Tuyền thạch tự ngu – Theo cuộc (nhậm vận)
Âm:
Liễu ngạn xuân ba tịch chiếu trung,
Đạm yên phương thảo lục nhung nhung.
Cơ san khát ẩm tùy thời quá,
Thạch thượng sơn đồng thùy chánh nùng.
Tạm dịch:
Sóng xuân bờ liễu lặng soi trong,
Khói nhạt xanh rờn với cỏ thơm.
Khát uống đói ăn không nghĩ nghị,
Sơn đồng trên đá yên giấc nồng.
Giải thích:
– Nơi phồn hoa huyên náo, việc làm hằng ngày thường chẳng mê.
– Nơi cảnh sắc yên vắng, theo dòng nhận được tánh.
– Theo dòng nhận được tánh, trọn không tạo tác thêm ương họa mới.
– Hồn nhiên mặc áo xiêm, chỉ thuận với thiên chân.
Luận rằng:
Như Hòa thượng Vô Nghiệp bảo: “Người xưa sau khi đạt ý rồi, thì ở nhà tranh, thất đá, trong cái đỉnh gãy chân nấu cơm ăn, trải qua hai ba mươi năm, danh lợi chẳng màng, của cải vật báu chẳng dính niệm, quên hết người đời, ẩn dấu nơi núi cao rừng thẳm, vua chúa gọi chẳng đến, chư hầu mời chẳng tới, trong dừng ý ngoài quên duyên, mà chuyên ròng nơi chí đạo.” Như ngài Vĩnh Gia nói: “Thân nghèo đạo chẳng nghèo, nghèo ắt thân thường mặc áo vá, đạo ắt tâm đầy châu báu đeo.” Tức cùng với Thích-ca, Di-lặc, Tịnh Danh, Bàng Lão chẳng thêm chẳng bớt, không hai không khác, đồng một mắt thấy, đồng một tai nghe, đồng một thọ dụng, đồng một ra vào, thiên đường địa ngục mặc tình tiêu dao, hang cọp cung ma ngang dọc tự tại, bay bổng hồn nhiên, hồn nhiên bay bổng. Có một bài cổ ngâm bốn câu nói:
Giữa trời làm nhàn khách,
Trong người làm Tăng quê.
Cười ta ai đó mặc,
Hồn nhiên tự nhẹ bay.
Bài tụng “Buông mặc tình” này, ý đại khái như trên.