Thiền Sư Việt Nam

Thiền sư Quảng Nghiêm (1121 - 1190) (Đời thứ 11, dòng Vô Ngôn Thông)



Sư họ Nguyễn, quê huyện Đan Phượng, mồ côi từ thuở bé, theo học Phật pháp với người cậu là thầy Bảo Nhạc. Sau khi thầy Nhạc qua đời, Sư đi hành cước bốn phương, viếng khắp các nơi thiền tứ. Nghe Thiền sư Trí Thiền giáo hóa ở chùa Phúc Thánh hạt Điển Lãnh, Sư liền đến đây tham vấn.

Một hôm nhân nghe Trí Thiền giảng Ngữ lục của ngài Tuyết Đậu, đến chỗ Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến nhà người điếu tang đối đáp về vấn đề sanh tử, Sư có sở đắc liền hỏi:

– Một câu thoại đầu ấy, người xưa nói ở trong sanh tử, lại có lý hay không?

Trí Thiền đáp:

– Ngươi nhận được lý này chăng?

– Thế nào là lý không sanh tử?

– Chỉ ở trong sanh tử khéo nhận lấy.

– Đạt vô sanh rồi.

– Vậy thì tự liễu.

Ngay câu nói này, Sư càng thấu suốt, lại hỏi:

– Làm sao bảo nhậm (gìn giữ)?

– Đã liễu ngộ lại đồng chưa liễu.

Sư sụp xuống lạy.

Từ đây tiếng Sư vang khắp tùng lâm. Trước Sư đến chùa Thánh Ân ở làng Siêu Loại dừng trụ. Binh bộ Thượng thơ Phùng Giáng Tường nghe danh kính mộ, thỉnh Sư về trụ trì chùa Tịnh Quả do chính ông lập. Nơi đây Sư xiển dương tông chỉ, thiền giả đến học đều được lợi ích.

Một hôm, đệ tử nhập thất là Thường Chiếu đem kinh Kim Cang hỏi:

– “Pháp Như Lai đã được, pháp này không thật không hư”, ấy là pháp gì?

Sư đáp:

– Ngươi chớ hủy báng Như Lai.

– Hòa thượng chớ hủy báng kinh.

– Kinh này là ai nói?

– Hòa thượng chớ đùa với con, đâu không phải là Phật nói sao?

– Nếu là Phật nói, vì sao trong kinh lại nói “nếu nói Như Lai có nói pháp tức là hủy báng Phật”?

Thường Chiếu không đáp được.

Có vị Tăng hỏi:

– Thế nào là Pháp thân?

Sư đáp:

– Pháp thân vốn không tướng.

– Thế nào là Bát-nhã?

– Bát-nhã không hình.

– Thế nào là cảnh Tịnh Quả?

– Cây thông, cây thu bên ngôi mộ xưa.

– Thế nào là người trong cảnh?

– Một mình ngồi bịt miệng bình.

– Chợt gặp tri âm làm sao tiếp

– Tùy duyên nhướng đôi mày.

– Thế ấy là cháu chắt Kiến Sơ, là con Âu Tông?

– Người ngu nước Sở.

Tăng không đáp được.

Đến ngày 15 tháng 2 năm Canh Tuất, nhằm niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ năm (1190), Sư sắp tịch liền nói kệ:

Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt,

Được vô sanh, sau nói vô sanh.

Làm trai có chí xông trời thẳm,

Chớ giẫm Như Lai vết đã qua.

(Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.)

Nói kệ xong, Sư chắp tay vui vẻ thị tịch, thọ sáu mươi chín tuổi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.