Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Ca Ma (Hán tạng, kinh số 568) với Kinh Kamabhu (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật ở tụ lạc Am-la trong rừng Am-la cùng chư thượng tọa Tỳ-kheo. 

Khi ấy, có trưởng giả Chất-đa-la đến chỗ chư thượng tọa Tỳ-kheo, lễ chư thượng tọa rồi đi đến chỗ tôn giả Ca-ma (Kāmabhū) cúi đầu lễ dưới chân Tôn giả, lui ngồi một bên, bạch Tôn giả: 

– Nói rằng hành, thế nào là hành? 

Tôn giả Ca-ma đáp: 

– Hành có ba thứ: thân hành, khẩu hành, ý hành. 

– Thế nào là thân hành, khẩu hành, ý hành? 

– Trưởng giả, hơi thở ra vào gọi là thân hành. Có giác có quán gọi là khẩu hành. Tưởng tư gọi là ý hành. 

– Vì cớ sao hơi thở ra vào gọi là thân hành, có giác có quán gọi là khẩu hành, tưởng tư gọi là ý hành? 

– Hơi thở ra vào là pháp của thân, y nơi thân, xúc chạm thân, y thân chuyển. Vì có giác có quán nên có nói năng. Tưởng tư là ý hành, vì y nơi tâm, thuộc về tâm, y tâm chuyển. Lại này Trưởng giả, giác quán đã phát ra lời nói, ấy gọi là khẩu hành, tưởng và tư là pháp số của tâm, y nơi tâm, thuộc về tâm, ràng buộc nơi tâm, thế nên tưởng tư là ý hành. 

Giảng:

Bài kinh này nói rõ ý nghĩa của Diệt tận định. Từ khi ứng dụng tu, được định, ở trong định, xuất định.

Đầu tiên cư sĩ Chất-đa-la hỏi tôn giả Ca-ma: Thế nào là hành? Tôn giả Ca-ma đáp; Hành có ba thứ: thân hành, khẩu hành, ý hành. Chữ hành này là hành của năm uẩn hoặc mười hai nhân duyên. Hành của mười hai nhân duyên là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, hành của năm uẩn là tư, suy nghĩ.

Chất-đa-la hỏi: Thế nào là thân hành, khẩu hành, ý hành? 

Ca-ma đáp: Hơi thở ra vào là thân hành, có giác có quán là khẩu hành, tưởng tư gọi là ý hành.

Phân tích về thân hành, nếu hành này là nghiệp lành dữ, đó là nói về quả. Đây nói về nhân của thân hành, lâu nay chúng ta chưa biết. Tại sao hơi thở là nhân của thân hành? Thân hoạt động do có hơi thở, có hơi thở vô ra nên tim đập, phổi nở, máu lưu thông. Cũng như khi xe máy nổ, mọi bộ phận khác hoạt động theo. Hơi thở là chủ của mọi hoạt động, nên nói hơi thở là thân hành. Sao gọi là khẩu hành? Có giác có quán gọi là khẩu hành. Nghĩ xét (giác quán) là nhân của khẩu hành. Thế nào tưởng tư gọi là ý hành? Tưởng tư đều khởi lên từ tâm, thuộc về tâm, nên tưởng tư là nhân của ý hành.

Chất-đa-la hỏi thêm: Vì sao hơi thở ra vào gọi là thân hành? Có giác có quán gọi là khẩu hành? Tưởng tư gọi là ý hành? Ca-ma đáp: Hơi thở ra vào là pháp của thân, y nơi thân, xúc chạm thân, y thân chuyển. Vì hơi thở chuyển động làm cho thân có động tác. Tất cả lời nói đều do suy nghĩ; trừ khi hoảng hốt la đại, nếu mở miệng nói cho mọi người nghe đều có nghĩ có xét. Vì vậy, giác quán là nhân của ngôn ngữ. Tưởng tư là ý hành vì y nơi tâm, thuộc về tâm, y tâm chuyển. Liên hệ giữa thân, miệng, ý rất chặt chẽ, tưởng tư nằm ngầm bên trong, điều khiển tất cả suy nghĩ, từ suy nghĩ phát ra lời nói và hành động. Hỏi về thân hành, khẩu hành, ý hành, thấy dường như không quan trọng, nhưng đó là đầu mối từ thô đến tế để mở màn cho vấn đề nhập định.

