Ngày xưa ở Ấn Độ có một vị quốc vương, tên gọi là Nhất Thiết Thí. Ngài là một ông vua rất mực nhân từ, hành đạo Bồ Tát. Bất kỳ người nào, chỉ cần cầu xin ông điều chi là liền được toại ý nên người dẫu ở xa mấy cũng nghe nói đến tên ông.
Tại một quốc gia lân cận, có một thằng bé con thuộc giòng Bà La Môn, từ bé mất cha, sống với mẹ già và người chị. Không có cha, lại không có tiền nên cuộc sống của ba mẹ con vô cùng khốn khổ.
Một hôm người mẹ gọi con đến bảo rằng:
– Mẹ nghe nói ông vua nước láng giềng là người rất mực nhân từ, ai xin điều chi cũng được ông giúp đỡ, do đó ông có tên là vua Nhất Thiết Thí. Con có thể qua đến đó, xin ông ta tiền cho ba mẹ con mình sinh sống, không biết con có bằng lòng đi hay không?
– Con rất muốn đi qua bên ấy, nhưng ngày giờ này con chưa biết gì cả, không có chút học vấn nào cả, vì vậy con sợ không có khả năng đi xa như vậy. Con muốn ở đây cầu học trước cho có chút hiểu biết, có chút vốn liếng trí thức, thông hiểu chút đỉnh về đời về người rồi hẵng đi.
Người mẹ nghe thế, suy nghĩ một hồi lâu, cân nhắc kỹ càng điều con mình yêu cầu rồi bằng lòng đi mượn tiền người ta để sinh sống trong một năm trong thời gian con đi cầu học.
Thời gian đi vùn vụt, mau như nước chảy, ngoảnh đi ngoảnh lại một năm đã qua rồi mà đứa bé kia chẳng học được chi là bao. Về lại nhà, nó lại xin mẹ kiếm cách khác, nhưng người mẹ lại thôi thúc con nên mau đi gặp vua Nhất Thiết Thí, không nên chần chờ nữa.
Ngày nó lên đường, trong nhà không còn gì hết, bà mẹ lại đi tìm ông chủ nợ năm ngoái để xin mượn thêm tiền, nhưng lần này ông chủ nợ không chịu mà lại đưa ra điều kiện, bắt người mẹ và người chị phải đến nhà ông làm thuê và làm con tin thì ông mới cho mượn thêm tiền.
Ngay lúc ấy, Nhất Thiết Thí Vương phải đương đầu với một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vua của một nước láng giềng, vốn tàn bạo bất nhân, lòng tham không đáy, đem một đại đội binh mã đến đánh phá biên giới của vua Nhất Thiết Thí, với ý định thôn tính nước này.
Nghe tin này, vua Nhất Thiết Thí không hề lấy làm ngạc nhiên, cứ thản nhiên như không hề có chuyện chi xẩy ra, cũng không hề chuẩn bị bất cứ điều chi để đi ứng chiến.
Nhất Thiết Thí vương nghĩ rằng đời sống con người vốn ngắn ngủi, vinh hoa không có thật, ông dự bị đợi một ngày nào đó sẽ lẳng lặng đem đất nước mình đi bố thí cho cái người đang cần đó.
Các quan đại thần trong triều rất lấy làm ưu sầu, lo lắng trước tình cảnh ấy, lại thấy quân vương cứ làm như thể không có gì xẩy ra mà cứ cư xử, làm việc vui vẻ như bình thường, ai nấy ruột gan như lửa đốt, nên đồng lên xin diện kiến với nhà vua để hỏi ngài tại sao không lo việc ứng chiến.
Nhất Thiết Thí vương im lặng không đáp, đợi cho các vị đại thần thưa thỉnh ba lần mới nói lên nỗi khổ tâm của mình:
– Nếu chỉ để giữ gìn quyền lực, danh dự và địa vị của mỗi mình ta, thì ta nghĩ không cần phải đối phó với sự tranh chấp ấy. Ta không muốn con dân của ta phải vì cá nhân ta mà hy sinh một cách vô duyên. Thử nghĩ mà xem, thân một người, chẳng qua mỗi ngày thì ăn một vài chén cơm, mặc thì một hai thước vải, ở thì sáu bẩy thước đất là đủ. Người thông minh cần gì phải lao tâm tổn lực vì mấy thứ đồ vật bên ngoài thân như vậy.Ta không muốn chống chọi với kẻ địch vì muốn bảo vệ cho sinh linh toàn quốc. Nếu quốc vương nước láng giềng thật tình muốn đến, ta sẽ hai tay dâng thành trì lên tặng cho ông ta, miễn sao ông ta không làm tổn hại đến sinh mệnh của trăm họ. Bây giờ các ông có tán thành điều ta nghĩ hay không?
