pháp, đừng ôm ấp tình ly biệt, chớ đứng tựa cửa trông con. Mọi việc trong nhà tùy thời sắp đặt, việc nhiều thì phiền não thêm nhiều. Phần anh Hai thì nên tận tâm hiếu thuận, học đòi gương Vương Tường nằm giá, còn em nhỏ thì hết sức bắt chước theo Mạnh Tông khóc măng. Phàm người ở đời phải biết tu thân hiếu đễ mới hợp lòng trời. Kẻ làm Tăng trong cửa Không thì mộ đạo tham thiền để đáp ân cha mẹ.
Ngày nay hai đường xa cách muôn sông ngàn núi, mượn giấy mực viết vài hàng để bày tỏ tấc dạ.
Tụng rằng:
Bất cầu danh lợi bất cầu Nho
Nguyện nhạo không môn xả tục đồ
Phiền não tận thời sầu hỏa diệt
Ân tình đoạn xứ ái hà khô
Lục căn giới định hương phong dẫn
Nhất niệm vô sanh huệ lực phò
Vị báo bắc đường hưu trướng vọng
Thí như tử liễu thí như vô.
Dịch:
Chẳng cầu danh lợi chẳng cầu Nho
Ưa thích cửa Không bỏ thế đồ
Phiền não hết rồi lửa sầu tắt
Ân tình dứt bặt, sông ái khô
Sáu căn giới định gió thơm cuốn
Một niệm vô sanh sức huệ phò
Xin nhắc mẹ già thôi đứng ngóng
Ví như đã chết, ví như không.
Trên đây là hai lá thư của Ngài.
Bây giờ đến lá thư của bà mẹ gởi cho Ngài:
Mẹ cùng con đời trước có nhân duyên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong lòng, sớm chiều cầu thần khấn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ tháng mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quí như châu bảo. Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng ngại sự bú xú nhọc nhằn. Con vừa thành người dắt đến trường lo học tập. Hoặc khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng tựa cửa trông mong.
Con viết thư về quyết xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông cậy vào ai? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ! Khổ thay! Khổ thay!
Nay con lại thệ chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục-liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e phải có tội. Con cần phải giải quyết cho xong.
Người mẹ trả lời cho con như vậy, chúng ta thấy dường như mẹ Ngài trách người đi tu là kẻ quên ơn bội nghĩa, không biết gì tới cha mẹ. Thật ra trọng trách người tu là làm sao đạt đạo để giải quyết vấn đề sanh tử cho mình, cho cha mẹ và cho tất cả chúng sanh, chớ không phải muốn bỏ cha mẹ để tìm chỗ an ổn vui chơi qua ngày hết tháng. Chí cương quyết của người tu không phải là ý bất hiếu, bỏ cha mẹ phiêu bạt để tìm chỗ an ổn cho chính mình. Vì vậy khi thực hiện bản hoài cao cả đó chúng ta phải gan dạ ngay từ buổi đầu, không thể chần chờ nửa tiến nửa lùi, nay thì quả quyết mai thì do dự, như vậy không thể nào tiến xa được. Dù biết rằng việc làm đó là bất hiếu trong hiện tại nhưng có thể cứu cha mẹ và mọi người ở ngày mai. Cho nên ngài Động Sơn nhờ lòng cương quyết mà được thành đạo.
Sau khi ngộ đạo, Ngài làm Trụ trì ngót ba mươi năm. Một hôm đi xuống bếp, Ngài thấy những người trong nhà trù làm đổ tháo thức ăn nào bún, nào gạo, nào cơm vương vãi khắp nơi. Ngài quở: “Của đàn-na thí chủ không nên hủy hoại.” Vừa nói như vậy thì thấy một vị thần quì trước mặt. Ngài hỏi:
– Ông là ai?
– Tôi là thần Thổ địa, ba mươi năm rồi tìm yết kiến Ngài mà không gặp, hôm nay mới được gặp.
