Thiện Tài Cầu Đạo

28. Tham vấn Bồ-tát Chánh Thú



Trong lúc Thiện Tài đang cầu học Bồ tát đạo với Bồ tát Quán Thế Âm thì Bồ tát Chánh Thủ từ một cõi Phật rất xa, đến đạo tràng Phổ Đà. Một bước chân làm chấn động, rung chuyển, một ánh sáng che mờ cả ánh mặt trời. Đó là biểu hiện cho sự thành tựu trọn vẹn đầy đủ nơi mình. Thiện Tài thưa hỏi, Bồ tát Chánh Thú nói Ngài đạt được pháp môn du hành khắp nơi nhanh như chớp mắt. Bồ tát này còn nhanh hơn Bồ tát Quán Thế Âm, chúng sanh có niệm yêu cầu Ngài mới ứng hiện, Bồ tát này ngay lập tức có mặt, không đợi khởi một niệm. Bồ tát Quán Thế Âm còn ở bên ngoài, Bồ tát này là chính thân ta, chỉ có ta mới gần ta trong chớp mắt.

Đoạn đường cầu học của Thiện Tài, đến đây cần được hiểu rằng, sau khi tham vấn tất cả các bậc thầy, mỗi vị tượng trưng một công hạnh. Nếu chỉ học hỏi thì thầy vẫn còn ở ngoài, chúng ta cần thể hiện tư cách tự mình là thầy, tự cứu độ chính mình. Bồ tát Chánh Thú nói Ngài có khả năng trong một chớp mắt – một nốt nhạc – thổi bay hàng tỷ kiếp cực khổ đau đớn của sáu nẻo luân hồi. Chúng sanh nào chạm đến ánh sáng của Ngài liền thoát khỏi phiền não buồn sầu. Điều này dường như không tưởng, nhưng xét kỹ xem, không ai ngoài chúng ta có thể giải thoát cho mình. Khi ánh sáng trí tuệ tự thân bừng lên soi xét kỹ vấn đề, chúng ta thấy mình bước ra khỏi phiền muộn trong chớp mắt.

Thời Phật, có một người đàn bà bị mất đứa con trai duy nhất. Bà ôm xác con đi quanh khắp nơi cầu cứu, tìm phương cách cho đứa bé sống lại. Người ta giới thiệu bà đến gặp Phật, Phật bảo Ngài có thể giúp đứa bé sống lại, với điều kiện bà xin được bảy hạt cải của một gia đình nào chưa từng có người chết. Bà mẹ đi khắp mọi nhà, hạt cải thì ai cũng sẵn lòng cho, nhưng không gia đình nào không có người chết. Cuối cùng bà nhận ra sự thật, bằng lòng về chôn xác con, bà xin xuất gia với Phật, về sau trở thành một Tỳ-kheo-ni chứng quả.

Chúng ta thường bối rối vì những ràng buộc vướng mắc của mình, tưởng chừng không thể nào gỡ ra, tìm kiếm thầy ở mọi nơi cứu độ. Nhà thiền bảo chúng ta nên xoay lại nhìn thật kỹ nơi tâm mình, quan sát thấu đáo những vui buồn vây quanh, chỉ nhìn tâm một cách khách quan, không phê bình chống đối, nhìn và lắng nghe tâm mình đang nói chuyện – Hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm là ở đây. Một lúc bình tĩnh hơn, ổn định tâm tình, sẽ thấy cửa bật mở. Bồ tát Chánh Thú xuất hiện.

Chứng Đạo Ca của thiền sư Huyền Giác có nói:

Chứng thực tướng vô nhân pháp

Sát-na diệt khước A-tỳ nghiệp.

Có thể hiểu là: Thấy tướng thật của vạn vật, tướng đó như thế nào hiện ra như thế ấy. Tướng đẹp, tướng xấu, tướng giận hờn tham lam hay tướng vui vẻ,… nó chỉ là nó thôi, không có người nào làm chủ thể, và không có ai, không có ngã, có tôi, chỉ là hiện tượng đang biểu lộ. Thì lúc đó, có ai để gây nghiệp, ai thọ khổ? Và trong nháy mắt, tất cả núi buồn vui chất chồng sụp đổ.

Sự diễn biến xảy ra nhanh chóng, mỗi người tự kinh nghiệm. “Phản quan tự kỷ” là bí yếu của nhà thiền, xoay ánh sáng vào tâm, ta chính là ánh sáng trí tuệ ấy. Những vướng mắc vì mê mờ sẽ tự tan nhanh. Điều này có vẻ rất khó làm, nhưng tất cả thiền sư đều chỉ làm việc này, mình là con cháu nhà thiền cũng phải thực hành y như vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.