Vài nét chính luận lý Phật giáo

1. Dẫn khởi



∗ Dẫn

Đa số người chú mục đến Phật giáo đều nhằm phần giáo lý cao siêu giải thoát; về mặt thực tế, gần gũi với nếp sống hằng ngày của đại đa số Phật tử, ít ai lưu tâm đến. Để bổ cứu chỗ thiếu sót ấy, chúng ta hãy bàn về phần giáo lý thích ứng với cuộc sống hiện tại của quần chúng Phật tử.

Người Phật tử phải có một nếp sống thế nào? Phải ăn ở, cư xử làm sao vừa hợp với đời mà không trái với đạo? Nghĩa là phải có sự điều hợp giữa đời và đạo, để người Phật tử đủ điều kiện tiến tu và làm tròn bổn phận con người. Sự điều hợp ấy là nền tảng luân lý Phật giáo.

Đức Phật hiện thân trong nhân loại, tu hành thành đạo chứng quả, đem chỗ sở chứng của mình ra giáo hóa nhân loại, giáo lý ấy đích thực vì con người. Trong nhân loại số người tầm thường tối đa, số người siêu quần bạt tụy tối thiểu, Phật do lòng đại bi, bình đẳng giáo hóa chúng sanh, không lý do gì Ngài bỏ sót số đông, vì một số quá ít. Cho nên, quyết chắc rằng trong giáo lý Phật, phần nhiều dạy cách ăn ở, cư xử thích hợp đạo lý của đa số quần chúng.

Song vì thích thú phần giáo lý cao siêu, nên phần đông các nhà hoằng pháp đều đem giáo lý giải thoát ra giảng dạy, khiến quần chúng ngơ ngác, khó thu thập được. Hoặc giả có một số vị cho rằng phần giáo lý dạy Phật tử ăn ở thích hợp nhân luân, cũng tương tợ phần luân lý của các tôn giáo khác, đem ra giảng dạy e rằng một số người cho đó là thường. Do đó, phần luân lý Phật giáo ít được đề cập đến. Vì không thấy đề cập đến vấn đề luân lý, nên có một ít người nghi Phật giáo không có luân lý. Nếu Phật giáo không có luân lý tức là đã thiếu nhân bản. Một giáo lý không có nhân bản làm sao thích ứng với nhân loại. Đã không thích ứng với nhân loại, dù cố gắng truyền bá cũng vô ích.

Vì thế, chúng ta cần bàn xem Phật giáo có luân lý hay không?

∗ PHẬT GIÁO KHÔNG CÓ LUÂN LÝ

Có người bảo rằng: Phật giáo chấp nhận thuyết luân hồi thì không có luân lý. Vì trong dòng luân hồi cha có thể trở lại làm con, người có thể sanh làm thú… Như vậy, người tin thuyết luân hồi nhìn hiện tại này: cha con, anh em, chồng vợ, thú vật… đều không có vị trí nhất định. Đó là cái nhìn điên đảo, lộn xộn, mất hết trật tự, luân lý. Vì thế, Phật giáo không có luân lý.

Có người nói: Chủ trương của Phật giáo là thuyết vô ngã, vô ngã là không thấy có ta, có người, ta người đã không thì cha mẹ, anh em, vợ con… làm gì có. Đã không thấy có cha mẹ… thì việc ăn ở, cư xử đâu thành vấn đề. Vì vậy, Phật giáo không có luân lý.

Lại có người nói: Phật giáo dạy người tu mục đích được giải thoát, như kinh nói “tất cả nước biển chỉ một vị, vị mặn, tất cả giáo lý của ta chỉ một vị, vị giải thoát”. Luận về giải thoát là cởi mở tất cả trần duyên, tránh xa thế tục, dứt lìa ân ái. Giáo lý như vậy làm gì có luân lý?