Do ý chí cương quyết đó mà Ngài làm Tổ tông Tào Động truyền mãi cho đến bây giờ. Nếu người xưa chần chờ hay yếu đuối thì không bao giờ có đạo hạnh để chúng ta bắt chước theo. Vì vậy tôi mong rằng người xuất gia hay tại gia, đã quyết chí tu thì phải có lập trường vững chắc. Việc làm này không phải là việc tầm thường đơn giản, mà là việc làm cả một đời người. Nếu không bền vững, chúng ta đang tu tiến, gặp chuyện gì bận bịu của gia đình thì chúng ta bị lùi, đã không cứu được mình, huống nữa là cứu được ai. Sự tu hành chánh yếu là để thoát ly sanh tử. Muốn thoát ly sanh tử phải bền chí mới được.
Trên đây, tôi đã dẫn những lá thư của ngài Động Sơn viết về cho mẹ và thư trả lời của mẹ Ngài. Người mẹ như bà thân của ngài Động Sơn rất là hiếm. Dù thương con tràn trề nhưng không nỡ ngăn ý chí xuất gia của con nên bà tùy thuận và hi vọng con mình thành tựu đạo quả. Lời nói đó chính là một sức mạnh giúp người con nỗ lực sao cho đạt đạo mới thôi. Nhờ vậy ngài Động Sơn đã làm tròn bổn phận tu hành của mình cũng như đối với tất cả những người trong gia đình, tức quyết tâm đạt đạo để đền ơn cha mẹ, đền ơn tất cả. Do đó chúng ta khi đã phát tâm học đạo đều phải cố gắng nỗ lực và quyết chí tiến lên, chớ không tu với tánh cách lưng chừng được.
Gần đây tôi thấy người phát tâm xuất gia thì đông, mà người giữ được ý chí xuất gia thì ít, nghĩa là tuy thân ở chùa, nhưng tâm cứ nghĩ việc nhà, không buông được. Như vậy tuy có tinh thần phát tâm xuất gia, nhưng chí người xuất gia đạt đạo thì quá ít. Vì vậy tôi mong những vị đã được có phước duyên sâu dày, xuất gia học đạo nên nhớ ý chí của người xuất gia, phải làm được việc mình đã nguyện làm.
Ngài Động Sơn đã nói: “Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này”, nghĩa là nay được thân này thì hiện đời phải giải quyết cho xong, đừng đợi đời khác, đừng quan niệm rằng tôi tu để có phước, đời sau tiếp tục tu nữa. Cái lối đợi đời khác là lối ỷ lại ngu si, để rồi tu một cách lơ mơ chớ không đi tới nơi tới chốn. Đừng nghĩ rằng mình đang ở đời mạt pháp, có cố gắng cũng không tới đâu. Dù ở thời chánh pháp, tượng pháp hay mạt pháp, nếu chúng ta nỗ lực tu đều có kết quả tốt như nhau. Chỉ vì chúng ta không cố gắng nên không giống như thời trước. Hai bài kệ trong hai lá thư của Ngài có tác dụng cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với chúng ta. Tôi nhắc lại những câu kết của hai bài kệ trên.
Bài kệ trước:
Bất tu sái lệ tần tương ức
Thí tợ đương sơ vô ngã thân.
Tạm dịch:
Không nên rơi lệ thường thương nhớ
Xem tợ buổi đầu không thân con.
Bài kệ sau:
Vị báo bắc đường hưu trướng vọng
Thí như tử liễu thí như vô.
Tạm dịch:
Xin nhắc mẹ già thôi đứng ngóng
Ví như đã chết ví như không.
Chúng ta thấy đầy đủ ý chí của Ngài qua mấy lời khẳng định: Xin thưa với cha mẹ coi như con đã chết, coi như không có con. Có thái độ dứt khoát như vậy mới mong làm tròn được nhiệm vụ của mình. Chúng ta khi đã xuất gia, đối với gia đình phải xem như mình đã chết. Có như thế mình mới thật sống. Đó là điều hết sức quan trọng đối với người tu.
Phiền não tận thời sầu hỏa diệt, ân tình đoạn xứ ái hà khô, nghĩa là phiền não hết rồi lửa sầu tắt, ân tình dứt bặt sông ái khô. Khi chúng ta hết phiền não thì lửa sầu mới tắt, khi ân tình bặt thì sông ái mới khô. Như vậy, người tu nếu để tình cảm gia đình ràng buộc mãi, thì sông ái không biết chừng nào mới khô. Trái lại, sông ái tràn đầy thì chúng ta sẽ bị cuốn trôi, không thể dừng nổi.
