Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Sai Ma (Hán tạng, Kinh số 103) với Kinh Khema (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo thượng tọa trú ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-xá-di. Lúc ấy cũng ở nước Câu-xá-di tại vườn Bạt-đà-lê có Tỳ-kheo Sai-ma thân mang trọng bệnh. Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa là người nuôi bệnh. Tỳ-kheo Đà-sa đến chỗ các Tỳ-kheo thượng tọa, lễ dưới chân các Tỳ-kheo thượng tọa rồi đứng sang một bên. Các Tỳ-kheo thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa rằng: 

– Thầy trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma nói rằng: Các thượng tọa hỏi thăm Thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không tăng lắm chứ? 

Lúc ấy, Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo thượng tọa trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: 

– Các thượng tọa hỏi thăm Thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không tăng lắm chứ? 

Giảng:

Bài kinh này thật cô đọng, người đọc khó thấy cái hay của nó. Đây là nói về Tỳ-kheo Sai-ma bệnh, có Tỳ-kheo Đà-sa nuôi bệnh. Bấy giờ có các Tỳ-kheo thượng tọa hỏi thăm bệnh, nhắn qua Tỳ-kheo Đà-sa rằng chư thượng tọa hỏi Sai-ma thân giảm nhẹ an ổn, bệnh khổ không thêm nhiều chăng?

Chánh văn: 

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng: 

– Bệnh của tôi không giảm, thân không được an ổn, các thứ khổ bức bách càng tăng thêm, không cứu nổi. Giống như kẻ lực sĩ bắt lấy người gầy yếu đuối trong vòng vào cổ, hai tay siết chặt làm cho đau đớn vô cùng. Tôi nay bệnh khổ còn hơn người bị thắt cổ. 

Giống như tên đồ tể dùng dao bén mổ bụng bò lấy nội tạng nó ra, sự đau đớn bụng con bò như thế nào có thể chịu nổi, còn hiện tại sự đau đớn bụng của tôi, hơn cả sự đau của con bò kia. 

Như hai lực sĩ bắt một người yếu đuối treo lên trên lửa rồi đốt hai chân họ, hiện nay hai chân của tôi còn nóng hơn người kia. 

Giảng:

Tỳ-kheo Sai-ma diễn tả bệnh khổ của mình qua nhiều hình ảnh: người bị thắt cổ, con bò bị mổ bụng, người bị đốt hai chân. Ba hình ảnh tả bệnh trạng thật trầm trọng. Đau gần chết như vậy mà ngài vẫn còn đủ sức để nói thí dụ, thật là gan dạ tỉnh táo vô cùng.

Chánh văn: 

Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa đến lại chỗ các thượng tọa Tỳ-kheo, thuật lại hết bệnh trạng của Tỳ-kheo Sai-ma cho chư thượng tọa Tỳ-kheo. Chư thượng tọa Tỳ-kheo lại sai Tỳ-kheo Đà-sa trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma và nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Đức Thế Tôn đã dạy có ngũ thọ ấm, đó là sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Tỳ-kheo Sai-ma hay quán sát được chút ít về năm thọ ấm này, phi ngã, phi ngã sở chăng?” 

Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo thượng tọa dạy rồi trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: 

– Các thượng tọa nhắn lại Thầy là “Thế Tôn đã từng dạy về năm thọ ấm”. Thầy có thể quán sát phi ngã, phi ngã sở được không? 

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

– Đối với năm thọ ấm này, tôi có thể quán sát phi ngã, phi ngã sở. 

Giảng: 

Các thượng tọa nhắc cho Tỳ-kheo Sai-ma nhớ Phật từng dạy về ngũ thọ ấm, đối với ngũ thọ ấm này, Tỳ-kheo Sai-ma đã quán sát được chút ít phi ngã và phi ngã sở chăng? Phi ngã, phi ngã sở là không phải ta, không phải của ta. Thân này không phải ta vì nó là tứ đại năng tạo và tứ đại sở tạo cộng lại mà có. Thấy đúng như thật, đầu tiên thân sắc uẩn do đất, nước, gió, lửa hợp thành, gọi đó là tứ đại sở tạo. Hợp thành thân rồi phải nuôi dưỡng bằng tứ đại năng tạo là đất, nước, gió, lửa bên ngoài bồi bổ luôn luôn không phút giây nào thiếu để cho thân sở tạo tồn tại.

