Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Giác Chi (Hán tạng, kinh số 711) với Kinh Vô Úy (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn:

Tôi nghe như vầy: Một hôm Phật ở thành Vương Xá trong núi Kỳ-xà-quật (Grdhrakuta). 

Khi ấy, có vương tử Vô Úy mỗi ngày thong thả dạo chơi đi đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi, ủy lạo rồi lui ngồi một bên bạch Phật: 

Thế Tôn, có Sa-môn, Bà-la-môn khởi kiến chấp thế này, nói thế này: Chúng sanh phiền não không có nhân, không có duyên, chúng sanh thanh tịnh không có nhân, không có duyên. Thế Tôn nói thế nào? 

Phật bảo Vô Úy: 

Sa-môn, Bà-la-môn kia nói thế là không có suy nghĩ, ngu si không khéo biện biệt, không biết xét, không biết lượng, nên nói chúng sanh phiền não không nhân, không duyên, chúng sanh thanh tịnh không nhân, không duyên. 

Giảng:

Giác là tỉnh giác, chi là chi phần. Thất giác chi hay thất bồ-đề phần là bảy chi phần giác ngộ. Chúng ta chỉ thuộc tên, chưa nắm vững việc giản trạch để tu.

Bài kinh này giải thích rõ từng phần giác chi.

Đầu tiên, vương tử Vô Úy bạch Phật rằng, có một số Sa-môn, Bà-la-môn khởi kiến chấp chúng sanh phiền não không có nhân không có duyên, thanh tịnh cũng không có nhân không có duyên, xin Phật chỉ dạy.

Nói phiền não hay thanh tịnh không nhân không duyên là không khéo biện biệt, không biết xét nghĩ đến nơi đến chốn. Như nói sao bỗng dưng tôi buồn quá. Hoặc nói hôm nay sao tự nhiên tôi bực bội quá. Đó là lối nói không nhân không duyên. Lối nói vô cớ vô lý như vậy thế gian thường hay nói, khi gặp được việc tốt lành thì nói may quá, tôi gặp việc tốt. Khi gặp điều xấu thì nói rủi quá, tôi gặp chuyện đau khổ. Cái may rủi không có nhân duyên, giống như những lối chấp này. Đối với Phật là ngu si, là không đúng lẽ thật. Lẽ thật là cái gì cũng có nhân duyên, hoặc rõ ràng cụ thể, hoặc hơi yếu ớt khó hiểu, nên tưởng là không có. Ngoại đạo nói chúng sanh phiền não không nhân không duyên, chúng sanh thanh tịnh không nhân không duyên, như vậy dấy phiền não tạo tội cũng không có nhân duyên, hoặc tu hành thanh tịnh cũng không có nhân duyên gì.

Chánh văn: 

Vì cớ sao? Vì có nhân, có duyên làm chúng sanh phiền não, có nhân, có duyên làm chúng sanh thanh tịnh. Nhân duyên gì làm chúng sanh phiền não? Nhân duyên gì làm chúng sanh thanh tịnh? Chúng sanh do tham dục tràn trề nên tài vật của người, đồ đạc của người mà khởi tham nói: “Vật này là của ta”, yêu thích không xa lìa. 

Đối với chúng sanh khác khởi tâm hung hăng, giận dữ, tính toán muốn đánh, muốn trói, muốn đè bẹp, thêm những việc vô đạo tạo các tai nạn không xả, giận tức. 

Thân ngủ mê tâm lười biếng, tâm xao động, tâm không yên lặng, tâm thường nghi hoặc, nghi quá khứ, nghi vị lai, nghi hiện tại. 

Giảng: 

Nhân duyên làm chúng sanh phiền não là tham, sân, thùy miên, trạo hối, nghi hoặc. Năm thứ này che đậy khiến chúng sanh không tỉnh thức. Khi ham ngủ nhiều quá có phải là cái nhân của phiền não không? Thí dụ trong chúng, ba giờ khuya thức dậy, nếu người bị ma ngủ che mờ thì sáng dậy thấy người này người kia liền sanh hổ thẹn, đó là nhân phiền não. Hoặc bị người khác châm biếm, đó cũng là nhân phiền não vì mình đã tham mê ngủ nghỉ.

Chánh văn 

Vô Úy, nhân duyên như thế làm chúng sanh phiền não. 

Vô Úy bạch Phật: 

– Cù-đàm, chỉ một phần che đậy cũng đủ làm tâm phiền não, huống là đủ tất cả. 

