Sau mấy tuần lễ làm việc mệt mỏi, tôi và vợ đến Colorado nghỉ ngơi ít hôm, sẵn tiện ghé thăm ông Kris. Chuyến đi này có cả vợ chồng Andrew và Connie. Sau lần gặp ông Kris trước đó, Connie đã thay đổi rất nhiều, tâm tính trở nên hiền hòa, trầm tĩnh hơn. Cô chăm tập thiền và cũng có nhiều thắc mắc về thiền, nên khi nghe chúng tôi chuẩn bị đi Colorado, cô liền ngỏ ý đi cùng để đến thỉnh giáo ông Kris.
Chúng tôi đến Colorado cũng đã là chiều muộn, nhưng vì Connie quá nôn nóng, mà chúng tôi cũng đã khá lâu không gặp ông Kris, nên mọi người nhất trí sẽ đến thẳng nhà ông. Ông Kris đợi ở cửa, chào đón chúng tôi một cách nồng hậu. Chúng tôi vào trong, tự nhiên như được về chốn cũ, mỗi người tự tìm một chỗ ngồi thoải mái rồi hỏi thăm tình hình của nhau. Connie nhanh chóng mở lời thỉnh giáo ông Kris về việc tập thiền:
– Sau lần trước nghe ông hướng dẫn, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu và khởi sự tập thiền, nhưng quả thật không dễ dàng. Tôi chỉ ngồi được một lúc là vô số suy nghĩ lộn xộn bắt đầu kéo đến, chẳng bao lâu thì tôi thấy chán nản. Ông có thể cho biết tôi nên bắt đầu tập thiền như thế nào để hiệu quả được không?
Ông Kris lắng nghe rồi thong thả nói:
– Nhiều người chưa có thói quen quay vào bên trong để quan sát nội tâm nên khó có thể thiền định. Vì bản chất của họ là náo động, không thể ngồi yên được. Dù có ngồi nhưng đầu óc vẫn bận rộn suy nghĩ về thế giới bên ngoài rồi nhanh chán nản không thực hành nữa.
Trong quá khứ, khi hướng dẫn thực hành thiền, các thiền sư đều dạy rất kỹ về những bước mang tính chuẩn bị. Tuy nhiên ở phương Tây, phần lớn người dạy thiền đều bỏ qua bước chuẩn bị này. Cô là người hết sức năng động, lại bận rộn lo nghĩ đủ thứ chuyện, nên cô cần tạo một thói quen tốt để tâm trí bớt quay cuồng trước khi bắt đầu tập thiền. Một phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu là thưởng thức nghệ thuật, hoặc cô cũng có thể hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên. Những thói quen này sẽ dần dần ảnh hưởng vào nội tâm, giúp tâm cô bớt náo động hơn.
Cô có thể chiêm ngưỡng các bức họa phong cảnh của các danh họa, đọc những bài thơ ca tụng thiên nhiên hay thưởng thức âm thanh của những bản hòa tấu cổ điển để tìm những cảm hứng thanh cao. Hằng ngày, cô nên dành thời gian sáng sớm đi dạo trong công viên, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi để gợi trong cô những rung động thanh cao thay vì những cảm giác ồn ào náo nhiệt của đời sống. Những hoạt động này có thể lưu lại dư vị thanh khiết trong cô, giúp cô thay đổi các thói quen náo động hằng ngày.
Andrew bật cười:
– Em nghe chưa, từ nay em đừng nghe những loại nhạc ồn ào rồi lắc lư bay nhảy nữa, những bài nhạc rap em yêu thích cũng thôi được rồi.
Connie lườm chồng rồi hỏi tiếp:
– Nói vậy là tôi chỉ nên nghe nhạc cổ điển thôi sao?
Ông Kris cười, lắc đầu:
– Không hẳn phải thế. Nghệ sĩ hiện nay cũng có rất nhiều người có tài và tác phẩm của họ rất có giá trị. Theo tôi, trong thời đại ngày nay, các nghệ sĩ có tâm hồn rung động thanh cao có thể thay thế vai trò của các giáo sĩ khi họ phản chiếu trạng thái mỹ lệ của vũ trụ thiêng liêng vào các tác phẩm của mình, khiến người thưởng thức mở rộng tâm hồn để hòa điệu vào cảm xúc tuyệt vời đó. Nghệ thuật chân chính là những biểu tượng có thể dẫn dắt chúng ta trở về với ngọn lửa tâm linh có sẵn trong tâm hồn mỗi người. Khi người nhạc sĩ vận dụng những ngón tay nghệ thuật của mình vào nhạc cụ, họ biến nó thành chiếc “đũa thần” có thể thay đổi cảnh vật ồn ào, náo nhiệt thành một buổi bình minh tươi sáng, khiến người nghe thấy lòng tràn ngập những hình ảnh diệu kỳ như được đưa vào một nơi chốn thần tiên nào đó. Những cảm xúc đó sẽ thấm vào tâm hồn người nghe, giúp làm giảm bớt những tư tưởng náo động lộn xộn thô kệch kia đi.
Ông Kris quay lại nói với tất cả chúng tôi:
– Ngày nay chúng ta đều sống trong một thế giới náo động, vội vàng bởi những hoạt động máy móc của công nghệ. Nó lôi cuốn chúng ta như một trận cuồng phong dữ dội, kéo tất cả mọi sự vào vòng kiểm soát của nó. Do đó, hầu hết mọi người đều khao khát kiếm tìm một sự bình an nào đó để có đủ nghị lực đương đầu với những khó khăn này. Tuy nhiên, trong cuồng phong bão tố, dù mặt biển có thể rung động nhưng đáy biển vẫn luôn yên tĩnh. Tâm hồn chúng ta cũng thế, sâu bên trong nó hoàn toàn an tĩnh và đây chính là trung tâm của con người, vì bản chất của nó là bình an, sáng suốt. Một trong những cách đưa chúng ta trở về với cái tự tánh thanh tịnh này là tham thiền.
Hiện nay, thiền đã được phổ biến sâu rộng khắp nơi nhưng tiếc là nó đã bị thương mại hóa, bị biến chất và trở thành một phong trào hơn là một phương pháp tu tập. Nhiều người phương Tây tò mò, hiếu kỳ, chỉ muốn thử cho biết chứ không hiểu gì về mục đích thật sự của thiền. Ngoài ra, một số người đã dạy thiền một cách sai lạc, thêm thắt một chút tư thế Yoga, một chút khí công, một chút động tác Thái cực quyền, rồi đặt cho nó những cái tên rất kêu như “thiền để thành công”, “thiền để tìm tình yêu”, “thiền để chữa bệnh” nhằm lôi kéo quần chúng. Với những ai thật sự hiểu biết về thiền thì đây quả là một “trò hề”, nhưng với một số người chỉ đến với thiền vì tò mò, hiếu kỳ thì đây là một cái gì đó có thể giúp họ đạt được những điều họ muốn.
