Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Phú Lâu Na (Hán tạng, kinh số 311) với Kinh Punna (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tôn giả Phú-lâu-na đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật: 

– Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung… cho đến tự biết không tái sanh đời sau nữa. 

Phật bảo Phú-lâu-na: 

– Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. 

Giảng:

Bài kinh này khiến chúng ta cố gắng học theo ngài Phú-lâu-na, dù không trọn vẹn cũng phải ráng học một, hai phần. Đó là điều đáng quý. Đầu tiên ngài Phú-lâu-na thỉnh Phật vì ngài nói pháp. Ngài hứa rằng nghe pháp xong sẽ về nơi vắng vẻ riêng ở một mình chuyên tu hành trụ chỗ không buông lung, cho đến tự biết không còn thọ thân đời sau, tức là chứng quả A-la-hán. Đây là ý chí mạnh mẽ quyết liệt của hàng đệ tử Phật. Thỉnh cầu được nghe pháp rồi nỗ lực tu để chứng đạo. Vì thế Phật vui lòng hứa khả chỉ dạy cho Phú-lâu-na.

Chánh văn: 

Nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ, càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại. Do đó cách xa Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. 

Giảng:

Phật chỉ dạy cách tu. Trong sáu căn, đầu tiên là mắt. Nếu mắt thấy sắc đáng yêu, đáng thích, vừa lòng, hợp ý nuôi lớn tham dục. Từ chỗ vừa lòng thích ý đến đắm trước không cách xa. Một dọc tâm lý tiếp nối dẫn chúng ta chìm sâu trong vô minh. Tỳ-kheo kia thấy rồi sanh ra hỷ lạc… mà tham ái sanh. Như vậy vừa có niệm thích thú thì khen ngợi, khen ngợi rồi thì tham trước muốn được, khi được rồi thì hoan hỷ đắm trước, kết quả ách ngại ngăn trở không được Niết-bàn. Đó là mắt thấy sắc.

Ban Khi tai nghe tiếng, như nghe tiếng nhạc thật hay thì hoan hỷ đắm trước, hát một lần bảo hát lần hai, yêu cầu thêm. Hễ có hoan hỷ liền có đắm trước, đắm trước rồi đến tham ái, tham ái liền có ách ngại. Mũi ngửi mùi thì sao? Ở xa xa nghe phảng phất mùi hoa thơm, trầm trồ khen rồi đến gần. Nghe phảng phất thơm chưa hài lòng, muốn đến gần để ngửi hơi nồng mới chịu. Đó là tham ái dẫn tới, nếu thấy nó thật là thơm liền muốn trồng. Từ thích thú hoan hỷ mà đắm trước càng ngày càng tăng. Với các căn lưỡi, thân, ý đều như thế, tiếp xúc sanh vừa lòng thích ý liền có đắm trước khởi lên. Đó là đầu mối cách xa đạo.

Chánh văn 

Này Phú-lâu-na, nếu Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ nên không hoan lạc; không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại; cho nên dần dần tiếp cận Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy. 

Giảng:

Ngược lại khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần vừa ý, chúng ta không có tâm hoan hỷ, không tâm hoan hỷ nên không đắm trước, không đắm trước nên không tham ái, không ách ngại, nên gần được Niết-bàn. Gần Niết-bàn hay xa Niết-bàn, chỉ ngay ở chỗ sáu căn đắm nhiễm hay không đắm nhiễm. Theo thói thường, người thế gian chạy theo sáu trần, đó là xoay lưng với Niết-bàn. Chúng ta tu phải đi ngược dòng đời, đừng thả trôi theo thị hiếu, theo xã giao. Từ vật dụng hay thức ăn, nếu người cúng dường hỏi thăm chúng ta có vừa ý, có thích không, lúc đó trả lời thế nào? Chỉ nên cười rồi thôi, không nói thêm. Nếu khen để vừa lòng người, đó là tô điểm cho sự vui thích, tán thán, hoan hỷ. Phải gan dạ, coi như mình quê mùa không biết, để bớt đi sự đắm trước.