Vô Úy bạch Phật: 

Cù-đàm, nhân duyên gì làm chúng sanh thanh tịnh? 

Phật bảo: 

– Vô Úy, nếu Bà-la-môn có một thắng niệm quyết định thành tựu, thực hành thời gian lâu, nói thời gian lâu, hay nhớ nghĩ mãi, chính khi đó nên tập Niệm giác chi, tu Niệm giác rồi, Niệm giác đầy đủ rồi… 

Giảng:

Nhân duyên làm chúng sanh thanh tịnh là thất giác chi. Đây là phương pháp quan trọng, khi chúng ta tu tập thiền định phải biết rõ. Bắt đầu là Niệm giác chi. Niệm là nhớ nghĩ, nhớ luôn trong thời gian lâu không quên lãng. Như người niệm Phật nhớ một danh hiệu Phật ôn tới ôn lui không rời, hoặc người tu quán sổ tức nhớ đếm hơi thở không quên, người tu quán bất tịnh nhớ thân này ô uế bất tịnh… Tất cả pháp tu muốn thành tựu đều phải ghi nhớ, thực hành mãi mãi cho thuần thục.

Chúng ta tu thiền biết vọng, phải luôn tỉnh nhớ mình có vọng niệm hay không. Lúc nào cũng phải nhớ, nếu quên chạy theo vọng đó là thất niệm. Ngồi rình ăn trộm nếu không chăm chú nhớ mà ngó trời ngó mây thì ăn trộm vô nhà lúc nào không biết. Thấy biết vọng tưởng để buông, luôn luôn ghi nhớ như vậy, đó là Niệm giác chi. Có nhớ mới thấy vọng, đôi khi nghe nói không vọng, tưởng rằng không niệm, thật sự nếu không niệm thì không biết gì. Trong kinh cũng có nói “niệm chân như”, chân như có gì mà niệm? Nhưng chân như hiện tiền thì không có niệm khác chen vào. Đó là một lối nói theo phương tiện. Giản trạch như vậy thì lối tu nào cũng có niệm. Nếu thất niệm thì tâm rong chơi, tâm lỏng lẻo, không còn chánh niệm. Niệm chính là tỉnh là giác. Nhớ hơi thở là giác, niệm thân bất tịnh là giác, thấy vọng tưởng cũng là giác không mê.

Chánh văn: 

thì tuyển trạch, phân biệt, tư duy; khi ấy tu tập Trạch pháp giác chi, tu Trạch pháp giác chi rồi, Trạch pháp giác chi đầy đủ, kia tuyển trạch, tư lương, phân biệt pháp rồi… 

Giảng: 

Tuyển trạch phân biệt là trạch pháp. Người tu thiền nếu không có trạch pháp, dễ lạc trong đường tà. Như đang ứng dụng đếm hơi thở, sực nhớ một câu kinh hay quá, nếu ôn câu kinh thì quên đếm hơi thở. Nhớ câu kinh là pháp đúng hay nhớ hơi thở là pháp đúng? Khi đó phải chọn lựa, nếu không chọn lựa thì bị pháp khác dẫn đi lầm lẫn. Người đang ngồi thiền tri vọng, sực nhớ pháp quán bất tịnh không chừng hay hơn. Đang ứng dụng pháp này mà nhớ pháp kia, cứ thay đổi mãi không có pháp nào là chủ. Phải biết trạch pháp, chọn lựa cái nào dùng và cái nào không dùng, không để pháp khác chen vô khi đang ứng dụng pháp mình tu, vì pháp Phật đều như nhau. Nếu không khéo dễ bị lầm, rốt cuộc không đi tới đâu.

Chánh văn: 

… tinh tấn phương tiện, tu tập Tinh tấn giác chi, tu tập Tinh tấn giác chi rồi, Tinh tấn giác chi đầy đủ… 

Giảng: 

Sau Trạch pháp giác chi là Tinh tấn giác chi. Chỉ có duy nhất một pháp đã chọn thì phải cố gắng nỗ lực để tu.

Chánh văn: 

kia tinh tấn phương tiện rồi thì sanh hoan hỷ, lìa các thực tưởng, tu Hỷ giác chi, tu Hỷ giác chi rồi, Hỷ giác chi đầy đủ… 

Giảng:

Khi cố gắng tu được thuần thục, lúc ấy có cảm giác nhẹ nhàng an vui, đó là hoan hỷ. Khi hoan hỷ rồi, lìa các thực tưởng (tưởng ăn), mắt ăn sắc trần, tại ăn thanh trần… tức là lìa cả sáu trần hay lìa cả ngũ dục. Chỉ còn sự hoan hỷ trong thiền định, các thứ tưởng về ngũ dục không còn.