Còn tinh thần của người mẹ, tôi chỉ cần nhắc câu cuối: “Nếu mẹ không như vậy e phải có tội. Con cần phải giải quyết cho xong.” Quả là bà mẹ biết dạy con. Còn nghĩ rằng sao con đi lâu quá không về, hoặc giả làm món gì ngon nhắn con về đãi. Cứ như vậy hoài thì đi tu một trăm năm cũng chẳng được gì. Thế nên người tu có hai điều kiện hệ trọng: thứ nhất là tinh thần dứt khoát của mình, thứ hai là sự giúp đỡ của cha mẹ bằng cách hiểu đạo khuyên con. Có nhiều người thương con mà không hiểu đạo, cho xuất gia nhưng không dạy ý chí xuất gia, cần phải tập cho con ý chí xuất gia nữa, đó là điều cao cả của bậc làm cha mẹ. Cho nên bà chỉ nói rằng mẹ không mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây mà chỉ mong con như Tôn giả Mục-liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Đó là điều mẹ Ngài mong mỏi và cũng là điều rất quan trọng cho tinh thần tu tiến của hàng xuất gia.
Năm nay quí Phật tử học Phật pháp tương đối kỹ rồi, chỉ cần có ý chí thực hành nữa mới đưa chúng ta đến giải thoát sanh tử. Vì vậy tôi mong muốn tất cả đều lập chí vững chắc trên đường đạo. Nếu là người tại gia khi biết đạo rồi chúng ta phải nỗ lực dùng mọi phương tiện để sống hợp với đạo, còn người xuất gia thì phải ứng dụng sự hiểu biết của mình cho đúng và tự tháo gỡ hết những ràng buộc do bản ngã, do tình lưu luyến gia đình để mạnh dạn tiến tu. Làm sao cho đời tu chúng ta xứng đáng, không hổ thẹn khi nhắm mắt, tiếc một đời không đi tới đâu. Ngày nào còn sống thì xứng đáng là người xuất gia, đến khi nhắm mắt chỉ nở một nụ cười, thanh thản ra đi. Có như thế sự tu hành mới có ý nghĩa. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất.
Cuộc đời là ảo mộng, đã là ảo mộng thì còn gì quan trọng nữa để lôi cuốn chúng ta chìm trong mê muội. Điều thiết yếu chúng ta phải gan dạ, mạnh dạn vượt qua ảo mộng. Có một sự tích liên quan đến đến việc gá thân mộng, tôi sẽ kể cho quí vị nghe để biết cái hay của người xưa. Thiền sư “Đả Táo Đọa”, do đập bể ông táo rơi xuống đất mà thành danh. Ngài tu ở vùng núi Xuân Sơn bên Trung Hoa với một số đồ chúng. Một hôm Ngài dẫn chúng đi dạo núi, đến gần thung lũng thấy một miếu thờ, dân chúng làm thịt bò, trâu, heo, gà dâng cúng liên miên. Hỏi ra được biết vị thần Táo ở miếu này rất linh, cầu gì được nấy. Nghe rồi, Ngài cầm gậy vô miếu, thấy trên bàn thờ có để ba viên gạch, Ngài lấy gậy gõ vào đó nói: “Đây là do gạch đất hợp thành, linh từ đâu lại, thiêng ở chỗ nào?” Nói xong, Ngài đập một gậy, ba viên gạch bể nát rơi xuống đất. Lát sau trên đường đi, gặp một vị áo xanh mũ xanh quì trước mặt. Ngài hỏi:
– Ông là ai?
– Con là thần Táo trong miếu đến tạ ơn Hòa thượng.
Ngài nói:
– Ta đã làm gì mà ngươi tạ ơn?
– Nhờ ơn Hòa thượng nói lý vô sanh mà con tỉnh ngộ, thác sanh lên cõi trời, bỏ thân đọa đày trong bao nhiêu đời ở tại miếu này.
