Xuân Trong Cửa Thiền

Đời Tu Của Tôi



Tất niên Tân Mùi – 1992

Đêm nay là đêm Tất niên. Trong đêm này chúng ta kiểm lại những tư tưởng và việc làm của chúng ta trong năm qua để tìm một lối đi trong sáng cho đời tu của mình mỗi năm mỗi được tăng tiến. Nhưng đêm Phổ trà hôm nay lại đặc biệt hơn những năm qua vì nó mang một ý nghĩa rất quan trọng, không phải của toàn chúng, mà quan trọng trong đời tu của tôi.

Kiểm điểm lại từ khi đi tu cho đến ngày nay, chúng tôi đã làm được những gì và đã có những thất bại nào. Đây không có nghĩa là tôi kể lại một dòng lịch sử, mà chúng tôi muốn nói lên những cái ưu cái khuyết của bản thân tôi trong cuộc hành đạo, để quí vị lấy đó làm kinh nghiệm sau này khi đứng ra lãnh chúng dạy người. Có được kinh nghiệm, quí vị sẽ giáo hóa rộng rãi như tôi hoặc hơn tôi.

Trong đời tôi ngang đây phần giáo hóa coi như dừng lại, nếu không phải là chấm dứt. Nếu có thêm thắt chút ít, không đáng kể, còn phần chánh đến đây là đã xong trách nhiệm của tôi. Cho nên chữ Tất niên hôm nay là Tất một đời hoằng pháp của tôi (nhưng chưa đầy ba năm sau Hòa thượng trở lại hoằng hóa độ sanh và thành lập Thiền viện Trúc Lâm tại Đà Lạt để làm sống dậy Thiền tông đời Trần và cũng là khôi phục Thiền tông Việt Nam). Chắc rằng có nhiều người muốn nghe, nên tôi không ngại mất thời giờ tuần tự kể chuyện, quí vị vừa uống trà vừa nghe.

Trước hết tôi kể về phần ưu trong đời tu của tôi.

Tôi thường tự mừng và khoe với đại chúng rằng tôi được Tam Bảo ưu đãi trên đường tu, ưu đãi rất là trọng hậu. Những ưu đãi đó tôi xin kể theo thứ tự:

Điểm ưu thứ nhất:

Tôi gốc là người ngoại đạo, không biết gì về đạo Phật cả, cha mẹ tôi không biết đạo Phật, bản thân tôi cũng không biết đạo Phật, mà ham tu. Như vậy ham tu là một chủng tử trong quá khứ, chớ không phải ở hiện tại. Tôi nghe ông thân bà thân tôi kể lại: Khi được sanh ra thì tôi đau yếu luôn, các chị gái của tôi cũng vậy, chỉ sống được năm, bảy tháng thôi. Đến phiên tôi thì èo uột, nên trong nhà sợ lắm. Có một số đạo hữu biết tụng kinh nên mới rủ cha mẹ tôi nhập môn. Muốn bảo đảm cho tôi được sống nên ông thân tôi mới nhập môn theo đạo Cao Đài. Coi như tôi là nhân tố đưa gia đình theo đạo Cao Đài. Như vậy tôi theo đạo khi mới lọt lòng mẹ, nhưng điều đặc biệt là sao tôi lại thích đạo Phật. Tuy thích đạo Phật nhưng không biết làm sao đến chùa, cũng không biết thưa hỏi với ai. Chỉ biết là lúc nào tôi cũng muốn tu Phật thôi. Tôi nghĩ đó là chủng tử quá khứ chớ không phải mới. Vì thế khi phát tâm đi tu, thật tình tôi không biết chọn lựa, vì có từng vào chùa đâu mà biết nơi nào hay nơi nào dở, nơi nào đáng học, nơi nào không. Việc đi tu của tôi đối với đạo Phật là một việc đánh liều, vì ham tu nên đi tu, không lựa chọn nơi chốn để tu, cũng không nghĩ có thể làm lợi ích cho Phật pháp mai sau. Song nhờ Tam Bảo gia hộ tôi đi đúng chỗ. Vừa bước  chân vào đạo là tôi đi thẳng vào Phật học đường, nơi Hòa thượng Viện trưởng đang dạy học. Hòa thượng đang dạy Sơ đẳng Phật học năm thứ ba thì tôi vào chùa. Ngài chấp nhận cho tôi tu và cho học năm thứ ba Sơ đẳng mà thật tình tôi chưa biết “chữ nhất”, vì tôi đã mất hai năm học đầu. Như vậy tôi học đạo thật là không có thứ tự lớp lang chi hết. Nhưng tôi được Hòa thượng thương, đưa cho tôi những kinh sách in sẵn của Ngài để theo đó mà dò. Nhất là lúc ấy tôi lại có một chú Thiện hữu tri thức còn nhỏ, là anh chú bác với Đắc Huyền, hiệu là Thanh Đức. Tuy còn nhỏ để chóp, nhưng chú rất thông minh, giỏi chữ Hán, chú tiểu gọi tôi bằng chú. Hai chú cháu học chung với nhau, chú tiểu đọc chữ Hán tôi giải nghĩa. Tôi không thuộc mặt chữ nhưng đọc đến đâu tôi biết giải nghĩa đến đó, hai chú cháu hợp tác với nhau học được một năm đến cuối lớp Sơ đẳng bước lên Trung đẳng.

Khi tôi bắt đầu vào đạo năm 1949, ở dưới quê được vài ba năm, đến năm 1953 thì Hòa thượng Viện trưởng cho tôi và một số huynh đệ về nhập học tại Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang. Thế là chúng tôi bắt đầu vào lớp Trung đẳng Phật học. Khi còn ở quê, mấy năm sau lớp học Hòa thượng dạy chỉ còn có hai người: bên Tăng là tôi, bên Ni là cô Trí Định, mà Hòa thượng vẫn giảng dạy đều, nên khi lên Ấn Quang học chúng tôi theo kịp huynh đệ không có gì gọi là khó khăn. Như vậy Tam Bảo đã ưu đãi tôi nên xui khiến tôi đi trúng chỗ, nếu không tôi sẽ đi vào các chùa làm thầy cúng, cứ lo đi cúng kính hoài, không biết rồi đời tu của tôi sẽ ra sao?

Tôi thuộc về loại người cứng đầu, coi hiền nhưng cứng đầu. Tu theo đạo Cao Đài tôi không thỏa mãn, vì có những điều tôi thấy dường như không thật nên tôi từ chối không theo. Khi đến với đạo Phật, nếu tôi vào chùa chỉ lo cúng kính, chắc tôi sẽ bỏ cuộc, hoặc là hoàn tục, hoặc lên núi non tu theo ngoại đạo không biết chừng.

