Thiện Tài Cầu Đạo

04. Tham Vấn Trưởng Giả Di Già



Theo lời giới thiệu của Tỳ Kheo Thiện Trụ, Thiện Tài đi đến thành Tự Tại, tham học với Trưởng giả Di-già. Trưởng giả là danh xưng để tôn trọng những bậc trí thức, người có địa vị cao trong xã hội. 

Đã quen với cảnh núi rừng u tịch của những vị thầy ẩn cư, bây giờ tiếp bước vào thành phố rộn rịp, nhà nhà cao rộng, Thiện Tài có đôi chút bỡ ngỡ, dù thanh niên tuổi trẻ này đã từng sống ở đô thành mỹ lệ. Vị trưởng giả này đang giảng thuyết trong một hội chúng 10.000 người. Cảnh tượng thật hoành tráng. 

Biết chí nguyện tham tìm chân lý của Thiện Tài, vị thầy này hết lời khen ngợi:

– Ai đã lên đường đi tìm chân lý thì đã có chân lý rồi. Chân lý có thể tìm thấy trong trái tim người học đạo.

Mong muốn hướng đến đạo lý chân thật thì trong chúng ta đã ngầm chứa sự chân thật, không cần phải tìm cầu ở đâu xa xôi.

Điều này an ủi trái tim của tuổi trẻ, trao niềm tin tưởng rằng cuộc đời của mình không đến nỗi… tệ lắm. “Buổi sáng nghĩ điều lành, buổi trưa làm điều lành, buổi tối nghĩ điều lành, ta có một đời vui. Ta sẽ có Niết-bàn ngay giữa cuộc đời này, ta sẽ có hòa bình ngay trong trái tim ta.”

Bài học Thiện Tài nhận được từ Trưởng giả Di-già là một bài học quan sát âm thanh. Trưởng giả có khả năng thấu hiểu mọi âm thanh ngôn ngữ của mọi loài. Âm thanh là sự rung động tế nhị của những tần số khác nhau, thế giới chúng ta chịu rất lớn ảnh hưởng của âm thanh. Một bài hát một câu niệm Phật là âm thanh khiến người ta hạnh phúc hay đau khổ.

Bước đường học đạo là đi tìm những cấu tạo tế nhị, thâm sâu. Trước tiên lắng nghe tiếng nói của chính mình, rộng hơn lắng nghe ngôn ngữ của vạn vật. Một vườn hoa quả muốn có hoa trái, đôi khi người ta mở nhạc cho nó nghe. Và tiếng chim hót, tiếng con sâu, con ếch kêu cũng là một bản nhạc hòa bình. Đôi khi chúng ta sống chậm lại, trầm tư một chút, để ý lắng nghe một chút, sẽ thấy rất nhiều điều mới lạ. Đó cũng là cách học đạo. Chịu khó lắng nghe sẽ thấy cuộc đời đổi khác. 

Nhân duyên pháp hội 

Trở lại từ ban đầu, lúc Thiện Tài phát tâm cầu đạo. 

Tại rừng Thê-đà, tức là rừng cây của Thái tử Kỳ-đà, hay Kỳ viên, chỗ này chúng ta đã có dịp đến thăm. Nơi Đức Phật dừng chân lâu nhất và nhiều nhất, di tích Kỳ viên là một di tích rất hưng thịnh của Phật giáo. 

Đức Phật ở tại đây, mở pháp hội nhóm chúng, vô số đệ tử người và trời tụ tập đến nghe. Các Tỳ-kheo, các Bồ-tát y phục rực rỡ và chư thiên mang hoa quả cúng dường. 

Đặc biệt, trong số người nghe pháp, 2 nhân vật nổi tiếng xuất hiện, đó là Bồ-tát Văn Thù và Bồ-tát Phổ Hiền. Bồ-tát Văn Thù tượng trưng trí tuệ sáng suốt, trí tuệ thấu rõ mọi tâm tình và hiện tượng. Bồ-tát Phổ Hiền tượng trưng hạnh nguyện rộng khắp, dấn thân vào cuộc đời, làm tất cả những gì lợi ích. Mỗi vị Bồ-tát đều đem theo rất nhiều đệ tử tùy tùng, mỗi đệ tử cũng dẫn theo bà con thân quyến, có người đi vì tò mò, có người đi theo vì nghe nói Kỳ viên rất đẹp, cũng có người đi theo vì ở nhà buồn quá không biết làm gì. Tóm lại, đến dự pháp hội có nhiều thành phần – có khi vào đó chỉ để chụp hình gửi Facebook.

Nhưng, trong kinh mô tả, Bồ-tát Văn Thù cưỡi sư tử, Bồ-tát Phổ Hiền cưỡi voi, và dưới bước chân của hai vị, có nhiều chuyện màu nhiệm. Lẽ dĩ nhiên, kinh phải khác hơn đời thường, nếu không người ta tụng kinh để làm gì?

Sư tử hành thời phương thảo lục 

Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng. 

Nghĩa là, khi sư tử – tức Văn Thù – bước đi, nơi nơi cỏ mọc xanh non, và khi voi chúa – tức Phổ Hiền – quay đầu nhìn lại thì những cánh hoa rơi rụng bỗng hồng lên rực rỡ. Ý rằng các vị đã làm cho thế giới chúng ta xanh màu hi vọng, những gì héo úa phai tàn chợt thức dậy. Những gì mình đã làm tổn thương, đã tưởng như chết chóc bừng lên sức sống. Thầy rất thích hai câu thơ đó, nói về câu chuyện bước vào đời của những trái tim tuổi trẻ, muốn thiết lập, xây dựng con người trong tử tế, trong yêu thương. 

Hai vị Bồ-tát này là khởi động, mở đầu cho cuộc lên đường tìm kiếm chân lý – bộ mặt thật, có ý nghĩa tốt nhất, xây dựng tâm hồn lạc quan. Những người đang trên đường tìm kiếm, đời sống là một cuộc tìm kiếm bất tận, học hỏi không ngừng. Đôi khi chúng ta cũng rầu rĩ, chán nản – vì không được tụ tập vui chơi, đi ra ngoài phố ngắm thiên hạ. Nhưng thỉnh thoảng cũng phải có lúc dừng chân, ngắm lại mình, ngắm lại đời để lấy năng lượng đi tiếp, nếu cứ chạy hoài, xe hết xăng.

Tóm lại, Thiện Tài, theo sự chỉ dẫn của Bồ-tát Văn Thù, là đại diện cho chúng ta, lên đường học hỏi. 

Bước đi như một vị Sa-môn, nơi nơi đều có cỏ xanh tràn lan. Theo lời chỉ dẫn của Bồ-tát Văn Thù, Thiện Tài đã đi qua rất nhiều nơi chốn, trên đường gặp gỡ đạo nhân, cũng có những người thợ săn, người chài lưới… Trải qua 113 thành phố, gặp và học đạo với 53 vị thầy, đó là con số ước lệ, với thời đại chúng ta, Thiện Tài có thể là một nhà du lịch tuổi trẻ. Cũng có thể không cần ra khỏi cửa, ngồi một chỗ cũng có thể nối mạng khắp nơi, nhấp con chuột là học vô số bài học. 

Qua các bài trước, Thiện Tài đã lên núi gặp Tỳ-kheo Đức Vân, xuống biển gặp Tỳ-kheo Hải Vân, đến xóm Hải Ngạn gặp Tỳ-kheo Thiện Trụ. Còn đi đâu nữa, các thư sau sẽ nối tiếp. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.