Chánh văn: 

… Hỷ giác chi đầy đủ rồi, thân tâm khinh an.

Giảng:

Chúng ta ngồi thiền chuyên chú được cảm giác vui vẻ thân tâm nhẹ nhàng lâng lâng. Hỷ, khinh an đều nằm trong trạng thái của thiền.

Chánh văn: 

… Tu Khinh an giác chi. Tu Khinh an giác chi rồi, Khinh an giác chi đầy đủ, thân khinh an rồi thì ái lạc, ái lạc rồi tâm định. Tu Định giác chi rồi… 

Giảng: 

Được định là nhờ ái lạc, nếu ứng dụng pháp tu mà bực bội khó chịu thì định được không? Khi tu cảm thấy nhẹ nhàng khinh an, có cảm giác ưa thích lâu dần sẽ vào định. Khinh an là trạng thái sắp vào định.

Chánh văn: 

Định giác chi đầy đủ, Định giác chi đầy đủ rồi thì tham ái diệt, xả tâm sanh. Tu Xả giác chi. Tu Xả giác chi rồi, Xả giác chi đầy đủ. 

Giảng:

Tâm định rồi thì không còn tham ái, ngay đó dừng lặng, cho nên được Định giác chi rồi thì tham ái diệt. Tham ái diệt thì phát sanh tâm buông xả. Giác chi cuối cùng là Xả giác chi. Do tâm an định nên mọi cái bên ngoài không còn vướng bận. Đó là xả từ định mà sanh.

Thất giác chi này là pháp tu từ khi bắt đầu vào thiền cho đến cuối cùng. Phải có bảy pháp này mới tiến đến chỗ viên mãn. Tu thiền mà trước tiên không có Niệm giác chi, không ghi nhớ pháp gì, để tâm trống không, không thể tiến thêm các bước sau. Để tâm trống không thì suy nghĩ lan man nhớ cái này cái kia, đó là không có Trạch pháp giác chi. Vì vậy phải tu tập từng phần cho đến khi được khinh an, định và xả. Bắt đầu ngồi thiền phải tỉnh nhớ theo dõi vọng tưởng như ông chủ nhìn chừng ăn trộm. Muốn thực hành thất giác chi phải tu tập tọa thiền, nếu không thì khó hiểu rõ ý nghĩa.

Chánh văn: 

Như thế, Vô Úy, nhân duyên như thế làm chúng sanh thanh tịnh.

Vô Úy bạch: 

– Cù-đàm! Nếu một phần đầy đủ cũng khiến chúng sanh thanh tịnh, huống là đầy đủ tất cả. 

Giảng: 

Trong bảy phần mà có được một Niệm giác chi cũng là tốt rồi, huống là đầy đủ tất cả. Bảy giác chi này là nhân duyên làm chúng sanh thanh tịnh.

Chánh văn: 

Vô Úy bạch: 

– Cù-đàm, kinh này tên gì? Làm sao phụng trì?

Phật bảo Vô Úy: – Kinh này tên Giác Chi. 

Vô Úy bạch Phật: 

– Cù-đàm, đây là giác phần tối thắng. Cù-đàm, tôi là vương tử đã an lạc lại cầu an lạc nên mong ra vào. Nay leo lên núi này tứ chi mệt mỏi, nghe Cù-đàm nói kinh Giác Chi liền được quên mệt. 

Phật nói kinh này rồi, vương tử Vô Úy nghe Phật nói hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi đi. 

Giảng:

Làm vương tử sung sướng rồi lại học đạo, học đạo rồi lại sung sướng hơn. Chúng ta không phải là vương tử, học đạo rồi cũng được một phần an lạc.

PĀLI TẠNG

Chánh văn:

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), tại núi Linh Thứu. 

2. Rồi hoàng tử Abhaya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, hoàng tử Abhaya bạch Thế Tôn: 

3. – Bạch Thế Tôn, Pūrana Kassapa nói như sau: “Không có nhân, không có duyên để không biết, không thấy. Không biết, không thấy không có nhân, không có duyên. Không có nhân, không có duyên để biết, để thấy, Biết và thấy không có nhân, không có duyên,” Ở đây, Thế Tôn đã nói như thế nào? 

