Nghi Thức Tu Tập Hằng Ngày

Nghi Thức Tọa Thiền



NGHI LỄ NHẬP THIỀN

TÁN PHẬT

Ðại từ, đại bi thương chúng sanh,
Ðại hỷ, đại xả cứu hàm thức.
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm,
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.

LỄ TAM BẢO

– Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không, khắp pháp giới.

– Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chánh pháp ba đời, tột hư không, khắp pháp giới.

– Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng, bậc Hiền thánh ba đời, tột hư không, khắp pháp giới.

– Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Bụt Cổ Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)

– Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Xá-lợi Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)

– Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Xá-lợi Tôn giả Sivali (3 lễ)

– Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô chư Thiên Long Bát bộ Hộ giáo Già-lam chư tôn Bồ-tát (3 lễ)

CHÍNH THỨC TỌA THIỀN

A/ NHẬP THIỀN

1/. Nhập thân:

Đại chúng trải bồ đoàn, tọa cụ ngay ngắn, chỉnh thân an tọa. Hoặc ngồi kiết già, hoặc ngồi bán già, hoặc xếp bằng v.v… (tùy theo sức khỏe mà chọn thế ngồi thích hợp), chỉnh thân ngay ngắn.

2/. Nhập hơi thở:

Khi thân đã ngay ngắn, bắt đầu nhập hơi thở. Đầu tiên hít một hơi thở thật sâu, sau đó nhẹ dần, cho đến khi thật nhẹ.

3/. Nhập tâm:

Buông bỏ mọi vọng tưởng, lặng lẽ lắng nghe kệ hô thiền. Khi kệ hô thiền đã dứt, cùng niệm Phật hiệu ba lần. Niệm Phật xong bắt đầu bước vào giai đoạn trụ thiền.

KỆ HÔ THIỀN

* BUỔI KHUYA

Canh năm Bát-nhã chiếu vô biên,
Chẳng khởi một niệm khắp tam thiên,
Muốn thấy chơn như tánh bình đẳng,
Dè dặt sanh tâm, trước mắt liền.
Lý diệu ảo huyền khôn lường được,
Dụng công đuổi bắt càng nhọc mình.
Nếu không một niệm mới thật tìm,
Càng cố tâm tìm, càng chẳng biết.

Nam mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (3 lần)

* BAN NGÀY

Đại chúng nghiêm trang ngồi tịnh tu,
Tinh thần tịch chiếu đồng thái hư,
Muôn kiếp đến nay chẳng sanh diệt,
Đâu cần sanh diệt, diệt gì ư?
Gẫm xem các pháp đều như huyễn,
Bổn tánh tự không, đâu dụng trừ.
Nếu biết tâm tánh không tướng mạo,
Lặng yên chẳng động, tự như như.

Nam mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (3 lần)

B/ TRỤ THIỀN

1/ Trụ thân:

Thân bất động, toàn thân thả lỏng, thanh thản. Thân lúc nào cũng ở trong tư thế thả lỏng, không được căng cứng. Thỉnh thoảng kiểm lại xem thân có bị căng cứng chỗ nào thì lại thả lỏng chỗ đó.

2/ Trụ hơi thở:

Giữ hơi thở nhẹ nhàng suốt buổi thiền. Hơi thở không được gấp, không được thô. Nếu gấp, thô phải điều chỉnh lại.

3/ Trụ tâm:

Tùy theo căn cơ mỗi người mà chọn phương pháp trụ tâm thích hợp. Đơn cử vài phương pháp:

– Nương 6 căn thể nhập tự tánh, thầm thầm nhận biết mắt thấy, tai nghe, v.v… (Chỉ nương một căn, không cùng lúc nương sáu căn). Tu tập như thế một thời gian, tự nhiên khế hợp tự tánh.