Thân tứ đại vô tri, do duyên hợp không bền chắc nên nói thân này không phải là ta, tạm chấp nhận được. Nói thân này không phải của ta thì hơi khó chấp nhận. Nếu không phải của ta thì của ai? Gọi là của ta thì phải có quyền sắp đặt, biết rõ về thân. Hiện thân này đang làm gì chúng ta không biết. Có vi trùng xâm nhập trong thân mình không hay, đến chừng ngã bệnh mới biết. Râu cứ mọc, tóc cứ dài, thân hoạt động thế nào, chúng ta không biết. Những gì trong thân, muốn làm chủ nó cũng không được; nó phát họ, muốn đừng họ cũng không được. Nếu là của mình, mình phải toàn vẹn làm chủ. Lý lẽ này nghe qua thấy tầm thường, nhưng minh chứng một sự thật hiển nhiên. Chứng lẽ thật rồi mới phá được chấp ngã. Căn bản của người tu là dùng trí tuệ quán sát thân năm uẩn không thật, không phải ta hay của ta. Thấy vô ngã rồi tất cả pháp tu đều chứng thực dễ dàng. Còn chấp ngã thì áp dụng pháp tu nào cũng khó, dù pháp tiên hay pháp gì tối thượng cũng không tu được vì bản ngã làm trở ngại.

Các Tỳ-kheo thượng tọa hỏi thăm Tỳ-kheo Sai-ma khi bệnh có nhớ quán năm uẩn phi ngã phi ngã sở không? Đây là lời nhắc nhở thiết thực, cũng kiểm tra công phu hàng ngày của một vị Tỳ-kheo. Chúng ta bình thường phải luôn nhớ quán sát thấy sắc uẩn không thật, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều không chủ tể, đợi đủ duyên mới có, không đủ duyên thì không có. Cái chợt có chợt không này mà chấp là ta, rốt cuộc sống trong si mê sanh diệt. Thiền tông bắt nguồn từ cội gốc này, thấy năm uẩn không phải ngã và ngã sở. Thấy thân năm ấm giả dối không thật “ngũ ấm phù vân không khứ lai”, mình và người đều như huyễn thì còn gì hơn kém, còn gì là ngã? Nhận được chỗ chân thật, bản lai diện mục thì ai ai cũng có sẵn, không còn hơn kém nên cũng vô ngã. Như vậy từ chỗ thấy thân không thật, đạt đến chỗ bình đẳng vô ngại kia, cũng từ một gốc quán sát thân ngũ uẩn như bọt bóng, sương mai.

Như vậy chúng ta học bài kinh này để thấu rõ cội gốc căn bản của đạo Phật, không phải dựa trên lý luận suông mà phải hằng quán sát thấu đáo như thật.

Chánh văn:

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại bạch với các thượng tọa rằng: 

– Tỳ-kheo Sai-ma nói: “Đối với năm thọ ấm này, tôi có thể quán sát phi ngã, phi ngã sở.” 

Các Tỳ-kheo thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà sa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Thầy có thể đối với năm thọ ấm quán sát về không phải ngã, không phải những gì thuộc về ngã như các bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc được không?” 

Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo thượng tọa dạy, lại đến chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Sai-ma rằng: 

– Thầy có thể quán sát năm thọ ấm như các bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc được không? 

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng: 

– Tôi có thể quán sát năm thọ ấm là không phải ngã, không phải ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc. 

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các thượng tọa, bạch với các thượng tọa: 

– Tỳ-kheo Sai-ma nói: “Tôi có thể quán sát năm thọ ấm là không phải ngã, không phải ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc.” 