Ông Kris mỉm cười quay qua tôi nói:
– Ông là người làm việc trong lĩnh vực thị trường thương mại, chắc ông cũng nhận thấy ngày nay thiền hay chánh niệm đã trở thành một thương hiệu có giá trị hàng tỷ đô-la. Hiện nay, tại Hoa Kỳ đã có hơn một ngàn trung tâm dạy thiền và trên thế giới thì con số đã lên đến hơn ba ngàn. Một số lớn trung tâm này không liên quan gì đến tôn giáo, mà tồn tại độc lập như cơ sở thương mại. Con số này ngày càng gia tăng nên những người tự xưng bậc thầy về thiền đã kiếm được rất nhiều tiền.
Tôi gật đầu, không ngạc nhiên về điều ông Kris nói. Khi nghiên cứu thị trường, đã có lúc tôi thấy choáng ngợp về con số đầu tư thương mại vào các trường dạy thiền của những “Chuyên gia về thiền” này (Zen Professional).
Ông Kris nói tiếp:
– Hiện nay ở phương Tây, phần lớn những người dạy thiền đều không phải là thiền sư, cũng không có liên hệ gì đến tôn giáo. Một số là huấn luyện viên thể dục hay Yoga rồi thêm thắt các khóa thiền vào chương trình luyện tập để thu hút khách hàng. Một số khác tự học qua sách vở, tham dự vài khóa thiền, rồi tự phong cho mình chức tước nào đó để thu nhận học trò với mục đích kiếm tiền. Nhiều người có tài ăn nói khéo léo có thể thu hút đông học trò, phát triển thành những công ty có chi nhánh khắp nơi và thu về con số lợi nhuận cực lớn. Điều đáng lo ngại là việc truyền dạy không căn cứ này có thể gây nguy hại, không những cho thân mà còn ảnh hưởng đến cả tâm trí của học viên. Thiền không phải chỉ là ngồi yên để thư giãn như nhiều người hiểu lầm. Thiền là khoa học về tâm thức, đòi hỏi có sự cam kết để thực hành một cách nghiêm túc và đứng đắn. Thiền định không phải để giải trí, để khoe khoang, để theo trào lưu mà là để nó trở thành một phần của cuộc sống với mục đích rõ rệt. Có một số nguyên tắc căn bản cô cần hiểu để cam kết cho việc thực hành. Khi thực hành với sự hiểu biết này, cô sẽ thấy thiền định rất đơn giản, còn nếu không, cô sẽ sớm cảm thấy lạc lõng và trước sau gì cũng bỏ cuộc.
Connie tỏ ra bối rối:
– Vậy thì theo ông tôi phải thực hành thiền ra sao?
Ông Kris đáp từ tốn:
– Thiền định phải tự nhiên, với mục đích rõ rệt. Đời sống của cô không thể đi theo hai chiều hướng đối nghịch. Cô không thể có một đời sống năng động náo nhiệt cùng một lúc với những thực tập về tâm linh. Thiền là phá chấp nhị nguyên để trở về với tự tánh (Inherent nature), nếu có nhị nguyên thì không thể có thiền.
Vậy, nên thực hành thiền vào lúc nào là tốt nhất? Đó là buổi sáng sớm, trước khi mặt trời mọc. Lúc đó không gian yên tĩnh, là lúc tập trung nhiều năng lượng tích cực, thích hợp cho việc tu tập. Sau khi thức dậy khỏi giấc ngủ dài, cô nên làm vài động tác thể dục khởi động khoảng mười phút để thân thể tỉnh táo rồi mới bắt đầu thực hành. Nếu thực hành thiền vào buổi chiều hay tối, cô cần dành ra một khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi cho thân thể ổn định và thả lỏng, bởi cô đã mệt mỏi với một ngày làm việc. Điểm chính yếu là cô phải học cách nghỉ ngơi cho thoải mái, giảm bớt sự căng thẳng của thân thể trước khi bắt đầu. Cô cần tập thở nhẹ và chậm lại chứ đừng làm gì quá sức. Mọi phương pháp tham thiền đều bắt đầu bằng việc đưa cơ thể về trạng thái tự nhiên. Điều này quan trọng vì thở không đúng cách có thể gây nguy hiểm. Cô nên biết rằng hơi thở là một năng lượng tái tạo của sự sống vì khi lưu chuyển trong thân thể, nó chứa đựng những năng lực có thể chữa lành nhiều cơ quan nội tạng.
Connie thắc mắc:
– Tôi có đọc một số sách dạy về thiền, hướng dẫn phải đưa hơi thở theo đồ hình vào các luân xa…
Ông Kris ngắt lời Connie:
– Tôi muốn cảnh cáo cô rằng không bao giờ được tập bất kỳ phương pháp thở nào không tự nhiên. Việc hít thở sâu rồi dồn hơi xuống cơ quan nào trong người để kích thích các luân xa là cách luyện tập của các pháp sư tà thuật ngoại đạo, việc này có thể khiến người tập mất tự chủ, khiến thần kinh trở nên rối loạn, không kiểm soát được bản thân. Phương pháp tập trung thị giác vào một điểm trên trán, để đầu óc tê liệt, là cách kêu gọi các động lực vô hình nhập vào, rồi theo họ rời thể xác, bay vào nơi chốn nào đó hay cõi giới khác. Đó là điều cô phải tuyệt đối tránh vì hậu quả của những việc này vô cùng tai hại, không những trong kiếp này mà liên quan đến cả những kiếp sau nữa.
Ông Kris nhấn mạnh:
– Thiền là phương pháp tu tập nhằm làm chủ tâm thức chứ không phải để đạt được quyền năng nào đó. Là người năng động, tâm trí của cô thường chạy lung tung, và cô cũng thuận theo nó. Mục đích của thiền là đảo ngược việc này, luyện cho tâm trí của cô hoạt động chậm lại. Có rất nhiều phương pháp để làm việc này như cách theo dõi hơi thở, chú ý vào đề mục, tức công án để giữ cho tâm trí không chạy lung tung nữa.
Connie hỏi:
– Tôi đọc qua các tài liệu về thiền, thấy có nhắc nhiều đến công án, nhưng tôi không hiểu đó là gì, ông giải thích một chút được không?
Ông Kris từ tốn:
– Nói một cách dễ hiểu nhất thì công án là một câu chuyện thiền, một vấn đề thiền. Những lời nói và việc làm của các bậc cao tăng qua các đời được ghi chép lại để làm kim chỉ nam cho người tu thiền, lâu ngày đã trở thành một loại đối tượng để suy xét, gọi là công án. Khi người ngồi thiền chọn hoặc được giao một công án, người ấy sử dụng công án ấy làm đối tượng để suy xét trong khi ngồi thiền, gọi là tham công án. Tham công án không nhằm mục đích tìm ra lời giải, vai trò của công án là cho người ngồi thiền một đối tượng để quán chiếu, để tập trung sự chú ý của mình vào đó nhằm duy trì chánh niệm.
Cô có thể chọn một công án, một câu thần chú, một tượng Phật hay hình ảnh Mandala, tức vòng tròn vũ trụ, để tập trụ tâm vào đó. Điều quan trọng là cô hãy chọn lựa cẩn thận vì sau khi đã chọn rồi thì không được thay đổi. Nếu thay đổi, nó sẽ làm mất đi cái giá trị ban đầu, rồi cô cứ thay đổi hết cái này qua cái khác và như thế sẽ khó tiến bộ được.