Pháp yếu Phật dạy là ngay nơi sáu căn, sáu căn nhiễm trước trôi theo dòng đời, đó là xa Niết-bàn; sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không nhiễm trước, đó là gần Niết-bàn. Nhận ra chỗ đó, việc tu hành rõ như ban ngày. Chúng ta cứ nghĩ phải ngồi thiền cho được định, cho được hào quang, việc này rất xa xôi. Nếu sáu căn không nhiễm sáu trần, dù không ngồi thiền cũng đã gần Niết-bàn, Chủ yếu là dừng được tâm đắm trước, tâm đắm trước dừng rồi thì mọi nghiệp theo đó dừng. Không dừng được tâm đắm trước thì càng ngày càng bị nghiệp kéo lôi, Kinh Kim Cang nói Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Không trụ là không dính, sáu căn không dính với sáu trần, đó là an trụ tâm.

Sáu căn dính với sáu trần, đó là không an trụ tâm. Tâm an trụ thì đạt Niết-bàn, tâm không an trụ thì trôi lăn trong sanh tử. Cốt lõi kinh Kim Cang không khác tinh thần Nguyên thủy, Lục Tổ nghe đến chỗ này liền ngộ. Nắm được then chốt tu hành đâu có gì lạ, đâu có gì khó, chúng ta cứ tìm kiếm cái gì cao siêu mầu nhiệm mà không biết cội gốc ở chỗ này. Trọng tâm tu hành là sáu căn đừng nhiễm với sáu trần, đó là Vô thượng Bồ-đề.

Chánh văn: 

Phật bảo Phú-lâu-na: 

– Ta đã tóm lược giáo pháp, vậy Phú-lâu-na muốn an trú chỗ nào? 

Tôn giả Phú-lâu-na bạch Phật: 

– Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân gian, đi về xứ Thâu-lô-na ở phương tây. 

Phật bảo Phú-lâu-na:

– Người ở Thâu-lô-na phương tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa chửi bới. Phú-lâu-na, nếu ông nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục thì ông sẽ như thế nào? 

Giảng: 

Phật dạy xong, ngài Phú-lâu-na nói sẽ qua phương tây du hành xứ Thâu-lô-na. Tại sao ngài qua đó, bởi dân tình xứ Thâu-lô-na chưa biết đạo đức. Ngài đến đó, nay ở gốc cây này mai ở gốc cây kia, đi giáo hóa khắp nơi nên gọi là du hành nhân gian. Phật cảnh cáo dân xứ này hung bạo, tệ ác, ưa chửi mắng thì ông sẽ làm sao?

Chánh văn: 

Phú-lâu-na bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu-lô-na phương tây kia mà trước mặt con có những lời hung ác, mắng chửi, hủy nhục, thì con nghĩ rằng: “Những người Thâu-lô-na ở phương tây này vẫn tốt lành, có trí tuệ; tuy họ ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chửi hay hủy nhục, ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.” 

Giảng: 

Giai đoạn một, người Thâu-lô-na chỉ chửi mắng, chưa dùng tay đánh, lượm đá ném. Chửi mắng chưa phải là xấu, còn tốt còn sáng suốt. Chúng ta làm được điều này không? Nếu bị người mạ nhục, chửi mắng; chúng ta nói họ tốt lành sáng suốt, hay nói họ hung bạo, ngăn trở sự tu hành? Bởi thấy họ là kẻ thù nên tâm sân hận nổi lên. Ở đây ngài thấy là hiền lành sáng suốt nên không giận, còn mang ơn mấy ông làm như thế tốt quá, chưa đánh bằng tay chưa chọi bằng đá. Trong cảnh này không giận không sân mới thật là khó, nhưng đó là biểu hiện của tinh thần tu tập như Phật dạy.