Bấy giờ, các thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa: 

– Thầy hãy trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma: “Thầy nói là Thầy quán sát năm thọ ấm không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.” 

Giảng:

Các thượng tọa lại nhắn hỏi Tỳ-kheo Sai-ma có thể quán sát năm ấm như các bậc A-la-hán không?

Tỳ-kheo Sai-ma trả lời mình có thể quán năm ấm phi ngã phi ngã sở nhưng không phải là bậc A-la-hán. Lời này có vẻ như mâu thuẫn, trước sau trái nhau. Vì nếu hay quán ngũ ấm không phải ngã, không phải ngã sở, tu như thế là chứng A-la-hán. Tại sao nói không phải như vậy?

Chánh văn: 

Tỳ-kheo Đà-sa lại vâng lời dạy các thượng tọa, đến nói với Tỳ-kheo Sai-ma là: 

– Thầy nói là Thầy quán sát năm thọ ấm không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau. 

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng: 

– Đối với năm thọ ấm tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết. 

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các thượng tọa, bạch với các thượng tọa là: 

– Tỳ-kheo Sai-ma xin thưa rằng: “Đối với năm thọ ấm tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.” 

Giảng: 

Lý do chưa chứng A-la-hán là vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử chưa đoạn tận. Chúng ta thường tưởng lầm khi ứng dụng tu quán thân năm uẩn là vô ngã, liền chứng vô ngã ngay đây. Đó chỉ mới là tu quán, chưa phải sự thực được vô ngã. Thầy Tỳ-kheo Sai-ma nói: Tôi quán năm ấm phi ngã phi ngã sở nhưng chưa phải là lậu tận A-la-hán, vì chưa dứt sạch ngã mạn, ngã dục, ngã sử. Còn quán là còn tu tập, chưa được vô ngã nên phải quán vô ngã. Như chúng ta tu quán từ bi hỷ xả, nhưng thực tế cũng còn phiền giận vì chưa được hoàn toàn từ bi hỷ xả. Còn phải tu tức là chưa xong việc, vẫn còn phiền não vi tế. Nếu còn nhiều thì làm chủ không nổi, còn ít thì làm chủ được. Nếu hết sạch phiền não thì đã là bậc thánh, thành Phật rồi.

Như vậy đối với sự tu phải thật thà, phải nhận định kỹ không thể nói môi mép. Nghiền ngẫm lại đoạn này, khi ngài tu luôn luôn thấy thân năm uẩn này vô ngã, vô ngã sở. Tuy nhiên vẫn còn ngã mạn, ngã dục, ngã sử, chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa lìa, nên chẳng phải là A-la-hán.

Chánh văn: 

Các thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

– Thầy nói có ngã. Vậy thì ở chỗ nào có ngã? Sắc là ngã hay ngã dị sắc? Và thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã dị thức? 

Giảng:

Quán sắc không phải ngã, sắc cũng không khác ngã. Theo quan niệm thế gian chỉ xác định một mặt, như nói duy tâm, duy vật, cho là tâm riêng, vật riêng. Như vậy hoặc cho là sắc khác, ngã khác, không thể gồm chung. Phật pháp nói rằng sắc không phải là ngã, sắc cũng không ngoài ngã nghĩa là sắc không khác ngã, không thể tách ra. Nếu cho sắc khác ngã thì ta là linh hồn bay bổng đâu đâu, không phải thân này, đó là sắc khác ngã. Chấp ngã không phải thân, tức cho rằng ngã là tâm, thành hai khối đối chọi. Nên ở đây nói sắc không là ngã mà cũng không khác ngã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, không phải ngã mà cũng không khác với ngã. Các thượng tọa gạn hỏi Tỳ-kheo Sai-ma ngã ở chỗ nào, ý muốn ngài trình bày chỗ thấy của mình.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng: 

– Tôi không nói sắc là ngã hay ngã khác sắc; thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác thức. Nhưng đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết. 