Chánh văn:

Lại hỏi Tôn giả:

– Có mấy pháp? 

Nếu khi người xả thân 

Khiêng bỏ ngoài nghĩa địa 

Thân kia nằm dưới đất 

Như cây, đá không tâm? 

Đáp: 

Thọ, noãn và thần thức 

Thân kia nằm nghĩa địa 

Xả thân thì cùng xả 

Như cây, đá không tâm. 

Lại hỏi tôn giả:

– Người chết và người nhập Diệt tận định có khác nhau chăng?

Giảng:

Chúng ta nghe nói người nhập Diệt tận định giống như người chết. Chết là xả bỏ cảm thọ, hơi ấm và thần thức, còn người nhập Diệt tận định thì thế nào?

Chánh văn: 

Đáp: – Xả thọ, noãn, các căn đều hư hoại, thân mạng chia lìa, ấy gọi là chết. Diệt tận định là thân, khẩu, ý hành diệt, không xả thọ mạng, không lìa noãn, các căn không hoại, thân mạng chung hợp. Đó là tướng sai biệt giữa người chết và người nhập Diệt tận định. 

Giảng:

Diệt tận định là ngừng nghỉ tất cả hoạt động của thân khẩu ý, không xả bỏ thọ mạng, các căn không hoại, thức lưu chú hoạt động vi tế. Khi cần thiết xả định thì hoạt động như thường, còn người chết không sống lại được. Đó là sự khác nhau giữa người chết và người nhập Diệt tận định.

Chánh văn: 

Lại hỏi: – Thế nào là nhập Diệt tận định? 

Đáp: – Nhập Diệt tận định, không nói ta nhập Diệt tận định, ta phải nhập Diệt tận định, nhưng trước làm phương tiện lần dứt như thế, như phương tiện trước hướng nhập chánh định. 

Giảng: 

Chỗ này nếu không tu rất khó giải thích. Nhập Diệt tận định, không nói ta nhập Diệt tận định mà cứ dùng phương tiện như trước rồi dần dần nhập chánh định. Khi ngồi thiền, chúng ta ngồi đàng hoàng, điều thân xong rồi nói nhập định, như vậy có nhập định không? Còn nói tức là không nhập định. Cứ từ từ kiểm điểm, làm chủ thân tâm dần dần được yên tĩnh, đó là định.

Chánh văn: 

Lại hỏi: – Khi nhập Diệt tận định, trước diệt pháp nào? Là thân hành, là khẩu hành, là ý hành? 

Đáp: – Người nhập Diệt tận định trước diệt khẩu hành, thứ diệt thân hành, kế diệt ý hành. 

Giảng:

Người nhập Diệt tận định trước tiên dứt khẩu hành. Lẽ ra dứt thân hành trước, nhưng sự thật đúng như vậy. Đầu tiên là ngưng giác quán (gốc của khẩu hành) kế đến hơi thở thô nhẹ dần dần rồi lặng dứt hơi thở (dứt thân hành), sau cùng dứt các tưởng thầm thầm (dứt ý hành). Người ngồi thiền nghe hơi thở nhẹ nhàng, mới biết rõ chỗ này. Giác quán là nghĩ xét thô khiến phát ra ngôn ngữ. Dừng giác quán thì hơi thở nhẹ, tâm định hơi thở mới yên, hơi thở nhẹ dần đến khi ngưng bặt, lúc đó tưởng và tư dứt sau cùng. Tưởng tư dứt hoàn toàn thì nhập Diệt tận định.

Chúng ta ngồi yên một chút thì hơi thở rất nhẹ. Khoa học nói rằng, người ta còn thở là còn sống, ngừng thở thì chết. Nhưng đây không thở mà không chết mới là đặc biệt. Khoa học chỉ khám phá đến một giới hạn nào thôi, không thể hiểu trạng thái người nhập định. Người tu đến đó không còn hơi thở, nhưng còn hơi ấm là còn mạng sống. Chỗ này chúng ta có thể hiểu được, khi ngồi tâm an thân khỏe thì hơi thở rất nhẹ… Đó là dấu hiệu đi tới Diệt tận định. Chúng ta chỉ tới chỗ yên yên thì xả, không đi tới dứt hơi thở nên chưa dứt tưởng tư trong ý hành. Người ngồi thiền lâu, tâm suy nghĩ lăn tăn mới lặng, lúc đó còn hơi thở ra vô. Lâu dần hơi thở lặng mới thật tịnh, tịnh hoàn toàn mới dứt được tưởng và tư, chưa dứt hơi thở thì tưởng tư chưa dứt. Như vậy người nhập Diệt tận định là khéo dứt khẩu hành, thân hành, cuối cùng là ý hành. Khéo dứt rất tế nhị mới được kết quả.