Kiểm điểm lại, tôi thấy Tam Bảo đã ủng hộ tôi, hậu đãi tôi. Không biết lựa chọn, cũng không quen với ai mà khi tôi bước vào chùa lại trúng ngay Phật học đường, lại được Hòa thượng Viện trưởng chỉ dạy. Ngài là một vị Giáo thọ đầy đủ đức và tài, sau này được mời lên chùa Ấn Quang (Phật học đường Nam Việt) làm Đốc giáo, tức là Hiệu trưởng. Theo thế gian nói, tôi như chuột rơi vào hũ nếp! Tôi chỉ biết ham tu, và đi vào chỗ đúng như sở nguyện. Có nhiều người xuất gia trước tôi năm mười năm, bây giờ là Trụ trì, chỉ lo cúng kính thôi, chớ không thông hiểu đạo lý bao nhiêu, thật là đáng thương.

Điểm ưu thứ hai:

Tôi là con người có tật không chịu dừng, cũng không biết đủ trong khi tìm kiếm một cái gì. Vì thế khi học lớp Trung học Phật giáo, tôi được đọc các quyển kinh mà những dịch giả nào là ngài Tam tạng Pháp sư  Cưu-ma-la-thập, nào là ngài Tam tạng Huyền Trang…, các Ngài đều thông suốt Tam tạng giáo điển, còn riêng tôi không biết gì, chỉ được học năm, ba quyển kinh, thì làm sao có đủ tư cách là người sau này lãnh trách nhiệm làm lợi ích cho nhiều người! Cho nên tôi ước mơ làm sao mình có được Tạng kinh để tìm xem trong ấy dạy những gì? Nếu không có Tạng kinh thì coi như đời tu của mình chỉ có một hai mảnh vụn của Phật pháp thôi. Cái mơ ước đó của tôi rồi cũng được toại nguyện. Tức là khoảng năm 1961 đạo hữu Minh Đạo và gia đình phát tâm thỉnh cho tôi Tạng kinh. Cũng năm đó tôi bị bệnh phổi phải nằm bệnh viện, và sau đó tôi lên Phương Bối ở Bảo Lộc cất thất tên là Thiền Duyệt thất để dưỡng bệnh. Nói đi dưỡng bệnh mà thật tình tôi đọc kinh. Khai Tạng kinh ra đọc, tôi mới biết còn bao nhiêu quyển kinh tôi chưa từng biết. Nhất là mấy bộ A-hàm, càng đọc tôi thấy càng hay. Nhớ lại các bộ  kinh Đại thừa tôi thấy làm như tôi mất lòng tin. Tại sao vậy? Vì kinh A-hàm thực tế và cụ thể quá, kể những câu chuyện rõ ràng, còn các kinh Đại thừa kể chuyện đâu đâu.

Ví dụ như trong kinh Kim Cang ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao hàng phục được tâm mình? Phật bảo: Muốn hàng phục tâm mình thì phải độ tất cả chúng sanh, nào là có sắc, không sắc, cho đến có tưởng, không tưởng v.v…, độ tất cả vào Vô dư Niết-bàn. Đọc đến đây tôi nản quá: Vô dư Niết-bàn tức là Niết-bàn của hàng A-la-hán, sau khi chứng quả nhập Niết-bàn. Mình bây giờ là Phàm tăng chưa có cái gì hết, làm sao độ người vào Vô dư Niết-bàn? Chẳng những độ người mà phải độ tất cả chúng sanh… tính chừng bao nhiêu? Vô biên vô số thì làm sao độ. Độ tất cả vào Vô dư Niết-bàn mà mình chưa được Niết-bàn thì làm sao độ được! Đến đây tôi cứ thở dài, rồi nói: Mình học kinh mà không có thực hành gì được, Phật nói chuyện cao xa trên trời trên mây đâu không.

Rồi tôi đọc thêm kinh Pháp Hoa, lại khổ nữa. Nhất là trong phẩm “Hiện Bửu Tháp” Phật đang nói pháp bỗng dưng có cái tháp dưới đất chui lên lững lờ trên hư không v.v…, chuyện không sao tin nổi. Đến phẩm “Tùng Địa Dũng Xuất” cũng vậy, Phật đang nói kinh, rồi đất rung động nứt ra, Bồ-tát ở dưới đất vọt lên vô số…, sao kỳ lạ quá không thể tin được. Tự nhiên tôi thấy như mất lòng tin nơi kinh điển Đại thừa. Lúc ấy khi dạy Tăng Ni tôi có nói một câu mà sau này tôi sám hối, tôi nói rằng: “Kinh điển Đại thừa phải để trên trang mà thờ, chớ không có ứng dụng được, vì dạy chuyện đâu đâu, làm sao ứng dụng.” Tôi nói như vậy là thấy tôi mất lòng tin đến mức nào!

Lúc ấy tôi chỉ tin các kinh A-hàm, cụ thể và thực tế. Nên khi nằm ở Thiền Duyệt thất trên Phương Bối, tôi soạn dịch ra những bài kinh A-hàm có đủ tánh cách cần thiết để dạy cho Tăng Ni. Mỗi bộ A-hàm tôi đều trích dịch một quyển và thầm nguyện để đền ơn Thầy Tổ và đàn-na thí chủ thì mình phải dạy dỗ lại một số Tăng Ni. Tôi soạn dịch chương trình đó xong và có ý ngầm sau khi hết bệnh tôi sẽ mở lớp dạy chư Tăng. Đó là một chương trình chuyên khoa, chư Tăng chuyên học Kinh điển để sau này ra làm Trụ trì hoặc làm Phật sự.

Điểm ưu thứ ba:

Đến cuối năm 1962, tôi trở về thành phố ở trong An Dưỡng Địa. Tôi cất một cái thất lá ở riêng, vì có mặc cảm bị bệnh phổi mà ở chung sợ lây bệnh cho chúng tội nghiệp (mặc dù lúc ấy tôi đã hết bệnh).