Tỳ-kheo Sai-ma lại nói: 

– Sao dám làm phiền Thầy phải chạy qua chạy lại! Thầy mang giùm cây gậy đến đây, tôi sẽ tự chống gậy đến các thượng tọa kia. Xin trao gậy cho tôi. 

Tỳ-kheo Sai-ma liền tự chống gậy đi đến chỗ các thượng tọa. Từ xa các thượng tọa nhìn thấy Tỳ-kheo Sai-ma chống gậy đi lại, liền trải tòa, sửa ghế ngồi, đích thân ra nghênh tiếp, vì Thầy mang giúp y bát và mời ngồi, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi các thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: 

– Thầy bảo ngã mạn, vậy chỗ nào thấy ngã? Sắc là ngã chăng? Ngã khác sắc chăng? Và thọ, tưởng, hành, thức là ngã chăng? Ngã khác thức chăng? 

Tỳ-kheo Sai-ma bạch rằng: 

– Chẳng phải sắc là ngã, chẳng phải ngã khác sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, chẳng phải ngã khác thức. Nhưng đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa có thể đoạn hết, chưa có thể biết rõ, chưa có thể xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết. 

Giảng:

Thấy rằng nhờ người tới lui nói qua nói lại phiền phức, nên Tỳ-kheo Sai-ma đích thân đến chỗ các thượng tọa để trả lời rành rẽ. Ngài nói tôi thấy sắc không phải là ngã, sắc không khác ngã, biết hết, nhưng đối với ngã mạn… chưa lìa được. Đây là thành thật nói về chỗ tu của mình đến đâu.

Chánh văn:

Giống như hương thơm của hoa ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đầu, phân-đà-lợi, có phải là mùi hương của rễ? Hay hương khác rễ, là mùi hương tinh thô của thân, lá, cuống? Là mùi hương khác tinh thô? Hay là tất cả những thứ đó chăng? 

Các thượng tọa đáp rằng: 

– Không phải đâu, Tỳ-kheo Sai-ma, chẳng phải rễ của hoa ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đầu, phân-đà-lợi, là mùi hương và chẳng phải mùi hương khác rễ, cũng chẳng phải thân, lá, cuống, tinh thô là mùi hương, cũng chẳng phải mùi hương khác tinh thô. 

Tỳ-kheo Sai-ma lại hỏi: 

– Vậy đó là những thứ hương gì? 

Các thượng tọa đáp rằng: 

– Là mùi hương của hoa. 

Tỳ-kheo Sai-ma lại nói: 

– Vậy thì ngã cũng như vậy. Chẳng phải sắc là ngã, ngã không lìa sắc và chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, ngã không lìa thức, nhưng đối với năm thọ ấm, tôi thấy không phải ngã, không phải ngã sở, mà đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết. 

Giảng:

Ưu-bát-la là hoa sen xanh, bát-đàm-ma là hoa sen đỏ, câu-mâu-đầu là hoa sen vàng, phân-đà-lợi là hoa sen trắng. Các loại hoa đó đều có mùi thơm. Ngài hỏi các vị thượng tọa: mùi thơm của hoa là của rễ, của thân… hay khác rễ, khác thân? Ngài cũng đồng ý là mùi thơm không phải từ cá biệt từng phần của hoa, chỉ nói chung là mùi thơm của hoa. Đối với ngũ uẩn phân tách cũng vậy, không phải ngã, ngã sở, nhưng vì thói quen chấp ngã chưa hết, nên còn ngã mạn, ngã dục, ngã sử. Quán thì cứ quán, thấy thì cứ thấy, nhưng chưa hết, cũng giống như mùi của hoa không có hình dáng, có đủ các thành phần thì có mùi của nó, không phải từ cái nào hết. Khi phân tích sắc uẩn thọ uẩn… không phải ngã, mà còn những cái đó là còn có ngã. Tỳ-kheo Sai-ma cho thấy chỗ khó dứt trừ đối với năm thọ ấm.

