Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Lược Dẫn Bản Đồ Thiền Phái (giảng)



Từ đức Phật Thích-ca Mâu-ni của chúng ta đem “Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm” trao cho Tôn giả Đại Ca-diếp, lần lượt truyền trao đến Đại sư Đạt-ma là hai mươi tám đời.

“Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm” là những từ mà nhiều người thắc mắc thưa hỏi. Nay tôi giải thích theo chữ nghĩa cho quí vị hiểu. Chánh pháp là pháp chân thật do bậc giác ngộ nói ra, nhãn là con mắt, tạng là kho. Pháp chân thật là cái kho con mắt của mọi người. Tại sao? Vì trong kinh A-hàm ghi những người được Phật dùng chánh pháp để giáo hóa, họ giác ngộ, tán thán rằng: “Con như người mù được sáng, như kẻ cúi được ngưỡng…” Như vậy, chánh pháp của Phật giống như con mắt sáng, dù là mù, nhưng khi nghe chánh pháp rồi liền được sáng mắt. Mù là chỉ cho si mê. Kho chánh pháp của Phật là con mắt sáng của thế gian. Niết-bàn diệu tâm là tâm nhiệm mầu không sanh không diệt, nguyên chữ Phạn là Nirvàna, Trung Hoa dịch là vô sanh. Vậy chánh pháp của Phật là con mắt sáng, còn Tâm chân thật của người là vô sanh. Đức Phật trao phó cho Ma-ha Ca-diếp là Tổ thứ nhất, Tổ Ma-ha Ca-diếp truyền xuống Tổ A-nan, là Tổ thứ hai, lần lượt truyền trao tới Tổ thứ hai mươi tám là Bồ-đề-đạt-ma.

Tổ Đạt-ma sang Đông độ (Trung Hoa) truyền cho Đại sư Thần Quang, dưới Thần Quang truyền sáu đời, đến Đại sư Thần Hội.

Chính trong thời gian ấy, chánh pháp truyền vào đất nước ta. Không biết người được truyền trước là ai, chỉ biết từ Thiền sư Thiền Nguyệt. Thiền sư Thiền Nguyệt truyền cho Nguyễn Thái Tông, kế Trưởng lão Định Hương, Đại sư Viên Chiếu, Thiền sư Đạo Huệ, lần lượt truyền trao, nhưng tên tuổi lúc ẩn lúc hiện, khó nhận ra manh mối.

Qua đoạn này chúng ta thấy manh mối truyền trao của chư Tổ chưa rõ, chỉ biết có các vị: Thiền Nguyệt, Nguyễn Thái Tông, Trưởng lão Định Hương, Đại sư Viên Chiếu, Thiền sư Đạo Huệ, mà không biết gốc từ đâu. Ngày nay chúng ta gặp được quyển Thiền Uyển Tập Anh, nên biết rõ dòng truyền trao này. Trong quyển Thiền Sư Việt Nam tôi dẫn dịch từ quyển Thiền Uyển Tập Anh thì những vị này thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông. Như vậy, ngài Vô Ngôn Thông qua Việt Nam ở chùa Kiến Sơ xiển dương Thiền tông, ngài Cảm Thành được truyền thừa. Rồi từ ngài Cảm Thành lần lượt truyền trao đến các vị này.

Chia làm ba tông:

1. Tông Trúc Lâm của tôi, đã khắc trong bản đồ, khỏi phiền ghi đủ.

2. Tông Thiền sư Vương Chí Nhàn truyền cho Hòa thượng Nhiệm Tàng, Hòa thượng Nhiệm Tàng truyền cho cư sĩ Nhiệm Túc, đến nay tông này đã chìm ẩn, không rõ sự thừa kế.

3. Tông Hòa thượng Nhật Thiển, không biết Ngài đắc pháp với ai? Ngài truyền cho Đại vương Chân Đạo, đến nay tông này cũng chìm ẩn.

Ngoài ra, còn có cư sĩ Thiên Phong từ Chương Tuyền đến, đồng thời với Ứng Thuận, tự xưng thuộc tông Lâm Tế, truyền cho Quốc sư Đại Đăng, Hòa thượng Nan Tư. Đại Đăng truyền cho Hoàng đế Thánh Tông, Quốc sư Liễu Minh, Thường Cung, Huyền Sách… Huyền Sách truyền cho Phả Trắc… nay cũng lu mờ, không còn sáng tỏ.

Ôi! Thiền tông suy thạnh, có thể nói được sao! Nay lược nêu ra các tông trong Thiền môn để lưu lại đời sau, hầu mong học giả biết Thiền có tông để học, không phải tự ý bày đặt ra đó vậy.

Thiện chí của ngài Huệ Nguyên là muốn cho người sau tin Thiền có truyền thừa từ gốc đến ngọn hẳn hoi, chớ không phải chuyện mơ hồ không căn cứ. Ngài biết được giá trị của quyển Ngữ lục này, muốn truyền bá mãi mãi không dứt, cho người sau được lợi ích, nên Ngài in lại Ngữ lục này nói về Tuệ Trung Thượng Sĩ đời Trần. Bản đồ thiền phái chỉ có tài liệu truyền thừa từ Thiền sư Thông Thiền, Tức Lự, Ứng Thuận, Tiêu Dao, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang. Sau ngài Huyền Quang, cuối thế kỷ 13 trở về sau không có tài liệu ghi, nhưng tới đầu thế kỷ 17 thì có những vị Thiền sư như Hương Hải là người được Thiền sư Viên Cảnh, Viên Khoan giáo hóa, sau Ngài khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm. Chỗ này có nhiều người thắc mắc: Tại sao phái thiền Trúc Lâm chết yểu, chỉ thừa kế có ba bốn đời rồi bị thất truyền? Chúng ta phải hiểu rằng, phái thiền Trúc Lâm tựa vào thế vua quan nhà Trần xây dựng Giáo hội thiền Trúc Lâm. Khi nhà Trần suy yếu rồi mất, nhà Hồ lên thay, kế đó nhà Minh bên Tàu sang xâm lăng, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, chiến thắng lập ra triều đình nhà Lê. Nhà Lê sợ con cháu nhà Trần khôi phục ngôi vua, nên sợ Phật giáo đời Trần, mới lấy Nho giáo chỉ đạo chánh trị. Đó là triều đại trọng Nho khinh Phật. Vì thế nên các Thiền sư mới ẩn vào núi rừng để tu, không phô bày truyền bá nữa. Do đó hệ phái Trúc Lâm thấy dường như mất, nhưng không phải mất hẳn. Vì ẩn truyền nên cuối đời Lê khi Nam Bắc phân tranh, ở Đàng trong chúa Nguyễn nêu ra đường lối tu Thiền, thỉnh các Thiền sư Trung Hoa sang thì lúc đó các Thiền sư Việt Nam ẩn cư xuất hiện. Vậy mới thấy thời cơ thuận tiện cho việc giáo hóa thì các ngài xuất hiện, không tiện thì ẩn, chớ không mất.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.