Bước đầu thực tập bao giờ cũng khó khăn vì mức độ kiểm soát tâm thức của cô còn yếu. Cô vừa định trí vào một công án, thì những tư tưởng khác ở đâu đã xông đến, chống lại sự an tĩnh mà cô muốn tìm. Việc kiểm soát đầu óc, không cho nó chạy lung tung là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà bất cứ người mới tập nào cũng gặp phải. Nếu cô cảm thấy chán nản, khó chịu, không muốn tập nữa thì hãy nhớ rằng cái tâm đã tạo ra những khó khăn đó cũng chính là cái tâm sẽ giúp cô giải quyết mọi sự. Một khi cô ngừng chạy theo những suy nghĩ viển vông thì cô sẽ thấy những suy nghĩ ấy đến rồi đi một cách tự nhiên.
Connie thắc mắc:
– Nhưng tôi phải tập trong bao lâu thì mới đến được giai đoạn đó?
Ông Kris mỉm cười nói:
– Cô không nên đặt nặng việc đó. Lúc mới tập cô đừng làm gì quá sức, hãy tập các buổi tập ngắn thôi. Ngồi lâu chỉ làm cô mệt mỏi thêm chứ không ích gì. Cô chỉ cần thực tập khoảng mười lăm đến hai mươi phút là đủ, quan trọng là phải tập đều đặn hằng ngày, vào giờ giấc cố định để việc tập luyện trở thành một thói quen. Một điều cô không nên làm là dùng ý chí của mình để ngăn cản những tư tưởng lộn xộn xảy đến. Cô sẽ thấy càng cố gắng chống đối chừng nào thì những ý nghĩ đó lại trở nên mạnh mẽ hơn chừng ấy, và như thế là cô đã bị nó lôi kéo rồi. Thái độ chống đối chỉ làm cô căng thẳng, bực tức vì phải tranh đấu với thói quen từ trước. Thay vào đó, cô hãy tập quan sát tư tưởng xảy ra. Khi một suy nghĩ khởi lên, đừng phản ứng, đừng xét đoán, đừng chống đối, hãy kiên nhẫn chờ đợi, vì nó đến thì nó sẽ đi. Hãy quán xét tư tưởng như sóng thủy triều, nó trôi dạt tầng tầng lớp lớp vào bờ rồi lặng lẽ chìm mất. Làm được thế, cô có thể hóa giải hầu hết mọi tranh chấp.
Điều quan trọng khi tập thiền là không bao giờ bỏ cuộc vì chán nản. Khi thấy việc tu tập dường như không hiệu lực, không tiến triển, nhiều người than rằng nó quá khó và có ý bỏ cuộc.
Thật ra thiền định là hành động tự nhiên của bản tính, ai cũng có thể đạt đến trạng thái định (samadhi). Vấn đề là khi ai đó thiếu kiên nhẫn, luôn mong ước đạt được điều gì đó một cách nhanh chóng thì họ sẽ đánh mất đi sự an tĩnh cần thiết. Tập thiền cũng chính là thay đổi thói quen để cho đầu óc náo động kiểm soát mình. Cô đã làm thế trong bao nhiêu năm thì làm sao có thể đảo ngược lại chỉ trong vài tháng. Nếu cô tin vào Luân hồi thì cô cần hiểu rằng thói quen này đã có từ lâu, không phải chỉ trong kiếp này mà còn trong nhiều kiếp trước nữa. Nhưng mỗi nỗ lực cô thực hiện, dù chậm rãi, đều góp phần thúc đẩy cho thành công cuối cùng, tức trạng thái an tĩnh. Đầu óc của cô dần dần sẽ bắt đầu chú tâm, trụ vào một khái niệm và cô sẽ có định.
Connie thắc mắc:
– Có nhiều sách viết về định, có người nói đó là cảm giác hân hoan sung sướng, có người lại nói là cảm giác thoát tục…
Ông Kris bật cười, ngắt lời Connie:
– Đó chỉ là những lời văn hoa bóng bẩy của các văn sĩ để diễn tả điều gì mà họ không biết rõ. Định có nghĩa là sự hòa hợp giữa người suy ngẫm và việc được suy ngẫm, giữa chủ thể và đối tượng không còn phân biệt. Nói một cách giản dị, nó là sự tập trung toàn vẹn. Trong trạng thái định, người tập thấy mình sáng suốt, không phải do ngoại cảnh, mà do tâm thức của mình có thể nhìn rõ, thấu suốt mọi vật. Đến mức cao hơn, tâm trí của người tập sẽ hoàn toàn yên lặng, không còn một tư tưởng nào nữa, cho đến ngay cả đối tượng của sự suy ngẫm cũng không còn. Đó mới chính là quang năng hiểu biết thật sự sáng suốt hay tuệ giác (wisdom). Sự an lạc, sáng suốt này chính là định.
Connie hỏi:
– Làm sao họ có thể biết hết mọi sự được?
Ông Kris giải thích:
– Sự hiểu biết của chúng ta khác với sự hiểu biết sáng suốt, toàn diện của người đã đạt đến trạng thái định. Sự hiểu biết của những người này mang hai khía cạnh: Sự hiểu thấu đáo về một sự vật và sự hiểu biết tổng quát. Nói một cách khác, cái trước là sự hiểu biết theo chiều đứng và cái sau là sự hiểu biết theo chiều ngang. Hãy lấy ví dụ một ly nước. Đối với chúng ta, đó chỉ là chất lỏng để giải khát. Đối với các nhà khoa học, đó là một hợp chất được tạo ra bởi các nguyên tử hydrogen và oxygen. Đối với các thiền sư thì nước thể hiện trạng thái của tâm. Khả năng hiểu biết của mỗi người khác nhau tùy vào trình độ. Khả năng của chúng ta cũng tùy vào sự giáo dục, môi trường và trải nghiệm hằng ngày. Với những người đã đắc định thì sự hiểu biết của họ vô cùng thâm diệu, nó đi xuyên qua từng lớp vỏ của đời sống để tiến vào tinh hoa của sự vật cũng như mối liên hệ của nó với những vật khác. Đó là sự hiểu biết có chiều sâu, vượt ra khỏi giới hạn của lý trí, của kiến thức khoa học, của triết lý và tôn giáo.
Thiền là phương pháp tu tập nhằm làm chủ tâm thức chứ không phải để đạt được quyền năng nào đó. Điều quan trọng khi tập thiền là không bao giờ bỏ cuộc vì chán nản. Khi thấy việc tu tập dường như không hiệu lực, không tiến triển, nhiều người than rằng nó quá khó và có ý bỏ cuộc. Thật ra thiền định là hành động tự nhiên của bản tính, ai cũng có thể đạt đến trạng thái định (samadhi). Vấn đề là khi ai đó thiếu kiên nhẫn, luôn mong ước đạt được điều gì đó một cách nhanh chóng thì họ sẽ đánh mất đi sự an tĩnh cần thiết. Tập thiền cũng chính là thay đổi thói quen để cho đầu óc náo động kiểm soát mình.