Chánh văn: 

Các thượng tọa hãy nghe tôi nói thí dụ, vì người trí nhờ thí dụ mà được hiểu rõ. Giống như chiếc áo của người nhũ mẫu giao cho người giặt. Họ giặt bằng nước tro, tuy có sạch bụi dơ, nhưng vẫn còn có mùi. Nếu muốn hết mùi này thì cần phải dùng các thứ hương thơm xông ướp. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử xa lìa năm thọ ấm, quán sát chân chánh rằng không phải ngã, không phải ngã sở, có thể đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, nhưng đối với năm thọ ấm sau đó vị ấy tư duy thêm nữa, quán sát sự sanh diệt của chúng, rằng “Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc này, đây là sự diệt tận của sắc này. Đây là thọ, tưởng, hành, thức này, đây là sự tập khởi… thức này và sự đoạn tận của… thức này cũng như vậy,” Đối với năm thọ ấm khi đã quán sát sự sanh diệt của chúng như vậy rồi, thì ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tất cả đều được tiêu trừ. Đó gọi là quán sát chân chánh chân thật. 

Giảng: 

Tỳ-kheo Sai-ma giải thích, tuy quán phi ngã phi ngã sở như trên nhưng chưa dứt liền. Muốn dứt sạch phải luôn luôn quán sát sanh diệt của năm uẩn. Nói đến sắc phải quán sắc tập, sắc vị, sắc hoạn, sắc xuất yếu. Quán thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, quán tới quán lui, quán mãi như vậy, lâu ngày tự sạch. Như chiếc áo dơ, tuy giặt sạch nhưng còn mùi hôi, muốn hết mùi hôi phải ướp hương thơm. Chúng ta tu cũng vậy, tuy học kinh thấy biết vô ngã, nhưng tập khí còn y nguyên. Muốn hết chấp ngã phải áp dụng trí tuệ quán sát luôn luôn, xông ướp Phật pháp lâu ngày thuần thục mới dứt tập khí.

Chánh văn:

Khi Tỳ-kheo Sai-ma nói pháp này, thì các vị thượng tọa xa lìa được trần cấu, được trong sạch mắt pháp. Tỳ-kheo Sai-ma nhờ không khởi các lậu hoặc, nên tâm được giải thoát. Vì được an vui lợi ích nơi chánh pháp nên những bệnh của thân tất cả đều được tiêu trừ. 

Giảng: 

Các thượng tọa hỏi thăm bệnh mà ngài nói pháp cho các vị ngộ đạo. Nhờ giảng pháp cho người nghe nên ngài cũng hết bệnh. Như vậy rất hay, chúng ta khi nào bệnh cảm thì nên nói đạo lý, vui vẻ nói một hồi hết bệnh. Đó là lợi ích pháp hỷ.

Chánh văn: 

Bấy giờ, các thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: 

– Lần đầu chúng tôi được nghe những gì Nhân giả nói đã hiểu rõ và mừng vui, huống chi là được nghe lại nhiều lần. Sở dĩ chúng tôi hỏi nhiều là vì muốn phát khởi biện tài vi diệu của Nhân giả, chứ không phải có ý nhiễu loạn. Nhân giả là người có khả năng nói rộng chánh pháp của Như Lai Ứng Cúng Đẳng chánh giác. 

Sau khi các thượng tọa nghe những gì mà Tỳ-kheo Sai-ma nói xong, tất cả đều hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Kết luận, sở dĩ các thượng tọa hỏi đi hỏi lại nhiều lần vì muốn nghe Tỳ-kheo Sai-ma nói rộng chánh pháp. Người nói được lợi ích mà người nghe cũng được lợi ích.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo trưởng lão sống ở Kosambi, tại vườn Ghosita 

2) Lúc bấy giờ, tôn giả Khemaka trú tại vườn Badarica, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. 

3) Rồi các Tỷ-kheo trưởng lão, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy và gọi tôn giả Dāsaka: 

– Hãy đến đây, này hiền giả Dāsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka, sau khi đến, hãy nói với Tỷ-kheo Khemaka: 

– Này hiền giả Khemaka, các trưởng lão nói với hiền giả như sau: Này hiền giả, hiền giả có kham nhẫn được không? Hiền giả có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng trưởng? 

