Trích giảng và Đối chiếu Tăng Nhất A Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh

Giảng giải Kinh số 5, Phẩm Mã Huyết Thiên Tử Vấn Bát Chánh (Hán tạng)



Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Nay ta sẽ nói thí dụ thuyền bè. Các thầy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong tâm. 

Các Tỳ-kheo thưa: 

– Xin vâng! Bạch Thế Tôn. 

Các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy. 

Phật bảo: 

– Thế nào gọi là thí dụ thuyền bè? Nếu các thầy đi đường bị giặc bắt giữ, nên nhiếp tâm ý, đừng khởi niệm ác. Nên khởi tâm hộ niệm trùm khắp mọi nơi, vô lượng vô hạn không thể tính kể. Giữ gìn tâm như đất, cũng như đất này, nhận vật sạch, cũng nhận vật dơ, phẩn tiểu dơ uế xấu xa thảy đều nhận hết. Song đất chẳng khởi tâm tăng giảm, không nói rằng: “Đây là xấu, đây là tốt.” Nay việc làm của các thầy cũng nên như thế. Giả sử bị giặc bắt giữ giam cầm, chớ sanh ác niệm, khởi tâm tăng giảm. Như đất, nước, lửa, gió, xấu cũng nhận, tốt cũng nhận, đều không có tâm tăng giảm. 

Khởi tâm từ, bi, hỷ, hộ (xả) đối với tất cả chúng sanh. Vì sao? Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì pháp ác mà tập quen. Như có người gặp chỗ tai nạn sợ sệt, muốn qua khỏi chỗ tai nạn đến chỗ an ổn; tùy ý chạy tìm nơi an ổn. Người ấy thấy con sông lớn rất sâu rộng, cũng không có thuyền hay cầu để có thể sang bờ bên kia. Song chỗ đứng bên này rất đáng sợ, bờ bên kia không có. Bấy giờ người kia suy nghĩ tính kế: “Sông này rất sâu lại rộng, nay ta có thể thu thập cây cối, cỏ lá kết lại làm bè qua sông, nhờ bè này để chèo từ bờ này sang bờ kia.” Bấy giờ người ấy liền thu góp cành cây, cỏ lá kết bè mà chèo từ bờ này sang bờ kia. Người ấy đã sang bờ kia liền khởi nghĩ: “Cái bè này rất nhiều lợi ích cho ta, do bè này được qua chỗ ách nạn, từ chỗ sợ hãi đến chỗ không nạn. Nay ta không bỏ bè này, đi đâu cũng mang theo.” 

Thế nào, các Tỳ-kheo! Người kia đến nơi rồi có thể vác chiếc bè theo chăng? Hay không nên vác theo? 

Các Tỳ-kheo thưa: 

– Bạch Thế Tôn không nên. Nguyện vọng của người ấy được kết quả, còn dùng bè vác theo làm gì! 

Phật bảo Tỳ kheo: 

– Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp. 

Bấy giờ có một Tỳ-kheo bạch Phật: 

– Thế nào là pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp? Chúng con há không do pháp mà học đạo ư? 

Phật bảo: 

Y nơi kiêu mạn diệt kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng mạn, tự mạn, tà kiến mạn, mạn trung mạn. Dùng không mạn diệt mạn mạn, vô mạn; dùng chánh mạn diệt tà mạn, tăng thượng mạn, diệt sạch bốn mạn. 

Xưa kia, khi ta chưa thành Phật đạo, ngồi dưới cội cây bèn nghĩ như vầy: “Trong cõi Dục giới, ai là người hào quý nhất ta sẽ hàng phục. Trong cõi Dục giới này chư thiên và loài người thảy đều hàng phục”. Lúc ấy ta lại nghĩ thế này: “Nghe nói có tệ ma Ba-tuần, nay ta sẽ chiến đấu với ma ấy, do hàng phục ma Ba-tuần, tất cả chư thiên hào quý kiêu mạn đều sẽ hàng phục”. 

Khi ấy, ta ngồi nơi tòa mỉm cười, khiến cho cảnh giới ma Ba-tuần thảy đều chấn động. Trong hư không nghe có tiếng nói kệ: 

Bỏ pháp vua Tịnh Phạn, 

Xuất gia học cam lồ, 

Nếu người phát nguyện rộng, 

Không ba đường ác này. 

Nay ta họp binh chúng, 

Đến thăm Sa-môn kia, 

Nếu không theo ý ta, 

Nắm chân ném ra biển. 

Khi ấy, tệ ma Ba-tuần sân giận bừng bừng, liền bảo đại tướng Sư Tử rằng: 

Mau tập họp bốn bộ chúng, đi đánh dẹp Sa-môn. Và phải quan sát ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta? 

Khi ấy, ta lại suy nghĩ: “Giao chiến với người thường còn không thể im lặng huống gì với người hào quý của cõi Dục. Cũng nên tranh đua với y ít nhiều.” 