Khi ấy Hòa thượng Giám đốc Ấn Quang và Hòa thượng Đốc giáo tức là Thầy tôi bảo: “Thanh Từ hết bệnh về Ấn Quang tiếp dạy.” Tôi thưa: “Vì bệnh con là bệnh phổi ở chung trong chúng không được tốt, hơn nữa ở Ấn Quang ồn quá. Quí Hòa thượng bảo con dạy, xin mở trường tại An Dưỡng Địa này, con mới có thể làm việc được.” Chính Hòa thượng Giám đốc đứng ra lo cất trường Huệ Nghiêm năm 1963. Tôi mới nghĩ ra chương trình chuyên khoa dạy Tăng Ni trong vòng ba năm để đền ơn Thầy Tổ và đàn-na thí chủ. Tôi mới mời Hòa thượng Bửu Huệ và Hòa thượng Thiền Tâm cùng về hợp tác mở trường chuyên khoa và chỉ nuôi ba mươi Tăng sinh. Chúng tôi vận động thì có cư sĩ ủng hộ nuôi từng vị trong vòng ba năm. Lớp học đó bây giờ còn có mặt ở đây là Phước Hảo, Thiện Phát, Nhật Quang. Tôi nghĩ rằng chúng Tăng học trong ba năm có thể hiểu vững được căn bản Phật pháp. Lúc ấy chư Ni bên Dược Sư cũng phát tâm xin mở một lớp chuyên khoa như vậy, có các vị Ni lớn dự học, lớp ấy cũng do chúng tôi chịu trách nhiệm. Như vậy chúng tôi thay phiên nhau giảng dạy một lớp Tăng ở An Dưỡng Địa và một lớp Ni ở Dược Sư, dự định ba năm là tròn bản nguyện của chúng tôi. Nhưng vừa được một năm rưỡi tức là khoảng cuối năm 1964 thì Viện Hóa Đạo cho ba trăm Tăng vào ở tại Huệ Nghiêm. Thành thử chúng tôi phải lo cai quản luôn tất cả và mở thêm các lớp phụ vừa học đời vừa học đạo. Chúng tôi lãnh trách nhiệm vừa lớp chuyên khoa và các lớp phụ cho đến năm 1966, là xong bản nguyện ba năm giảng dạy của chúng tôi.

Thế là Tam Bảo đã ưu đãi tôi rồi, phải không? Ước mơ có Tạng kinh để mò mẫm nghiên cứu thì có Tạng kinh. Dự định dạy ba mươi Tăng thôi, thì có thêm một lớp Ni số học chúng cũng tương đương. Sau đó lại trông coi thêm ba trăm Tăng nữa… muốn một mà thành ba thành bốn. Như vậy có phải là Tam Bảo đã ưu đãi tôi không? Muốn ít mà được nhiều.

Điểm ưu thứ tư:

Sau ba năm giảng dạy tuy biết việc ở Học viện còn bề bộn, và biết rằng Thầy tôi sẽ buồn, nhưng tôi cũng xin rút lui ra Vũng Tàu cất thất ở và đặt tên là Pháp Lạc thất. Thật ra tôi ham tu Thiền. Khi vào đạo tôi đọc lịch sử đức Phật thấy Ngài ngồi thiền dưới cội bồ-đề và thành Phật. Còn tôi bây giờ niệm Phật hoài, buồn quá, Phật đâu có niệm Phật mà Ngài thành Phật, tại sao mình không tu giống Phật, mình không phải đệ tử Phật sao? Vì thế tôi quyết định tu Thiền. Tôi ham tu thiền mà không thầy dạy, nên tôi mò trong Tạng kinh đọc những bài nói về Thiền. Về Thiền nguyên thủy tôi còn hiểu được, về Thiền tông tôi cứ lắc đầu không hiểu nổi, các Thiền sư nói như đùa vậy, hỏi một đường đáp một ngả đâu đâu, nhiều khi còn hung hăng đánh nạt, làm nhiều chuyện quái gở không chịu nổi. Vì vậy tôi không tin Thiền tông mà chỉ ứng dụng tu theo Thiền Lục Diệu Pháp Môn, môn Thiền này gồm cả Nguyên thủy và Đại thừa do ngài Trí Khải đại sư dạy.

Tôi thật tình ham tu thiền, mà tiến thì không tiến được vì không người chỉ bảo hướng dẫn, phải tự mò mẫm. Trong Lục Diệu Pháp Môn, đầu tiên là Sổ tức, kế đó là Tùy tức, rồi Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Sổ tức là đếm hơi thở, tôi làm tốt, qua Tùy tức là theo hơi thở vô ra tôi làm cũng được. Nhưng đến Chỉ, chỉ là dừng, trong đó dạy phải dừng ở trán hoặc ở đầu mũi, hoặc dừng chỗ quả tim nơi ngực, hoặc dừng ở rún. Khi tôi dùng pháp “Chỉ”, tôi dừng ở trán thì nhức đầu, tôi dừng ở ngực thì nghe nhói tim, tôi dừng ở rún thì buồn ngủ. Dừng chỗ nào cũng không được, thành ra tới Chỉ thì tôi bế tắc không làm sao tu được. Thật là khổ! Tôi quyết tu, mà chặng một chặng hai tôi bước qua được nhưng đến chặng ba thì bị bế tắc. Không biết làm sao, tôi bèn chuyển qua Ngũ Đình Tâm Quán tức là năm pháp quán để dừng vọng tâm, gồm có: quán bất tịnh, quán từ bi v.v… tôi sử dụng pháp quán thân bất tịnh, quán cho đến nó hoại ra. Sách dạy quán thân bất tịnh đến khi nào nhớ tới thân, mình cảm thấy rợn người, chịu không nổi muốn ụa mửa, là thành công quán bất tịnh. Nếu ngay đó mà tiếp tục quán nữa thì chịu không nổi, chán quá rồi có thể tự tử hoặc mượn người khác cắt cổ giùm, chớ không mang nổi cái thây ma này nữa.

Khi xưa có một lần đức Phật dạy một số Tỳ-kheo quán bất tịnh. Các ngài tu quán bất tịnh đến thuần thục, gớm thân chịu không nổi, nên mượn người khác làm ơn chặt đầu giùm, bao nhiêu y bát xin cúng dường lại. Ông đó giết giùm một lúc mấy mươi thầy Tỳ-kheo. Sau đó, đến ngày tụng giới, họp chúng lại, Phật thấy số thầy Tỳ-kheo sao thưa thớt, còn ít quá, mới hỏi lý do. Khi biết các thầy mượn người ta chặt đầu giùm, Phật mới quở: Ta dạy các ông quán bất tịnh để trị bệnh tham dục, chớ không phải quán bất tịnh để mà tự tử, như vậy là sai rồi. Phật bảo sau khi quán bất tịnh thành tựu rồi, tức là nhớ tới thân mình thì gớm đến rởn óc, thì phải trở qua quán tịnh. Pháp quán tịnh dạy: Tưởng như mình xẻ da thịt ra một lằn thấy xương trắng (chớ không phải lấy dao xẻ) mình tưởng nó từ là xương trắng mờ mờ, rồi lần lần nó trắng ra cho đến chừng nào nó phát quang là thành tựu quán tịnh.