4) – Thưa vâng, chư hiền. 

Tôn giả Dāsaka vâng đáp các Tỷ-kheo ấy, đi đến tôn giả Khemaka, sau khi đến, nói với tôn giả 

Khemaka: 

– Các trưởng lão, này hiền giả Khemaka, nói với hiền giả như sau: “Hiền giả có kham nhẫn được không? Này hiền giả Khemaka… không phải tăng trưởng?” 

5) – Tôi không có thể kham nhẫn, thưa hiền giả… tôi không có thể chịu đựng… có những dấu hiệu tăng trưởng, không phải thuyên giảm! 

6) – Rồi tôn giả Dāsaka đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão, sau khi đến, thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão: 

– Thưa chư hiền, Tỷ-kheo Khemaka nói như sau: “Tôi không có thể kham nhẫn, này hiền giả… có những dấu hiệu tăng trưởng, không phải thuyên giảm” 

7) – Hãy đến đây, hiền giả Dāsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo Khemaka như sau: Này hiền giả Khemaka, các bậc trưởng lão nói với hiền giả như sau: “Này hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự ngã hay ngã sở không?” 

8) – Thưa vâng, chư hiền. 

Tôn giả Dāsaka vâng đáp các Tỷ-kheo trưởng lão, đi đến tôn giả Khemaka, sau khi đến… 

Các bậc trưởng lão, này hiền giả, nói với hiền giả như sau: “Này hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự ngã hay ngã sở không?” 

9) – Thưa hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. 

10) Rồi tôn giả Dāsaka đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão, sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo trưởng lão: 

– Tỷ-kheo Khemaka, thưa chư hiền, đã nói như sau: “Thưa hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn. thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả!” 

11) – Hãy đến đây, hiền giả Dāsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo Khemaka như sau: Các vị trưởng lão, này hiền giả Khemaka, nói với hiền giả như sau “Hiền giả Khemaka, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, nếu tôn giả Khemaka không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả, thời tôn giả Khemaka là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận.” 

12) – Thưa vâng, chư hiền giả. 

Tôn giả Dāsaka vâng đáp các Tỷ-kheo trưởng lão, đi đến tôn giả Khemaka… 

– Này hiền giả Khemaka, các bậc Tỷ-kheo trưởng lão nói với hiền giả như sau: “Thưa hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Nếu tôn giả Khemaka, trong năm thủ uẩn này, không quán cái nào là tự ngã hay ngã sở, thời tôn giả Khemaka là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc.” 

13) – Thưa hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. Nhưng tôi không phải là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc. Và thưa hiền giả, trong năm thủ uẩn này, dầu cho tôi có chứng được “Tôi là”, tuy vậy tôi cũng không quán “Cái này là tôi”. 

14) Rồi tôn giả Dāsaka đi đến Tỷ-kheo trưởng lão… nói với các Tỷ-kheo trưởng lão: 

– Tỷ-kheo Khemaka, thưa chư hiền, đã nói như sau: Thưa hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, thưa hiền giả, tôi không quán cái gì là ngã hay là ngã sở. Tuy vậy, tôi không phải là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc. Và thưa hiền giả, trong năm thủ uẩn, dầu cho tôi chứng được “Tôi là”, tuy vậy tôi cũng không quán: “Cái này là tôi”. 

15) – Hãy đến đây, hiền giả Dāsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka, sau khi đến, hãy nói với Tỷ-kheo Khemaka: Thưa hiền giả Khemaka, các Tỷ-kheo trưởng lão nói với hiền giả như sau: Này hiền giả Khemaka, cái mà hiền giả nói “Tôi là”, các hiền giả nói “Tôi là”, là cái gì? Hiền giả nói “Tôi là sắc”? Hiền giả nói “Tôi là khác sắc”… hiền giả nói “Tôi là thức”, hiền giả nói “Tôi là khác thức” Này hiền giả Khemaka, cái mà hiền giả nói “Tôi là”, các hiền giả nói “Tôi là”, là cái gì? 