Này Tỳ-kheo! Lúc ấy ta mặc giáp nhân từ, tay cầm cung chánh định, tên trí tuệ, đợi binh chúng kia. Khi đó tệ ma, đại tướng và binh chúng có đến mười tám ức, mặt mày mỗi mỗi khác nhau, vượn, khỉ, sư tử đến chỗ ta. Binh chúng La-sát hoặc một thân có ngàn đầu; hoặc mấy mươi thân chung một đầu; hoặc hai vai ba cổ, ngay tim có miệng; hoặc một tay, hoặc hai tay, hoặc bốn tay; hoặc hai tay vác đầu, miệng ngậm thây rắn; hoặc trên đầu bốc lửa, miệng phun lửa; hoặc hai tay banh miệng muốn ngoạm đằng trước; hoặc phanh bụng đi tới, tay cầm dao kiếm, mang vác mẫu giáo; hoặc cầm chày cối; hoặc vác núi gánh đá, vác cây lớn; hoặc hai chân ở trên, đầu ở dưới; hoặc cưỡi voi, sư tử, hổ lang, độc trùng; hoặc đi bộ đến, hoặc bay trên không. 

Khi ấy, tệ ma đem bao nhiêu binh chúng ấy vây quanh cội đạo thọ. Ma Ba-tuần đứng bên trái ta, nói với ta: 

– Sa-môn đứng lên mau. 

Tỳ-kheo! Khi ấy, ta im lặng không trả lời. Như thế đến ba phen, Ma bèn nói với ta: 

– Sa-môn sợ ta chăng? 

Ta bảo: 

– Nay ta nhiếp tâm không chút kinh sợ. 

Ma Ba-tuần nói: 

– Sa-môn! Có thấy bốn bộ binh chúng của ta chăng? Còn ông một thân, không có khí giới gậy gộc, binh đao, đầu trọc, thân trơ, chỉ mặc ba y, lại nói: Ta không sợ? 

Bấy giờ, ta hướng về Ba-tuần, nói kệ: 

Giáp nhân, cung chánh định, 

Tay cầm tên trí tuệ, 

Phước nghiệp là binh chúng, 

Nay sẽ hoại quân ngươi. 

Ma Ba-tuần lại nói với ta: 

– Ta có nhiều việc lợi ích cho Sa-môn, nếu không nghe lời ta, bấy giờ sẽ đốt ông ra tro, tiêu diệt thân hình. Lại, Sa-môn dung mạo đoan chánh, tuổi trẻ tươi đẹp, phát xuất từ dòng Sát-lợi, Chuyển luân vương. Mau rời khỏi chỗ này, tập theo ngũ dục. Ta sẽ đem đến cho ông, để ông làm Chuyển luân thánh vương. 

Ta trả lời Ba tuần: 

– Những lời ngươi nói, đều là vô thường biến đổi không dừng lâu, cũng phải xả ly, chẳng phải điều ta ưa thích. 

Ma Ba-tuần lại nói với ta: 

– Sa-môn! Hôm nay muốn điều gì? Chí nguyện việc gì? 

Ta đáp: 

– Điều ta nguyện là nơi không lo sợ, an ổn tịch tịnh trong thành Niết-bàn, dẫn dắt các chúng sanh trôi nổi trong sanh tử, chìm đắm khổ não được đến con đường chánh. 

– Nếu như Sa-môn không mau mau đứng lên khỏi tòa, ta sẽ nắm chân ông ném xuống biển. 

Ta đáp Ba-tuần rằng: 

– Ta tự quán sát trong cõi trời, người, dù cho ma hay thiên ma, nhân, phi nhân và cả bốn binh chúng của ngươi, không thể khiến ta động một mảy lông. 

Ma bảo: 

– Sa-môn! Ngày nay muốn chiến đấu với ta chăng? 

Ta đáp: 

– Muốn cùng giao chiến. 

Ma hỏi: 

– Ông ghét điều gì? 

Ta đáp: 

– Những điều kiêu mạn, như tăng thượng mạn tự mạn, tà mạn, mạn trung mạn. 

Ma nói với ta: 

– Ông dùng nghĩa gì để diệt các mạn đó? 

Ta đáp: 

– Ba tuần nên biết! Có nhân Từ tam-muội, Bi tam-muội, Hỷ tam-muội, Hộ tam-muội, Không tam-muội, Vô nguyện tam-muội, Vô tướng tam-muội. Do Từ tam-muội được Bi tam-muội, do Bi tam-muội được Hỷ tam-muội, do Hỷ tam-muội được Hộ (Xả) tam-muội, do Không tam-muội được Vô nguyện tam-muội, do Vô nguyện tam-muội được Vô tướng tam-muội. Do sức của tam-muội này chiến đấu với ngươi. Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt đến Niết-bàn. 

Ma nói: 

– Sa-môn! Có thể dùng pháp diệt pháp chăng? 

Ta đáp: 

– Có thể dùng pháp diệt pháp. 

Ma hỏi ta: 

– Thế nào là dùng pháp diệt pháp? 