Chánh văn: 

Lại hỏi: – Thế nào là xuất Diệt tận định? 

Đáp: – Người xuất Diệt tận định cũng không nghĩ nói ta nay xuất chánh định, ta phải xuất chánh định, nhưng trước tâm đã làm phương tiện, như tâm trước kia mà khởi. 

Giảng:

Khi ngồi thiền, lúc gần xả chúng ta cũng không nói “ta xả thiền”, chỉ khởi niệm rồi từ từ theo những phương tiện trước mà xả. Xuất Diệt tận định cũng vậy, từ tâm khởi nghĩ phương tiện xuất định.

Chánh văn: 

Lại hỏi: – Khi khởi Diệt tận định, pháp nào khởi trước, là thân hành, là khẩu hành, là ý hành? 

Đáp: – Người từ Diệt tận định khởi, ý hành khởi trước, kế thân hành, sau cùng khẩu hành. 

Giảng: 

Khi nhập định thì từ khẩu hành, kế thân hành rồi tới ý hành, xả định thì từ ý hành xả trước, kế đến thân hành, sau cùng đến khẩu hành. Tại sao? Vì khi nhập Diệt tận định thì thân tâm yên lặng hoàn toàn, khi trong tâm có những niệm tưởng vi tế dấy lên mới từ từ có hơi thở, thở từ từ mới khởi nghĩ suy. Ở trong định thì bặt dứt, muốn xuất định phải từ tế ra thôn

Chánh văn: 

Lại hỏi: – Người nhập Diệt tận định thế nào là theo chiều, chuyên chú, đạt đến? 

Đáp: – Người nhập chánh định theo chiều ly, chuyên chú ly, đạt đến ly; theo chiều xuất, chuyên chú xuất, đạt đến xuất; theo chiều Niết-bàn, đạt đến Niết-bàn. 

Giảng:

Chúng ta nhập định tuy không phải Diệt tận định cũng theo chiều này. Một là ly, hai là xuất, ba là Niết-bàn. Vọng tưởng đến không theo, đó là ly. Ra khỏi những tập khí thông thường thói quen cũ, đó là theo chiều xuất. Được thanh tịnh lặng lẽ là theo chiều Niết-bàn.

Chánh văn: 

Lại hỏi: – Khi trụ Diệt tận định là xúc mấy thứ xúc? 

Đáp: – Xúc bất động, xúc vô tướng, xúc vô sở hữu. 

Giảng: 

Khi an trụ trong Diệt tận định có những cái xúc: Xúc bất động là hoàn toàn tâm yên. Xúc vô tướng là tâm không có tướng mạo. Xúc vô sở hữu là tâm rỗng không thênh thang.

Chánh văn: 

Lại hỏi: – Khi nhập Diệt tận định phải làm mấy pháp? 

Đáp: – Việc này nên hỏi trước, sao nay mới hỏi, song tôi sẽ vì ông nói. Tỳ-kheo khi nhập Diệt tận định phải làm hai pháp: chỉ và quán.

Bấy giờ, trưởng giả Chất-đa-la nghe tôn giả Ca-ma nói, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ rồi đi. 

Giảng:

Do hai pháp chỉ quán rồi dần dần tới Diệt tận định. Chỉ là định, quán là tuệ, đó là phương tiện để nhập Diệt tận định.

Bài kinh này giúp chúng ta thấy rõ ràng từng bước trong việc tọa thiền. Muốn được tâm yên định, trước tiên phải dứt những tiếng nói thầm trong đầu. Ở đây gọi là dứt khẩu hành. Vọng tưởng cũng chính là cái lăng xăng suy xét, tuy không phát ra tiếng nhưng luôn luôn có sự vận động thôi thúc ở trong. Vì thế tu thiền biết vọng không theo chính là để tâm dễ an định. Khi ngừng dứt khẩu hành thì thân hành mới nhẹ nhàng, hơi thở từ thô đến tế, đến chỗ không còn cảm thấy có hơi thở, như vậy ngồi như không ngồi. Khi dứt hơi thở, các niệm lăn tăn nhỏ nhiệm cũng lặng, lúc đó vào Diệt tận định. Biết phương pháp, biết thứ tự, chúng ta tăng trưởng niềm tin, không sợ tu lạc. Học hiểu để tu rất quan trọng, nếu không thì tu mù mờ, không biết trạng thái của mình đến đâu, cũng không biết cách chỉ dạy cho người, đó là tai họa.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

1) Một thời tôn giả Kamabhū trú tại Macchi kasanda, tại rừng Ambataka. 