Connie thắc mắc:
– Tôi chưa hiểu lắm về sự hiểu biết theo chiều ngang, nhờ ông giải thích thêm…
Ông Kris thong thả giải thích:
– Sự hiểu biết theo chiều ngang là sự hiểu biết về toàn thể mọi sự vật cũng như sự liên hệ của nó với những sự vật khác. Đây là sự hiểu biết toàn diện và rõ ràng. Khi xưa, Plato đã nói: “Đời sống thì giới hạn, sự hiểu biết thì vô hạn”. Socrates cũng dạy: “Điều ta biết rõ nhất là ta không biết gì hết”. Vậy làm sao có thể giải thích được sự hiểu biết này? Đối với mọi người, sự hiểu biết toàn diện chỉ là một ảo ảnh, không thể có được. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng đầu óc con người hiện nay rất giới hạn vì nó đã bị hướng dẫn, dạy bảo để góp nhặt, để gắn bó, để hạn chế bởi hệ thống giáo dục có từ hàng ngàn năm nay. Không dễ dàng gì để phá vỡ cái khuôn khổ đó. Thật ra, đầu óc chúng ta có tiềm năng rất lớn nhưng không mấy ai biết khai thác mà thôi. Và thiền định chính là cách giúp chúng ta phá hủy các tập quán, thói quen, giải thoát tư tưởng khỏi các ràng buộc ước lệ, giúp ta có thể mở rộng tầm mắt, vươn đến những nơi mà chưa mấy ai quan sát được.
Connie tỏ ra bối rối:
– Tôi vẫn không hiểu người đã có định sẽ khác với người thường thế nào?
Ông Kris kiên nhẫn giải thích:
– Tư tưởng của đa số con người đều có tính góp nhặt, vì sự hiểu biết được thu thập tuần tự theo thời gian. Ví dụ như khi đi học, học sinh phải học từ căn bản, học đọc, học viết rồi mới đến hành văn, lý luận, học từ kiến thức cơ sở rồi mới đến kiến thức chuyên môn. Các kiến thức này được tích lũy và sẽ phát triển khả năng hiểu biết, nhờ đó con người có thể diễn tả được những tư tưởng phức tạp. Tuy nhiên, hiểu biết này chỉ là nước trong cái ao nhỏ, không thể so sánh với sự hiểu biết sáng suốt vô biên như nước trong đại dương của người đã đắc định. Hơn nữa, tư tưởng của chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi dục vọng nên mọi suy nghĩ thường mang tính chủ quan hay thuận theo ham muốn. Đầu óc con người luôn bị xáo trộn giữa dục vọng và lý trí, hai cái này thường xung khắc, khiến đầu óc bị giằng xé giữa hai thái cực. Dục vọng xui khiến ta làm những gì mình thích, còn lý trí khuyên ta nên tránh điều xấu. Bị lôi kéo giữa hai thái cực, đầu óc con người tựa một bãi chiến trường, đấu tranh không ngừng như nước và lửa. Với một số người, khi dục vọng nổi lên, lý trí trốn mất. Đối với người khác, khi lý trí hoạt động, dục vọng im hơi. Vì hai động lực này không bao giờ có mặt cùng một lúc nên đầu óc con người không mấy khi quân bình. Đối với người có định thì khác, vì họ đã chuyển hóa dục vọng thành tình thương và lý trí thành minh triết nên cả hai kết hợp với nhau chặt chẽ và xuất hiện cùng lúc trong sự quân bình tuyệt diệu, tạo thành một sự hiểu biết vô cùng thâm diệu, sáng suốt.
Connie ngập ngừng đề nghị:
– Xin ông nói rõ hơn nữa, vì tôi vẫn còn bị lẫn lộn giữa các danh từ này.
Ông Kris giải thích thêm:
– Con người hành động nhờ những giác quan thu thập dữ kiện rồi đưa vào trong bộ óc để xử lý. Bộ óc thông minh hay lý trí sẽ phân tích những dữ kiện này để cho ra một hành động hay giải pháp. Tuy nhiên, nó không hề đặt ra vấn đề là những dữ kiện thu nhận đó có đầy đủ, chính xác hay không. Nó tự quyết định dựa vào logic riêng của nó, cái mà ta gọi là trí thông minh. Hầu hết con người đều dựa vào lý trí để đưa ra tiêu chuẩn phán xét đúng sai, phải trái. Đối với người đã có định thì điều này là không hoàn hảo, vì chỉ dựa vào những dữ kiện thu thập của các giác quan là chưa đủ chính xác. Lý trí thông thường này không bao gồm một sự nhận xét sâu sắc toàn diện để thấu rõ các dữ kiện hay sự liên hệ giữa những sự kiện với nhau và cho ra một cái nhìn tổng thể. Người đã có định không sử dụng trí thông minh để phân biệt mà sử dụng một thứ trí tuệ khác gọi là Trí tuệ Bát nhã. Do đó, quyết định của họ không có sự phán đoán, phân biệt nữa.
Connie nôn nóng hỏi:
– Nếu tôi chăm chỉ luyện tập như ông nói thì bao lâu sẽ đạt được đến cảnh giới đó?
Ông Kris lắc đầu mỉm cười:
– Như tôi đã nói, đây là điều cô không nên quan tâm. Cô không thể tập thiền với mong muốn đạt được kết quả nào đó. Có lẽ vì đã đi làm trong nhiều năm, cô đã quen với việc tận hưởng kết quả từ công việc mình làm. Tuy nhiên, tu thiền mà chỉ hướng đến kết quả là hoàn toàn phản tác dụng. Thay vào đó, cô nên hướng năng lực của mình vào việc tận hưởng tiến trình tu tập, như một người ung dung, thư thái, thảnh thơi đi bộ trên đường, giữ tâm an tĩnh, không cần biết khi nào sẽ đến nơi. Tôi khuyên cô nên thiết lập các giới hạn đối với những hoạt động hằng ngày. Cô cần biết việc gì có thể làm và việc gì không nên làm, vì các hoạt động này có thể gây trở ngại cho việc tĩnh tu của cô, khiến cô bị phân tâm. Cô cần tự hỏi liệu những gì mình thường làm có phù hợp với mục tiêu tu tập hay không.
Andrew bật cười nói ngay với vợ:
– Thôi thế là từ nay em hết Facebook, Instagram, TikTok hay YouTube rồi.