Sau khi quán bất tịnh rồi, tôi áp dụng pháp quán tịnh. Tôi tưởng xẻ da thịt ra, rồi tôi quán, sao đau đầu quá, chịu không nổi tôi ngừng. Kế tôi chẻ thêm chỗ khác và quán nữa, đầu tôi nóng và nhức, chịu không nổi. Tôi lại chẻ dưới ngực để quán, nhưng quán đến đâu thì đau đến đó, chịu không được, nên ngang đó tôi bị bế tắc. Bế tắc từ Lục Diệu Pháp Môn đến quán bất tịnh, tôi khi ấy cứ lòng vòng loanh quanh, không biết đường mà đi, tiến không được, thối cũng không xong. Đời tu của tôi cảm thấy gần như cùng đường rồi.

Tôi mới đọc qua “Tham Thiền Yếu Chỉ” của ngài Hư Vân, trong ấy có nói về tu Thoại đầu. Tôi liền áp dụng ngay quán thoại đầu, tôi dùng câu: “trước khi cha mẹ chưa sanh mình là gì” và quán mãi câu này. Ban đầu đề lên được, một hôm tôi đề, đề hoài nó không lên, tôi không biết làm sao, tiến tới cũng không được mà lui lại cũng không xong. Như vậy mới thấy đời tu mình không có thầy, không có người hướng dẫn thật là khổ vô cùng. Có thể nói gần như tôi bị tới chỗ bế tắc. Tôi chỉ mong ước làm sao biết tu Thiền, pháp Thiền nào cũng được miễn là biết tu Thiền là được rồi. Nhưng tôi tu pháp Thiền nào cũng không xong, coi như đời tu của mình không có kết quả! Xoay qua trở lại từ pháp này sang pháp kia chạy vòng quanh mãi, nhưng tôi gan, nói tu là tu, tất cả ba tạng Kinh đều để trong tủ khoá lại không giở ra đọc cũng không coi một cái gì, chỉ còn một chuyện tu thôi, tôi cắm đầu miệt mài tu, mà sao cứ lúng túng loanh quanh mãi. Buồn quá tôi lạy sám hối và khóc với Phật: “Kiếp trước không biết con bị nghiệp chướng gì mà sao tu hành không ra gì hết!” Mỗi khi buồn là tôi lạy Phật sám hối. Tôi sám hối đơn giản lắm không có bài bản gì. Tôi quì xuống lạy Phật: “Con bị nghiệp chướng sâu dày nên việc tu hành thối chuyển, xin Phật thương gia hộ cho con, có nghiệp chướng gì con xin sám hối.” Lạy Phật và khóc với Phật, trong bụng nghĩ sao tôi thật thà thưa như vậy. Vì thế mà Phật thương, bất thần một đêm tôi ngồi thiền bỗng dưng tự tôi sáng được lý Thiền. Khi sáng được lý Thiền thì tất cả những câu trong kinh Kim Cang hay kinh Pháp Hoa hồi xưa học tôi bị bế tắc, bỗng dưng tôi hiểu hết, hiểu một cách dễ dàng như có ai dạy sẵn mình vậy. Tôi lấy làm lạ quá, tôi chưa tin tôi, tôi mới mở Tạng kinh ra đọc, đến những bộ nói về Thiền khi xưa tôi không hiểu, bây giờ đọc tới đâu tôi hiểu tới đó, hiểu một cách say sưa thích thú. Tôi mới thấy thật là chuyện bất ngờ cho nên tôi cười, cười tới ba bữa, cười hoài, cười một mình thôi. Điều mình thật khổ công tìm, tìm không ra, bây giờ bất thần tìm thấy được quá mừng nên đi đứng nằm ngồi gì tôi cũng cười, cười hoài đến ba hôm. Mở Tạng kinh ra tôi đọc lại sử các Thiền sư tôi hiểu được ngay. Thế là Tam Bảo đã ưu đãi tôi quá rồi, nếu không thì tôi đã chết trong thất không làm được gì. Đây là một sự ưu đãi rất trọng hậu chưa bao giờ có ai được cơ hội tốt như tôi. Không thầy không bạn, mò mẫm không ra rồi ráng tu, tự nó sáng ra, hiểu được những điều mà trước kia tôi chưa từng hiểu.

Tôi thuộc người không kín đáo nên biết cái gì thì phải nói không có giấu giếm, việc này hay quá tại sao mình để nghi ngờ hoài cho uổng, mình phải nói ra cho mọi người cùng hiểu mới được. Lẽ ra tôi phải để năm năm mười năm để nuôi dưỡng Thánh thai thì mới tới chỗ diệu dụng. Nhưng vì hiểu được, mừng quá nên tôi chuẩn bị mở cửa thất, rồi mở lớp dạy thiền…

Nói tóm lại đời tu của tôi gặp được nhiều ưu đãi: Ưu đãi số một là tôi vào chùa đúng chỗ, ưu đãi số hai là tôi muốn có Tạng kinh liền được Tạng kinh, ưu đãi số ba là tôi muốn dạy Tăng Ni để đền ơn giáo dục của Thầy Tổ thì tôi được dạy. Đến cái ưu đãi thứ tư này tôi muốn tu thiền mà không có người chỉ dạy, chỉ biết mò mẫm một mình, bỗng dưng sáng đạo, như vậy nếu không phải Tam Bảo gia hộ ưu đãi tôi, thì là ai?