Khi ấy, ta bảo: 

– Dùng chánh kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chánh kiến. Chánh tư duy diệt tà tư duy, tà tư duy diệt chánh tư duy. Chánh ngữ diệt tà ngữ, tà ngữ diệt chánh ngữ. Chánh nghiệp diệt tà nghiệp, tà nghiệp diệt chánh nghiệp. Chánh mạn diệt tà mạn, tà mạn diệt chánh mạn. Chánh phương tiện diệt tà phương tiện, tà phương tiện diệt chánh phương tiện. Chánh niệm diệt tà niệm, tà niệm diệt chánh niệm. Chánh định diệt tà định, tà định diệt chánh định. 

Ma nói: 

– Sa-môn! Hôm nay tuy có những lời như vậy. Ở chỗ này khó khắc phục. Ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển. 

Ta lại bảo Ba-tuần: 

– Ngươi tạo phước chỉ một phen nay được làm Ma vương cõi Dục. Xưa kia ta tạo công đức không thể tính kể. Lời của ngươi hôm nay mới thật khó làm. 

Ba-tuần đáp: 

– Phước đã làm chỉ ông chứng biết. Ông tự xưng đã tạo vô số phước, ai có thể chứng tri cho ông? trên Tỳ-kheo! Lúc ấy ta duỗi tay mặt, chỉ xuống đất, bảo với Ba tuần: 

– Công đức ta đã tạo, Địa thần chứng biết. 

Ta đang nói lời này, Địa thần từ đất vọt lên chắp tay bạch: 

– Bạch Thế Tôn! Con đang chứng biết. 

Địa thần nói xong, Ba-tuần lo buồn khổ não, liền lui không hiện. 

– Tỳ-kheo! Do phương tiện này nên biết, pháp còn phải diệt huống là phi pháp. Đã từ lâu, ta vì các thầy nói kinh Nhất Giác Dụ, không ghi lại văn tự, huống giải thích ý nghĩa. Vì sao? Pháp này sâu xa huyền diệu, các bậc Thanh văn, Bích-chi Phật tu pháp này được công đức lớn, được cam lồ, đến chỗ vô vị. 

Thế nào tên là Dụ nương thuyền? Nghĩa là y nơi mạn diệt mạn, mạn đã diệt tận, lại không còn những niệm tưởng não loạn. Cũng như da con chồn được thuộc kỹ, lấy tay cuộn lại, không nghe tiếng sột soạt, không có chỗ cứng cộm. Đây cũng như thế. Như Tỳ-kheo chấm dứt kiêu mạn, không có tăng giảm. Cho nên nay ta bảo các thầy rằng: “Giả sử bị giặc giam cầm, chớ khởi tâm ác, nên đem lòng từ ban khắp các nơi, cũng như da kia rất mềm mại, bèn được chỗ vô vi lâu dài.” 

Như thế, Tỳ-kheo! Nên khởi niệm như thế. 

Ngay khi thuyết pháp này, có ba ngàn thiên tử ngay tại chỗ ngồi các trần cấu sạch hết, được pháp nhãn tịnh. Còn sáu mươi Tỳ-kheo khác lại bỏ pháp phục, tập hạnh cư sĩ. Sáu mươi Tỳ-kheo khác, lậu tận ý giải, được pháp nhãn tịnh. 

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. 

Giảng:

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Nay ta sẽ nói thí dụ thuyền bè. Các thầy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong tâm. 

Các Tỳ-kheo thưa: 

– Xin vâng! Bạch Thế Tôn. 

Các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy. 

Phật bảo: 

– Thế nào gọi là thí dụ thuyền bè? Nếu các thầy đi đường bị giặc bắt giữ, nên nhiếp tâm ý, đừng khởi niệm ác. 

Nên khởi tâm hộ niệm trùm khắp mọi nơi, vô lượng vô hạn không thể tính kể. Giữ gìn tâm như đất. 

Đức Phật dạy khi bị giặc bắt, lúc đó chúng ta có hai thứ khổ. Khổ thứ nhất là sợ hãi, khổ thứ hai là tức giận. Do đó Phật dạy đừng nghĩ ác, đừng oán thù, phải khởi lòng từ bi hỷ xả khắp hết các phương vô lượng: từ vô lượng tâm, bi vô lượng tâm, hỷ vô lượng tâm, xả vô lượng tâm. Tu được bốn tâm đó là giữ tâm mình như đất.

Cũng như đất này, nhận vật sạch, cũng nhận vật dơ, phẩn tiểu dơ uế xấu xa thảy đều nhận hết. Song đất chẳng khởi tâm tăng giảm, không nói rằng: “Đây là xấu, đây là tốt”. Nay việc làm của các thầy cũng nên như thế. 

Đất trong thân hay ngoài thân cũng là đất. Nếu đất ngoài thân bị quăng đồ dơ xấu xuống, nó không rầy rà thì đất trong thân cũng nên như thế. Tại sao khi đụng tới đất trong thân lại phản kháng? Thêm bớt làm chi, tốt xấu làm gì, đất cũng chỉ là đất. Vì vậy Phật khuyên Tỳ-kheo phải nên như đất.