Nói xong ông đảnh lễ rồi biến mất. Thị giả thấy vậy mới thưa:
– Bạch Hòa thượng, con hầu Ngài đã lâu mà không được nghe nói lý vô sanh, thần Táo này có phước gì mà Hòa thượng mới nói một câu ông liền ngộ?
Ngài lặp lại câu nói trên cho Thị giả nghe và hỏi:
– Ông hội không?
– Dạ con không hội.
Ngài nói:
– Bể rồi! Bể rồi! Rơi rồi! Rơi rồi!
Thị giả liền ngộ.
Kể chuyện này để quí vị hiểu chỗ chúng tôi dùng chữ gá. Thần Táo gá vào đất gạch mà phải ở đó bao nhiêu năm. Còn chúng ta gá vào cái gì? Gá vào đất nước gió lửa, rồi chấp đó cho là mình, có đau khổ chưa? Cho là mình rồi thì giành hơn giành thua, chấp phải chấp quấy. Bao nhiêu tội nghiệp cũng từ đó mà ra. Nếu bây giờ nhớ thân này là cái mình gá, không có gì quan trọng hết, biết như vậy là biết được lý vô sanh. Thân này là giả tạm, là mộng, mộng thì có gì thật đâu. Trong khi mộng, sanh cũng mộng, tử cũng mộng, sanh không thật sanh, tử không thật tử. Nhận được như vậy thì lý vô sanh hiện tiền. Ngay thân này, nhận được lẽ thật thì thấy đạo, thấy đạo thì thoát ly sanh tử. Ngược lại, chúng ta cứ bám vào thân này cho là thật, là quí rồi xem cái khổ vui, hơn thua của nó là quan trọng, tức nhiên mình bị nó chi phối, không những trong hiện đời, mà cả lúc thọ thân sau. Cho nên ngay thân này chúng ta thức tỉnh, biết được nó là mộng thì tự nhiên có thể lần lần thoát ly, không bị nó cuốn lôi nữa. Do đó thần Táo chỉ nhờ nghe câu: “đây là do gạch đất hợp thành, linh từ đâu lại, thiêng ở chỗ nào”, ông giựt mình thức tỉnh liền buông được cái gạch đất và sanh lên cõi trời.
Còn chúng ta, khi biết rõ thân này do đất nước gió lửa hợp thành, không phải thật mình thì sao? Thật nhẹ nhàng biết mấy, nhưng không chịu buông, cứ bám vào đó mà hơn thua phải quấy. Có những đêm tôi ngồi ở ngoài, đuổi muỗi cắn, tôi rờ thấy xương, thấy thịt, một hồi tôi tức cười quá. Thân này thật không ra gì, gá vào nó cực quá. Gá từng khúc từng mảnh, mà cứ cho là mình, từ đó bao nhiêu cái dở phát sanh, kể không thể hết. Vậy mà cứ hài lòng, động đến là phản đối chống trả mãnh liệt.
Chúng ta chỉ cần thức tỉnh thân này tạm gá mượn, lấy đó làm bè qua sông, đừng nghĩ nó là thật, cứ lo bồi bổ tô điểm đủ thứ mà chìm đắm, không qua sông được. Những điều tôi nói trên đây nhằm nhắc nhở cho cả Tăng Ni và cư sĩ. Nếu chúng ta thức tỉnh được điều đó thì chuyện thoát ly sanh tử không khó, còn nếu chúng ta mê hoài thì không biết chừng nào ra khỏi biển sanh tử. Cho nên chủ yếu Phật dạy lý vô ngã là như vậy. Thấy rõ thân này không phải thật ngã thì tự nhiên thoát ly sanh tử. Nếu thấy là thật ngã thì ngàn đời không bao giờ ra khỏi sanh tử, dù tu hạnh gì cũng thế. Đó là một lẽ thật.
Năm cũ sắp tàn, bước qua năm mới, chúng tôi mong rằng quí vị tại gia nỗ lực làm đúng tinh thần học hiểu của mình. Còn giới xuất gia lập chí đúng tinh thần người xuất gia, để chúng ta chuẩn bị cho năm mới, cương quyết tiến tới mục đích mình đã định.
Mong tất cả chuẩn bị cho năm mới đẹp đẽ hơn, mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn để đạt được sở nguyện của mình. Đó là niềm mong ước của tôi.