Hạt giống lành đã đâm chồi xanh tươi trong tâm người cầu đạo.
Hằng ngày nên xem xét những hạt giống nào đã phát triển trong tâm ta. Nếu là tâm niệm tốt lành, chúng ta lưu ý nuôi dưỡng bằng các yếu tố vui vẻ, hoan hỷ, tha thứ. Tính cách vui vẻ luôn xảy ra một cách tự nhiên không cố gắng. Hãy nhớ về giai đoạn ấu thơ của mình, hình như lúc nào chúng ta cũng cảm thấy vui cười, cảm thấy thế giới xung quanh tràn đầy tươi mát. Cũng vậy, những người trẻ gặp nhau thường chọc ghẹo, cười đùa, bất cứ việc gì cũng là trò chơi vui vẻ. Các vị tu sĩ thường tu tập tọa thiền, quán niệm hơi thở, tâm tỉnh giác thường xuyên, sẽ có trạng thái như trở về trẻ thơ hồn nhiên an lạc.
Luôn có một cảm giác dễ chịu nhẹ nhưng xuyên suốt thân tâm, đó là một sự hiện diện của lòng từ, tâm buông xả không dính mắc, nhẹ nhàng khinh an.
Chuyến đi học đạo lần thứ sáu này, Thiện Tài được giới thiệu đến gặp Tỳ-Kheo Hải Tràng. Tỳ-Kheo đang tọa thiền, thân tâm không lay động, hơi thở nhẹ như không, dáng uy nghi như núi. Đây cũng là bài học không lời. Đôi lúc chúng ta chỉ cần ngồi yên, tự thân mình cảm thấy tất cả hoạt động, ngôn ngữ… đều vô nghĩa, đều không nói lên được điều gì.
Tỳ-Kheo Hải Tràng đang nhập định, nhưng tự thân phát xuất nhiều ánh sáng thâm trầm, ánh sáng của giác ngộ tỉnh thức. Mỗi người đều có ánh sáng này, nhưng vì không biết cách làm cho nó hội tụ, nó gồm lại như ánh sáng mặt trời đi qua thấu kính hội tụ.
Chúng ta thường bị vướng mắc trong ý niệm sai biệt, sống với nhận thức phân biệt nên không được tự do, ra khỏi vòng trói buộc của cảm xúc. Như Tôn Ngộ Không bị kim cô trói trên đầu.
Nếu thường tỉnh táo, nhìn mọi thứ xảy ra xung quanh nó là như vậy, nó đến rồi đi, bình tĩnh một chút, bớt nóng vội một chút, khoan hành động hấp tấp, có lẽ thế giới sẽ bớt “điên” hơn. Thế giới người điên là thế giới vội vàng.
Bài học của Tỳ-Kheo Hải Tràng là áp dụng trí Bát Nhã để nhìn xuyên qua mọi thứ, để bớt dao động. Thầy nhìn một bông hoa mới nở, lòng thấy vui với vẻ tươi mới của nó. Vài hôm sau, nó mất sắc úa tàn rụng, thầy lại thấy lòng buồn. Thế là quên mất trí Bát-nhã, bài kinh thường tụng, “Không sanh không diệt, không thêm không bớt…” Chỉ một bông hoa vô thường thôi, mà đã rầu rĩ rồi, nói gì tới việc lớn hơn. Bài học này rất khó. Nhưng cũng phải học cho tới khi thường nhớ. ¤