16) – Thưa vâng. 

Tôn giả Dāsaka vâng đáp các Tỷ-kheo trưởng lão, đi đến tôn giả Khemaka… 

17) – Thôi vừa rồi, hiền giả Dāsaka chạy qua, chạy lại như thế này để làm gì? Hãy đem gậy lại đây! Ta sẽ đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão! 

18) Rồi tôn giả Khemaka chống gậy đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão, sau khi đến, nói lên với các Tỷ-kheo trưởng lão những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. 

19) Các Tỷ-kheo trưởng lão nói với tôn giả Khemaka đang ngồi một bên: 

Này hiền giả Khemaka, cái mà hiền giả nói “Tôi là”, cái mà hiền giả nói “Tôi là”, là cái gì? Hiền giả nói “Tôi là sắc”? Hiền giả nói “Tôi là khác sắc”… “là thọ… là tưởng… là các hành”… Hiền giả nói “Tôi là thức”? Hiền giả nói “Tôi là khác thức”? Này hiền giả Khemaka, cái mà hiền giả nói “Tôi là”, cái mà hiền giả nói “Tôi là”, là cái gì? 

  1. – Thưa chư hiền, tôi không nói “Tôi là sắc”. Tôi không nói “Tôi là khác sắc”… “là thọ… là tưởng… là các hành”… Tôi không nói “Tôi là thức”. Tôi cũng không nói “Tôi là khác thức”. Dầu rằng, này các hiền giả, tôi có chứng được (tư tưởng) “Tôi là”, nhưng tôi không có quán “Cái này là tôi”. 

21) Ví như, này chư hiền, hương thơm của hoa sen xanh, hay hoa sen hồng, hay hoa trắng, nếu có người nói: “Hương thuộc về lá hay thuộc về sắc, hay thuộc về nhụy hoa”, nói như vậy có nói đúng không? 

– Thưa không, này hiền giả. 

– Vậy chư hiền, trả lời như thế nào là trả lời một cách đúng đắn? 

– Chư hiền, hương là của hoa. Trả lời như vậy là trả lời một cách đúng đắn. 

22) – Cũng vậy, này chư hiền, tôi không nói “Tôi là sắc”, tôi không nói “Tôi là khác sắc”… “Tôi là thợ”… “Tôi là tưởng”. “Tôi là các hành”… Tôi không nói “Tôi là thức”. Tôi không nói “Tôi là khác thức”. Nhưng này chư hiền, dầu rằng đối với năm thủ uẩn của tôi được có này, tôi không có quán “Cái này là tôi”. 

23) Dầu cho đối với vị Thánh đệ tử, này chư hiền, năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận, nhưng vị ấy còn nghĩ: “Đối với năm thủ uẩn, vẫn còn dư tàn tế nhị”. Dư tàn kiêu mạn “Tôi là”, dư tàn dục “Tôi là”, dư tàn tùy miên “Tôi là” chưa được vị ấy đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian, sống quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ… Đây là tưởng… Đây là các hành… Đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt.” 

24) Vì rằng vị ấy sống, quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này, các dư tàn ngã mạn “Tôi là”, các dư tàn ngã dục “Tôi là”, các dư tàn ngã tùy miên “Tôi là”, mà vị ấy chưa được đoạn trừ, nay đi đến đoạn tận. 

25) Này chư hiền, ví như một tấm vải nhớp nhúa dính bụi, những người chủ giao nó cho một người thợ giặt. Người thợ giặt sau khi nhồi nó, đập nó trong nước muối, hay trong nước tô đã, trong nước phân bò rồi giặt sạch nó trong nước trong. 