Giả sử bị giặc bắt giữ giam cầm, chớ sanh ác niệm, chớ khởi tâm tăng giảm. Như đất, nước, gió, lửa, xấu cũng nhận, tốt cũng nhận, đều không có tâm tăng giảm. Khởi tâm từ, bi, hỷ, hộ (xả) đối với tất cả chúng sanh. 

Đối với tất cả chúng sanh phải khởi tâm từ bi hỷ xả, để nếu họ có làm khổ mình, chúng ta không chút hờn giận, cũng như đất nước gió lửa bên ngoài vậy.

Phật bảo: Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì pháp ác mà tập quen. 

Pháp Phật dạy như thuốc uống trị bệnh. Khi bệnh lành rồi có còn tiếp tục uống thuốc không? Không uống. Lành bệnh rồi thuốc cũng phải bỏ. Thuốc dụ cho pháp lành, bệnh dụ cho pháp ác. Pháp lành còn nên xả thì pháp ác có nên chứa không? Không. Chúng ta tu rồi có nên buồn người này giận người kia không? Nếu buồn giận hoài là người chứa pháp ác. Như người bị bệnh phổi, không ai dám ở gần. Bệnh nhân biết vi trùng làm hư phổi thì tìm thuốc trị nó hay chứa nó? Biết nó là thứ hiểm nguy phải lo trị, không ai dung chứa cả.

Tham sân si là ba độc, nên bỏ hay nên giữ? Ai cũng biết nên bỏ. Vậy mà tại sao chúng ta không chịu bỏ. Thứ tốt còn phải bỏ huống là thứ xấu ác. Người tu muốn vươn lên, nguyện giải thoát mọi khổ đau, mà đó là nhân khổ đau, tại sao không bỏ? Phật dạy pháp thiện còn phải xả huống là pháp ác. Cho nên những gì thuộc về pháp ác vừa dấy lên phải bỏ liền. Vị nào nói “tôi giận huynh mười năm không ngó mặt”, đó là người thế nào? Là người nguyện chứa pháp ác. Chúng ta chưa phải là thánh nên chủng nghiệp xấu vẫn còn, nhưng vừa biết phải bỏ, chứ cứ chứa chấp nó thì không phải người tu.

Như có người gặp chỗ tai nạn sợ sệt, muốn qua khỏi chỗ tai nạn đến chỗ an ổn; tùy ý chạy tìm nơi an ổn. Người ấy thấy con sông lớn rất sâu rộng, cũng không có thuyền hay cầu để có thể sang bờ bên kia. Song chỗ đứng bên này rất đáng sợ, bờ bên kia không có. Bấy giờ người kia suy nghĩ tính kế: “Sông này rất sâu lại rộng, nay ta có thể thu thập cây cối, cỏ lá kết lại làm bè qua sông, nhờ bè này để chèo từ bờ này sang bờ kia”. 

Bấy giờ người ấy liền thu góp cành cây, cỏ lá kết bè mà chèo từ bờ này sang bờ kia. Người ấy đã sang bờ kia liền khởi nghĩ: “Cái bè này rất nhiều lợi ích cho ta, do bè này được qua chỗ ách nạn, từ chỗ sợ hãi đến chỗ không nạn. Nay ta không bỏ bè này, đi đâu cũng mang theo.” 

Thế nào, các Tỳ-kheo! Người kia đến nơi rồi có thể vác chiếc bè theo chăng? Hay không nên vác theo?

Các Tỳ-kheo thưa: 

– Bạch Thế Tôn không nên. Nguyện vọng của người ấy được kết quả, còn dùng bè vác theo làm gì! 

Phật bảo Tỳ-kheo: 

– Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp! 

Bấy giờ có một Tỳ-kheo bạch Phật: 

– Thế nào là pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp? Chúng con hả không do pháp mà học đạo ư? 

Thí dụ này không được rõ lắm, trong một bài kinh khác Phật nói rõ hơn. Có người bị giặc cướp đuổi gấp, khi chạy tới bờ sông thấy sông vừa sâu vừa rộng nước chảy xiết, lại không có cầu, không có thuyền. Người đó muốn thoát nạn phải làm sao? Anh ta tìm cách kết bè qua sông. Anh chặt tám khúc cây kết lại thành chiếc bè, sau đó xuống bè bơi qua bờ bên kia. Qua bên kia rồi anh bước lên bờ thật an ổn. Giặc cướp dụ cho vô thường đuổi gấp, người bị đuổi dụ chúng ta, dòng sông dụ cho ái dục. Nó vừa sâu vừa rộng, vừa chảy xiết, nếu ai rớt xuống liền bị cuốn trôi. Muốn có phương tiện vượt qua bên kia sông, chặt tám khúc cây dụ cho bát chánh đạo. Nương bát chánh đạo làm bè qua bờ bên kia, thoát hiểm nguy được an ổn.

Bấy giờ nghĩ chiếc bè là vật hữu ích cho mình nên vác theo lên bờ. Người nghĩ như thế thật là ngu ngốc. Chiếc bè chỉ có giá trị đưa chúng ta qua sông. Qua được rồi, nó không còn cần thiết nữa, vác theo chỉ khổ công vô ích. Tu đến quả A-la-hán, chứng vô lậu thì bát chánh đạo có còn dùng nữa không? Không. Nên Phật nói pháp thiện còn phải xả huống nữa là pháp ác.