Các vị đại thần, ngày thường vốn đã được đức tính nhân từ của quân vương cảm hóa, hôm nay nghe vua nói như thế thì không ai phản đối. Đến nửa đêm hôm ấy, vua Nhất Thiết Thí để lại ấn tín, thay thường phục, không đem theo người tùy tùng nào, cưỡi một con ngựa khoẻ lặng lẽ rời bỏ hoàng cung, đi ra khỏi thành.
Ngày hôm sau, vua nước láng giềng dẫn đầu một đại đội quân lính mau lẹ tiến thẳng vào thành, không hề mất mát một tên binh tên lính nào, cứ thế mà thênh thang tiến vào. Thành trên thành dưới, thành trong thành ngoài, không hề có chút không khí chiến tranh hay chạy loạn.
Dân chúng từng đoàn từng lớp, qua lại nhộn nhịp chuyện trò rộn ràng, họ không hề ngờ rằng ngay lúc ấy, họ đã trở thành những kẻ nô lệ mất nước.
Lòng tham và dục vọng của con người như biển sâu không đáy, không có gì có thể lấp đầy. Vị bạo vương kia đã không tốn chút công lực nào để xâm lăng ngôi thành to lớn, đã có thể tự thấy toại nguyện mãn ý mà hưởng thụ, thì lại không thấy như thế là đủ. Ông còn muốn nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc để tránh mọi điều phiền phức về sau. Ông bèn treo một giải thưởng to lớn cho ai bắt được vua Nhất Thiết Thí đem về.
Vua Nhất Thiết Thí rời vương cung rồi, cứ nhắm hướng phía ngoại thành hoang dã mà đi. Đi được năm sáu trăm dặm, tới một chỗ nọ thì gặp đứa bé nhà nghèo vâng lời mẹ đi tìm ông mà cầu cứu. Nhưng vua Nhất Thiết Thí không hề biết điều đó nên hỏi đứa bé:
– Em bé, em đi dâu một mình vậy? Sao không có người lớn nào đưa em đi?
– Cháu đi tìm gặp ông vua nhân từ, xin ông ấy giúp đỡ cháu.
Đứa bé đem gia cảnh của mình nhất nhất kể cho nhân vương nghe, nói rằng:
– Hồi cháu còn rất nhỏ, cha cháu đã qua đời rồi, để lại mẹ cháu, chị cháu và cháu là ba người. Mẹ cháu là đàn bà, cha cháu lại không để lại gia sản nào, nên đời sống rất là khốn khó. Gần đây, cũng vì cháu muốn cầu học, mẹ cháu phải mượn người ta hai ngàn đồng. Vì cháu mà mượn tiền nên bây giờ mẹ cháu và chị cháu phải làm con tin ở đợ nhà người tạ Bây giờ cháu muốn đi tìm nhân vương, xin ngài giúp tiền cho cháu để cháu đi chuộc mẹ và chị về.
Vua Nhất Thiết Thí trả lời:
– Em bé ơi, ta chính là vua Nhất Thiết Thí mà em đang muốn tìm đây!
Nghe người đứng trước mặt mình, với một bề ngoài hết sức bình thường mà tự xưng là vua Nhất Thiết Thí, đứa bé hết sức kinh ngạc, không tin sự thật có thể như thế được. Nhân vương do đó mới đem chuyện mình ra nói cho đứa bé nghe, đứa bé nghe xong rất cảm động, nước mắt ràn rụa, bi thương quá không tự chủ được.
Nhân vương khuyên đứa bé không nên quá thương tâm, và hứa sẽ làm cho nó được toại nguyện. Đứa bé hoài nghi, hỏi:
– Đại vương! Hiện tại ngài không còn đất nước, trong thân lại không có một vật gì, ngài tính lấy gì mà giúp cháu đây?
Vua Nhất Thiết Thí thản nhiên đáp:
– Ông vua nước láng giềng tuy đã chiếm được đất nước của ta nhưng trong lòng y vẫn chưa thỏa mãn. Vì ta đi lánh nạn chỗ khác, nên bây giờ y đang treo một giải thưởng rất lớn cho ai bắt được ta đem về. Em có thể giết ta và đem thủ cấp của ta về lãnh thưởng, thì lúc ấy không phải là em được toại nguyện sao?