Ông Kris từ tốn khuyên:
– Tôi biết việc buông bỏ những thói quen là không dễ, và cô cũng nên tránh sự thay đổi đột ngột. Một khi đã quyết định tập thiền, cô nên tìm cách tránh xa các hoạt động mà cô biết là không hài hòa với mục tiêu của mình. Nhưng nếu cô thay đổi ngay lập tức thì chỉ ít lâu nữa cô sẽ thấy chán nản, bực bội. Việc gì cũng phải thong thả, tập thành một thói quen mới, dần dần thay thế cái cũ để có thể tiếp cận bền vững lâu dài. Muốn thay đổi các thói quen không cần thiết, cô cần thay thế nó bằng thói quen khác như nghiên cứu kinh sách. Một sai lầm rất lớn của những người tu thiền ngày nay là thường bỏ qua việc nghiên cứu và suy ngẫm những lời dạy của Đức Phật. Một số người trẻ ngông cuồng đã lạm dụng câu “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” để đi thẳng vào hành thiền mà không nghiên cứu kinh sách. Họ không hiểu rõ mục đích thật sự của thiền. Họ chỉ tu luyện mơ hồ một thời gian ngắn rồi thấy mọi sự đều tẻ nhạt, chán chường. Việc nghiên cứu và suy ngẫm kinh điển sẽ cung cấp cho cô một ý tưởng về mục đích của thiền định một cách rõ ràng và chính xác. Nhờ thế, cô sẽ cảm thấy vững tâm khi tu tập. Nếu không biết mình đi đâu, làm gì, với mục đích gì thì mọi việc đều vô nghĩa, chẳng khác nào một người đi vào sa mạc mà không có bản đồ hay la bàn chỉ dẫn.
Ông Kris quay lại giải thích thêm với tất cả chúng tôi:
– Gần đây tôi có đọc một số sách về thiền của vài tác giả tự nhận là chuyên gia trong lĩnh vực này. Có thể họ là những học giả thông minh, và trong sự nhiệt tình, họ viết ra những chỉ dẫn dựa trên sách vở nghiên cứu chứ không hề có kinh nghiệm tu tập. Đa số họ đều bỏ qua căn bản mà đi thẳng vào việc thực hành. Do đó, họ không thể nói rõ về các hoạt động sâu thẳm của tâm thức mà chỉ sử dụng những danh từ lạ lùng khiến người đọc rối trí, lầm lẫn. Đọc những cuốn sách như vậy không giúp cô đi đến đâu mà chỉ khiến cô thêm lạc lối. Muốn tập thiền, cô nên có người hướng dẫn chứ không thể chỉ học qua sách vở được, và người hướng dẫn đó phải là một thiền sư có nhiều năm thực hành. Các khóa tu phổ thông được quảng cáo rầm rộ ngày nay đa số cũng chỉ có bề ngoài. Cô có thể quan sát người hướng dẫn, nếu họ chỉ dạy cách ngồi, cách thở hoặc một vài tư thế gì đó mà không giải thích căn bản và mục đích thì chứng tỏ đó không phải là người có công phu thật sự, học những lớp đó chỉ mất tiền vô ích mà thôi.
Connie thắc mắc:
– Nhưng thầy dạy thiền của tôi đã trích lời Đức Phật, chính Đức Phật nói rằng không cần kinh sách hay văn tự, vì thiền là độc lập với những thứ này. Lúc nãy ông vừa nhắc “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, chính là ý đó. Chẳng lẽ Đức Phật nói sai?
Ông Kris nhẹ nhàng hỏi:
– Thầy của cô có phải là một thiền sư thật không? Ông đã tu tập ở đâu? Học với thầy nào? Theo tông phái nào? Ông đã thực hành được bao lâu rồi?
Connie bối rối:
– Thầy dạy thiền của tôi không phải tu sĩ nhưng có giấy chứng nhận từ một trung tâm Thiền bên Nhật, rằng ông đã chứng ngộ…
Ông Kris lắc đầu cười:
– Ra vậy! Theo tôi biết thì không có một vị thiền sư chân chính nào lại cấp giấy tờ chứng nhận như thế. Đó chỉ là trò lừa bịp. Trình độ giác ngộ của học trò ra sao chỉ có thầy mới biết được và đây là việc riêng tư giữa thầy trò, không thể thể hiện bằng một văn bằng hay nhãn hiệu để dán lên người.
Connie luống cuống:
– Ông muốn nói rằng tôi đã bị lừa sao? Vậy “bất lập văn tự, ngoại giáo biệt truyền” có thật là lời Đức Phật? Ý của nó là gì?
Ông Kris giải thích:
– Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, cũng tức là Tổ sư Thiền tông, quả thật có dạy như vậy, hay ít nhất trong kinh điển có ghi lại lời người như thế. Tuy nhiên ngày nay không ít người hiểu sai, hoặc cố tình lạm dụng lời dạy này để phục vụ cho mục đích riêng. Nói cho dễ hiểu thì con đường thiền đôi khi không thể nói bằng ngôn ngữ thông thường. Nếu có nói ra cũng chỉ là miễn cưỡng thôi vì ngôn ngữ không thể diễn tả những điều không thể diễn tả. Như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Lời nói ra có thể làm người nghe hiểu sai. Và một khi đã không thành văn tự thì cũng không thể truyền dạy theo kinh sách thông thường. Nói như vậy không có nghĩa là bác bỏ văn tự, mà là con đường thiền của mỗi người là dựa vào tâm, hướng đến tâm. Nhưng trước hết, cô vẫn nên đọc và nghiền ngẫm kinh sách để tạo nền tảng cho mình rồi tìm thầy hướng dẫn. Cô cũng phải biết chọn thầy, tìm đúng thầy, đúng chỗ, chứ không thể chỉ tin vào những giấy tờ chứng nhận hay quảng cáo được. Hiện nay người muốn thực hành thiền thì nhiều mà các vị thiền sư chân chính lại rất ít. Ngay cả khi cô may mắn gặp được một thiền sư thì ngài cũng chỉ dạy cho cô những hướng dẫn tổng quát cho đến khi cô đã sẵn sàng. Do đó, cô hãy làm cho mình trở nên sẵn sàng, bởi vì “khi đệ tử đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”.
Connie hỏi:
– Vậy tôi phải làm gì để sẵn sàng?
Ông Kris thong thả giải thích:
– Cho đến khi cô tìm được một vị thầy chân chính, cô nên dành thời gian đọc thêm kinh sách, tham dự các buổi thuyết pháp tại các tu viện hay cơ sở tôn giáo. Các tu viện chân chính không bao giờ thu tiền hay đòi hỏi sự chi trả nào, vì Đức Phật cấm bán pháp. Đây là một tiêu chuẩn có thể giúp cô phân biệt được một nơi tu hành chân chính, giữ đúng giới luật với những nơi chỉ hoạt động vì mục đích thương mại. Và dù cô có tìm được một người thầy chân chính, cô cũng nên giữ cho mình tâm thế học hỏi, tìm tòi, luôn tỉnh táo suy ngẫm chứ không nên nhất nhất nghe theo mọi điều thầy nói. Theo tôi, cách tiếp cận thận trọng này là tốt nhất.
Ông Kris hướng đến tất cả chúng tôi, nói thêm:
– Thực hành mà không có nền tảng lý thuyết thì dễ lạc lối. Nhưng kinh sách dù hay thế nào cũng không thể hướng dẫn hiệu quả như sự tương tác với một người thầy đã có kinh nghiệm tu tập. Theo tôi, trước hết người tu tập nên dành thời gian để nghiên cứu kinh điển rồi suy ngẫm nghĩa lý trong đó. Tôi biết nhiều người thực hành thiền trong nhiều năm, nghĩ rằng bản thân đã tiến bộ, nhưng không có các văn bản kinh điển để tham khảo ấn chứng, họ vẫn dễ đi lạc vào những thứ thiền nào đó của ngoại đạo hay bị dẫn dụ vào con đường mê tín của các thầy phù thủy, rất khó thoát ra. Tất cả sự nhầm lẫn này có thể tránh được thông qua việc học hỏi và nghiên cứu kinh điển để thấy rõ con đường đi của mình.
