Thiền Sư Việt Nam

Thiền sư Huệ Sinh (? - 1063) (Đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)



Sư họ Lâm tên Khu quê làng Đông Phù Liệt, dòng dõi Lâm Phú ở Trà Sơn, Vũ An. Cha Sư tên Khoáng kết duyên với con gái nhà họ Quách, vì theo quê vợ nên lập nghiệp ở làng Phù Liệt. Sư có hai anh em, người anh cả làm quan đến chức Thượng thơ Binh bộ Viên ngoại lang và Sư.

Sư tướng mạo khôi ngô biện luận lưu loát, lại nổi tiếng văn hay, chữ tốt, vẽ khéo. Ngoài giờ học Nho, Sư nghiên cứu sách Phật, chư kinh bách luận không bộ nào chẳng qua mắt Sư. Mỗi khi luận đến chỗ cốt yếu của Phật pháp, Sư thường than thở rơi nước mắt.

Năm mười chín tuổi, Sư xả tục xuất gia cùng sư Pháp Thông ở Hạc Lâm thờ Thiền sư Định Huệ ở chùa Quang Hưng làm thầy. Từ đây, huyền học càng ngày càng tiến. Định Huệ an ủi và ấn chứng cho Sư.

Sau đó, Sư lê gót khắp tùng lâm tham vấn đầy đủ yếu chỉ Thiền. Rồi trụ ở Trà Sơn, ngọn núi Bồ-đề. Mỗi lần Sư vào Thiền định ít ra cũng năm ngày. Thời nhân gọi Sư là nhục thân Đại sĩ.

Vua Lý Thái Tông (1028-1054) nghe danh Sư, sai sứ đến mời về kinh.

Sư bảo sứ rằng:

– Ông không thấy con vật đem tế lễ sao? Khi chưa tế thì người ta cho nó ăn cỏ thơm, mặc áo gấm, đến khi dẫn vào Thái miếu thì chỉ xin một chút sống cũng không được, huống là việc gì!

Nói xong, Sư từ chối không đi. Sau vì nhà vua cố ép bất đắc dĩ Sư phải đến cửa khuyết. Sau khi đàm đạo với Sư, Vua rất kính phục, phong chức Nội cung Phụng tăng và sắc Trụ trì tại chùa Vạn Tuế gần thành Thăng Long.

Một hôm, nhân lễ trai tăng trong Đại nội, Vua hỏi:

– Trẫm nghĩ nguồn tâm của Phật Tổ, học giả các nơi tranh cãi nhau mãi. Vậy xin các bậc thượng đức ở đây, mỗi vị tự thuật chỗ thấy của mình, để trẫm rõ cách dụng tâm của các Ngài thế nào?

Sư ứng thinh đọc kệ:

Pháp gốc như không pháp,

Chẳng có cũng chẳng không.

Nếu người biết pháp ấy,

Chúng sanh cùng Phật đồng.

Trăng Lăng-già vắng lặng,

Thuyền Bát-nhã rỗng không.

Biết không, không giác có,

Chánh định mặc thong dong.

(Pháp bản như vô pháp

Phi hữu diệc phi vô

Nhược nhân tri thử pháp

Chúng sanh dữ Phật đồng.

Tịch tịch Lăng-già nguyệt

Không không độ hải chu

Tri không, không giác hữu

Tam-muội nhậm thông châu.)

Vua nghe qua càng mến phục, phong Sư chức Đô tăng lục.

Bấy giờ, các vương công như: Phụng Càn Vương, Uy Vũ, Hỉ Từ, Thiện Huệ Chiêu Khánh, Thái tử Hiến Minh, Thượng tướng Vương Công Tại, Thái sư Lương Văn Nhậm, Thái bảo Đào Xử Trung, Tham chánh Kiều Bồng v.v… đều tới lui thưa hỏi đạo lý với Sư.

Đến đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), lại thăng Sư chức Tả nhai đô Tăng thống, ngang với tước Hầu.

Niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ năm (1063), Sư sắp tịch, liền họp chúng nói kệ:

Nước lửa ngày hỏi nhau,

Nguyên do chưa thể bàn.

Đáp anh không nơi chốn,

Tam tam lại tam tam.

Xưa nay kẻ tham học,

Người người chỉ vì Nam.

Nếu người hỏi việc mới,

Việc mới, ngày mùng ba.

(Thủy hỏa nhật tương tham

Do lai vị khả đàm.

Báo quân vô xứ sở

Tam tam hựu tam tam.

Tự cổ lai tham học

Nhân nhân chỉ vị Nam.

Nhược nhân vấn tân sự

Tân sự, nguyệt sơ tam.)

Nói xong, Sư tắm gội, thắp hương, vào giữa đêm lặng lẽ viên tịch.

Sư có soạn văn bia các chùa: Thiên Phúc, Thiên Thánh, Khai Quốc ở Tiên Du; Diệu Nghiêm, Báo Đức v.v… ở Vũ Ninh. Các tác phẩm: Pháp Sự Trai Nghi, Chư Đạo Tràng Khánh Tán Văn… vẫn còn lưu hành.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.