Thiền Sư Việt Nam

Thiền sư Minh Trí (? - 1196) (Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)



Sư họ Tô, tên Thiền Trí, quê ở làng Phù Cầm. Tư chất thông minh, đọc khắp sách vở ngoài đời. Lúc trẻ gặp Thiền sư Đạo Huệ liền xả tục xuất gia. Theo hầu Đạo Huệ, Sư thấu đạt lý huyền diệu của Thiền, trực nhận được ý chỉ các bộ kinh Viên Giác, Nhân Vương, Pháp Hoa và sách Truyền Đăng. Do chuyên cần đọc tụng quên cả nhọc nhằn, nên nhà vua ban hiệu cho Sư là Minh Trí.

Sau Sư trụ trì chùa Phúc Thánh, Tăng chúng theo học đông đảo. Một hôm Sư đang bàn luận với một vị Tăng, có vị Tăng bên cạnh nói:

– Nói là Văn-thù, nín là Duy-ma.

Sư bảo:

– Không nói, không nín, đâu chẳng phải là ông?

Vị Tăng ấy liền chấp nhận. Sư bảo:

– Sao chẳng hiện thần thông?

Vị Tăng thưa:

– Chẳng từ chối hiện thần thông, chỉ sợ Hòa thượng bắt vào dạy.

Sư bảo:

– Ngươi chưa phải là con mắt giáo ngoại biệt truyền.

Bèn nói kệ:

Giáo ngoại nên biệt truyền,

Lâu xa Phật Tổ sâu.

Nếu người cầu phân biệt,

Ánh nắng tìm khói mây.

(Giáo ngoại khả biệt truyền,

Hi di Tổ Phật uyên.

Nhược nhân dục biện đích,

Dương diệm mích cầu yên.)

Đến niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ mười một (1196), Sư sắp thị tịch, nói kệ:

Gió tùng, trăng nước sáng,

Không bóng cũng không hình.

Sắc tướng chỉ thế ấy,

Trong không tìm tiếng vang.

(Tùng phong thủy nguyệt minh,

Vô ảnh diệc vô hình.

Sắc tướng giá cá thị,

Không không tầm hưởng thinh.)

Nói xong, Sư lặng lẽ thị tịch.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.