Chánh văn:

Phật bảo Phú-lâu-na: 

– Người Thâu-lô-na ở phương tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chửi, hủy nhục đối với ông, ông có thể tránh được; nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, thì ông như thế nào? 

Phú-lâu-na bạch Phật: 

– Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu-lô-na ở phương tây dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi nữa, thì con nghĩ rằng: “Những người Thâu-lô-na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ, tuy họ dùng tay đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.” 

Giảng:

Đến giai đoạn này, họ dùng tay đánh dùng đá ném, ngài Phú-lâu-na vẫn nói họ còn hiền lành sáng suốt, chưa dùng tới dao gậy. Người thường như chúng ta kham nổi không?

Chánh văn: 

Phật bảo Phú-lâu-na: 

– Nếu những người này dùng dao gậy để hại ông, thì sẽ như thế nào? 

Phú-lâu-na bạch Phật: 

– Bạch Thế Tôn, nếu những người này lại dùng dao gậy để hại con, thì con nghĩ rằng: “Những người Thâu-lô-na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ, tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết ta.” 

Giảng:

Phật nêu trường hợp mức độ hung dữ của người Thâu-lô-na tăng hơn, ngài Phú-lâu-na vẫn cho rằng tuy họ dùng dao đâm, gậy đánh mà chưa giết chết, như vậy vẫn còn sáng suốt. Chúng ta thấy xử sự từ nhẹ đến nặng, mà thái độ của ngài vẫn an nhẫn.

Chánh văn: 

Phật bảo Phú-lâu-na:

– Giả sử những người này giết ông, thì sẽ như thế nào? 

Phú-lâu-na bạch Phật: 

– Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu-lô-na phương tây giết con, thì con nghĩ rằng: “Các đệ tử của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu; người Thâu-lô-na phương tây này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải thoát.” 

Giảng: 

Đến mức này là cùng, bị người Thâu-lô-na giết chết, ngài vẫn nghĩ rằng: Các huynh đệ của mình quán thân bất tịnh, thấy thân mỏng manh, ô uế gớm ghê nên chán ngán, muốn bỏ nó. Đối với thân hủ bại mình không tự sát, bây giờ lại có người dùng phương tiện làm cho nó chết, giải thoát giùm thân hủ bại này thì mang ơn biết mấy, đâu có gì là buồn là giận. Với tâm niệm như thế, trên đường tu còn có gì làm ngài trở ngại không? Cái chết cũng chấp nhận, càng vui nữa, có gì là ngại.

Chánh văn: 

Phật bảo:

– Lành thay! Phú-lâu-na! Ông khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay ông có thể đến ở lại Thâu-lô-na, ông nên đến độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn. 

Giảng: 

Người như vậy thì sớm muộn cũng được Niết-bàn, không nghi ngờ. Phật khen ngợi ngài Phú-lâu-na khéo nhẫn nhục, có thể qua xứ Thâu-lô-na dừng ở nhân gian, nên đi độ những người chưa độ, an những người chưa an người chưa Niết-bàn khiến được Niết-bàn. Người có tâm niệm như vậy, có sức chịu đựng như vậy, chắc chắn đến Niết-bàn không bao giờ thối chuyển.

Chúng ta nên biết hoàn cảnh khó khổ không phải làm chướng ngại sự tu; chướng ngại là không kham chịu nổi sự khinh chê, mạt sát, đánh đập hành hạ, sự đe dọa đến sanh mạng mình. Nếu mình thấy đó như trò chơi thì không còn gì trở ngại nữa. Vậy hoàn cảnh khó hay ta khó? Người còn ôm cái ngã to thì chỗ nào cũng khó hết, vì chấp ngã lớn quá nên đi đâu cũng đụng, đi đâu cũng không hài lòng không an ổn, Ngài Phú-lâu-na không chấp ngã nên ở đâu cũng được, chỗ người ta hung dữ mấy cũng ở được, không có gì chướng ngại. Ngài Phú-lâu-na có ba đặc điểm là gan dạ, nhẫn nhục, hỷ xả. Gan dạ là Phật cảnh cáo xứ đó hung dữ, ngài vẫn sẵn sàng tới. Nhẫn nhục là kham nhận những gì xảy ra với mình. Hỷ xả là dù người hại mình tới đâu cũng vẫn thấy người còn tốt, lương thiện, sáng suốt. Thấy như vậy thì không giận hờn, đã không giận hờn thì cái gì sanh oán thù phiền não? Dù bị chết cũng không oán thù phiền não, không nhập Niết-bàn sao được! Đó là chỗ đặc biệt, chúng ta nên nhớ.