∗ PHẬT GIÁO CÓ LUÂN LÝ

Đức Phật trước kia đã phản đối kinh điển Phệ-đà và Áo Nghĩa Thơ vì quá thiên trọng về thiên nhiên, quên mất con người. Con người mới thật quan trọng, chủ động tất cả hạnh nghiệp. Cho nên, Phật chủ trương thuyết chánh báo và y báo để thấy rõ chỗ hệ trọng giữa con người và vũ trụ. Chánh báo là bản thân chúng ta, y báo là ngoại cảnh để ta nương tựa. Tất cả ngoại cảnh đều tùy thuộc vào con người chúng ta. Nếu chánh báo tốt đẹp, y báo cũng theo đó tốt đẹp, chánh báo xấu xa, y báo cũng xấu xa. Như đức Phật Di-đà khi tu nhân phát bốn mươi tám lời nguyện, đến lúc kết quả được cõi Cực Lạc trang nghiêm. Như cõi Ta-bà thời kiếp tăng do người tu Thập thiện nên tuổi thọ rất dài, cỏ cây xinh tốt, thời kiếp giảm do người hành thập ác, nên tuổi thọ càng ngắn, cây cỏ xấu xa… Đức Phật đã chú trọng vào con người, đương nhiên nền luân lý để giáo dục cho con người phải có. Vì thế trong Phật giáo nhất định có luân lý.

Phật giáo chấp thuận thuyết luân hồi, song không phản luân lý. Bởi vì luân lý Phật giáo lấy từ bi làm trọng tâm, thuyết luân hồi giúp cho lòng từ bi tăng trưởng nên thuyết luân hồi hữu ích chớ không phá hoại luân lý. Khi chúng ta nhận xét tất cả chúng sanh đều chịu sanh tử luân hồi, sự sanh tử luân hồi không phải chỉ một đời này, mà vô biên, vô số kiếp đều có cha mẹ, anh em quyến thuộc…, thì những chúng sanh hiện có đây, đâu không phải là quyến thuộc của ta nhiều kiếp trước? Chúng ta làm khổ những người hiện tại đây, đâu không phải làm khổ quyến thuộc của chúng ta? Lại, thấy tất cả đều là quyến thuộc, thì tình thương quyến thuộc hiện tại thế nào, với những người kia chúng ta cũng phải thương như vậy. Do đây phát sanh lòng thương chân thật đối với mọi người, ấy là tâm từ bi.

Thuyết vô ngã của Phật giáo là tinh thần bình đẳng, không phải phi luân lý. Chúng ta quen chấp trong con người này có cái ta thường còn, tự tại. Đã có cái ta thật thì người cũng phải thật. Người tức khác với ta, ta và người trở thành đối lập. Cái gì ta được thì người phải mất, cái gì người được thì ta phải mất. Vì ở đời không có cái lưỡng toàn nên sự đắc thất hoặc đứng bên này hay bên kia. Bởi chấp ta thật nên cái gì cũng giành phần ta được, ta hơn; đó là mầm bất công gây ra tranh đấu mãi mãi. Cá nhân với cá nhân, giành cá nhân ta hơn. Đoàn thể với đoàn thể, cũng giành đoàn thể ta thắng. Quốc gia với quốc gia, muốn quốc gia mình mạnh… Tất cả sự sát phạt từng cá nhân, đến chiến tranh toàn thế giới đều do cái “chấp ngã” mà ra. Đó là chưa nói tánh cách chấp sai lầm của nó. Phật giáo chủ trương bình đẳng, không phân chia ranh giới giữa mình và người, cho đến giữa quốc gia này với quốc gia khác. Bản thân ta không thật, người không thật, thử hỏi giành phần hơn về mình để làm gì? Cho đến đoàn thể, quốc gia cũng thế. Được vậy, ta và người sống trong tinh thần hòa đồng, bất chấp, vô tư.

Hơn nữa, có vô ngã mới thực hiện được tình thương bất vụ lợi, tức là từ bi. Nếu thấy có cái ta thực hữu, phải có cái ta hưởng thụ. Vì thế, tất cả tình thương trong trắng ban đầu dần dần bị hoen ố, vì sự hưởng thụ của ta. Nếu thấy thật có ta thì không có sự hi sinh cho kẻ khác. Hoặc có hi sinh, chẳng qua vì cái danh huyễn, vì sự phẫn nộ nhất thời, vì chán sợ khổ đau dằng dai của ta mà thôi.

