Thời Phật pháp thịnh hành ở trung Ấn Độ, trong một toà thành nọ, có một vị đệ tử tại gia của Đức Phật phát tâm cúng dường một vị tỳ kheo, đi tìm hỏi khắp nơi mới tìm được một vị tỳ kheo đã chứng quả A La Hán, bèn thỉnh vị này mỗi ngày đến nhà mình để nhận cúng dường.
Trong nhà vị cư sĩ nói trên có nuôi một con chó, khi vị tỳ kheo dùng cơm, thì con chó ngồi xổm bên cạnh bàn. Vị tỳ kheo thuận tay nắm một viên cơm cho con chó ăn. Con chó được ăn, nên có rất nhiều thiện cảm với vị tỳ kheo.
Vị tỳ kheo mỗi ngày đến ăn cơm, thì con chó cũng mỗi ngày được ngài cho ăn. Con chó nhớ tưởng đến vị tỳ kheo, vị tỳ kheo cũng biết được tâm niệm của con chó nên cứ tới giờ là cho nó một nắm cơm. Do đó con chó càng có thêm thiện cảm đối với vị tỳ kheo.
Cứ thế trong suốt một năm trời, con chó tới số chết, đầu thai trong hoàng cung của vua nước An Tức làm công chúa. Sinh ra, cô đã biết kiếp trước của mình, lúc còn làm chó trong nhà một vị cư sĩ và ngày ngày chia cơm với vị tỳ kheo, sự việc ra sao cô đều nhớ rõ ràng. Một hôm, vua nước Nguyệt Đê phái Sử Tiết đến nước An Tức. Vua nước An Tức thấy Sử Tiết là người hiền lại có tài, và còn rất thông minh nên bèn gả công chúa cho Sử Tiết, bảo đưa công chúa về nước Nguyệt Đê.
Công chúa theo chồng về nước Nguyệt Đê, mỗi lần gặp một vị tỳ kheo xuất gia là trong lòng cô rất vui mừng. Cô hồi tưởng lại lúc trước đội lốt con chó, vì được một vị tỳ kheo cho ăn cơm, có thiện cảm đối với ngài, kiếp này mới có được thân người. Để tỏ lòng tri ân báo ân, cô nghĩ tốt nhất là nên lập đàn trai thật lớn để cúng dường tăng chúng.
Phật pháp tại nước Nguyệt Đê rất hưng thịnh, tỳ kheo xuất gia rất đông. Mỗi ngày công chúa đem thức ăn đến cúng dường cho từ 400 đến 500 vị, tất cả đều một tay cô lo liệu, tuyệt đối không mượn tay khác nào làm. Lo việc cúng dường hoàn tất rồi, cũng chính tay cô lo việc chùi rửa dọn dẹp. Người hầu, nô tỳ trong nhà đều một lòng tán thán cô, và phong cho cô tước hiệu “vương thí”:
– Công chúa tới chỗ này mà còn mỗi ngày tự tay lau chùi sạch sẽ thì chúng ta cũng nên gia công nỗ lực!
Sau đó, bọn nô tỳ lén dấu chổi đi, nghĩ rằng họ sẽ tự lo việc chùi rửa, không nên để công chúa làm những việc như thế nữa. Công chúa đòi lại chổi mãi không được, bèn lấy từ trong rương một chiếc áo mới mặc hôm trước, cuộn tròn lại làm cái chổi quét đất. Người chồng thấy công chúa lấy áo làm chổi quét đất, bèn nói:
– Tại sao nàng không dùng chổi lại dùng áo quét đất, như thế không uổng phí lắm sao?
Công chúa trả lời:
– Trong tiền kiếp thiếp không hề có lấy một vật gì có thể dùng để bố thí, chỉ có thiện tâm đối với một vị tỳ kheo thôi mà kiếp này được hưởng phúc báo, sinh ra làm công chúa. Thiếp chưa bao giờ phải lo mưu cầu sinh sống, tự nhiên có được áo, thì dùng nó làm chổi có gì đâu là uổng phí?
– Nàng tuy lễ kính Phật pháp, cúng dường tỳ kheo, nhưng ta chưa hề thấy mấy ông tỳ kheo cho nàng được một đồng một chữ nào, trong khi đó áo nàng mặc là do ta lao lực kiếm tiền mà có.
Người chồng nói để khuyên bảo công chúa. Công chúa bèn giải thích cho chồng hiểu:
– Thiếp nghe một vị A La Hán nói, kiếp trước thiếp là một con chó, được nuôi trong nhà một vị đệ tử của Đức Phật. Mỗi ngày có một vị tỳ kheo đến nhà người này dùng cơm, thiếp bèn ngồi ở dưới bàn đợi vị tỳ kheo nọ bốc một nắm cơm cho thiếp ăn. Thiếp rất có thiện cảm với tỳ kheo, do nhân duyên ấy mà kiếp này đầu thai vào trong nhà quốc vương. Thiếp xin hỏi chàng, tất cả những gì thiếp có hôm nay không phải là do vị tỳ kheo ấy ban cho thiếp hay sao?
Người chồng nghe xong, thấy vợ nói rất có lý, bèn nói:
– Nàng chỉ có mỗi một sự là đem thiện tâm đối xử với một vị tỳ kheo mà được phúc báo to lớn như vậy, Phật pháp quả là không thể nghĩ bàn!
Sự thật thì người chồng này hơi có chút bủn xỉn, nhưng khi được nghe công chúa kể cho nghe chuyện nhân quả phúc báo thì tâm liền biến chuyển, từ đó biết bố thí cho người nghèo, cúng dường chư tăng mà không sinh lòng tiếc rẻ, giúp cho Phật pháp được hoằng dương trong dân gian.