Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu

Lời Tựa Tranh Chăn Trâu



Xét bởi, Phật Tổ ra đời đều nhân vì mang nặng tâm nguyện lợi ích chúng sanh và cảm sâu lòng thương xót muôn vật, nên mới lập bày nhiều môn. Dù nói rằng, người người vốn đủ, một tánh sáng tròn, nhưng đều do vô minh vọng niệm, nên chợt đó liền chịu luân hồi chưa từng tỉnh giác trở lại.

Bấy giờ, đức Phật Thích-ca Văn bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết, thị hiện sáu năm khổ hạnh, sau đó mới thuyết pháp lợi sanh. Ngài mở rộng lòng từ to lớn thương tất cả, nhổ sạch gốc rễ tối tăm trong nhiều kiếp. Một tâm bi cùng tột phát ra lời chân thật tận cả cội nguồn. Bởi người quá mê mờ bỏ mất Bản tánh, nên mới có giáo pháp ba thừa, Phật tùy cơ nói ra tự tại. Song đối với diệu đạo Nhất thừa, thì một bề chỉ thẳng là đốn, là viên. Hoặc trên trời hay trong nhân gian đều chẳng trái với giáo chỉ. Hoặc khổ thú hay trầm luân, vẫn càng gần với ý Phật, không ngăn cách một mảy trần. Dù tối tăm che lấp cũng trông thấy sáng ngời, mọi đức tròn đủ. Dù người không có duyên, cũng đều được thu nhiếp trao cho.

Đợi đến Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang, mở ra việc nhìn vách chín năm. Sau đó dùng chỉ thẳng truyền riêng, lấy tâm ấn tâm, lại phát xuất Nhị tổ Thần Quang đứng trong tuyết tham thỉnh, chặt tay cầu an tâm, nên nói “được người tiếp nối”. Từ đây trở xuống, Tổ Tổ nối tiếp nhau, hoặc thức ngủ hiện bày chân thật, hoặc đề cao đường giác, hoặc nói pháp ngữ, hoặc cho tiểu tham, hoặc khai thị, hoặc cảnh sách (đánh thức khuyên răn), hoặc châm minh (ghi sâu nhắc nhở), mỗi mỗi thúc đẩy dẫn dụ cho người tiến lên, nếu biên góp lại thì có rất nhiều nói không thể hết.

Nay pháp môn Tranh chăn trâu này, chưa biết bắt nguồn từ tay người nào. Có điều cũng phỏng theo kinh Phật, rồi kết tụ với Tổ giáo mà sắp xếp thành mười mục: ban đầu từ chưa chăn, sau cùng mất cả hai. Con trâu, lúc đầu đen rồi trắng dần, cho đến hoàn toàn trắng sạch. Thiền sư Phổ Minh còn dùng lời tụng, tụng thêm ở mỗi mục. Về tranh, thì hình ảnh rõ ràng, ý lại sâu kín. Về tụng, thì lời gần mà ý chỉ cao xa. Thật là ân huệ lớn lao cho người học, có bổ ích rất nhiều, phương tiện cũng quá đầy đủ.

Thế nhưng, tranh ấy chính là pháp môn chỉ thẳng, mà đáng tiếc thiếu không có phần dẫn thẳng. Tôi chẳng ngại sự kém cỏi của mình, thầm lấy những lời có sẵn của người xưa, lại chọn kỹ văn kinh, gạn xét chín chắn làm y cứ, phụ xen vào một hai ý mình, muốn tạm dùng để bù vào chỗ thiếu sót, đâu đáng gọi là biên soạn! Ví như bệnh không phải chỉ có một chứng, thuốc không hạn cuộc một phương (toa); vì vậy nói: Bệnh lành thì thuốc quí, dù nước tiểu cũng là cam lồ. Chứng bệnh khác mà chấp vào một toa, thì dù nhân sâm, phục linh cũng trở thành thuốc độc. Há cho ngọc tiết, san-hô là diệu dược vô thượng sao? Nếu như hàng sơ cơ đệ tử Phật, quí việc tu thân thì hãy soi xét lại mình. Kẻ thích theo cuồng tuệ, hẳn có khinh thường và sẽ chê cười tôi. Tôi cũng không bắt ép ai. Vậy nên viết thành lời tựa.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1720) ngày Phật thành đạo, mùng tám tháng Chạp năm Kỷ Hợi.

Kính ghi ở Hải Thiên Phật Quốc.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.