Trên đường tu, dù gặp hoàn cảnh mất thân mạng lòng chúng ta vẫn thanh thản, thấy đó là cơ hội tốt để thắng được chấp ngã, thắng lòng tham sống. Nếu thấy tất cả cảnh đều tốt thì bảo đảm Niết-bàn không xa, sự giáo hóa không khó. Chủ đích của chúng ta là giải thoát sanh tử, nếu gặp chửi mắng hành hạ mà tâm không lui sụt, không phẫn nộ, đó là đạo hiện tiền. Nếu gặp cảnh khó khổ một chút mà thối Bồ-đề tâm, phiền não nổi dậy thì xa đạo, lòng không an.

Câu chuyện Phật đến nước của vua Ưu điền (Udayāna) bị người chửi mắng, A-nan chịu không được nên thưa Phật đi xứ khác. Phật hỏi đi chỗ nào? A-nan thưa là đến những nơi mà Thế Tôn đã giáo hóa, dân chúng thuần thục. Phật hỏi, có ông thầy thuốc nào treo bảng nói tôi chỉ trị những người bệnh nhẹ còn bệnh nặng thì đi chỗ khác? Dân chúng ở đây hung hăng chửi bới, vì họ bệnh nặng nên Như Lai phải giáo hóa, nơi khác bệnh nhẹ không cần.

Người học đạo phải có quan niệm chính xác như vậy, phải làm đúng bổn phận của mình. Nếu biết hy sinh cho đạo, cho sự hoằng hóa, cho việc tu tập của mình tiến bộ thì sẽ thấy không có chỗ nào khó. Chỉ vì chấp ngã nặng nề nên thấy trở ngại khó khăn. Ném bản ngã qua một bên thì tất cả đều dễ dàng. Ngài Phú-lâu-na là tấm gương đẹp nhất trong sự giáo hóa chúng sanh. Chúng ta nên nhớ bốn câu trả lời của ngài để tăng thêm sức mạnh.

Chánh văn: 

Bấy giờ, tôn giả Phú-lâu-na, sau khi nghe Phật dạy, vui mừng phấn khởi, làm lễ rồi mà đi. 

Sáng hôm sau tôn giả Phú-lâu-na đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực, thọ thực xong trở ra, giao lại ngọa cụ, đem y bát du hành đến nước Thâu-lô-na phương tây và an cư tại đó. Tôn giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu-bà-tắc, và kiến lập năm trăm tăng-già-lam (Sangharama), cúng dường các thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ; trải qua ba tháng hạ, đầy đủ tam minh, liền ở nơi ấy nhập vô dư Niết-bàn. 

Giảng:

Đến nơi những người hung dữ ngang ngược, chỉ có ba tháng mà ngài độ được cho họ thọ năm giới rồi cất chùa. Vừa giáo hóa cũng vừa đạt đạo, tu trong giáo hóa, chứ không phải tu trong ngồi lặng lẽ. Giáo hóa mà không còn thấy có ngã nên chỉ trong ba tháng chứng A-la-hán và nhập vô dư Niết-bàn. Đối với đạo, nếu khó khăn, chỉ khó với những người yếu hèn chứ không khó với những người can đảm, nhẫn nại, dám quên mình. Người tu mà can đảm nhẫn nại, đối với đạo không cách bao xa.