– Niệm Phật hiệu (Phật hiệu Đức A Di Đà, Đức Bổn sư, Đức Quán Âm v.v… đều được). Dụng công như thế, liên tục không gián đoạn, cho đến khi trong tâm chỉ còn một Thánh hiệu Phật hay Bồ-tát. Tiến thêm một bước nữa, nhận ra tự tánh chính là Di Đà, tâm mình chính là Tịnh độ.

– Niệm hơi thở: Sơ cơ có thể dùng phương pháp sổ tức (đếm hơi thở), hít vào thở ra đếm 1, đếm đến 10 thì quay trở lại 1, cứ thế dùng phương pháp đếm hơi thở để cột tâm. Sau một thời gian thuần thục rồi thì chuyển qua tùy tức (theo hơi thở), theo hơi thở ra vào như canh chừng tên trộm, không rời một bước. Dụng công một thời gian, tâm sẽ lặng lẽ, có thể thầm thầm nhận tự tánh.

Còn rất nhiều phương pháp trụ tâm. Hành giả tùy theo căn cơ của mình mà chọn lựa một pháp thích hợp. Trong khi tu, gặp cảnh giới lạ chớ tham đắm hay sợ hãi, nên biết đó chỉ là diệu dụng của tâm, đều không phải cảnh giới chứng đắc. Nếu khởi nghi nên hỏi những vị tu trước có kinh nghiệm.

C/ XUẤT THIỀN

1/ Xuất tâm:

Khởi tâm hồi hướng: “Công đức tọa thiền hôm nay, con xin thành tâm cúng dường Tam Bảo, Đức Bổn sư, tất cả chư Phật, chư đại Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng ở khắp mười phương ba đời, chư vị Thiên Long Bát Bộ Hộ Giáo Già Lam, và hồi hướng cho tất cả chúng sanh.

Ngưỡng nguyện Tam Bảo thường còn, Chánh pháp cửu trụ. Tất cả chúng sanh biết nương nhờ Tam Bảo, tu theo chánh pháp để thoát khổ luân hồi. Cầu nguyện pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo”.

2/ Xuất hơi thở:

Chuyển hơi thở từ nhẹ đến mạnh, cho đến thật mạnh, rồi trở lại hơi thở bình thường.

3/ Xuất thân:

Chuyển động thân từ trên xuống dưới: đầu, cổ, vai, toàn thân.

Xoa toàn thân từ trên xuống dưới: mắt, đầu, mặt, vai, tay, trước ngực, sau lưng, bụng, eo, chân. Xoa kỹ hơn ở những vùng đau nhiều.

NGHI LỄ XUẤT THIỀN

TỤNG TÂM KINH

Tâm Kinh Trí Tuệ Cứu Kính Rộng Lớn

Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách.

Này Xá Lợi Phất! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Này Xá Lợi Phất! Tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong tướng không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí huệ, cũng không có chứng đắc.

Vì không có chỗ được, nên Bồ-tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát-nhã Ba-la-mật-đa, được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chơn thật không dối.

Vì vậy, nói chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng:

“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo Vô thượng thệ nguyện thành.      

HỒI HƯỚNG

Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.

LỄ TAM BẢO

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sanh, hiểu thấu đại đạo, phát tâm Vô thượng.

Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sanh, thâm nhập Tam tạng, trí huệ như biển.

Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sanh, quản lí đại chúng, tất cả không ngại.

Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Bụt Cổ Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)

– Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Xá-lợi Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)

– Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Xá-lợi Tôn giả Sivali (3 lễ)

– Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô chư Thiên Long Bát bộ Hộ giáo Già-lam chư tôn Bồ-tát (3 lễ)

NGUYỆN KIẾT TƯỜNG

Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả thời gian an lành cả,
Nguyện chư Thượng Sư thường nhiếp thọ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả thời gian an lành cả,
Nguyện trên Tam Bảo thường nhiếp thọ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả thời gian an lành cả,
Nguyện chư Hộ pháp thường ủng hộ.

Nam-mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ-tát Ma-ha-tát (3 lần)

(Hoàn mãn)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.