Pháp Phật dạy là phương tiện đưa tới giải thoát. Giải thoát rồi phương tiện cũng bỏ, huống nữa là các pháp dẫn đi trong trầm luân mà lại có thể giữ được sao? Người nào muốn trầm luân nữa thì cứ chứa, vì nó là động cơ đưa đến trầm luân. Ai quyết tâm giải thoát thì phải bỏ. Người tu sáng suốt phải bỏ pháp ác, nếu cố giữ pháp ác thì không phải người sáng suốt, không phải người thật tu.

Khi ấy có một Tỳ-kheo bạch Phật thế nào là pháp lành còn phải xả, huống là phi pháp, chúng con không phải do pháp học đạo sao? Vị Tỳ-kheo này khởi nghi lâu nay học đạo là học pháp của Phật dạy, bây giờ pháp cũng bỏ thì học gì đây?

Phật bảo: 

– Y nơi kiêu mạn diệt kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng mạn, tự mạn, tà kiến mạn, mạn trung mạn. Dùng không mạn diệt mạn mạn, vô mạn; dùng chánh mạn diệt tà mạn, tăng thượng mạn, diệt sạch bốn mạn. 

Như vậy Phật đáp có lạc đề không? Tại sao thầy Tỳ-kheo hỏi không do pháp mà học đạo, Phật lại nói y kiêu mạn diệt kiêu mạn, lấy không mạn diệt mạn mạn lấy chánh mạn diệt tà mạn và tăng thượng mạn…? Lấy kiêu mạn diệt kiêu mạn là sao? Điều này nghe thật khó hiểu. Thí dụ ở trong chúng ai cũng nguyện tinh tấn tu hành. Có một thiếu nữ thật đẹp đến nói: “Tôi sẽ phá xem mấy thầy tu được không?” Khi đó mình nói sao? “Trọn đời tôi cố gắng tu dù chết cũng không để sắc dục lôi cuốn, có một trăm người như cô cũng không phá được chúng tôi!” Nói vậy có kiêu mạn không? Có. Khởi tâm kiêu mạn như thế để diệt kiêu mạn của cô thiếu nữ. Cô ta nói sẽ phá tức dùng tâm kiêu mạn đối với mình. Gặp trường hợp như thế muốn thắng phải làm sao? Cũng phải khởi niệm kiêu mạn để diệt kiêu mạn, nên nói y kiêu mạn diệt kiêu mạn.

Giả như có người nói tu thành Phật khó lắm, quý thầy đừng tu nữa. Từ xưa tới giờ, ngoài đức Phật Thích-ca ra có đức Phật nào nữa đâu? Nghe vậy mình chùn bước, nghĩ khó liền thối tâm. Với người biết tu thì nghĩ tuy thành Phật khó nhưng đã quyết định thì phải làm cho được, đó là kiêu mạn. Nhờ kiêu mạn mà tiến. Nghe nói khó rồi thở dài chắt lưỡi là lùi. Bởi vậy nên nói y kiêu mạn diệt kiêu mạn. Dẫn chứng lời Phật dạy:

Xưa kia, khi ta chưa thành Phật đạo, ngồi dưới cội cây bèn nghĩ như vầy: “Trong cõi Dục giới, ai là người hào quý nhất ta sẽ hàng phục. Trong cõi Dục giới này chư thiên và loài người thảy đều hàng phục.” Lúc ấy ta lại nghĩ thế này: “Nghe nói có tệ ma Ba-tuần, nay ta sẽ chiến đấu với ma ấy, do hàng phục ma Ba-tuần, tất cả chư thiên hào quý kiêu mạn đều sẽ hàng phục.” 

Khi ấy, ta ngồi nơi tòa mỉm cười, khiến cho cảnh giới ma Ba-tuần thảy đều chấn động. 

Cái cười này là cười kiêu ngạo.

Trong hư không nghe có tiếng nói kệ: 

Bỏ pháp vua Tịnh Phạn, 

Xuất gia học cam lồ, 

Nếu người phát nguyện rộng, 

Không ba đường ác này. 

Nay ta họp binh chủng, 

Đến thăm Sa-môn kia, 

Nếu không theo ý ta, 

Nắm chân ném ra biển. 

Ma kiêu mạn cho rằng không ai thoát khỏi tầm tay của nó, nên đức Phật y kiêu mạn diệt kiêu mạn. Đó là khởi kiêu mạn của Phật. Từ đây ma bắt đầu khởi chiến với ngài.

Khi ấy, tệ ma Ba tuần sân giận bừng bừng, liền bảo đại tướng Sư Tử rằng: 

– Mau tập họp bốn bộ chúng, đi đánh dẹp Sa-môn. Và phải quan sát ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta? 

Khi ấy, ta lại suy nghĩ: “Giao chiến với người thường còn không thể im lặng huống gì với người hào quý của cõi Dục. Cũng nên tranh đua với y ít nhiều.” 