2) Rồi gia chủ Citta đi đến tôn giả Kāmabhū, sau khi đến đảnh lễ tôn giả Kāmabhū rồi ngồi xuống một bên. 

3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Citta thưa tôn giả Kamabhù: 

– Bạch Thượng tọa, có bao nhiêu hành tất cả? 

– Này gia chủ, có ba hành: thân hành, khẩu hành, và ý hành. 

– Lành thay, bạch Thượng tọa. 

Gia chủ Citta hoan hỷ tín thọ lời tôn giả Kāmabhū nói, rồi hỏi thêm tôn giả Kāmabhū một câu nữa. 

4) – Bạch Thượng tọa, thế nào là thân hành? Thế nào là khẩu hành? Thế nào là ý hành? 

Hơi thở vô, hơi thở ra, này gia chủ, là thân hành. Tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ là ý hành. 

– Lành thay, bạch Thượng tọa. 

Gia chủ Citta hoan hỷ tín thọ lời tôn giả Kamabhū nói… Hỏi thêm câu hỏi nữa. 

5) – Vì sao, bạch Thượng tọa, thở vô thở ra là thân hành? Vì sao tầm và tứ là khẩu hành? Vì sao tưởng và thọ là ý hành? Bạch Thượng tọa, pháp nào khởi lên trước, thân hành hay khẩu hành hay ý hành? 

Thở vô thở ra, này gia chủ, thuộc về thân. Các pháp này liên hệ đến thân, do vậy thở vô thở ra là thân hành. Trước phải tầm cầu, tư sát, này cư sĩ, sau mới phát lời nói; do vậy, tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ thuộc về ý, những pháp này liên hệ với ý, do vậy, tưởng và thọ là ý hành. 

Lành thay, bạch Thượng tọa. 

… Hỏi thêm câu hỏi nữa. 

6) – Như thế nào, bạch Thượng tọa, là chứng đạt Diệt thọ tưởng định? 

– Này cư sĩ, Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định không có nghĩ rằng “Tôi sẽ chứng đạt Diệt thọ tưởng định” hay “Tôi đang chứng đạt Diệt thọ tưởng định” hay “Tôi đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định.” Do tâm vị ấy trước được tu tập như vậy, nên đưa đến thành tựu như thật như vậy. 

– Lành thay… Hỏi thêm câu hỏi nữa. 

7) – Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, những pháp nào được đoạn diệt trước, thân hành, hay khẩu hành, hay ý hành? 

– Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này gia chủ, khẩu hành được diệt trước, thứ đến thân hành, rồi đến ý hành. 

– Lành thay… Hỏi thêm câu hỏi nữa. 

8) – Bạch Thượng tọa, người đã chết, đã mệnh chung, và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác gì? 

– Đối với người đã chết, đã mệnh chung, này gia chủ, thân hành người ấy được đoạn diệt, được khinh an, khẩu hành được đoạn diệt, được khinh an, ý hành được đọan diệt, được khinh an, thọ mạng được đoạn tận, sức nóng được tịnh chỉ, các căn bị hủy hoại. Còn Tỷ-kheo đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này gia chủ, thân hành được đoạn diệt, khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, khinh an; ý hành được đoạn diệt, được khinh an; thọ mạng không bị đoạn tận; sức nóng không bị tịnh chỉ; các căn được trong sáng. Này gia chủ, người đã chết, đã mệnh chung và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác như vậy. 

– Lành thay… Hỏi thêm câu hỏi nữa. 

9) – Như thế nào, bạch Thượng tọa, là ra khỏi Diệt thọ tưởng định? 

– Này gia chủ, Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định không có suy nghĩ “Tôi sẽ ra khỏi Diệt thọ tưởng định” hay “Tôi đang ra khỏi Diệt thọ tưởng định” hay “Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định”. Do tâm vị ấy trước được tu tập như vậy nên đưa đến thành tựu như thật như vậy. 