Giảng:

Mở đầu kinh này, bên Pāli hơi khác với Hán tạng. Hoàng tử Vô Úy dẫn chứng câu nói của một ngoại đạo, cho rằng không có nhân, không có duyên để không biết, không thấy… không có nhân, không có duyên để biết, để thấy… Đó là lối phủ định nhân duyên, nhân quả. Ông xin Phật chỉ dạy.

Chánh văn: 

4. – Này Hoàng tử, có nhân, có duyên để không biết, để không thấy. Không biết, không thấy có nhân, có duyên. Này Hoàng tử, có nhân, có duyên để biết, để thấy. Biết và thấy có nhân, có duyên. 

5. – Do nhân nào, do duyên nào, bạch Thế Tôn, để không biết, để không thấy? Như thế nào không biết, không thấy có nhân, có duyên? 

6. – Này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối và như thật không biết, không thấy sự xuất ly khỏi dục và tham đã sanh; đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để không biết, để không thấy. Như vậy, không biết, không thấy có nhân, có duyên. 

7. – Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối… 

8. – Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối… 

9. – Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối… 

10. – Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và thật sự không biết, không thấy sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã sanh; đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để không biết, không thấy. Như vậy, không biết, không thấy có nhân, có duyên. 

11. – Bạch Thế Tôn, pháp môn này được gọi là gì? 

– Này Hoàng tử, được gọi là các triền cái. 

– Thật vậy, chúng là triền cái, bạch Thế Tôn. Thật vậy, chúng là triền cái, bạch Thiện Thệ. Chỉ bị chinh phục bởi một triền cái mà thôi, bạch Thế Tôn, cũng không có thể biết như thật, thấy như thật, còn nói gì bị cả năm triền cái chinh phục. 

Giảng:

Pāli nói nhân duyên để không biết không thấy, Hán tạng nói nhân duyên để chúng sanh khởi phiền não. Bổ túc hai ý này, không biết không thấy là bị ngăn che, vì bị ngăn che nên bị phiền não mà không biết trừ dẹp. Vì thế Pāli nói rõ về năm triền cái, Hán tạng chỉ nói lược.

Chánh văn: 

12. Nhưng, bạch Thế Tôn, do nhân nào, do duyên nào để biết, để thấy? Như thế nào biết và thấy có nhân, có duyên? 

13. – Ở đây, này Hoàng tử, Tỷ-kheo tu tập Niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Vị ấy nhờ tâm được tu tập Niệm giác chi nên như thật biết và thấy. Đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để biết, để thấy. Như vậy, biết và thấy có nhân, có duyên. 

14-18. – Lại nữa, này Hoàng tử, Tỷ-kheo… 

19. – Lại nữa, này Hoàng tử, Tỷ-kheo tu tập Xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Vị ấy nhờ tâm được tu tập Xả giác chi nên như thật biết và thấy. Đây là nhân, đây là duyên để biết, để thấy. Như vậy, thấy và biết có nhân, có duyên. 

20. – Bạch Thế Tôn, pháp môn này được gọi là gì? 

– Này Hoàng tử, được gọi là các giác chi. 

– Thật vậy, chúng là giác chi, bạch Thế Tôn. Thật vậy, chúng là giác chi, bạch Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn, chỉ được đầy đủ với một giác chi mà thôi đã có thể như thật thấy và biết, còn nói gì đầy đủ cả bảy giác chi. 

Bạch Thế Tôn, sự mệt nhọc về thân và mệt nhọc về tâm khi con leo lên núi Linh Thứu đã được khinh an, nhẹ nhàng và pháp đã được con hoàn toàn chứng đắc. 

Giảng:

Phần giải thích về thất giác chi, Pāli nói lược hơn Hán tạng, không nói chi tiết từng giác chi. Niệm giác chi, Pāli nói rõ nguyên nhân và kết quả. Tỷ-kheo tu tập Niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Vị ấy nhờ tâm được tu tập Niệm giác chi nên như thật thấy và biết. Đến Xả giác chi cũng nói như vậy. Chúng ta thấy rõ từng phần tu tập giác chi đều có công dụng đoạn diệt, từ bỏ năm triền cái. Đó là nhân duyên để biết và thấy như thật.

Bài kinh này mỗi bên đều có ưu khuyết, đối chiếu hai bên bổ túc ý nghĩa đầy đủ rõ ràng. Chúng ta học hiểu được công dụng của thất giác chi.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.