Phật giáo lấy giải thoát làm mục đích, tức là xây dựng một nền luân lý nhân bản không phải phi luân lý. Chúng ta đừng nhìn quá xa mà trở thành huyễn tưởng, Phật giáo nói giải thoát tức là thế nhân nói tự do. Biết quí trọng tự do của con người là nước có văn minh, quốc gia tiến bộ. Danh từ giải thoát trong Phật giáo có nghĩa là cởi mở những ràng buộc làm con người mất tự do. Sự ràng buộc ấy chính do ta tạo lấy. Như giết hại người, bị ràng buộc trong thù oán; trộm cướp của người, bị ràng buộc trong tù tội; tà dâm, bị ràng buộc trong lo sợ v.v… Vì thế, trong giới luật có tên Pratimoksa (Ba-la-đề-mộc-xoa), dịch là Biệt giải thoát, nghĩa là giải thoát từng phần. Chúng ta mở được mối nào thì giải thoát phần ấy. Sự giải thoát này thực tế, hữu hiệu đối với người biết sống và yêu chuộng tự do. Không phải nói giải thoát là bi quan, yếm thế quên cả cuộc đời, muốn chạy trốn về thế giới bên kia. Giải thoát ở đây là xây dựng con người yêu chuộng tự do và biết sử dụng tự do. Muốn được tự do, chúng ta đừng đòi hỏi ở đâu xa, phải tự cởi mở những tánh xấu xa nơi mình trước, đồng thời cũng quí trọng những cái sản hữu của người. Nơi ta sạch những tánh xấu, nơi người không xúc phạm đến. Đó mới thật là yêu chuộng tự do và biết sử dụng tự do.

Tóm lại, Phật giáo quyết định có luân lý. Vì hầu hết giáo lý đều nhằm vào xây dựng con người tốt đẹp và gây tạo ý thức hướng thượng. Song luân lý có thành hay không, khi nào phân định được thiện ác rõ ràng hay không. Nếu thiện ác phân định không được, vấn đề luân lý không thể đặt ra. Vì vậy cần phải xét tiêu chuẩn thiện ác.

∗ THIỆN ÁC KHÔNG CÓ TIÊU CHUẨN RÀNH RẼ

Thiện ác là danh từ thông dụng nhất, mới nghe qua dường như giản dị dễ hiểu, song khi bàn định tiêu chuẩn của nó thật là phức tạp vô cùng. Có những việc lúc đầu thấy là thiện, sau lại biến thành ác. Như bà mẹ cưng con, con đòi gì được nấy, muốn sao cũng chìu, kết quả đứa con hư hỏng, bệnh hoạn. Có việc lúc đầu thấy là ác, sau kết quả lại trở thành thiện. Như ông giáo dạy học trò, ông thường rầy phạt, bắt chúng phải học, khi ấy chúng cho ông là ác, đến sau học hành đỗ đạt, làm nên danh phận, chừng đó lại thấy ông là thiện. Ngoài ra, còn lắm việc như phong tục, tập quán nay cho là phải, là tốt, mai lại bảo là quấy, là xấu. Như người phụ nữ Việt Nam ngày xưa cho rằng “khuê môn bất xuất” là tốt, nay thì phải ra gánh gồng mọi việc, cho đến nhập ngũ làm quân nhân… là tốt. Hoặc phong tục, tập quán xứ này cho là phải, qua xứ khác lại bảo là quấy. Như ở Á Đông quí trọng người đàn ông, trái lại Tây phương quí trọng người đàn bà; ở Á Đông ngày xưa nếu trai gái nắm tay nhau coi như là xấu xa, ở Tây phương lại thấy lịch sự, đẹp đẽ v.v… và v.v… Sự thiện ác, tốt xấu, phải quấy ở thế gian này rối bời, khó phân tách rành rẽ. Người thiếu óc phán xét, khó nhận ra đâu là thiện, đâu là ác, đôi khi cứ nói hùa theo, người ta đề xướng sao mình nói theo vậy. Như câu chuyện ông Mặc Tử kể:

Nay có kẻ vào vườn người ta hái trộm đào, mận thì ai nghe thấy cũng chê cười, quan bắt được tất trừng phạt. Tại sao vậy? – Tại người ấy làm điều bất nghĩa, lấy của người để làm lợi cho mình.

Kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà, vịt, chó, lợn so với kẻ vào vườn người ta hái trộm đào, mận thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? – Tại lấy của người càng nhiều thì bất nhân càng to, tội càng nặng.

Kẻ vào nhà người ta ăn trộm trâu, bò, dê, ngựa so với kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà, vịt, chó, lợn thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? – Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng.

Kẻ giết người lương thiện, ăn cướp của cải, đồ đạc của người ta, so với kẻ vào chuồng ăn trộm trâu bò, dê ngựa thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? – Tại giết người, lấy của bất nhân to lắm, tội càng nặng lắm.

Giết một người là điều bất nghĩa, tất phải chịu một tử tội. Cứ lẽ ấy mà nói rộng ra: giết mười người, tất phải chịu trăm tử tội…

Nay những kẻ làm điều bất nghĩa, nhỏ mọn, tầm thường như nói trên thì biết chê cười. Đến như những kẻ bất nghĩa thậm tệ như cướp nước người, tàn sát sanh linh hàng ức vạn… thường khi thiên hạ không biết chê cười lại còn hùa theo và khen ngợi cho là nghĩa, và ca tụng ghi chép công đức, như thế thì có gì gọi được là biết phân biệt nghĩa với bất nghĩa hay không?

Kẻ nào lúc thấy đen ít bảo là đen, lúc thấy đen nhiều bảo là trắng, thì ta cho kẻ ấy không biết phân biệt đen với trắng.

Kẻ nào nếm đắng ít cho là đắng, lúc nếm đắng nhiều cho là ngọt, thì ta cho kẻ ấy không phân biệt đắng với ngọt.

Thiên hạ bây giờ không phân biệt phải trái, hay lầm lẫn lắm.

(Trích Cổ Tục Tinh Hoa tập II, trang 162 của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân)

Thật khó phân tách được đâu là nghĩa, đâu là bất nghĩa, đâu là thiện, đâu là bất thiện. Lại có lắm nhà ngụy biện lý luận điên đảo, khiến người ta đã mờ mịt lại thêm mờ mịt, không phân biệt được thế nào là thiện, thế nào là ác. Rốt cuộc họ cho rằng “thiện ác không có tiêu chuẩn”.

∗ TIÊU CHUẨN THIỆN ÁC

Pháp Bát chánh đạo là nền tảng tu hành trong Phật giáo. Chánh kiến đứng đầu trong tám pháp, nó giữ một vai trò quan trọng. Thiếu chánh kiến, bảy pháp kia trở thành vô hiệu quả. Người qui y theo đạo Phật mà thiếu chánh kiến không thể gọi là Phật tử. Tại sao vậy? – Vì chánh kiến là nhận định phân biệt thiện ác, chánh tà, tốt xấu, phải quấy. Thiếu nhận định này làm sao biết được thiện để tu, biết ác để dứt, biết chánh theo, biết tà tránh… Công nghiệp của người Phật tử sau này có thành hay không đều do chánh kiến quyết định. Ở đây chúng ta dùng con mắt chánh kiến của Phật giáo qui định tiêu chuẩn thiện ác xem thế nào. Có lẽ vấn đề thiện ác này, người xưa không có nghi ngờ, nên tìm trong kinh không thấy định nghĩa, chỉ có tản mác trong các luận.

Thế nào là thiện ác?

– Theo Luận Thành Thật định nghĩa:

Tùy làm việc gì, hay cho người sự ưa thích, ấy là thiện…
Khiến người được vui, ấy gọi là ưa thích, cũng gọi là thiện, cũng gọi là phước.

(Tùy dĩ hà nghiệp, năng dữ tha hão sự, thị danh thiện…
Linh tha đắc lạc, thị danh vi hão, diệc danh vi thiện, diệc danh vi phước.)