Bấy giờ ngài nghĩ giao chiến với người tầm thường còn phải hò hét, huống nữa ma Ba-tuần là thứ dữ, chẳng lẽ không có gì khống chế nó.

Này Tỳ-kheo! Lúc ấy ta mặc giáp nhân từ, tay cầm cung chánh định, tên trí tuệ, đợi binh chúng kia. 

Đức Phật ứng chiến bằng gì? Bằng giáp nhân từ, cung tam-muội, tên trí tuệ. Khi đó đại tướng tệ ma cùng binh chúng mười tám ức, bảo Phật đứng dậy đầu hàng. Ngài vẫn làm thinh không nao núng, cho thấy đức Phật rất gan dạ can đảm. Ma hỏi Phật:

– Sa-môn sợ ta chăng? 

Ta bảo: 

– Nay ta nhiếp tâm không chút kinh sợ. 

Ma Ba-tuần nói: 

– Sa-môn! Có thấy bốn bộ binh chủng của ta chăng? Còn ông một thân, không có khí giới gậy gộc, binh đao, đầu trọc, thân trơ, chỉ mặc ba y, lại nói: Ta không sợ? 

Khi đó ta hướng đến Ba-tuần nói bài kệ: 

Giáp nhân, cung chánh định, 

Tay cầm tên trí tuệ, 

Phước nghiệp là binh chủng, 

Nay sẽ hoại quân ngươi. 

Ngài sẵn sàng ứng chiến không chút sợ hãi. Ở trên có giáp nhân từ, cung tam-muội, tên trí tuệ, bây giờ thêm phước nghiệp làm binh khí nữa. Đó là đức Phật chấp nhận khai chiến với ma chứ không thối lui.

Ma Ba-tuần bảo để thì giờ Phật suy nghĩ, nếu không nghe sẽ làm thân Phật tan ra tro.

Lại, Sa-môn dung mạo đoan chánh, tuổi trẻ tươi đẹp, phát xuất từ dòng Sát-đế-lợi, Chuyển luân vương. Mau rời khỏi chỗ này, tập theo ngũ dục. Ta sẽ đem đến cho ông, để ông làm Chuyển luân thánh vương. 

Dọa rồi chuyển sang dụ, ông dòng dõi vua chúa còn trẻ đẹp, về hưởng ngũ dục lạc đi, làm vua cho sung sướng.

Ta đáp: 

– Điều ta nguyện là nơi không lo sợ, an ổn tịch tịnh trong thành Niết-bàn, dẫn dắt các chúng sanh trôi nổi trong sanh tử, chìm đắm khổ não được đến con đường chánh. 

Như vậy chỗ mong cầu và chí nguyện của Phật là gì? Một là cầu cho mình an ổn, yên tịnh trong Niết-bàn. Hai là dẫn đường cho chúng sanh đang lưu chuyển trong sanh tử khổ đau ra khỏi nơi đó. Như vậy là tự lợi cho mình và tự nguyện đưa chúng sanh ra khỏi trầm luân khổ não. Đó là vừa lợi mình lợi người,

Ma nói với ta

– Nếu như Sa-môn không mau mau đứng lên khỏi tòa, ta sẽ nắm chân ông ném xuống biển. 

Ta đáp Ba-tuần rằng: 

– Ta tự quán sát trong cõi trời, người, dù cho ma hay thiên ma, nhân, phi nhân và cả bốn binh chủng của ngươi, không thể khiến ta động một mảy lông. 

Tới lúc quyết liệt ma không động được một mảy lông của Phật, đừng nói là làm được việc gì.

Ma bảo: 

– Sa-môn! Ngày nay muốn chiến đấu với ta chăng? 

Ta đáp: 

– Muốn cùng giao chiến. 

Như vậy không kiêu mạn là gì?

Ma hỏi: 

– Ông ghét điều gì? 

Ta đáp: 

– Những điều kiêu mạn, như tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn, mạn trung mạn. 

Ma nói với ta: 

– Ông dùng nghĩa gì để diệt các mạn đó? 

Ta đáp: 

– Ba-tuần nên biết! Có nhân Từ tam-muội, Bi tam-muội, Hỷ tam-muội, Hộ tam-muội, Không tam-muội, Vô nguyện tam-muội, Vô tướng tam-muội. Do Từ tam-muội được Bi tam-muội, do Bi tam-muội, được Hỷ tam-muội, do Hỷ tam-muội được Hộ (Xả) tam-muội, do Không tam-muội được Vô nguyện tam-muội, do Vô nguyện tam-muội được Vô tướng tam-muội. Do sức của tam-muội này chiến đấu với ngươi. 

Đức Phật trả lời với ma rằng ngài oán ghét mạn. Chữ mạn luôn luôn kèm theo cái ngã, như ngã mạn, tăng thượng mạn… những thứ mạn này từ chấp ngã mà ra. Ba-tuần hỏi dùng nghĩa gì để diệt mạn. Phật đáp dùng từ, bi, hỷ, xả, tức là bốn tâm vô lượng; rồi thêm không, vô tướng, vô nguyện là ba môn giải thoát, để diệt các thứ mạn. Thấy rõ ngã không thật nên phá chấp ngã.

Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt đến Niết-bàn. 

Khi hành hết thì khổ hết, khổ hết thì các kiết sử hết, kiết sử hết thì đến Niết-bàn.

Ma nói: 

– Sa-môn! Có thể dùng pháp diệt pháp chăng? 

Ta đáp: 

– Có thể dùng pháp diệt pháp. 

Ma hỏi ta: 

– Thế nào là dùng pháp diệt pháp? 

Khi ấy, ta bảo: 

– Dùng chánh kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chánh kiến. Chánh tư duy diệt tà tư duy, tà tư duy diệt chánh tư duy. Chánh ngữ diệt tà ngữ, tà ngữ diệt chánh ngữ. Chánh nghiệp diệt tà nghiệp, tà nghiệp diệt chánh nghiệp. Chánh mạn diệt tà mạn, tà mạn diệt chánh mạn. Chánh phương tiện diệt tà phương tiện, tà phương tiện diệt chánh phương tiện. Chánh niệm diệt tà niệm, tà niệm diệt chánh niệm. Chánh định diệt tà định, tà định diệt chánh định 

Đó là lấy pháp diệt pháp. Phật không có một pháp riêng cho chúng ta chấp cố định, chẳng qua tùy bệnh cho thuốc. Nếu bệnh tà kiến Phật dùng chánh kiến để trị. Giả sử người có chánh kiến nhưng chấp vào chánh kiến thì dùng tà kiến để trị. Không pháp nào là pháp thật, chỉ do cái này có nên cái kia có. Vì không có pháp thật nên nói lấy pháp này diệt pháp nọ.

Ma nói: 

– Sa-môn! Hôm nay tuy có những lời như vậy. Ở chỗ này khó khắc phục. Ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển. 

Ta lại bảo Ba tuần: 

– Ngươi tạo phước chỉ một phen nay được làm Ma vương cõi Dục. Xưa kia ta tạo công đức không thể tính kể. Lời của ngươi hôm nay mới thật khó làm. 

Đức Phật từ xưa đến giờ tu tạo nhiều công đức mà ma nói nắm chân ném ra biển, việc đó khó được.

Ba-tuần đáp: 

– Phước đã làm chỉ ông chứng biết. Ông tự xưng đã tạo vô số phước, ai có thể chứng tri cho ông? 

Như vậy là ma Ba-tuần đang thách đố với đức Phật. Ông nói tạo phước mà ai biết, chẳng qua chỉ nói suông thôi.

Tỳ-kheo! Lúc ấy ta duỗi tay mặt, chỉ xuống đất, bảo với Ba-tuần: 

– Công đức ta đã tạo, Địa thần chứng biết. 

Ta đang nói lời này, Địa thần từ đất vọt lên chắp tay bạch: 

– Bạch Thế Tôn! Con đang chứng biết. 

Địa thần nói xong, Ba-tuần lo buồn khổ não, liền lui không hiện. 

Phật thắng trận. Qua cuộc chiến này chúng ta học thêm được những kinh nghiệm. Phật có dùng thần chú để trị ma không, có dùng bùa để trị ma không? Không. Như vậy ngài trị ma bằng thứ gì? Đầu tiên là giáp từ bi, cung thiền định, tên trí tuệ, sau nữa là thêm bốn món phước nghiệp. Đó là binh khí của ngài. Trong cuộc chiến, chúng ta thấy đức Phật đã sử dụng giáp từ bi hỷ xả để diệt ngã, kế đến dùng cung tam-muội. Nếu không có tam-muội thì đã chạy mất rồi. Nhờ tâm thiền định nên ngài không động, không sợ. Ma bảo đứng dậy ba lần, ngài không đứng, nó đòi giết, ngài không chút sợ sệt. Đó là đã dùng cung tam-muội.

Đến tên trí tuệ. Nó rủ về nhà làm vua, sẽ ủng hộ cho hưởng dục lạc sung sướng. Ngài thấy những thứ đó giả dối tạm bợ nên không muốn. Như vậy không phải trí tuệ là gì? Cuối cùng ma thua Phật trên phước nghiệp. Khi nói tới phước nghiệp dĩ nhiên ma không thể sánh được với Phật. Chư Phật có công đức vô lượng vô biên nên ma không đấu nổi.

Nếu đọc chuyện Tàu, quý vị thấy Khổng Minh, Quan Công, Lưu Bị; ai tài ai khôn hơn ai? Nói về khôn thì Khổng Minh khôn nhất, nói về tài thì Quan Công tài nhất. Vậy mà Lưu Bị làm vua, chỉ huy mấy ông này. Rõ ràng do phước nhiều hơn nên thành chủ. Việc đó cho chúng ta thấy không phải khôn không phải tài mà do phước quyết định vận mệnh, sự thành bại của mỗi người.