Chánh văn: 

1. … 

2. Rồi tôn giả Punna đi đến Thế Tôn… 

3. Ngồi xuống một bên, tôn giả Punna bạch Thế Tôn: 

– Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. 

4. – Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, an trú luyến trước; do vị ấy hoan hỷ sắc ấy, tán dương, an trú luyến trước, hỷ (nandi) sanh. Này Punna, ta nói rằng: “Do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi.” Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức… Có những hương do mũi nhận thức… Có những vị do lưỡi nhận thức. Có những xúc do thân nhận thức… Này Punna, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương, an trú luyến trước; do vị ấy hoan hỷ pháp ấy, tán dương, an trú luyến trước nên hỷ sanh. Này Punna, ta nói rằng: “Do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi”. 

5. Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không an trú luyến trước; do vị ấy không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không an trú luyến trước nên hỷ đoạn diệt. Này Punna, ta nói rằng: “Do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt”… Này Punna, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không an trú luyến trước; do vị ấy không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không an trú luyến trước nên hỷ đoạn diệt. Này Punna, ta nói rằng: “Do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt”. 

6. Này Punna, sau khi được nghe giáo giới với lời giáo giới vắn tắt này của ta, ông sẽ trú tại quốc độ nào? 

– Bạch Thế Tôn, có một quốc độ tên là Sunāpa- ranta, tại đấy con sẽ ở. 

7. – Thô bạo, này Punna, là người xứ Sunāpa- ranta. Độc ác, này Punna, là người xứ Sunāparanta. Nếu người xứ Sunāparanta, này Punna, chửi bới, nhiếc mắng ông, thời này Punna, ở đây, ông nghĩ thế nào? 

– Nếu người xứ Sunāparanta, bạch Thế Tôn, chửi bới, nhiếc mắng con, ở đây, con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện, người xứ Sunāparanta này! Thật là khéo hiền thiện, người xứ Sunāparanta này! Vì những người này không lấy tay đánh đập ta.” Như vậy, ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Như vậy, ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 

8. – Nếu người xứ Sunāparanta, này Punna, sẽ đánh đập ông bằng tay, thời ở đây, này Punna, ông sẽ nghĩ thế nào? 

– Nếu người xứ Sunāparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con bằng tay, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: “Thật là hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng cục đất.” Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 

9. – Nhưng nếu người xứ Sunāparanta, này Punna, đánh đập ông bằng cục đất, thời ở đây, này Punna, ông nghĩ thế nào? 

– Nếu những người xứ Sunāparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con bằng cục đất, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: “Thật là hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng gậy.” Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 

10. – Nhưng nếu những người xứ Sunāparanta, này Punna, sẽ đánh đập ông với gậy, thời ở đây, này Punna, ông nghĩ thế nào? 

– Nếu những người xứ Sunāparanta này, bạch Thế Tôn, sẽ đánh đập con với gậy, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: “Thật là hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng kiếm.” Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 

11. – Nhưng nếu những người xứ Sunāparanta, này Punna, lại đánh đập ông bằng kiếm, thời ở đây, này Punna, ông sẽ nghĩ thế nào? 

– Nếu những người xứ Sunāparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con với cây kiếm, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: “Thật là hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunāparanta này! Vì những người này không đoạn mạng ta với cây kiếm sắc bén.” Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 

12. – Nhưng nếu những người xứ Sunāparanta, này Punna, sẽ đoạn mạng ông với lưỡi kiếm sắc bén, thời ở đây, này Punna, ông sẽ nghĩ như thế nào? 

– Nếu những người xứ Sunāparanta, bạch Thế Tôn, sẽ đoạn mạng con với lưỡi kiếm sắc bén, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: “Có những đệ tử của Thế Tôn, khi phiền não, tủi hổ và ghê tởm bởi thân và sinh mạng, đã sử dụng đến con dao. Nay dầu không tìm đến ta vẫn được sử dụng con dao.” Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 

13. – Lành thay, lành thay, này Punna! Đầy đủ với sự an tịnh tự điều này, ông có thể sống tại quốc độ Sunāparanta. Này Punna, nay ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời. 

