Thiền Sư Việt Nam

Thiền sư Khánh Hỷ (1066 - 1142) (Đời thứ 14, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)



Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, Long Biên, vốn hạt giống tịnh hạnh. Thuở nhỏ, Sư đã không ăn thịt cá. Lớn lên theo thọ học với Thiền sư Bổn Tịch ở chùa Chúc Thánh.

Một hôm, trên đường đến nhà đàn việt thọ trai, Sư hỏi:

– Thế nào là ý chánh của Tổ sư?

Ngay lúc đó nghe tiếng trống lên đồng trong nhà dân, Bổn Tịch nói:

– Lời nói ấy đâu không phải đồng cốt giáng thần?

– Hòa thượng chớ chuyên nói đùa.

– Ta không từng có mảy may nói đùa.

Sư không hội, bèn từ thầy mà đi.

Đến chùa Vạn Tuế, Sư ra mắt Thiền sư Biện Tài. Biện Tài hỏi:

– Ngươi từ đâu đến?

Sư thưa:

– Con từ Bổn Tịch đến.

– Thầy ấy cũng là thiện tri thức một phương, đã từng nói với ngươi câu gì?

– Con đã thờ thầy nhiều năm, chỉ một câu hỏi mà chẳng khứng cho, nên con bỏ đi.

– Ngươi đã từng hỏi câu gì?

Sư liền thuật lại câu hỏi trước. Biện Tài bảo:

– Ôi! Tịch sư vì ngươi đã nói tột rồi, chớ hủy báng Bổn sư không tốt.

Sư dừng lại suy nghĩ, Biện Tài bảo:

– Đâu không nghe nói khi đạt khắp cảnh đầy đủ, chẳng ngộ hằng trái xa.

Sư bỗng nhiên đốn ngộ, liền trở về yết kiến Bổn Tịch.

Bổn Tịch thấy Sư trở về bèn hỏi:

– Ngươi đến đâu mà về mau thế?

Sư sụp xuống lạy thưa:

– Con mang tội hủy báng Hòa thượng nên trở về xin sám hối.

– Tướng tội, tánh nó không, ngươi làm sao sám hối?

– Phải như thế mà sám hối.

Bổn Tịch liền thôi.

Sư cùng hai Thiền giả Tịnh Nhãn, Tịnh Như đứng hầu thầy.

Bổn Tịch bảo:

– Các nhân giả ở trong tông môn của ta, học hỏi đã lâu. Các ông hãy trình kiến giải của mình, để ta xem xét chỗ tiến đạo của các ông thế nào?

Tịnh Nhãn, Tịnh Như toan mở miệng đáp, Sư bèn nói to:

– Một khi mắt bị bệnh, hoa đốm rơi loạn giữa hư không.

Bổn Tịch khen:

– Xà-lê Khánh Hỷ! Sao dùng thuyền lại đập bể gàu múc nước?

– Dùng thuyền làm gì?

– Kẻ lanh lợi, chớ có mở hoác, ngươi chỉ giỏi nói đến việc bên này, nếu việc bên kia vẫn còn chưa mộng thấy.

– Tuy nhiên chỉ là y.

– Rời khỏi đầu sào trăm trượng buông tay đi, ngươi nói làm sao?

Sư nắm hai tay, thưa:

– Chẳng liễm! Chẳng liễm!

– Tha ngươi một gậy.

Do đây, danh tiếng Sư đồn khắp tùng lâm.

Khoảng niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138), vua Lý Thần Tông mời Sư vào kinh. Sư ứng đối xứng hợp ý chỉ, Vua bái phong chức Tăng lục, lại thăng chức Tăng thống.

Một hôm, đệ tử Pháp Dung hỏi:

– Liễu đạt sắc không, sắc là phàm hay là Thánh?

Sư ứng thinh đáp bài kệ:

Uổng công thôi hỏi sắc cùng không,

Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.

Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy,

Thế gian trồng quế đâu thành tòng.

Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,

Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong.

Đại dụng hiện tiền tay nắm vững,

Ai phân phàm Thánh với tây đông.

(Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không,

Học đạo vô như phỏng Tổ tông.

Thiên ngoại mích tâm nan định thể,

Nhân gian thực quế khởi thành tùng.

Càn khôn tận thị mao đầu thượng,

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.

Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,

Thùy tri phàm Thánh dữ tây đông?)

Niên hiệu Đại Định năm thứ ba (1142) nhằm năm Nhâm Tuất, ngày 27 tháng giêng, Sư thị hiện có chút bệnh rồi tịch, thọ bảy mươi sáu tuổi.

Sư có sáng tác “Ngộ Đạo Ca Thi Tập”, được lưu hành ở đời.

Theo Sử ký ghi Sư tịch vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ ba (1135).


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.