(Thành Thật Luận 8, phẩm Nghiệp 100)

Lại cũng trong Luận Thành Thật, phẩm Giải:

Nếu được lợi mình lợi người, lợi hiện tại và vị lai đều do tâm thiện làm gốc, nếu bị tổn mình tổn người, tổn hiện tại và vị lai đều do tâm bất thiện làm gốc!

(Nhược nhân lợi tha lợi dĩ, kim lợi đương lợi, giai dĩ thiện tâm vi bản, nhược nhân tổn dĩ, kim tổn đương tổn giai dĩ bất thiện tâm vi bản.)

Căn cứ theo Luận Thành Thật định nghĩa: Phàm làm việc gì khiến người ta vui thích là thiện, và lợi ích cho mình và người, hiện tại và vị lai là thiện.

Luận Tỳ-bà-sa giải thích ba nghiệp thiện, ác, vô ký có đoạn nói như sau:

Hỏi: Thế nào gọi là thiện, bất thiện, vô ký?

Đáp: Nếu việc làm khéo léo, hay chiêu cảm quả ưa thích, tính an ổn, gọi là thiện. Nếu việc làm không khéo léo, hay chuốc lấy quả không thích, tính không an ổn, gọi là bất thiện… Nếu việc làm cùng hai thứ kia trái nhau, gọi là vô ký.

Lại, nếu việc làm hay chiêu cảm quả khả ái, quả được vui, gọi đó là thiện. Nếu hay chiêu cảm quả bất ái, quả bị khổ, gọi là bất thiện. Nếu việc làm cùng hai thứ kia trái nhau, gọi là vô ký.

Lại, nếu việc làm hay dẫn mầm trong các cõi khả ái và mầm giải thoát, gọi là thiện. Nếu việc làm hay dẫn mầm trong các cõi phi ái, gọi là bất thiện. Nếu việc làm cùng hai thứ ấy trái nhau, gọi là vô ký.

Lại, nếu việc làm hay khiến sanh cõi lành, gọi là thiện. Nếu việc làm hay khiến sanh cõi ác, gọi là bất thiện. Nếu việc làm cùng hai thứ ấy trái nhau, gọi là vô ký.

(Vấn: Hà cố danh thiện, bất thiện, vô ký?

Đáp: Nhược pháp xảo tiện sở trì, năng chiêu ái quả, tánh an ổn, cố danh thiện… Nhược pháp phi xảo tiện sở trì, năng chiếu bất ái quả, tánh bất an ổn, cố danh bất thiện… Nhược pháp dữ bỉ nhị chủng tương vi, cố danh vô ký.

Phục thứ, nhược pháp năng chiêu khả ái quả, lạc thọ quả, cố danh thiện. Nhược pháp năng chiêu bất khả ái, khổ thọ quả, cố danh bất thiện. Nhược pháp dữ bỉ nhị chủng tương vi, cố danh vô ký.

Phục thứ, nhược pháp năng dẫn khả ái hữu nha, cập giải thoát nha, cố danh thiện; nhược năng dẫn phi ái hữu nha, cố danh bất thiện; nhược pháp dữ bỉ nhị chủng tương vi, cố danh vô ký.

Phục thứ, nhược pháp năng linh sanh thiện thú, cố danh thiện; nhược pháp năng linh sanh ác thú, cố danh bất thiện; nhược pháp dữ bỉ nhị chủng tương vi, cố danh vô ký.)

(Tỳ-bà-sa Luận, quyển 51, tạng Đại Chánh Tu, tập 27, trang 263)

Theo Luận Tỳ-bà-sa định nghĩa:

Việc làm chiêu cảm quả an ổn, ưa thích, đời này và đời sau, gọi là thiện. Việc làm chiêu cảm quả đáng chán, đau khổ, đời này và đời sau, gọi là ác. Việc làm không có hai tánh cách trên là vô ký.

Luận Thành Duy Thức định nghĩa:

Hay làm cho đời này, đời sau lợi ích, gọi là thiện. Quả vui cõi người cõi trời, tuy hiện đời hay lợi ích, không có lợi ích đời sau, nên không gọi là thiện. Hay làm tổn hại đời sau, gọi là bất thiện. Quả khổ trong cõi ác, tuy hiện đời bị tổn hại, đời sau không hại, nên chẳng gọi là bất thiện. Đối thiện, bất thiện trong nghĩa lợi ích và tổn hại không thể định rõ, nên gọi vô ký.