Connie hỏi:
– Tôi muốn biết rõ hơn về việc thực hành có thể giúp gì cho sức khỏe của tôi hay có thể trừ được bệnh tật không?
Ông Kris gật đầu, trả lời điềm đạm:
– Nếu thực hành đều đặn, cô sẽ thấy sức khỏe của mình phục hồi một cách bất ngờ. Nhiều người duy trì thói quen tập thể dục thể thao hằng tuần, đó đúng là một thói quen lành mạnh, nhưng cũng chỉ gia tăng sức khỏe bên ngoài. Phần lớn bệnh tật phát xuất từ bên trong hay từ tâm thức. Nếu cô bận rộn, lo lắng đủ mọi chuyện rồi dẫn đến mất ăn, mất ngủ, sinh bệnh và như thế thì việc tập thể thao cũng không giúp được bao nhiêu. Thực hành thiền qua việc thở chậm và nhẹ có thể xoa dịu hệ thần kinh đang náo động của cô. Hơi thở nhịp nhàng sẽ mang sinh lực (prana) vào các cơ quan nội tạng, có công dụng chữa lành được nhiều thứ bệnh. Nếu nói một cách khoa học thì khi máu huyết lưu thông đều đặn, không bế tắc, các cơ quan nhận được đầy đủ oxy sẽ hoạt động hữu hiệu hơn.
Connie ngần ngại:
– Tôi có một câu hỏi tế nhị là khi thực hành thiền, miệng tôi đã tiết ra nhiều nước bọt làm tôi khó chịu. Tôi là người sạch sẽ nên việc đó khiến tôi rất phân tâm. Tôi không biết có cách nào làm để nước bọt tiết ra ít hơn không?
Ông Kris trả lời thản nhiên:
– Nước bọt tiết ra nhiều trong lúc tu tập là việc bình thường và nó có công hiệu rất mầu nhiệm mà ít người biết đến. Trên phương diện tu tập, nó thường được coi là dấu hiệu tốt và người thực tập nuốt vào chứ không nhả ra. Nói theo khoa học thì nước bọt chứa rất nhiều kháng thể có công hiệu đặc biệt. Nhờ thực hành thiền, thở hít những sinh khí prana vào người, cấu trúc của nước bọt sẽ thay đổi, tăng số lượng yếu tố tăng trưởng thần kinh (Nerve Growth Factor – NGF). Khi NGF được sản xuất, nó sẽ gia tăng hiệu quả của các tế bào thần kinh, giúp chúng phát triển hoặc tồn tại lâu hơn. Tăng NGF có thể giảm bớt các tác động của lão hóa, và đặc biệt là hạn chế những căn bệnh như Alzheimer và ung thư. Cô có thể thấy những người tu thiền rất ít khi bị bệnh tật và tuổi thọ rất cao, việc đó cũng nhờ yếu tố này.
Connie gật gù:
– Ra là vậy, thế mà lâu nay tôi không biết, nên cứ không ngừng khó chịu.
Ông Kris mỉm cười, nói tiếp:
– Thực hành thiền đúng cách phải gồm hai phần. Phần lý thuyết là những gì cô học qua sách vở hay kinh điển. Thực hành là việc tu luyện, rèn luyện tâm trí, cơ thể và cảm xúc. Lý thuyết và thực hành có thể ví như đôi cánh của một con chim. Có đủ cả hai cánh thì chim mới có thể tung cánh bay lượn trên bầu trời rộng lớn được. Nếu thiếu một trong hai, chim không thể bay được. Nói một cách khác, lý thuyết hướng dẫn thực hành vì nó cung cấp các khái niệm căn bản để cô có thể thực hành một cách vững chắc. Thực hành giúp cô hiểu biết về chính mình nhiều hơn. Khi đã hiểu biết, cô cần phải trở lại kinh điển để kiểm chứng xem việc thực hành đó có đúng với ý nghĩa chỉ dẫn trong kinh điển hay không. Nếu thấy mọi sự trở nên rõ ràng, chính xác và có nghĩa thì cô có thể an tâm tiếp tục. Khi đó việc thực hành của cô cũng trở nên sâu sắc hơn. Càng thực hành sâu sắc, cô càng hiểu rõ mọi sự hơn và như thế là việc thiền tập của cô đã có tiến bộ.
Thực hành thiền mà không có nền tảng nghiên cứu kinh sách thì rất mạo hiểm, vì người tu tập có thể bị đưa đến chỗ mù quáng, u mê và lạc lối. Trải nghiệm tu thiền mà không được kiểm chứng bởi kinh điển hay lời Phật dạy thì chỉ là trải nghiệm mù mờ, không có một cái gì để xác định hay đánh giá, rất dễ lạc vào các lối thiền ngoại đạo hoặc các phương pháp của các pháp sư, phù thủy. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp thiền được những người này truyền bá với mục đích trục lợi, mê hoặc nhân tâm vì một mục đích mờ ám nào đó. Do đó, khi thực hành thiền cô phải cẩn thận, phải học với các thiền sư trong các chùa chiền, tu viện chứ không nên theo những người tự xưng đã đắc đạo.
Connie hỏi:
– Vậy để việc ngồi thiền đạt kết quả tốt, trong lúc ngồi thiền tôi cần lưu ý những gì?
Ông Kris trả lời:
– Việc quan trọng khi bắt đầu là ngồi vững, bởi ngồi thiền là hình thức thực hành rất hoàn chỉnh và chặt chẽ. Hiện nay trên thị trường đang bày bán tràn lan nhiều loại dụng cụ hỗ trợ, nhưng thực tế việc ngồi thiền không cần đến những thứ này. Cô chỉ cần một chiếc gối mỏng, hay một tấm khăn cũng được. Đừng bận tâm đến những dụng cụ, miễn sao cô ngồi thật vững chắc là đủ.
Connie ngạc nhiên:
– Tôi thấy phần lớn người tập thiền đều sử dụng những chiếc ghế đặc biệt hay những nệm bông được thiết kế riêng dành cho việc thiền tập. Trong các trường dạy thiền đều có bán những miếng nệm này và tôi cũng đã mua một chiếc.
Ông Kris mỉm cười:
– Những thứ đó không quan trọng đâu, cô có thể ngồi trên những chiếc nệm đặc biệt hay ngồi xuống đất cũng được, như nhau cả thôi.
Hiện nay, thiền đã bị thương mại hóa nên sinh ra nhiều sản phẩm hỗ trợ, nhiều người được dạy rằng khi hành thiền cần những tấm nệm đặc biệt, phải đốt trầm để thanh lọc không khí, đôi khi còn phải mở nhạc thiền trong lúc thực hành nhằm thúc đẩy công hiệu của việc thực tập, rồi sử dụng những ứng dụng thiền trên điện thoại để hỗ trợ nữa. Tất cả những thứ đó chỉ là những chiêu trò quảng cáo thương mại thôi. Khi xưa, các thiền sư làm gì có những thứ đó. Các ngài chỉ ngồi trên đất bằng, trong động đá, mà vẫn đắc đạo. Ngày nay, các huấn luyện viên về thiền chỉ bày trò để kiếm thêm tiền mà thôi.