Huynh đệ nghiệm lại đời tu của chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Có người mới bước chân vào đạo, không biết bao nhiêu chuyện điêu đứng xảy ra, tu không được. Có người vào đạo tu dễ dàng, mỗi ngày mỗi tiến. Tại sao như thế? Tại phước riêng của mỗi vị. Người có phước được thuận lợi, người vô phước nhiều chướng duyên nên trục trặc hoài. Cho nên tu dễ hay khó tùy theo phước. Ma phá được là do ta thiếu phước. Phật thắng ma Ba-tuần là do phước ngài nhiều. Dù thổ địa đứng dậy chắp tay chưa chắc nó sợ, chính yếu do phước Phật quá nhiều nên ma không làm gì được ngài. Chúng ta phước ít, nó khảy móng tay mình đã rung rinh rồi, đừng nói tới hăm he.

Cho nên trong đời tu của mình, dù phước nhỏ bằng cây kim cũng phải bòn phải giữ. Nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái lớn. Chính phước đức này sẽ bảo bọc đời tu của chúng ta an ổn. Tuy nhiên, đừng tưởng mình có phước rồi mặc tình thụ hưởng, một khi hết phước các thứ chướng sẽ đến. Biết như vậy, tăng ni dè dặt trong mọi sinh hoạt, những chuyện không đáng xài mà xài thì tổn phước. Tổn phước thì chướng ngại trên đường tu. Phải kiệm phước, những gì lợi cho người thì sẵn sàng, lợi mình mà tổn người thì dè dặt chớ làm. Hãy bòn mót phước đức để tạo duyên tốt trên đường tu, quyết không thối chuyển.

Đức Phật thắng ma là do phước. Phật dùng kiêu mạn trị nó nhưng dùng trong đức độ, chứ không phải trong oán hờn thù hận. Nó phá mà lúc nào ngài cũng dùng phương tiện của người tu để chiến thắng, chứ không la hét như kẻ phàm phu. Bây giờ chúng ta ngồi thiền, giả sử như có ma hay việc gì bất trắc xảy đến thì la hoặc sợ. Do sợ nên chạy. Nếu không sợ không chạy thì la hét um sùm, cả hai đều dở hết.

Hiểu như vậy, điều kiện cần yếu của người tu là chân chánh, cung thiền định, tên trí tuệ. Khi định tâm không sợ, an ổn rồi, dùng trí tuệ quán thấy các thứ bên ngoài đều huyễn hóa không thật, thân này cũng như thế. Huyễn diệt huyễn mặc nó, không có gì quan trọng. Như vậy trí tuệ và thiền định là hai vũ khí rất thiết yếu của người tu.

Tỳ-kheo! Do phương tiện này nên biết, pháp còn phải diệt huống là phi pháp. Đã từ lâu, ta vì các thầy nói kinh Nhất Giác Dụ, không ghi lại văn tự, huống giải thích ý nghĩa. 

Nhất Giác Dụ là dụ về một cái giác. Trong cuộc chiến này chỉ có giác thôi, không có gì nữa. Chúng ta tu hành muốn an ổn cũng phải giác, thấy đúng như thật là dùng kiếm trí tuệ chặt đứt mọi thứ sợ hãi,

Vì sao? Pháp này sâu xa huyền diệu, các bậc Thanh văn, Bích-chi Phật tu pháp này được công đức lớn, được cam lồ, đến chỗ vô vị, 

Thế nào tên là Dụ nương thuyền? Nghĩa là y nơi mạn diệt mạn, mạn đã diệt tận, lại không còn những niệm tưởng não loạn. Cũng như da con chồn được thuộc kỹ, lấy tay cuộn lại, không nghe tiếng sột soạt, không có chỗ cứng cộm. Đây cũng như thế. Như Tỳ-kheo chấm dứt kiêu mạn, không có tăng giảm. Cho nên nay ta bảo các thầy rằng: “Giả sử bị giặc giam cầm, chớ khởi tâm ác, nên đem lòng từ ban khắp các nơi, cũng như da kia rất mềm mại, bèn được chỗ vô vị lâu dài.” 

Như thế, Tỳ-kheo! Nên khởi niệm như thế. 

Ngay khi thuyết pháp này, có ba ngàn thiên tử ngay tại chỗ ngồi các trần cấu sạch hết, được pháp nhãn tịnh. Còn sáu mươi Tỳ-kheo khác lại bỏ pháp phục, tập hạnh cư sĩ. Sáu mươi Tỳ-kheo khác, lậu tận ý giải, được pháp nhãn tịnh. 

Phật nói bài kinh này chư thiên ngộ đạo, sáu mươi vị Tỳ-kheo được sạch hết các lậu. Lại có sáu mươi vị Tỳ-kheo xả pháp phục lui về thế tục. Tại sao? Hạng lui về là hạng nào? Là hạng chấp pháp, là các vị đã hỏi “học đạo không phải do pháp sao?” Phật nói pháp còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp, nhưng họ cho rằng phải có pháp học mới được. Các vị ấy nghe nói bỏ pháp thì không còn chỗ nương tựa nên thối tâm Bồ-đề. Đó là nói về dụ thuyền bè.

Trang trước Mục lục

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.