Những chuyến đi cầu học với thiện tri thức, luôn luôn gặp những việc thù thắng tốt đẹp. Vị thầy nào cũng thành tựu các pháp môn siêu việt, có oai thần và khả năng chinh phục. Muốn được kết quả này, phải trải qua thời gian luyện công bằng tỷ tỷ kiếp. Phải chịu cực khổ, nhẫn nại, dò dẫm từng chút.
Các Bồ tát đã kể cho Thiện Tài nghe quá trình tu tập của mình. Trong quá khứ, với số kiếp nhiều như bụi, các vị được gặp Phật, cúng dường, lễ bái và bắt đầu tu tập. Có người nửa chừng tham đắm thú vui thế gian, hư hỏng rong chơi, cũng trải qua rất nhiều thế giới. Rồi lại được gặp Phật, phát tâm tu, hành trì công quả, cho đến khi thành tựu cũng mất nhiều công sức. Không ai tự nhiên thành Bồ tát có trí tuệ, thần thông. Những đoạn đường mà Bồ tát trải qua cũng là đoạn đường chúng ta đang đi.
Được gặp Phật, gặp giáo lý học hỏi, có người chỉ đường là giai đoạn khởi đầu. Cũng cúng dường, lễ bái, cũng tới lui xẹt ra xẹt vô, nhưng có bền hay không còn tùy. Đôi khi cao hứng đi tu chơi vài hôm, rồi biến mất, đợi kiếp sau tu tiếp. Cũng có khi bền chí theo tu tập, nhưng lòng thầm mong, sao mình không đắc đạo cho rồi, mình mong ước được giải thoát nhanh chóng… cho đỡ phải tu.
Tu mà còn ngán, còn ép mình, thì chưa được tự nhiên, nhưng tu hăng say, gặp ai cũng hối tu cho lẹ thì cũng không tự nhiên. Nó phải là một nghệ thuật, không biết phải trình bày thế nào đây.
Chuyến đi cầu đạo này, Thiện Tài đến thành Thiện Độ, gặp cư sĩ Tỳ-sắc-chi-la. Vị này được pháp môn “Bất Bát Niết Bàn”, nghĩa là biết chư Phật mười phương rốt ráo không nhập Niết-bàn, đệ tử làm lễ trà-tỳ và xây tháp thờ xá-lợi. Vậy thì danh từ “Niết-bàn”, “Xá-lợi” chỉ là giả ảo. Điều này có làm tổn thương tấm lòng cung kính của chúng ta không?
Kinh Lăng Già nói:
Tất cả không Niết-bàn
Không Niết-bàn của Phật
Không có Phật Niết-bàn
Để thấy chúng ta buông tất cả chấp trước tận cùng. Niết-bàn không phải là cảnh giới để dành cho người tu, không phải là đất hứa, tu rồi về Niết-bàn. Với tấm lòng đại bi của Bồ tát, Niết-bàn là một hình thái diễn tả sự tận tâm tận lực vì chúng sanh, làm hết thảy việc nhưng không thấy có người làm, làm cho ai… “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.” Có lẽ đây là ca từ gần với Niết-bàn
Cư sĩ Tỳ-sắc-chi-la nói với Thiện Tài, ông thấy chư Phật rất nhiều, các đức Như Lai đầy khắp mọi nơi, không có vị Phật nào ngồi yên ở bờ Niết-bàn. Vì rốt cuộc, Niết-bàn và cõi đời sanh tử chỉ là một. Đây là một khám phá thú vị nhất, dễ thương nhất, dạy cho Thiện Tài thôi đừng nhớ trông về một chốn Niết-bàn vĩnh hằng. Có lên được Niết-bàn đó thì cũng không gặp ai đâu, vì chư Phật còn bận rộn lui tới trong hằng hà sa thế giới. Chư Phật hiện hữu ra vào trong tất cả nơi chốn, tất cả thân chúng sinh. Đó cũng chính là tấm lòng chân thật của mình, sẵn có nơi mình, an trú trong tâm mình chính là an trú Niết-bàn. ¤