Đứa bé không thể nhẫn tâm làm việc ấy được, nhân vương bèn dạy nó cắt mũi, cắt tai của mình đem về cũng có thể lãnh thưởng, nhưng đứa bé lại nói mình không có lòng dạ nào làm chuyện ấy. Cuối cùng nhân vương nói:
– Em không muốn giết ta, lại không muốn làm cho ta bị thương, thì bây giờ chỉ còn có một cách này mà thôi : em hãy trói ta lại áp giải về, em làm được việc này không?
Đứa bé còn nhỏ chưa biết gì, thấy ý kiến này rất hay, và nghe theo nhân vương thi hành.
Vua Nhất Thiết Thí và đứa con của nhà bà la môn nọ bèn cùng nhau hướng về phía thành mà đi. Ước khoảng hai dặm trước khi đến thành ngoài, nhân vương bảo đứa bé trói ông lại và tiến vào thành trong. Lúc ấy nhân dân, nam nữ già trẻ thấy nhân vương bị người ta dùng dây trói kéo vào thành thì không một người nào lại không thương tâm mà bật khóc, thậm chí có người quá sầu đau, khóc đến ngã xuống đất bất tỉnh, như thể thấy cha mẹ mình chết trước mắt vậy.
Đến cửa cung điện, có người vào thông báo cho bạo vương. Bạo vương nghe nói kẻ thù bị tróc nã đem về, mừng rỡ bước ra ngoài xem và lập tức ra lệnh đưa vào trong cung. Các đại thần thấy nhân vương trở về, đều phủ phục xuống đất mà khóc lóc thảm thiết. Tình cảnh vô cùng bi thương, chính bạo vương cũng không khỏi bị động tâm, ông bèn hỏi đại thần:
– Các ông làm gì mà khóc lóc thê thảm quá vậy?
– Đại vương, xin ngài tha lỗi cho chúng thần đã thất lễ! Chúng thần thấy nhân vương không những đã bỏ quốc gia vương vị, bây giờ lại đem chính thân mình ra bố thí cho người khác mà chẳng có chút gì là tiếc rẻ ân hận, hành động của ngài quá đỗi cao quý, vì thế chúng thần cảm động quá mà khóc!
Bạo vương thấy chư vị đại thần nói như thế, lòng hung hăng bạo ngược từ từ nguội xuống. Ông bèn hỏi đứa bé con nhà bà la môn tại sao lại trói nhân vương đem về, đứa bé bèn đem chuyện gia đình và việc gặp gỡ nhân vương giữa đường ra sao, rõ ràng rành mạch kể cho bạo vương nghe không sót chi tiết nào.
Bạo vương nghe đứa bé kể đầu đuôi câu chuyện, tâm bị cảm hóa nên vô cùng cảm động, mềm lòng mà nước mắt như nước thủy triều ròng ròng tuông xuống, truyền lệnh cho đại thần cởi trói cho nhân vương, đưa nhân vương tắm gội sạch sẽ xong đem ấn tín trao trả lại, quỳ xuống đất mà tâu lên nhân vương rằng:
– Thần ở nước của mình đã từ lâu nghe danh tiếng nhân đức thánh thiện của đại vương, nhưng thần không thần phục nên mới nghĩ đến việc thôn tính đất nước của ngài, nào ngờ khi vào được lãnh thổ của ngài, không hề có một người lính nào chuẩn bị phản công. Lúc ấy thần nghĩ đại vương chỉ chạy theo danh thơm tiếng tốt mà thôi, nhưng thật ra ngài không hề có ý đồ ấy. Cho đến ngày hôm nay thần mới chính mắt thấy hành vi đức độ của ngài, cúi xin ngài tha lỗi cho một kẻ tiểu nhân ngu si, và thần xin nguyện từ nay về sau được đại vương chỉ dạy, hướng dẫn, để thần không còn đi theo con đường tội lỗi nữa.
Dùng vũ lực đối địch với người không thể nào hàng phục được người một cách đúng nghĩa, chỉ có đạo đức mới làm cho người ta quy phục một cách chân chính.
Đức Phật nói với đệ tử rằng:
– Vua Nhất Thiết Thí chính là thân quá khứ của ta, bạo vương là tiền thân của Xá Lợi Phất, con của Bà La Môn chính là Đề Bà Đạt Đa vậy. Ta thành tựu được sáu ba la mật, 32 tướng tốt, mười loại Phật lực, viên mãn tất cả mọi công đức, đều là nhờ ơn của Đề Bà. Đề Bà là thiện tri thức của ta, cũng là người bạn tốt của ta.
Gọi tên đệ tử phản bội Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức, là người bạn tốt, quả nhân cách của Đức Phật quá sức cao quý!