Từ khi tôi thấy được cái hay (ánh sáng đạo) tôi bắt đầu dịch những quyển Kinh và Sử, mà khi xưa tôi đọc tôi không hiểu gì. Dịch ra thì phải dạy, nếu chỉ đưa sách đã dịch ra cho người đọc, thì chắc không ai hiểu gì. Vì thế tôi mới tuyên bố chuẩn bị mở khoá thứ nhất dạy thiền. Tuy vậy tôi lại dè dặt, nghe người ta nói tu thiền điên, tôi chưa điên là may, nếu chỉ người khác tu mà điên thì làm sao? Tôi rất quí trọng mạng người, nếu việc làm nào của tôi không có lợi được cho người thì thôi, chớ tôi không dám làm gì hại người, đó là câu thệ nguyện của tôi ngay lúc còn là cư sĩ chưa biết đạo. Tôi tự phát nguyện như thế này: “Đời tôi nếu không có thể làm được một viên linh đơn cứu tất cả mạng sống của người, thì ít ra cũng làm một viên thuốc bổ để cho người bớt khổ.” Có lời nguyện như vậy, nên tôi không bao giờ nỡ để cho ai khổ vì tôi, cho nên khi thấy được cái hay tôi không thể nào giấu được, không thể im lặng được nên mới mở khoá dạy tu thiền. Để ngừa việc điên có thể xảy ra, trong khoá đầu tôi chỉ chọn mười người thôi. Qua ba năm thấy không có ai điên, nên khoá thứ hai tôi mở ra ba chỗ: Chân Không, Linh Quang (ở Cát Lở – Vũng Tàu), và Bát-nhã trên núi, dành cho bên Ni. Tôi dạy một lượt ba nơi, qua ba năm trả nợ xong thì tôi nghỉ. Dạy ba nơi, ít ra cũng được sáu mươi người hiểu, họ nói thay cho mình thì tôi nghỉ. Vì vậy tôi tuyên bố dạy hết khoá hai là tôi nghỉ. Nhưng không biết đây là họa hay là phước, khoá hai bắt đầu năm 1974, đến năm 1975 mới được nửa khóa thì bất an. Mấy năm trước, khi tu trên núi thì có thí chủ lo, nay phải tự túc thì đất núi khô cằn, làm sao tự túc? Bây giờ phải làm sao? – À, phải xuống núi. Thầy trò mới dắt nhau xuống núi làm ruộng làm rẫy. Đa số trong chúng đây không biết làm đất, nên tôi phải đứng ra hướng dẫn làm ruộng làm rẫy cho có ăn. Vì hoàn cảnh đã lỡ bày ra tôi phải làm sao cho trọn vẹn đến nơi đến chốn, tôi phải ăn ở có thủy có chung cho tròn bản nguyện. Gặp việc khó khăn tôi không đành bỏ mặc, ai làm gì thì làm.

Lẽ ra tôi được nghỉ năm 1976, nhưng đến bây giờ là năm 1992, mười mấy năm qua rồi tôi vẫn cưu mang buông không được. Vì buông ra thì chắc rằng kẻ chạy ngược người chạy xuôi, kẻ đi Đông người đi Tây, không làm sao ngồi một chỗ để yên tu, cho nên tôi phải cưu mang. Tăng thì ở Thường Chiếu, Ni thì vào Viên Chiếu, cuốc rẫy trồng khoai. Lần lượt ngày qua ngày, việc làm thấy như là thiệt thòi, nhưng nhờ cực khổ nên chư Tăng Ni lúc đó có kinh nghiệm, trong việc tu hành ít có thốiBồ-đề tâm. Gần đây được nhàn hạ một chút, đa số người tu hơi lôi thôi, có điều gì buồn hay khó thì muốn khăn gói ra đi. Khi trước nhờ cảnh khó nên ai nấy luyện được ý chí chịu cực chịu khổ, không có nản lòng, gặp cảnh khó không thối tâm, gặp điều gì buồn cũng cố gắng chết sống với con đường tu của mình.

Đến khi xuống núi, tức năm 1986, tôi thầm nghĩ dạy thêm một khoá độ năm mươi Tăng rồi nghỉ là đủ trả nợ rồi. Bên Ni thì dư số đó. Khi xưa chương trình tu là ba năm, bây giờ kéo dài từ 1986 đến nay (1992) là sáu năm, thời gian gấp đôi. Vì ở trên núi học nhiều hành nhiều mà lao động ít, còn về đây thì lao động nhiều mà học ít, hành ít nên thời gian phải gấp đôi. Như vậy tôi mơ ước bên Tăng được chừng năm mươi vị, còn bên Ni nhiều lắm là một trăm, mà nay bên Tăng đến một trăm và bên Ni đến ba, bốn trăm, tôi mong muốn một mà thành hai thành ba. Thế thì nếu không phải Tam Bảo gia hộ, làm sao tôi làm được việc này.

Như vậy những điều gì tôi mong muốn, Tam Bảo đều cho tôi mãn nguyện trội gấp mấy lần điều tôi ước muốn.

Ngoài ra trong đời tu, tôi còn những sở nguyện nhỏ nữa cũng được thành tựu. Như khi học kinh Phật và học Sử, tôi thấy hiện tại ở bên Nam tông thì Phật giáo Tích Lan là ròng rặc nhất và tiến bộ hơn các nước khác, ở bên Bắc tông thì Phật giáo Nhật Bản là thạnh hành và vững vàng hơn cả. Vì vậy tôi mơ ước có cơ hội được qua Ấn Độ chiêm bái những thánh tích của Phật, biết rõ nơi đức Phật sanh ra, thành đạo và nhập Niết-bàn, biết rõ không nghi để hướng dẫn Tăng Ni sau này. Và tôi mơ ước được đi Tích Lan và Nhật Bản để học hỏi những điều hay của các nước đó. Thế là đến năm 1966, tôi được đi Ấn Độ hai mươi ngày, qua Tích Lan một tuần, rồi sau đó tôi qua Nhật Bản ở được hai mươi ngày… thành thử những điều tôi ước muốn đều được toại nguyện. Nếu sau này tôi có đi viếng thêm nơi này nơi khác đó là quá ý muốn của tôi. Tôi luôn luôn được phước, muốn ít mà được nhiều. Bây giờ tôi chưa dám nghĩ sẽ đi đâu vì tôi chưa nguyện trước, đến lúc đó thì sẽ tùy duyên.

Hiện giờ quí vị có biết tôi muốn cái gì nữa hay không? Tôi không muốn gì hơn là làm Người Vô Sự. Vì thế tôi giao hết mọi việc lại cho quí vị kể từ ngày mồng hai Tết về sau. Tôi làm người vô sự, đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, ưng đi thì đi, ưng về thì về, không có hẹn trước ngày nào đi ngày nào về, đột ngột bất ngờ, cho có tự do một chút. Tỉ dụ như đi từ thất đến chánh điện, có người bưng cái khay đi trước, mình phải đi ngay thẳng đường lối, không dám đi quanh co, mất hết tự do. Nếu có tự do, muốn đi thì đi, muốn ghé đâu thì ghé, mệt ngồi xuống lề nghỉ, khỏe đứng dậy đi. Đó là điều tôi mơ ước hiện giờ, mơ ước được làm người vô sự thảnh thơi, mà tôi chưa biết làm được bao lâu. Thật là Tam Bảo đã gia hộ tôi quá nhiều. Chính ngày xưa tôi không tin được giáo lý Đại thừa, nhưng bây giờ tôi lại tin sâu hơn ai hết, tôi tin một cách chắc chắn rằng: Giáo lý Đại thừa là những hòn ngọc quí mà người ta không thấy được.