– Lành thay… Hỏi thêm câu hỏi nữa. 

10) – Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, pháp nào khởi lên trước, thân hành hay khẩu hành hay ý hành 

– Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này gia chủ, ý hành khởi lên trước, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu hành. 

– Lành thay, bạch Thượng tọa. 

… Hỏi thêm câu hỏi nữa. 

11) – Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, cảm giác được bao nhiêu xúc? 

– Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, cảm thọ được ba xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc. 

– Lành thay, bạch Thượng tọa. 

Gia chủ Citta hoan hỷ tín thọ… và hỏi thêm câu hỏi nữa. 

12) – Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng tọa, tâm thiên về đâu, hướng về đâu, tâm nghiêng về đâu?

– Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này gia chủ, tâm vị ấy thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, nghiêng về viễn ly. 

– Lành thay, bạch Thượng tọa. 

Gia chủ Citta hoan hỷ tín thọ lời tôn giả 

Kāmabhū nói rồi hỏi thêm câu hỏi nữa. 

13) – Bạch Thượng tọa, có bao nhiêu pháp giúp đỡ nhiều cho sự chứng đắc Diệt thọ tưởng định? 

– Thực sự, này gia chủ, điều gia chủ cần phải hỏi trước, gia chủ lại hỏi sau. Tuy vậy, ta sẽ trả lời cho gia chủ. Này gia chủ, có hai pháp giúp đỡ rất nhiều cho Diệt thọ tưởng định, được chứng đắc, đó là chỉ và quán. 

Giảng:

Đối chiếu hai bản kinh, chúng ta thấy có một vài điểm sai biệt.

Đoạn 4, Hán tạng nói giác quán thuộc khẩu hành, Pali nói tầm tứ là khẩu hành; danh từ khác nhưng ý nghĩa không khác. Giác quán hay tầm tứ đều là tìm tòi xét nét, tìm xét là tâm thô, từ đó mới có nói năng. Phần ý hành, Hán tạng nói tưởng và tư, Pāli nói tưởng và thọ thì hơi nghịch lý. Thường thì thọ trước rồi tưởng sau, sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh thọ, ở đây người nhập định sáu căn dừng đóng thì không có thọ. Nên Hán tạng nói tưởng tư hợp lý hơn.

Đoạn 8, Pāli dùng từ hơi đặc biệt, chúng ta lưu ý. Đối với người đã chết.. thân hành người ấy được đoạn diệt, được khinh an, khẩu hành được đoạn diệt, được khinh an, ý hành… So sánh với người nhập Diệt tận định thì thân ngữ ý cũng được khinh an, nhưng thọ mạng không đoạn tận, sức nóng không bị tịnh chỉ, các căn được trong sáng. Chỉ khác chỗ đó thôi.

Đoạn 11, Pāli, hỏi Tỷ-kheo ra khỏi định, cảm giác được bao nhiêu xúc? Ra khỏi rồi thì xúc được tự do; Hán tạng hỏi trụ trong định, cảm giác bao nhiêu xúc hợp lý hơn. Đoạn 12: Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, tâm hướng về đâu? Chữ ra khỏi này cũng không hợp lý. Để thấy bên Pāli có những chữ vì lầm lộn nên khó giải thích.

Như vậy đọc cả hai bản kinh, mỗi bên đều có ưu khuyết, đọc một bên nhiều khi lúng túng khó hiểu.

Bản kinh này rất hệ trọng trong việc tu, qua lời vấn đáp của tôn giả Ca-ma với trưởng giả Chất-đa-la. Các câu trả lời của Tôn giả đúng với lời Phật dạy, là trọng tâm cốt yếu của người muốn nhập định. Chúng ta nương theo đây biết cách hướng dẫn khẩu hành, thân hành, ý hành của mình. Nếu tu không rành rẽ, khi nhập định bị các thứ tưởng mê hoặc dễ bị lầm lạc kinh hoảng. Khi biết rõ rồi tu mới an ổn thanh tịnh, hướng dẫn người không sợ sai. Nếu mình tu lầm thì dẫn người tu lầm, cả nhóm lạc trong đường tà. Đó là chỗ tôi thấy cần giản trạch thấu đáo, chúng ta phải thuộc kỹ bài kinh này.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.