Thực hành thiền đúng cách phải gồm hai phần. Phần lý thuyết là những gì ta học qua sách vở hay kinh điển. Thực hành là việc tu luyện, rèn luyện tâm trí, cơ thể và cảm xúc. Lý thuyết và thực hành có thể ví như đôi cánh của một con chim. Có đủ cả hai cánh thì chim mới có thể tung cánh bay lượn trên bầu trời rộng lớn được.
Connie hỏi:
– Tôi đã thực hành thiền được một thời gian dài mà chưa thấy kết quả hay chuyển biến gì đáng kể. Không biết bây giờ tôi nên làm gì?
Ông Kris mỉm cười kiên nhẫn:
– Như tôi vừa nói với cô, giai đoạn đầu, điều cô cần làm là thay đổi các thói quen hằng ngày qua sự suy ngẫm và thanh lọc, nhằm làm cho tâm mình lắng dịu. Tiếp theo, cô cần tập suy ngẫm về chính mình. Cô gặp bạn bè, nói chuyện, suy nghĩ và hành xử trong môi trường xã hội nhưng liệu có bao giờ cô suy nghĩ sâu xa về những việc đó không? Cô có đối xử tử tế với mọi người không? Liệu cô có làm mất lòng ai không? Liệu lời nói của cô có hòa nhã không? Liệu hành động của cô có gây tổn thương cho ai không? Khi tự xét mình, cô sẽ hiểu rõ về mình nhiều hơn.
Connie ngạc nhiên:
– Việc này thì có liên quan thế nào đến việc hành thiền? Thầy tôi chưa dạy gì về việc này. Tại sao lại phải xét mình? Tôi là người lương thiện đâu làm hại ai bao giờ…
Ông Kris gật đầu giải thích:
– Đúng thế, việc này thoạt nhìn thì có vẻ không liên quan. Nhưng nó là bước đầu chuẩn bị để có thể giúp cô tiến xa hơn trong việc thiền tập sau này. Nếu đời sống của cô trong sạch, tâm hồn an tĩnh, không bị điều gì quấy nhiễu thì khi thực hành sẽ không còn nổi lên những ý tưởng giận dữ, thù hận hay lo lắng. Khi tâm của cô không bị quấy rầy bởi những việc ích kỷ, hại người, không trung thực, không lừa dối thì việc thiền tập của cô trở nên dễ dàng hơn. Nếu không xét mình, chuyển đổi đời sống, thanh lọc bản thân, giữ cho thân – khẩu – ý được trong sạch, có đạo đức thì lúc thiền tập những ý tưởng xấu dễ nổi lên phá rối công phu của cô. Đa số người thực tập thiền đều gặp khó khăn bởi các tư tưởng này nên cần phải biết phản tỉnh, ăn năn, sám hối, thay đổi tâm thức trước thì mới tiến xa được. Nếu cô có thể điều chỉnh sao cho ba nghiệp của cơ thể, lời nói và tâm trí (thân, khẩu, ý) được thanh tịnh thì việc thiền tập sẽ dễ dàng có kết quả. Buông bỏ mọi sự là điều mà các thiền sư thời xưa đều dạy học trò của mình rất kỹ trong giai đoạn chuẩn bị. Đáng tiếc là ngày nay mọi người chỉ muốn đi đường tắt, chỉ muốn làm sao cho nhanh đạt kết quả nên không mấy ai có thể đi xa được.
Connie suy nghĩ rồi hỏi:
– Nếu đã biết quán xét và thay đổi tâm thức thì bước tiếp theo sẽ là gì?
Ông Kris tiếp tục:
– Khi tâm thức đã trong sạch, không bị xáo trộn bởi các tư tưởng lộn xộn của đời sống hằng ngày, thì giai đoạn tiếp theo là tập trung để đi đến trạng thái định, đây là lúc cô sử dụng hơi thở để đối trị với các vọng niệm một cách tự nhiên. Khi tâm thức của cô đã tự nhiên, bình tĩnh, rõ ràng, cân bằng thì cô sẽ thấy cuộc sống bắt đầu được định hướng lại. Các ưu tiên của cô sẽ trở nên rõ ràng, sáng suốt hơn nhiều. Khi cô quyết định việc gì, cô sẽ làm một cách tự nhiên, thấu suốt, không cần suy nghĩ nhiều vì tâm thức của cô không còn bị xáo trộn như xưa. Từ đó, cô sẽ hiểu rõ ích lợi của việc thiền tập. Nếu cô có thể áp dụng đúng những gì tôi chỉ dẫn lúc này thì khoảng sáu tháng sau, cô sẽ thấy mình có một sự chuyển hóa rõ rệt, cô sẽ có nhiều năng lượng hơn, nhiều sức mạnh hơn, có thể quyết định sáng suốt, minh mẫn và nhanh chóng hơn xưa.
Andrew vui miệng nói xen vào:
– Nếu được như thế thì thật tuyệt vì nhà tôi là người lo lắng đủ thứ chuyện, việc gì cũng thắc mắc, cũng muốn kiểm soát rồi suy nghĩ nhiều nhưng lại khó đưa ra quyết định.
Ông Kris mỉm cười giải thích:
– Tâm thức tựa như một hồ nước. Mọi lo lắng, suy nghĩ được ví như những luồng gió thổi vào mặt hồ tạo nên những cơn sóng, và hồ nước bị xáo trộn. Khi tâm thức được tập trung, thì cũng như mặt hồ không có gió nên hoàn toàn tĩnh lặng, mọi thứ đều lắng xuống, bề mặt của hồ yên tĩnh và mọi thứ đều được phản chiếu trong đó một cách hoàn hảo, từ những vì sao, đến mặt trời và mặt trăng đều chiếu rõ. Khi các vọng tưởng đều ngừng thì ta đã có định và từ đó sẽ phát triển được khả năng có thể nhìn mọi sự thật rõ, thật sâu, thật dễ dàng. Khi đó, các bạn có thể thấy mọi sự một cách sâu sắc và quyết định một cách bình tĩnh, nhanh chóng.
Connie hỏi:
– Lúc nãy ông có đề cập về việc phải thở tự nhiên nhưng tôi vẫn chưa hiểu rõ phải tập thở như thế nào mới đúng, xin ông giải thích thêm?
Ông Kris từ tốn giải thích:
– Hít thở tự nhiên đơn giản là cô cứ hít thở như bình thường thôi, không nên làm gì bất thường. Tuy nhiên, cô cần lưu ý tránh việc hít vào và thở ra không đều, như khi hít vào thì dài mà thở ra thì ngắn hoặc ngược lại. Hít vào và thở ra phải đều đặn, liên tục chứ không được gián đoạn vì như thế sẽ gây trở ngại. Cô cứ thở cho thật đều và thật tự nhiên, đừng cố gắng quá sức. Thật ra, hơi thở liên quan đến trạng thái của tâm trí, nếu cố gắng thở theo một hình thức nào đó sẽ làm cho tâm trí bị xáo trộn dẫn đến rất khó tập trung.
