Nội dung:
Kinh Viên Giác nói đủ là “Đại Phương Quảng Viên Giác Tu-đa-la Liễu Nghĩa”. Tên kinh rất dài, nhưng gần đây chúng ta thường đọc gọn là Viên Giác. Kinh này nguyên văn chữ Phạn, khi truyền sang Trung Hoa được dịch ra chữ Hán.
– Ngài La-hầu-mặc-kiện dịch tại đạo tràng Bảo Vân ở Đàm Châu, đời Đường niên hiệu Trinh Quán thứ hai mươi mốt (647), nhằm ngày 15 tháng 7 năm Đinh Mùi. Thuyết này căn cứ theo Viên Giác Đại Sớ của ngài Khuê Phong.
– Ngài Phật-đà-đa-la (Buddhatràta) Trung Hoa dịch là Giác Cứu, người Kế Tân (Yết-thấp-di-la) Bắc Ấn, dịch tại chùa Bạch Mã ở Đông Đô, đời Đường niên hiệu Trường Thọ thứ hai (693). Bấy giờ Võ Tắc Thiên đổi nhà Đường thành nhà Chu.
Trong hai bản dịch thì bản dịch của ngài Phật-đà-đa-la được phổ biến, còn bản dịch của ngài La-hầu-mặc-kiện chỉ thấy ngài Khuê Phong nêu lên trong Viên Giác Đại Sớ, ít phổ biến.
Theo Đại sư Thái Hư thì kinh Viên Giác được chú giải rất nhiều. Các tông phái ở Trung Hoa thời bấy giờ đều có chú giải, phần lớn là Thiền tông và Hoa Nghiêm tông.
Đời Đường có các ngài: ngài Duy Phát, ngài Đạo Tuyên, ngài Khuê Phong. Ngài Khuê Phong chú giải thành hai bản, một bản đề Lược Sớ, một bản đề Đại Sớ…
Đến đời Nam Tống có ngài Nguyên Túy làm Tập Chú. Trong bản này gom hết lời chú giải của những nhà chú giải trước thành một tập.
Gần đây, Đại sư Thái Hư giảng giải đề tựa là Viên Giác Lược Thích.
1) Ngài Huyền Cơ dịch Kinh Viên Giác, xuất bản năm 1951.
2) Hòa thượng Thích Thiện Hoa dịch đề tựa là Kinh Viên Giác (phiên dịch và lược giải) được in trong bộ Phật Học Phổ Thông, quyển 8, Hương Đạo xuất bản năm 1958.
3) Hòa thượng Trí Hữu dịch Kinh Viên Giác, tôi không nhớ năm xuất bản.
4) Hòa thượng Trung Quán dịch Kinh Viên Giác làm hai quyển, tôi cũng không nhớ năm xuất bản.
5) Cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch Kinh Viên Giác.
Kinh Viên Giác đã được dịch ra tiếng Việt, lý đáng chúng ta học bản tiếng Việt. Nhưng vì tôi nhắm vào Tăng Ni, nên tôi giảng thẳng bản chữ Hán, để quí vị dò theo cho quen cách dịch nghĩa, sau này đọc kinh chữ Hán cho dễ.