Tại sao tôi tin được giáo lý Đại thừa? Tại sao tôi tin được Thiền tông?

Sau khi nhận hiểu rồi, tôi mới cảm thông được chỗ đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề. Trước kia Ngài đã từng đi học với những tu sĩ nổi tiếng đương thời đã chứng đạo quả. Tuy nhiên, khi học Ngài thấy chỗ sở đắc của những vị đó chưa thỏa mãn sở nguyện của Ngài, tức là chưa có giải thoát sanh tử. Vì thế Ngài bỏ đi, cuối cùng Ngài ngồi tọa thiền dưới cội bồ-đề. Toạ thiền tức là lóng lặng nội tâm, nghĩa là tâm không còn xao động, không còn dấy niệm thì mới được định. Từ khi Ngài tọa thiền được định rồi, bỗng dưng đêm mồng tám tháng chạp Ngài giác ngộ. Giác ngộ tức là thấy rõ được manh mối nào khiến con người phải đi vào đường sanh tử, và làm cách gì cắt đứt được dòng sanh tử để giải thoát, gọi là giải thoát sanh tử. Thấy rõ ràng không còn nghi ngờ, và thấy luôn cả những gì gần xa nhỏ lớn Ngài đều thấy hết biết hết. Ngài tuyên bố rằng: Ngài giác ngộ thành đạo là tự Ngài phát ra chớ không có ai dạy, cho nên Ngài nói Ngài học đạo không có thầy. Nói học đạo không thầy, thật khó hiểu quá, người ta học có thầy, tại sao Ngài học không thầy? Nhưng chính sự thật là Ngài học đạo không thầy, chỉ tâm Ngài an định rồi trí tuệ phát sáng. Từ chỗ đó tôi nhớ lại trong khi tôi đang loanh quanh lẩn quẩn không ai khai sáng giùm tôi, rồi tự tôi ráng ngồi thiền, tâm tôi được phần nào yên tĩnh, tự nó sáng ra. Như vậy tôi tu có thầy không? Cũng không có thầy. Tôi mới thấy rõ chỗ đức Phật giác ngộ không thầy, mà mình bây giờ cũng tự sáng lên được. Vì thế tôi tin được Kinh điển Đại thừa, Kinh điển Đại thừa luôn luôn nói rằng: Tất cả chúng ta đều có Tánh giác, tức là Phật tánh. Tánh giác đó đang bị vô minh che phủ, nếu màn vô minh thưa mỏng thì Tánh giác hiện ra. Nếu không có Tánh giác thì làm sao ngộ? Nếu không có Tánh giác thì làm sao bỗng dưng sáng được lẽ đó. Trong nhà Thiền gọi đó làVô sư trí, tức là trí không có thầy. Hiểu được Vô sư trí hay là Tánh giác rồi thì thấy tất cả Kinh điển Đại thừa đều chỉ cái đó, bao nhiêu Kinh điển Đại thừa cũng đều xoay quanh trọng tâm đó. Cho nên trong kinh thường nói: nhất thật tướng ấn, tức là chỉ có Tâm thể chân thật là duy nhất, như trong kinh Pháp Hoa nói: Chỉ có một Phật thừa, nếu nói có hai có ba là không đúng. Thế nên nếu chúng ta nhận được lẽ đó rồi thì đọc bao nhiêu Kinh điển Đại thừa chúng ta đều thấy trùng hợp không sai khác. Rồi từ đó tôi mới tin sâu Kinh điển Đại thừa và tôi thấy thật là hay đáo để, tôi mới đem Kinh điển Đại thừa ra giảng dạy. Thật ra khi xưa tôi học tôi không tin, thì làm sao tôi hiểu, nếu hiểu được tức tôi đã tin rồi.

Như vậy kinh Đại thừa tôi không hiểu, thiền tôi cũng không biết nhưng tôi cố gắng tu cố gắng học, rồi tự nó sáng ra được, hiểu được kinh, biết được thiền, tất cả đều do tâm yên tịnh rồi nó phát ra. Nếu không có Trí vô sư làm gì có được điều đó. Như vậy chúng ta mới hiểu được đức Phật ngồi yên tịnh, Ngài giác ngộ. Hiểu được điều đó rồi thì mọi việc chung quanh mình hiểu hết không còn nghi ngờ.

Giáo lý Đại thừa ngày xưa không hiểu mà ngày nay chúng tôi hiểu được, cũng không phải là do thầy dạy. Nếu thầy dạy thì khi xưa tôi hiểu tôi tin rồi, mà khi xưa tôi không tin, tức là thầy dạy cũng dạy văn tự thôi, còn chỗ thật tôi cũng chưa nhận được. Sau này qua kinh nghiệm bản thân, qua cái thấy được, cái nhận được nơi mình, tôi mới tin được Kinh điển Đại thừa. Qua kinh nghiệm bản thân tôi mới tin đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề thành Phật. Tôi tin được điều đó thật là rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa. Cho nên sau này tôi giảng kinh tôi cười hoài vì tôi thấy hay quá, thật là thích thú. Khi xưa tôi có làm bài thơ “Người Mù”, (rất tiếc là tôi đã quên) tả hoàn cảnh người quờ quạng đụng tấm vách này, đụng tấm vách kia, u đầu xể trán mà không biết đường ra, vì không thấy đường. Khi mình thấy được rồi, thật là mừng, mới thấy Phật pháp thật là hay đáo để và chúng ta là đại phước đức mới được ở trong nhà Phật pháp. Những điều Phật nói là một lẽ thật, không có chỗ nào là không thật, nhưng vì mình không biết nên mới nghi ngờ. Thí dụ kinh nói: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thì quí vị có nghi ngờ không? Mình thấy Phật tánh bao giờ đâu, nói mình có mà mình không thấy cũng như không có. Nhưng khi có tu rồi, chúng ta mới thấy rõ ràng mình có, cho nên mới phát ra, nếu không có làm sao phát ra? Thế rồi tôi tin lời Phật nói tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Tại sao tôi dám khẳng định như vậy? Vì đức Phật cũng là chúng sanh.

Khi xưa tôi học Kinh điển Đại thừa nói đức Phật mười chín tuổi xuất gia tôi chấp nhận. Kinh Nguyên thủy nói đức Phật hai mươi chín tuổi xuất gia tôi không đồng ý, vì sao? Vì Ngài ở trong cung lâu quá, hưởng dục lạc rất nhiều, thấy Ngài sao tầm thường quá mà đi xuất gia mau thành Phật, nên tôi không chấp nhận. Nhưng bây giờ tôi lại khen Ngài. Hai mươi chín tuổi xuất gia tức là hợp lý, Ngài có đến mấy người con. Tại sao tôi khen Ngài? Vì Ngài là con người, khi còn ở trong cảnh thế gian Ngài cũng như mọi người thế gian không hơn không kém, Ngài cũng hưởng dục lạc, có nhiều vợ có nhiều con. Mới nhìn qua thấy Ngài sống hết sức là tầm thường. Nhưng chính từ cái tầm thường đó Ngài tu Ngài giác ngộ. Từ một con người rất là bình thường như chúng ta, Ngài giác ngộ và thành Phật, cũng như mầm sen ở dưới bùn, trồi lên thành một đóa hoa nên luôn luôn để Ngài ngự trên tòa sen là hết sức hợp lý. Từ một con người như chúng ta, Ngài tu thành Phật thì chúng ta hiện giờ cũng là những con người tầm thường nếu chúng ta ráng tu như Ngài thì nhất định cũng thành. Nếu đức Phật từ trên trời rơi xuống, thanh tịnh sáng suốt hơn tất cả thiên hạ, thì chúng ta mới vô phần.

Đức Phật là con người ban đầu rất là bình thường, nhưng vì có Phật tánh, Ngài khéo dẹp trừ vô minh để Phật tánh sáng ra thì Ngài thành Phật. Chúng ta cũng có Phật tánh, tuy ở trong cảnh phàm tục, nhưng nếu biết tu thì chúng ta cũng giác ngộ, điều đó không nghi ngờ. Vì chúng ta có sẵn Tánh giác nên khui trúng chỗ thì nó phát sáng ra. Nếu không có sẵn Tánh giác, khui mấy cũng không sáng nổi. Vì có sẵn Tánh giác, nên ai khéo tu thì cũng có thể giác ngộ được; nhìn lại Kinh điển Đại thừa, tôi thấy điều này rất là rõ ràng.

Tuy nhiên trong kinh A-hàm đức Phật nói rằng ngài Đề-bà-đạt-đa không có một chút thiện cho nên nhất định phải đọa địa ngục. Rồi sau này tôi cũng đọc kinh A-hàm trong một bài đức Phật nói rằng: Đề-bà-đạt-đa tuy bây giờ đọa địa ngục nhưng sau này sẽ hết nghiệp chướng, được tu, rồi cũng sẽ được chứng quả thành Phật. Thế nên chúng ta thấy một người làm tội lỗi tuy rằng hiện tại rất khổ, nhưng vì có sẵn hạt giống lành nên sau khi trả hết nghiệp, cũng có duyên trở lại tu, rồi sẽ thành Phật. Vì vậy bây giờ tôi cởi mở hơn khi xưa nhiều. Khi xưa ai tu nửa chừng rồi ra đời, tôi ghét lắm vì không làm đến nơi đến chốn uổng một đời tu. Nhưng bây giờ tôi lại cảm thông, vì khi ra đời trả hết nghiệp, họ trở lại tu nữa, rồi có ngày cũng thành Phật, tuy hơi muộn hơi lâu một chút. Chỉ cần cho họ tu, họ cần xuất gia thọ giới thì cho xuất gia thọ giới. Nếu bị trần duyên trói buộc thì họ trở lại đời. Nếu giãy giụa thoát khỏi thì họ trở lại tu. Hột giống gieo rồi thì không có mất, Phật dạy rất rõ như vậy.

Qua những điều tôi vừa kể, quí vị thấy những ước nguyện của tôi đều thành tựu mà thành gấp bội phần. Như vậy Tam Bảo đã gia hộ và ưu đãi tôi tối đa. Tôi tin sâu rằng Tam Bảo không bao giờ bỏ những người quyết chí tu hành. Tôi thường nói với chư Tăng: Chỉ sợ không tu chớ đừng lo Tam Bảo không gia hộ mình. Trong kinh thường nói: Chúng sanh bỏ Phật, chớ Phật không bỏ chúng sanh. Vì chúng ta không chịu tu nên bỏ Phật, chớ Phật không lúc nào bỏ chúng ta. Chúng ta tin sâu Tam Bảo, rồi tất cả Phật sự sẽ được viên mãn. Những người không có lòng tin mới bị Tam Bảo bỏ rơi. Chữ “tin” ở đây là do mình nhận chân được lẽ thật rồi mình tin, chớ không phải tin bằng cách cúng lạy rồi Tam Bảo gia hộ. Chúng ta có nhiệt tình đối với đạo, chúng ta có nhiệt tình trên đường tu hành thì chúng ta sẽ được Tam Bảo gia hộ chớ không có bỏ sót.

Đến những cái khó của tôi trong khi làm Phật sự.

Khóa thứ nhất ở Chân Không chúng tôi có được mười Tăng sinh, con số khiêm nhường như vậy tưởng đâu dạy trọn ba năm ít ra cũng được đủ mười người. Không ngờ dạy mới có ba tháng thì có ba vị: Thiện Ấn, Thiện Năng và Thông Lạc rủ nhau ra đi. Rồi đến Đắc Huyền cũng bắt chước chạy theo. Khóa học mười người mới có ba tháng mà rút đi hết bốn người, nếu không có can đảm thì cũng mất tinh thần nhiều lắm. Tuy nhiên tôi đã học được ở Hòa thượng Viện trưởng Thầy tôi, Ngài nói: Tôi dạy lớp học ba mươi, bốn mươi người, dù lớp học còn một, hai người, tôi cũng dạy. Theo gương đó, tôi nói còn mấy chú tôi dạy mấy chú, nhất định mãn ba năm mới thôi. Kế một, hai tuần sau Đắc Huyền trở về sám hối, đến Thiện Năng vài ba tháng sau cũng về sám hối. Bốn người ra đi thì hai người trở về, còn hai người thì đi luôn, một người về Trảng Bàng tu, một người thì ra đời có hai, ba đứa con. Quí vị thấy làm Phật sự đâu phải lúc nào cũng đều như nguyện, có những trục trặc mà mình phải lập chí, phải cương quyết làm đến nơi cho tròn.

Khóa học thứ hai thì có những khó khăn ở nội bộ. Cuộc sống đang lỉnh kỉnh bất ổn, Tăng Ni sinh phải lo tự túc thì Định Huệ bất thần kiếm chuyện rút lui làm rộn cho tôi. Đến chuyến chót này, năm ngoái đây Như Thủy làm rối ren một lúc. Như vậy cái gì thành công đâu phải có một chiều, có những trục trặc bên trong chớ không phải lúc nào cũng xuôi thuận. Đó là ba chặng khó trong nội bộ mà tôi phải trải qua.

Song chủ trương của tôi là định làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn, khi nào xong mới thôi. Gặp khó khăn tôi lại cương quyết phải duy trì, tôi phải trải thân ra lo. Khi nào thấy dễ tôi mới buông, buông mà vẫn tu được, tôi không ngại, tôi dám buông. Vì vậy mà qua những cái khó.

Còn có cái khó của ngoại cảnh. Thiền viện ở trên núi nhờ quí Phật tử ủng hộ nên Tăng sinh làm công tác mỗi ngày hai tiếng đồng hồ tượng trưng thôi cho có sức khỏe, chớ không đặt thành vấn đề tự túc. Trong bản Thanh qui  ban đầu, tôi nói chủ trương của chúng tôi là nhờ Phật tử giúp đỡ để cho Tăng Ni tu hành chớ không có làm kinh tế tự túc. Nhưng rồi hoàn cảnh đổi thay, tức nhiên Thanh qui cũng phải đổi thay. Tăng Ni không thể trông cậy vào Phật tử nữa, mà phải chuyển qua tự túc, đó là vấn đề cay đắng chớ không phải đơn giản. Làm sao nuôi dưỡng được tinh thần hăng hái tu, hăng hái lao động của Tăng Ni? Cho nên lúc đó tôi mới cho họ dùng những bài ca bài hát ở ngoài đồng để họ đỡ buồn, nếu bắt làm việc cực quá chai tay rồi ai cũng chán. Vì vậy có nhiều người nói tôi sao dễ quá, Thiền viện gì mà ca hát om sòm. Nếu bắt Tăng Ni đi cuốc cả ngày mà không cho vui một chút thì làm sao làm nổi, nhưng ca hát những bài đạo lý chớ không phải nói việc tầm thường thế gian. Bây giờ thì tôi cấm ca hát, vì hiện nay phương tiện sống cũng tương đối đủ, Tăng Ni làm cũng vừa phải, không có cực lắm thì đâu cần vui, vừa làm vừa tu trong yên lặng, đâu cần gì phải ca hát.

Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết. Điều quan trọng của người tu không phải ở chỗ khôn lanh xảo trá, mà ở chỗ chân thật biết tu. Chúng ta khôn trong đạo đức chớ không nên khôn trong mưu mẹo thế gian. Thế nên tôi mong rằng tất cả quí vị cố gắng tập làm sao giữ được tư cách một người tu là một người chân thật. Trong kinh Duy-ma-cật có câu: “trực tâm thị đạo tràng” nghĩa là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Đừng nghĩ rằng mình phải dùng nhiều xảo thuật để có phương tiện, có tiền, hay để thu hút nhân tâm, chỉ cần mình chân thành đối với tất cả Tăng Ni  và Phật tử. Tôi thường nói với lòng chân thành: “Tôi là kẻ nợ của Tăng Ni, nhưng ai đòi thì tôi trả, ai chưa đòi thì tôi hẹn.” Bởi sức mình hữu hạn, trả nợ một lượt không kham, ai đòi sớm thì trả sớm, ai chưa đòi thì để dành đó sẽ trả sau. Tôi thấy tôi là kẻ nợ, chớ không phải là người ban ơn ban phước cho ai hết. Mắc nợ, bổn phận tôi phải trả, tôi không nghĩ tôi  ban ơn cho người này, giúp đỡ người kia rồi bắt họ nhớ ơn tôi. Tôi nói như vậy với tất cả lòng chân thành của tôi. Và nhân lòng chân thành đó Tăng Ni cảm thông và thương mến tôi, chớ tôi không có xảo thuật riêng để thu hút người. Ai tới cũng vậy, đạo lý thế nào tôi nói thế ấy, không có ý riêng tư hoặc dỗ dành riêng ai.

Thành thật mà nói, tôi là một người khó. Vì sao? Vì tôi đặt trách nhiệm cho tôi quá nặng. Tôi làm hàng rào phía sau Thiền viện, có nhiều vị mỉa mai nói: tôi giữ mấy ông thầy còn hơn là giữ con gái nữa. Tôi đặt trạm phía trước tại nhà khách, có thầy Tri khách trông coi, nếu có ai đi ra thì báo cáo. Ở phía sau có cửa hậu để ra ruộng, cửa có chìa khóa do Trụ trì hay Tri sự giữ không cho lơi lỏng. Chung quanh chùa một bên có rào, một bên có các bà xuất gia lớn tuổi, nếu có ai trong Thiền viện đi lông bông bị các bà báo cáo. Như vậy tôi bố trí đâu đó nghiêm mật, nếu có điều gì tôi liền biết không giấu giếm tôi được.

Tại sao tôi phải khó? Tại vì tôi ở nhiều chùa, nhiều trường Phật học, tôi thấy, tôi biết. Có nhiều người phát tâm tu rất tốt, nhưng khi vào chùa gặp hoàn cảnh không thuận lợi, họ nhiễm lần lần rồi trở thành xấu! Lỗi đó tại ai? Có phải tại người hướng dẫn không khéo bảo hộ để cho họ phải thối tâm? Vì vậy tôi đặt trách nhiệm là tôi phải bảo hộ, nếu ai còn ở với tôi ngày nào là tôi phải bảo hộ họ ngày ấy. Dù tu không được giải thoát ngay trong hiện tại, ít ra họ cũng là một vị Tăng thanh tịnh có đức hạnh, đó là bổn phận của tôi. Khi nào họ ra ngoài tầm tay tôi thì tôi hết bổn phận. Thành ra có nhiều vị ở đây cũng hơi buồn, sao mà đi đâu cũng bị rầy hoài! Cái khó của tôi là do trách nhiệm, do bổn phận của tôi phải làm như vậy. Nếu quí vị ra khỏi đây rồi thôi, làm gì thì làm tôi không có nói gì hết, vì nó quá tầm tay của tôi.

Chư Tăng ở đây giả sử như tu không có tiến một trăm phần trăm như ý mình muốn, chỉ được chừng hai mươi, ba mươi phần trăm thôi, tôi cũng bảo đảm rằng mấy chú cũn


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.