ÂM:
Ư thị Viên Giác Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:
– Đại bi Thế Tôn, vị ngã đẳng bối quảng thuyết tịnh giác chủng chủng phương tiện, linh mạt thế chúng sanh hữu đại tăng ích. Thế Tôn, ngã đẳng kim giả dĩ đắc khai ngộ, nhược Phật diệt hậu, mạt thế chúng sanh vị đắc ngộ giả, vân hà an cư, tu thử Viên giác thanh tịnh cảnh giới? Thử Viên giác trung tam chủng tịnh quán, dĩ hà vi thủ? Duy nguyện đại bi vị chư đại chúng cập mạt thế chúng sanh thí đại nhiêu ích.
Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh, chung nhi phục thủy.
DỊCH:
Lúc đó, Bồ-tát Viên Giác ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay, bạch Phật rằng:
– Đức Thế Tôn đại bi, vì bọn chúng con rộng nói các thứ phương tiện tịnh giác, khiến cho chúng sanh đời sau được lợi ích lớn. Bạch Thế Tôn, chúng con ngày nay đã được khai ngộ, nếu sau khi Phật diệt độ chúng sanh đời sau chưa được ngộ làm thế nào mà an cư để tu cảnh giới thanh tịnh Viên giác này? Trong Viên giác này ba thứ quán thanh tịnh, tu pháp nào trước? Cúi mong Thế Tôn đại bi vì các đại chúng và chúng sanh đời sau bố thí lợi ích lớn.
Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất, thưa thỉnh như thế lặp lại ba lần.
GIẢNG:
Viên giác là giác viên mãn hoàn toàn. Vì Viên giác là tròn khắp nên không những bậc thượng căn được giác, trung căn được giác mà hạ căn cũng được giác. Ở trước Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng thưa hỏi để dạy cho người tu dẹp sạch các nghiệp chướng. Tuy sạch các nghiệp chướng nhưng tánh Viên giác chưa được phổ biến, nên Bồ-tát Phổ Giác cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành để cho Tánh giác được phổ biến. Tuy Tánh giác được phổ biến mà vẫn chưa viên mãn, vì vậy ở đây Bồ-tát Viên Giác đứng lên hỏi Phật hai câu:
1) Chúng sanh đời sau chưa ngộ làm sao an cư được trong cảnh giới Viên giác thanh tịnh?
2) Ba thứ phương tiện (Chỉ, Quán, Thiền) nên tu pháp nào trước?
Đoạn này chú trọng về phần sự tướng tu hành.
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn cáo Viên Giác Bồ-tát ngôn:
– Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi vấn ư Như Lai, như thị phương tiện dĩ đại nhiêu ích thí chư chúng sanh. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.
Thời Viên Giác Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.
– Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh nhược Phật trụ thế, nhược Phật diệt hậu, nhược pháp mạt thời, hữu chư chúng sanh cụ Đại thừa tánh, tín Phật bí mật Đại viên giác tâm, dục tu hành giả, nhược tại già-lam, an xử đồ chúng, hữu duyên sự cố, tùy phần tư sát như ngã dĩ thuyết.
DỊCH:
Khi ấy đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Viên Giác rằng:
– Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông mới hay hỏi Như Lai phương tiện như thế, đem lợi ích lớn bố thí cho các chúng sanh. Nay ông hãy lắng nghe ta sẽ vì ông nói.
Lúc ấy Bồ-tát Viên Giác vâng lời dạy hoan hỉ cùng đại chúng lặng lẽ lắng nghe.
– Này thiện nam, tất cả chúng sanh trong thời Phật tại thế, hoặc sau khi Phật diệt độ, hoặc thời mạt pháp, nếu có chúng sanh đầy đủ căn tánh Đại thừa, tin được tâm đại Viên giác bí mật của Phật, muốn tu hành, nếu tại già-lam thì nên sắp xếp trong đồ chúng, hoặc có duyên sự thì nên tùy phần mà quán sát như ta đã nói.