Connie do dự một chút rồi hỏi:
– Thầy dạy thiền của tôi hướng dẫn phải tập dồn hơi thở xuống bụng…
Ông Kris nhâm nhi một tách trà, chậm rãi giải thích:
– Khi cô sử dụng năng lực để hít vào thật sâu, dồn hơi xuống bụng sẽ khiến bắp thịt co thắt, làm cho việc tập trung bị gián đoạn. Cô tự nghĩ xem mình đang thiền hay đang tập thể thao? Bản chất của thiền tập là cơ thể phải tự nhiên, thả lỏng, thoải mái chứ không gò ép. Khi cô thở nhẹ và tự nhiên thì từ từ hơi thở sẽ diễn ra đều đặn, rồi tự cô sẽ cảm thấy thoải mái, thư giãn. Thiền tập là làm sao cho tâm trí được tập trung chứ không phải gì khác. Nếu cô quá chú ý vào việc dồn hơi thở rồi ép nó xuống bụng, cô sẽ khó tập trung. Một khi cô đã thở đều thì chính hơi thở sẽ dẫn dắt cô đi chứ cô không cần phải điều khiển hơi thở. Khi hơi thở của cô nhẹ nhàng thì đầu óc của cô sẽ trở nên thư thái, rồi cô sẽ thấy mình có thể tập trung vào việc thực tập và không còn để ý vào hơi thở nữa.
Connie vẫn thắc mắc:
– Nhưng tôi cần phải theo dõi hơi thở để đối trị các vọng tưởng chứ?
Ông Kris mỉm cười:
– Một khi cô đã thở đều theo nhịp thì việc thở sẽ xảy ra một cách tự nhiên và khi đó đầu óc của cô sẽ chú ý đến việc khác. Lúc đó, cô có thể quan sát những vọng tưởng xảy ra trong tâm, khi nó đến và khi nó đi, nếu cô không để nó chuyển hóa thì cô sẽ có công phu. Nếu cô có thể làm như thế thì theo thời gian cô sẽ có định, khi vọng tưởng từ từ biến mất và cô sẽ ở trong một trạng thái an bình, tự tại. Khi tâm thức của cô sáng suốt, bình thản thì cô sẽ bước vào một trạng thái tâm lý rất đặc biệt, có sự kết nối chặt chẽ giữa mình và trạng thái tâm linh của mình. Trạng thái này vốn sẵn có đầy đủ trong mọi người nhưng cô không biết đó thôi. Khi xưa cô đã để cho những ý nghĩ lộn xộn che lấp nó đi, khiến nó trở nên mơ hồ, nhưng khi tâm thức sáng suốt cô sẽ dễ dàng nhận ra nó. Cái tâm thức sáng suốt đó chính là trí tuệ chứ không phải trí thông minh. Thiền chính là trở về tìm lại cái trí tuệ sáng suốt hằng có, và trí tuệ ấy ở bên trong ta chứ không phải ở chỗ nào khác.
Ông Kris kết luận:
– Sau khi hoàn tất buổi thiền định hằng ngày, cô đừng làm việc gì ngay lập tức, mà hãy đi bộ quanh phòng trong năm hoặc mười phút để chú ý đến môi trường xung quanh và quan sát tâm trí của mình một cách thoải mái. Khi đến nơi làm việc, cô phải giữ đầu óc bình tĩnh bằng cách cảnh giác và giữ chánh niệm khi tham gia vào các hoạt động bình thường. Tránh các hoạt động có thể gây ra sự kích động hay giận dữ rồi nói ra những điều không nên nói, làm những việc không nên làm. Ăn uống cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thiền định. Hãy cẩn thận trong lúc ăn vì sử dụng thực phẩm là để nuôi dưỡng thân thể chứ đừng quan tâm và chú trọng đến ngon hay không. Ăn ngon sẽ dẫn đến thèm ăn rồi sinh tham muốn. Nghỉ ngơi cũng thế, cô cần ngủ cho đủ chứ không nên ngủ quá nhiều hay quá ít. Ngủ nhiều sẽ làm cho tâm trí mê muội, ngủ ít sẽ làm trí nhớ suy giảm, dễ quên, sinh biến chứng thần kinh. Cô hãy tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Đến lúc ngủ thì hãy gác mọi chuyện lại, vào giường ngủ ngay. Khi thức dậy cũng như thế, đừng hấp tấp theo dõi tin tức hay mở Facebook, Instagram, Twitter vì những thứ đó sẽ làm cô chia trí khi thực tập thiền. Khi để ý vào những tin nhắn, những lời khen chê, bình luận vô ý thức của những người vô trách nhiệm, cô có thể bị ảnh hưởng và đánh mất chính mình. Hạn chế các hoạt động này sẽ giúp cô phát triển được nguồn sức mạnh tinh thần hỗ trợ cho buổi thiền tập của cô. Ngoài ra, tôi khuyên cô đừng nói gì nhiều về những vấn đề tâm linh hoặc về việc tu tập của mình trong những thời điểm không phù hợp. Tốt nhất là giữ việc thực hành của cô càng riêng tư càng tốt để tránh những câu hỏi tò mò hay phê bình vô ích. Nếu tham thiền đều đặn, cô sẽ thấy rằng ngay cả trong những công việc bận rộn nhất hay những xung đột căng thẳng nhất, cô vẫn có thể tìm được sự bình an cho mình. Theo tôi, thiền là một trong những món quà quý báu nhất hiện nay dành cho những người quá bận rộn như cô. Nhờ công phu tu tập mà cô có thể hồi phục tinh thần của mình với một nguồn năng lực bình an diệu kỳ ngay giữa lúc căng thẳng nhất. Thời gian là thứ quý giá và cô phải sử dụng nó cho chính mình chứ đừng để nó làm chủ nhân của cô. Thời khóa biểu là do cô lập ra chứ không phải của người khác. Cô hãy học cách tổ chức sắp xếp công việc và sử dụng thời gian một cách hữu hiệu. Làm được vậy, cô sẽ thích ứng với một nhịp sống sáng suốt và có ý nghĩa hơn là cái nhịp náo động thông thường mà xưa nay cô đã quen.
Thiền chính là trở về tìm lại cái trí tuệ sáng suốt hằng có, và trí tuệ ấy ở bên trong ta chứ không phải ở chỗ nào khác. Tâm thức tựa như một hồ nước. Mọi lo lắng, suy nghĩ được ví như những luồng gió thổi vào mặt hồ tạo nên những cơn sóng, và hồ nước bị xáo trộn. Khi tâm thức được tập trung, thì cũng như mặt hồ không có gió nên hoàn toàn tĩnh lặng, mọi thứ đều lắng xuống, bề mặt của hồ yên tĩnh và mọi thứ đều được phản chiếu trong đó một cách hoàn hảo, từ những vì sao, đến mặt trời và mặt trăng đều chiếu rõ. Khi các vọng tưởng đều ngừng thì ta đã có định và từ đó sẽ phát triển được khả năng có thể nhìn mọi sự thật rõ, thật sâu, thật dễ dàng.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |