Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Tâm Vương



TÂM VƯƠNG

Tâm vương không tướng cũng không hình
Mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh.
Muốn biết loại này chân diện mục
Ha! ha! giữa ngọ là canh ba.

Giảng:

Tâm vương là Tâm vua, Tâm vương này khác với Tâm vương của Duy thức học. Duy thức học chia tâm làm hai thứ là Tâm vương và Tâm sở. Tâm vương có tám thứ, Tâm sở có năm mươi mốt thứ (muốn hiểu rõ hơn xin xem lại Duy thức học). Tâm vương như chủ, Tâm sở như những thuộc hạ. Ví dụ như con mắt thấy sắc khởi niệm ưa thích gọi là Tham tâm sở, tai nghe tiếng trái ý sanh tâm giận ghét gọi là Hận tâm sở v.v… tùy trường hợp mà có tên riêng. Nhưng Tâm vương này khác với Tâm vương của Duy thức học.

Tâm vương không tướng cũng không hình
Mắt tợ ly châu vẫn chẳng minh.

Tâm vương này là Tâm chúa không tướng không hình. Lục Tổ gọi là “Bản lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật) cho nên nói không tướng không hình. Dù cho người có mắt sáng như hạt châu của con rồng vẫn không thể thấy được tâm này. Nhưng:

Muốn biết loại này chân diện mục
Ha! ha! giữa ngọ là canh ba.

Muốn biết mặt thật của Tâm vương thì cười ha! ha! đúng lúc trưa là canh ba. Thật là lạ lùng! Lâu nay chúng ta quen nhìn sự vật trên hình tướng, nên cứ đuổi theo những cảnh sắc bên ngoài không bao giờ dừng. Tâm vương Thượng Sĩ nói đây không có hình tướng mắt không thể thấy, tay không thể sờ mó được. Là Thể chân thật hằng hữu mà không tướng mạo, nên muốn nhận ra thì phải quay ngược trở lại không kẹt nơi hình tướng. Song, muốn xoay trở lại thì đang giữa ngọ là mười hai giờ trưa mà thấy là mười hai giờ đêm, nghĩa là ngay nơi cái sáng mà thấy được cái tối, ngay nơi cái có mà đạt được lý không. Ý Thượng Sĩ nói rằng: chúng ta muốn nhận ra Tâm chân thật thì phải có khả năng nhìn ngược lại, nên nói đang trưa mà thấy là canh ba. Bây giờ chúng ta thấy ngược hay thấy xuôi? Thường thấy xuôi nên không nhận ra Thể chân thật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.