GIẢNG:
Đầu tiên đức Phật dạy lập hình tướng đạo tràng. Khi Phật còn ở đời hoặc sau khi Phật diệt độ hay trong thời mạt pháp, nếu người có căn tánh Đại thừa muốn tu, điều căn bản là phải ở trong già-lam và ở trong đại chúng mà tu, còn nếu có duyên sự bận rộn thì tùy phần quán sát như Phật đã dạy.
ÂM:
– Nhược phục vô hữu tha sự nhân duyên, tức kiến đạo tràng, đương lập kỳ hạn, nhược lập trường kỳ bá nhị thập nhật, trung kỳ bá nhật, hạ kỳ bát thập nhật, an trí tịnh cư. Nhược Phật hiện tại đương chánh tư duy, nhược Phật diệt hậu thi thiết hình tượng, tâm tồn mục tưởng sanh chánh ức niệm, hoàn đồng Như Lai thường trụ chi nhật, huyền chư phan hoa, kinh tam thất nhật khể thủ thập phương chư Phật danh tự cầu ai sám hối, ngộ thiện cảnh giới đắc tâm khinh an, quá tam thất nhật, nhất hướng nhiếp niệm.
DỊCH:
– Nếu người không có các duyên sự khác thì dựng lập đạo tràng nên lập kỳ hạn, hoặc lập trường kỳ một trăm hai mươi ngày, hoặc trung kỳ thì một trăm ngày, còn hạ kỳ thì tám mươi ngày để an cư cho thanh tịnh. Nếu Phật còn tại thế thì nên chánh tư duy. Nếu sau khi Phật diệt độ nên thiết lập hình tượng, mắt nhìn tâm tưởng sanh nghĩ nhớ chân chánh, như lúc Phật còn ở đời vậy. Treo các tràng phan hương hoa trải qua hai mươi mốt ngày, đầu thành đảnh lễ danh hiệu chư Phật mười phương chí thành sám hối, thấy những cảnh giới lành thì tâm được nhẹ nhàng, qua hai mươi mốt ngày một bề nhiếp niệm.
GIẢNG:
Phật dạy: Nếu Phật còn tại thế thì chúng ta chỉ chánh tâm nhớ nghĩ đến đức Phật từ hình dáng ngôn ngữ và những điều thấy nghe nơi Phật không cần có hình tượng. Nếu sau khi Phật diệt độ thì nên lập ra hình tượng để mắt nhìn tâm tưởng khởi niệm chân chánh, xem như đức Phật còn ở đời vậy. Cách an cư này Phật dạy cũng giống như cách nhập thất, trong mỗi kỳ hạn hoặc dài hoặc ngắn, thì trong hai mươi mốt ngày đầu thành đảnh lễ các đức Phật trong mười phương, chí thành sám hối chừng nào thấy điềm lành thì tâm mới nhẹ nhàng, từ đó bắt đầu dụng tâm nhiếp niệm.
ÂM:
– Nhược kinh hạ thủ tam nguyệt an cư, đương vi thanh tịnh Bồ-tát chỉ trụ, tâm ly Thanh văn, bất giả đồ chúng. Chí an cư nhật tức ư Phật tiền tác như thị ngôn: Ngã Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mỗ giáp cứ Bồ-tát thừa, tu tịch diệt hạnh đồng nhập Thanh tịnh thật tướng trụ trì, dĩ Đại viên giác vi ngã già-lam, thân tâm an cư Bình đẳng tánh trí, Niết-bàn Tự tánh vô hệ thuộc cố. Kim ngã kính thỉnh bất y Thanh văn đương y thập phương Như Lai cập đại Bồ-tát tam nguyệt an cư, vị tu Bồ-tát Vô thượng Diệu giác, đại nhân duyên cố bất hệ đồ chúng. Thiện nam tử, thử danh Bồ-tát thị hiện an cư, quá tam kỳ nhật tùy vãng vô ngại.
