Phổ Đà Sơn Dị Truyện

25. Phật Tượng Quán Âm Gắn Ngọc Báu, Lại Một Lần Nữa Ngài Chẳng Chịu Đi



Ở nơi cao nhất của Chùa Sau có một ngôi điện thờ Quán Âm ngực trần trân châu, tinh xảo trang nghiêm, mỹ quan kỳ diệu, là chỗ nổi bật nhất của cả sơn môn, đồng thời cũng là một góc quan trọng nhất của chùa, cho nên khu vực này được bài trí chỉnh tề tinh khiết. Bức tượng Quán Âm được đặt trong một hộp khung, cao khoảng năm sáu tấc, trước ngực đức Phật có gắn một hạt châu quý, long lanh sáng chói, đầu và chân đều nạm vàng, qua đó đủ thấy việc cúng thí của người xưa quả thật phong phú. Các đồ cúng bày trước Phật tiền và các tự họa, tranh sơn thủy treo hai bên tường đều là loại thượng hạng. Về tượng đức Quán Âm gắn hạt châu cũng có một câu truyện kể, nhân đây cũng xin nói qua. Truyền rằng bức tượng này trước kia để thờ ở Chùa Trước, đến đời Thanh, không nhớ vào năm nào, có một người Nhật Bản vào núi dâng hương lễ Phật, đi thăm khắp nơi từ chùa lớn am nhỏ, thấy rất nhiều loại tượng Phật khác nhau, cuối cùng chỉ thấy bức tượng Quán Âm gắn ngọc châu này là đáng giá, mỹ quan và tinh xảo hơn cả, quả đúng là một vật quý hiếm có.

Vị người Nhật này cũng như Tuệ Ngạc thiền sư, từ yêu quý bức tượng này mà nảy lòng ham muốn, từ ham muốn mà sinh lòng tham, không dứt được lòng tham mà sinh lòng ăn trộm, cho nên nhân lúc mội người không chú ý, ông ta bèn nhẹ tay nẫng luôn bức tượng, quay gót xuống thuyền, toan chuyến này một đi không bao giờ trở lại. Nào ngờ thuyền rời khỏi bến không xa, thì gặp ngay trở ngại, thuyền cứ bồng bềnh quay tròn trên mặt biển, không sao rời khỏi địa vực núi Phổ Đà, cứ loanh quanh mãi ở vùng nước xung quanh núi suốt mấy ngày liền. Lúc ấy, vị người Nhật ăn trộm tượng đó bắt đầu cảm thấy rờn rợn trong lòng. Rõ ràng là đức Quán Âm Bồ tát không muốn sang đất Phù Tang (Nhật Bản), nên cố ý trêu tức cho tên trộm biết tay, dù sao thì ngươi cũng không thoát khỏi tay ta, rồi để xem ngươi làm được gì? Chưa được sự đồng ý của ta mà ngươi dở trò ăn trộm, thì thuyền của ngươi không thoát được đâu!

Cuối cùng người Nhật Bản này nhận ra lỗi lầm của mình, không nên ăn trộm vật báu của danh sơn, nhất lại là một bức Phật tượng quý. Ông ta bèn quỳ trước mũi thuyền ngửa mặt lên trời thành tâm khấn vái: “Kính bạch đức Bồ tát, kẻ đệ tử này đã biết tội lỗi, không nên ăn trộm Thánh tượng quý báu của chốn danh sơn đem về Nhật Bản cúng dàng. Chính vì việc này mà làm ngài tức giận, làm cho thuyền của đệ tử không sao ra khỏi chốn này. Song, đệ tử cũng muốn trở lại Chùa Trước, đem trả lại bức tượng, nhưng sợ chủ nhân Chùa Trước quở trách, nên đệ tử không còn mặt mũi nào mà trở lại, khẩn xin Bồ tát từ bi, hãy cho phép đệ tử mang bức tượng trả về Chùa Sau để cúng dàng, không biết có được không? Nếu Bồ tát thương tình cho phép như vậy thì xin cho thuyền của đệ tử thuận buồm xuôi gió cập bến sơn môn Chùa Sau, để đệ tử được yên lòng”. Khấn xong, ngẩng mặt lên trời lễ mấy lễ, rồi cho thuyền nhổ neo. Kể cũng lạ, chiếc thuyền như có người lái, cứ tự động hướng về phía Chùa Sau, chỉ một lát là thuyền cập bến. Người Nhật Bản nọ cung kính đưa bức Thánh tượng vào Chùa Sau, dựng một ngôi điện để thờ. Từ đó, Quán Âm gắn ngọc báu lại trở thành Quán Âm “không chịu đi” một lần nữa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.