14. Rồi tôn giả Punna hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về ngài, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, rồi bộ hành đi đến xứ Sunāparanta. Ngài tuần tự bộ hành và đến xứ Sunāparanta. Tại đây, tôn giả Punna trú tại xứ Sunāparanta. 

15. Và trong mùa mưa ấy, tôn giả Punna độ cho khoảng năm trăm cư sĩ. Cũng trong mùa mưa ấy, tôn giả chứng được ba minh. Và cũng trong mùa mưa ấy tôn giả Punna viên tịch. 

16. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn… 

17. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: 

– Bạch Thế Tôn, thiện gia nam tử Punna, sau khi được Thế Tôn giáo giới một cách vắn tắt, đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Đời sau của vị ấy thế nào? 

– Bậc hiền trí, này các Tỷ-kheo, là thiện nam tử Punna, sở hành là đúng pháp và thuận pháp. Vị ấy không làm phiền não ta với những kiện tụng về pháp. Hoàn toàn tịch diệt, này các Tỷ-kheo, là thiện nam tử Punna. 

Giảng:

Bên Pāli chúng ta thấy có những điểm sai biệt chút ít trên từ ngữ, ý căn bản không khác.

Đoạn 4 nói do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi, đây chỉ cho khổ uẩn là gốc của luân hồi. Hán tạng nói người như vậy thì cách xa Niết-bàn.

Đoạn 5 nói do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt, nghĩa là khi không hoan hỷ tán thán thì hỷ đoạn diệt, hỷ đoạn diệt thì khổ đoạn diệt, tức là Niết-bàn.

Nói về sự thô bạo hung dữ của dân xứ Thâu-lô-na (Sunāparanta), Pāli chia ra nhiều phần, Hán tạng tóm lại có bốn phần, ý chính không khác. Chỗ Pāli nói đánh bằng cục đất, nghe nhẹ quá; Hán tạng nói đánh bằng tay, chọi bằng đá nghe mạnh hơn. Nói về đệ tử Phật nhàm chán thân, Pāli có dùng thêm chữ phiền não, tải hổ, ý nhấn mạnh kết quả quán bất tịnh.

Đoạn 13 Pāli chỉ nói: Ông thể sống tại quốc độ Sunāparanta… ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời. Hán tạng nói rõ hơn là độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn.

Đối chiếu sự kiện khi ngài Phú-lâu-na đến giáo hóa xứ Thâu-lô-na, Pāli và Hán tạng đều nói trong mùa mưa ấy ngài độ năm trăm cư sĩ, chứng A-la-hán và viên tịch. Nhưng Hán tạng kể thêm trong mùa an cư đó ngài lập năm trăm tinh xá, e rằng không có lý. Làm sao cho kịp trong thời gian như vậy? Hai bên bổ túc ưu khuyết cho nhau.

Cuối cùng, Pāli có thêm phần các Tỳ-kheo hỏi Phật về đời sau của Punna, Phật xác nhận Punna hoàn toàn tịch diệt tức nhập Niết-bàn.

Đây là bài kinh về ngài Phú-lâu-na rất quen thuộc và thú vị. Trước tiên là pháp yếu tu tập vắn tắt mà Phật khẳng định là không tái sanh đời sau. Đó là sự xả ly, không đắm nhiễm khi sáu căn tiếp xúc sáu trần. Chỉ cần thực hành như thế. Ngài Phú-lâu-na vâng theo lời chỉ dạy, đến xứ sở thô bạo hung dữ mà giáo hóa thành công, đạt được Niết-bàn an tịnh trong thời gian ngắn. Sự học hỏi và thực hành của ngài Phú-lâu-na là điều cần yếu tối quan trọng đối với chúng ta.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.