(Năng vi thử thế tha thế thuận ích, cố danh vi thiện. Nhân thiện lạc quả, tuy ư thử thế năng vi thuận ích, phi ư tha thế, cố bất danh thiện. Năng vi thử thế tha thế vi tổn, cố danh bất thiện. Ác thú quả báo, tuy ư thử thế tha thế vi tổn, phi ư tha thế, cố phi bất thiện. Ư thiện, bất thiện tổn ích nghĩa trung bất khả ký biệt, cố danh vô ký.)

(Thành Duy Thức Luận quyển 5, tạng Đại Chánh Tân Tu, tập 31, trang 26)

Theo  Luận Thành Duy Thức định nghĩa: Việc làm có lợi ích đời này, đời sau gọi là thiện, tuy hiện tại có lợi mà đời vị lai không lợi, chưa phải là thiện. Việc làm tổn hại đời này, đời sau gọi là ác, tuy hiện tại có tổn hại mà đời sau không, chưa hẳn là ác. Việc làm không định rõ thiện hay ác, là vô ký.

Gần đây, ngài Thái Hư định nghĩa nghiệp thiện, ác như sau:

Nghiệp thiện là hành vi theo luân lý học hay đạo đức học ở thế gian, về Phật pháp gọi là thuận hạnh học.

Nghiệp thiện đứng về không gian là lợi mình, lợi người, về thời gian thì hiện tại, vị lai đều lợi. Nếu không xét đến lợi người và nhìn xa về vị lai, chỉ căn cứ lợi ích mình nhãn tiền, ấy là nghiệp ác.

Nghiệp thiện lấy lợi ích đại chúng làm tiền đề, nên kết quả tự tha đều lợi. Nghiệp ác lấy tổn hại đại chúng làm tiền đề, nên kết quả tự tha đều hại.

(Thái Hư, trong bài truyền luận kinh Thập Thiện nghiệp đạo)

Ngài Thái Hư định nghĩa thiện ác: Việc làm lợi mình lợi người, hiện tại và vị lai, lấy đại chúng làm tiền đề là thiện. Việc làm chỉ nhằm lợi ích mình hiện tại, lấy tổn hại người làm tiền đề là ác.

Qua các nhà luận trên, tương đối chúng ta thấy thiện ác đã rõ. Nhưng cũng còn vài nghi vấn nhỏ. Như việc làm lợi mình lợi người, hiện tại và vị lai, gọi là thiện. Thực tế có nhiều việc lợi người, hại mình mà vẫn là thiện. Như thấy nhà cháy, một em bé đang bị kẹt trong ấy, có người hi sinh chạy vào lửa cứu em ra. Khi cứu được em bé, người kia bị cháy phỏng khá nhiều, phải đau khổ vì những vết phỏng hành hạ. Sự an ổn của em bé, trong sự đau khổ của người kia như vậy, đâu phải hiện tại cả hai đều lợi? Hoặc như người phát nguyện vào bệnh viện lao, hủi săn sóc bệnh nhân. Hiện tại họ an ủi bệnh nhân được phần nào, song tương lai họ có thể bị truyền nhiễm. Như vậy, hiện tại thấy có lợi một phần, mà tương lai đâu hẳn là lợi?

Tuy nhiên, theo Phật giáo, những hành động cứu người, vì người, hiện tại hoặc vị lai ta có khổ, song cái khổ ấy chỉ thời gian ngắn ngủi, sau này sẽ hưởng cái vui thời gian dài gấp mấy lần. Như trường hợp người cứu em bé sắp bị chết thiêu, người phát nguyện vào nhà thương lao chẳng hạn. Vì cái khổ ngắn, cái vui dài, nên cũng gọi là vui. Hơn nữa, tuy thân khổ mà cứu được mạng người, tâm vui thích, nên cũng gọi là vui.

