Thiện Tài Cầu Đạo

43. Tham vấn Thầy Biến Hữu



Theo lời hướng dẫn của thiên nữ Surendraba, Thiện Tài trở về thành Kapilavastu để gặp vị thầy tiếp theo. Đây là vị thầy của các đồng tử, các thiếu niên thơ trẻ, tên Biến Hữu. Vị thầy này không nói, không chỉ dạy, không trao cho điều gì. Khác hẳn tất cả các bậc thầy đã gặp từ trước, ân cần nói về sở chứng, nói về kinh nghiệm tu tập, thầy Biến Hữu bảo Thiện Tài đến học hỏi với một thiếu niên trẻ tuổi tên Thiện Tri Chúng Nghệ – biết rành tất cả nghề nghiệp. Chỉ một lời giới thiệu rồi Thiện Tài ra đi.

Có phải vì nhân duyên cầu đạo của Thiện Tài đã đầy đủ, đã có nhiều bài học, đã nhiều ngôn giáo? Và bây giờ là bài học Vô Ngôn. Trong truyện Tây Du, khi thầy trò Tam Tạng đến được Linh Sơn, được Phật trao cho kinh điển đem về Đông Đô, dọc đường mở ra mới thấy toàn bộ chỉ là giấy trắng, mới hay thỉnh nhầm kinh Vô Tự. Vô ngôn hay Vô tự là mật chỉ vi diệu. Có thiền sư được thỉnh lên tòa thuyết pháp, ngài chỉ đánh tiếng chuông rồi đi xuống, thị giả chạy theo hỏi sao thầy không thuyết pháp. Ngài nói, tất cả pháp đều thể hiện đầy đủ trong thiên nhiên, bảo ta nói cái gì? Ngài Triệu Châu, thiền khách đến hỏi đạo, ngài nói, ta bận chút việc, nói rồi đi vào trong. Khách chạy theo, ngài bảo: “Ta bận đi tiểu. Ông xem đến như việc ấy cũng không ai thay thế được”. Khách hiểu được hay không chẳng biết, nhưng chúng ta cảm thấy cả một bầu trời rộng mở sau hai chữ “Vô ngôn”.

Ngay nơi bản chất thật của tất cả sự vật, mỗi mỗi đều tương quan khăng khít với nhau. Có mặt bên này của đồng tiền thì luôn có mặt bên kia, không thể nói mặt nào giá trị hơn mặt nào. Không thể phân chia ngôi vị cao thấp khinh trọng, không có ngôn từ nào diễn tả cho hết tâm tư, đơn giản như khi cầm một đồng tiền trên tay, chúng ta sẽ nói gì? Tất cả pháp đều kết hợp hài hòa nên muốn sống trọn vẹn, hành giả phải vô tâm vô sự. Thâm nhập cảnh giới này thì tâm tư hồn nhiên vô tư. Vì thế vị thầy của lần cầu đạo này được gọi là thầy của trẻ thơ, dù thế gian mải miết trôi chảy mà minh sư luôn là trẻ thơ.

Nhớ bài giảng Vô Ngôn này, Thiện Tài biết rằng phải hết lòng tu học và hành Bồ tát đạo. Nhưng vẫn không thấy có pháp môn để học, có thành quả nào để đạt đến, chỉ thuận duyên giúp đời giúp người.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.