Lạt-ma Bách Trí (Patrul) là một vị thầy dạy đạo khắp thôn làng Tây Tạng. Có lần Ngài đến Zamthang, được một nông dân nghèo khổ cúng dường một chiếc móng ngựa bằng bạc. Người ấy đặt tặng phẩm dưới chân Ngài, hết lòng dâng cúng.
Một tuần sau, Lạt-ma lên đường đi từ làng này qua làng khác, lần này Ngài bị một tên trộm theo dõi, y đã thấy Ngài nhận tặng phẩm. Và chiều tối xuống, Lạt-ma tìm thấy một cái hang kín gió ở thảo nguyên mênh mông, Ngài đặt mình nằm xuống nhắm mắt ngủ. Tên trộm đợi một lát, từ từ bò đến chỗ Ngài, mò mẫm bình nấu trà, túi xách, rồi dần lục soạn trong chiếc áo lông trừu mà Lạt-ma đang trùm kín.
“Ka hô” – vị đại sư lẩm bẩm – “Người mò cái gì trong áo ta?” – “Cái móng ngựa bằng bạc! Ngài giấu nó trong áo.” “Trời đất!” – Ngài thở dài: “Xem này, ngươi làm gì với cuộc đời ngươi như thế? Ngươi theo ta suốt tuần lễ, qua bao nhiêu con đường vắng trơ trọi, chỉ vì miếng kim loại đó sao? Nghe đây, hãy đi lui trở lại, tìm cho ra chỗ ta đốt lửa nấu trà, nơi ta giảng pháp và ngủ lại ở Zamthang. Giữa đống tro và mấy viên đá, ngươi sẽ thấy nó, ta dùng để kê bình trà và bỏ lại rồi.”
Tên trộm bất ngờ trước sự buông bỏ của Lạt-ma. Y trở lại chỗ cũ, tại ngọn đồi nơi Lạt-ma nói chuyện với dân làng, nơi Ngài nấu trà uống trong đêm, đào bới trong tro và tìm thấy miếng bạc quý. Y nhìn ngắm vật mình mơ ước, lòng cảm thấy hối hận: “Ông Lạt-ma này không quan tâm đến của cải thế gian, vất bỏ nó như đá gạch. Còn ta, nghiệp báo đã xấu xa rồi, bây giờ còn gây thêm nghiệp ăn trộm đồ của ông nữa, tương lai chắc phải chịu trừng phạt nặng.”
Tên trộm tìm đường đuổi theo Lạt-ma. Ba ngày sau, tìm thấy Ngài giữa khung cảnh hoang vắng, y chạy theo kêu. Lạt-ma gọi lại: “Máu tham của ngươi vẫn còn hay sao? Ta đã chỉ ngươi miếng bạc. Ngươi còn muốn gì nữa?” Tên trộm đầm đìa nước mắt hối lỗi, quỳ xuống chân Lạt-ma, xin được quy y.
Trong tận cùng sâu thẳm của mỗi chúng sanh đều có Phật. Thiện Tài theo lời chỉ dẫn của thần Đại Thiên, đến gặp địa thần An Trụ. Đây là vị thần đất rộng lớn mạnh mẽ, nâng đỡ và nuôi dưỡng vô số chủng loại. Đi sâu vào trái tim của đất, đó là chỗ trụ vững, cung cấp chất liệu và làm lớn mạnh công đức Bồ tát. Sau khi kết nối với thần trời cao rộng, Thiện Tài kết nối với thần đất sâu dày, lòng tin và sự phát tâm mạnh của mỗi chúng ta sẽ làm rung chuyển tầng tâm thức cứng chắc.
Thiện Tài đến một khu rừng toàn cây Bồ-đề, ở đó địa thần An Trụ cùng trăm vạn vị thần đất đang phóng quang chiếu sáng khắp nơi. Mỗi tầng đất đều có một năng lực lớn, chúng ta tu tập phát tâm đơn giản, một năng lực nhỏ xíu được đánh thức. Tâm hồn vị kỷ, chưa biết tha thứ cảm thông, chưa trải lòng ra với mọi người, ví như tầng đất còn khô cứng. Khi chúng ta mở lòng ra, quên một chút bản thân, quên một phần nhỏ hẹp, lúc đó đất đã chợt bừng nở, dâng cho đời một chút hoa cỏ dịu dàng. Bồ tát hạnh là phát triển tâm đến tận cùng, có năng lực đem đến an vui mát lành cho bất cứ ai.
Thiện Tài được giới thiệu pháp môn Kho Tàng Trí Tuệ không thể phá hoại, đất là nơi cất giữ bảo trì tất cả vật báu. Những gì chúng ta tạo ra, đã làm đang làm và sẽ làm, đều được đưa vào kho tàng thức sâu kín, lưu trữ nơi đây không mất đi đâu. Kho tàng ấy như chủ tạo ra cuộc đời của mình. Chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh, ấy là tùy sự tạo dựng của chúng ta, làm ăn trộm hay làm hành giả tu tập, cũng là duyên nghiệp quá khứ. Khi ăn trộm phát tâm chuyển hóa, ấy là ánh sáng trí tuệ soi chiếu, thay đổi đường đi lối về, và anh ta bước vào vùng ánh sáng.
Địa thần mở cửa kho tàng trong lòng đất, vô số trân bảo quý giá hiện ra rực rỡ một vùng. Địa thần nói với Thiện Tài : Đây là tất cả thiện căn mà ông đã gieo trồng từ vô số đời quá khứ. Xem ra tất cả thiện căn, trí tuệ chúng ta tạo ra không bao giờ hư hao biến mất. Với lời giới thiệu này, gieo một niềm tin vững chắc, chúng ta cẩn thận quý trọng với những gì mình làm cho mọi người.
Khi chúng ta đã giàu có, sở hữu một số lớn công đức trân bảo trong kho, trong chỗ cất giấu vững bền, chúng ta sẽ làm gì? Không phải thụ hưởng, đi mua sắm tiêu xài thỏa thích, chúng ta mở kho báu tâm thức, chia sẻ cho mọi người, chiếu ánh sáng và niềm vui an lạc cho ai cần đến. Đó là lúc chúng ta chắp tay tụng lời hồi hướng:
Nguyện cho hết thảy chúng con cùng mọi người
Đồng được lên ngôi Vô thượng giác.
Trách nhiệm của một vị Bồ tát là đem hết thảy chúng sanh đặt lên bờ giác ngộ. Trách nhiệm của chúng ta trong cuộc đời là nghiêng vai chia sẻ, làm đất nâng niu từng gót chân người trong cõi trần ai. Hình như không dễ, nhưng cũng thú vị khi làm được chút gì lợi ích.