Bởi tánh cách phức tạp của thiện ác như thế, nên qui định tiêu chuẩn thật khó khăn.

Thể theo những ý trên, tôi qui định tiêu chuẩn thiện ác thế này:

“Đối tự thân, hành vi xuất phát từ ý chí hướng thượng, được hướng dẫn bằng trí sáng suốt là thiện. Hành vi xuất phát từ tâm niệm hưởng thụ dục lạc, bị sai sử bởi si mê là ác.

Đối tha nhân, hành động xuất phát từ tình thương chân thật, được hướng dẫn bằng trí sáng suốt là thiện. Hành động xuất phát từ tâm tổn hại, sai sử bởi si mê là ác.

Bản thân chúng ta, bất cứ một hành vi nào xuất phát từ ý chí hướng thượng cộng với trí suy nghĩ sáng suốt, đều đưa đến kết quả tốt đẹp, an ổn. Như từ người xấu xa hèn hạ muốn tiến lên người thường, từ người thường muốn tiến lên người tốt, từ người tốt muốn tiến lên thành người hiền, từ người hiền muốn tiến lên thành bậc Thánh. Sự mong mỏi tiến lên ấy là ý chí hướng thượng. Có ý chí hướng thượng rồi, cần phải có trí sáng suốt xét đoán muốn thành người tốt người hiền phải làm thế nào? Sau khi xét đoán rồi, phải thanh lọc cái gì làm cho mình xấu, phụ trợ cái gì làm cho mình tốt. Có thế mới từ người xấu trở thành người tốt được.

Ngược lại, hành vi xuất phát từ tâm niệm hưởng thụ dục lạc, lại bị si mê sai sử, chắc chắn sẽ đưa đến kết quả xấu xa đau khổ. Như người muốn thụ hưởng sắc dục, cộng với tâm si mê, nên làm việc tà dâm gây thành việc xấu xa đau khổ sau này.

Đối tha nhân, những hành động xuất phát từ tình thương chân thật, tức là muốn làm lợi ích an vui cho người cộng thêm trí suy nghĩ sáng suốt, xét biết cái vui nào lâu dài, cái vui nào ngắn ngủi, cái vui nào thật, cái vui nào giả, rồi chọn cái vui lâu dài chân thật đem đến cho người. Có nhiều khi muốn đem cho kẻ khác cái vui lâu dài, nhưng phải đổi với cái giá khổ ngắn ngủi, họ vẫn can đảm làm. Thí dụ: câu chuyện Lưu Bình, Dương Lễ chẳng hạn.

Đối tha nhân, những hành động xuất phát từ tâm tổn hại, tức là muốn phá hoại khiến người đau khổ, cộng thêm si mê, không biết suy nghĩ phải trái; chắc chắn sẽ làm cho người đau khổ, cũng chuốc đau khổ về cho mình. Như muốn giết người trả thù, khi đó không biết suy xét kết quả khốc hại sau này, cứ làm bướng làm càn, nếu người chết, mình bị tù đày. Có khi giết người rồi, họ trốn thoát, hiện tại như khỏi khổ tù đày, song khổ trốn chui trốn nhủi làm sao thoát được.”

Tóm lại, hành động thiện phải có tình thương chân thật (từ bi) và trí sáng suốt (trí tuệ) cộng lại mới thành. Hành động ác phải có tâm tổn hại cộng với si mê mới thành. Bởi động cơ thúc đẩy hành động thành thiện hay ác là từ tâm niệm, chúng ta không hiểu thấu được tâm niệm người, chỉ nhìn trên hành động người, phê phán thiện ác không thể nào đúng được. Hành động thiện phải có trí phán xét, thiếu trí phán xét, tuy có lòng thương chân thật, nhưng đến kết quả chưa hẳn là thiện. Vì vậy, muốn phân biệt thiện ác phải có nhận xét tinh vi, tìm từ chỗ phát xuất của hành động ấy và đến cái kết quả vị lai của nó. Nếu chỉ nhìn hiện tại mà thẩm định thiện ác thì thật là oan.

Sau khi phân biệt được thiện ác, chúng ta tiện bàn luân lý Phật giáo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.