Dầu cho tấm vải ấy nay được sạch sẽ, trong trắng, nhưng nó vẫn còn dư tàn mùi muối hay mùi tô đã, hay mùi phân bò. Người thợ giặt giao lại tấm vải cho những người chủ. Những người chủ đem bỏ nó vào trong một cái hòm có ướp hương thơm. Như vậy cái dư tàn mùi muối hay mùi tô đã hay mùi phân bò chưa được đoạn tận, nay được đoạn trừ. 

26-27) Cũng vậy, này chư hiền, dầu cho vị Thánh đệ tử đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, nhưng với vị ấy, cái dư tàn trong năm thủ uẩn, dư tàn ngã mạn “Tôi là”, dư tàn ngã dục “Tôi là”, dư tàn ngã tùy miên “Tôi là” chưa được đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian, sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ… đây là tưởng… đây là các hành… đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt”. Vì rằng vị ấy sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này nên các dư tàn trong năm thủ uẩn này, ngã mạn “Tôi là”, ngã dục “Tôi là”, ngã tùy miên “Tôi là” chưa được đoạn tận nay đi đến đoạn trừ. 

28) Khi được nói vậy, các Tỷ-kheo trưởng lão nói với tôn giả Khemaka: 

– Không phải chúng tôi vì muốn phiền nhiễu tôn giả Khemaka mà chúng tôi hỏi. Nhưng vì chúng tôi nghĩ rằng: “Tôn giả Khemaka có thể giải đáp, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai triển, phân tích, hiển lộ một cách rộng rãi giáo lý của Thế Tôn.” 

29) Và rồi tôn giả Khemaka đã giải đáp, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai triển, phân tích, hiển lộ một cách rộng rãi giáo lý của Thế Tôn. 

  1. Tôn giả Khemaka thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo trưởng lão hoan hỷ, tín thọ lời tôn giả Khemaka giảng. 

31) Trong khi lời dạy này được nói lên, khoảng sáu mươi Tỷ-kheo được tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, kể cả tôn giả Khemaka. 

Giảng:

So sánh giữa Pāli và Hán tạng thì thấy ý nghĩa của hai bài kinh không khác. Cách diễn tả của Pāli có đôi chỗ khó hiểu như câu cuối cùng đoạn 14: Và thưa hiền giả, trong năm thủ uẩn, dù cho tôi chứng được “Tôi là”, tuy vậy tôi cũng không quán: “Cái này là tôi”.

Đọc kỹ các đoạn tiếp theo, chúng ta hiểu ý Tỳ-kheo Khemaka muốn nói ban đầu tuy quán biết tôi không phải là ngã hay ngã sở, nhưng vì chưa đoạn tận lậu hoặc nên chưa thấy được rõ tôi không là sắc, thọ, tưởng… vì thế nói tôi cũng không quán cái này là tôi.

Đoạn 23 nói, vị Thánh đệ tử tuy đoạn tận năm hạ phần kiết sử, nhưng với năm thủ uẩn vẫn còn dư tàn tế nhị về ngã mạn, ngã dục, ngã tùy miên. Đó là chưa dứt sạch năm thượng phần kiết sử, chưa chứng A-la-hán. Vị ấy phải tiếp tục sống quán sát sanh diệt của năm thủ uẩn, trải qua thời gian rất lâu, đến khi dứt sạch các dư tàn của năm thủ uẩn, hoàn toàn chứng được vô ngã. Câu cuối đoạn 26-27 nói rõ: Vì rằng vị ấy sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này nên các dư tàn trong năm thủ uẩn này, ngã mạn “Tôi là”, ngã dục “Tôi là”, ngã tùy miên “Tôi là” chưa được đoạn tận nay đi đến đoạn trừ.

Tỳ-kheo Khemaka đã trình bày tường tận cách tu của mình, quán năm uẩn với mức độ nào, còn bị vướng kẹt ở đâu, phải tu tập tiếp như thế nào. Đó là sự thông hiểu giáo lý và hiểu rõ chính mình. Rốt cuộc các vị đều được tâm giải thoát khỏi lậu hoặc. Bài kinh này soi sáng cho chúng ta rất nhiều.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.