DỊCH:
– Nếu nhằm đầu mùa Hạ an cư ba tháng phải an trụ theo hạnh thanh tịnh của Bồ-tát, tâm lìa Thanh văn, chẳng nương đồ chúng. Đến ngày an cư phải đối trước Phật, bạch như thế này: “Con là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni hoặc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tên là… y cứ theo Bồ-tát thừa tu hạnh tịch diệt, đồng vào trụ trì Thật tướng thanh tịnh, lấy Đại viên giác làm ngôi già-lam của con, thân tâm an cư trong Tánh trí bình đẳng, vì Tự tánh Niết-bàn không có hệ thuộc. Nay con kính xin không y nơi Thanh văn, chỉ y mười phương Như Lai và đại Bồ-tát an cư ba tháng. Con vì nhân duyên lớn tu hạnh Bồ-tát Vô thượng diệu giác, nên không hệ thuộc đồ chúng.” Này thiện nam, đây gọi là Bồ-tát thị hiện an cư, qua ba hạn kỳ thì qua lại không ngại.
GIẢNG:
Phật dạy cách an cư này khác hơn cách an cư của chúng ta. Chúng ta an cư thì ở trong đồ chúng Thanh văn, Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo ni, rồi lấy giới luật Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni làm căn bản. Ở đây Phật dạy các vị nên y cứ theo Bồ-tát thừa tu về hạnh tịch diệt và trụ nơi Thật tướng thanh tịnh, lấy Đại viên giác làm già-lam, thân tâm an cư trong Tánh trí bình đẳng, chớ không phải an cư trong một khu vực như chúng ta. Các vị này chẳng nương nơi Thanh văn mà y nơi mười phương chư Phật và Bồ-tát an cư ba tháng. Các vị này vì nhân duyên lớn tu hạnh Bồ-tát cầu quả Vô thượng diệu giác nên không lệ thuộc vào đồ chúng. Tu như vậy là tu theo hạnh Bồ-tát nên chỉ nương Bồ-tát và chư Phật, đó là Phật dạy an cư theo tánh Viên giác.
ÂM:
– Thiện nam tử, nhược bỉ mạt thế tu hành chúng sanh cầu Bồ-tát đạo, nhập tam kỳ giả, phi bỉ sở văn nhất thiết cảnh giới, chung bất khả thủ.
DỊCH:
– Này thiện nam, nếu những chúng sanh đời sau kia tu hành cầu Bồ-tát đạo vào ba kỳ đó, chẳng phải tất cả cảnh giới đã nghe kia thì trọn không được giữ.
GIẢNG:
Phật dạy tu trong ba kỳ hạn, nếu có cảnh giới gì hiện mà không đúng những lời Phật dạy như đã nghe thì không chấp nhận. Ngoài những cái đã được nghe được học mà có những tướng gì khác hiện thì chúng ta không chấp nhận, nếu chấp nhận thì thành bệnh. Nên ở đây Phật dặn kỹ.
ÂM:
– Thiện nam tử, nhược chư chúng sanh tu Xa-ma-tha, tiên thủ chí tĩnh, bất khởi tư niệm, tĩnh cực tiện giác. Như thị sơ tĩnh, tùng ư nhất thân chí nhất thế giới, giác diệc như thị. Thiện nam tử, nhược giác biến mãn nhất thế giới giả, nhất thế giới trung, hữu nhất chúng sanh khởi nhất niệm giả, giai tất năng tri, bá thiên thế giới diệc phục như thị, phi bỉ sở văn nhất thiết cảnh giới, chung bất khả thủ.
DỊCH:
– Này thiện nam, nếu các chúng sanh tu Chỉ trước giữ cho thật lặng lẽ, chẳng khởi suy nghĩ, lặng lẽ tột cùng liền giác. Cái lặng lẽ ban đầu như thế, từ nơi một thân đến một thế giới, Tánh giác cũng lại như vậy. Này thiện nam, nếu Tánh giác đầy khắp một thế giới, trong thế giới ấy có một chúng sanh khởi một niệm thảy đều hay biết, trăm ngàn thế giới cũng lại như thế, chẳng phải tất cả cảnh giới đã nghe kia trọn chẳng nên thủ.
GIẢNG:
Người tu hạnh Chỉ trước hết là phải giữ tâm cho thật lặng lẽ. Lặng lẽ tới chỗ cùng tột thì tánh Viên giác hiện tiền. Bởi từ một thân thanh tịnh cho đến một thế giới thanh tịnh, nên Trí giác phát ra cũng từ một thân cho đến khắp cả thế giới. Vì cả thế giới đều là tri giác của người ấy, nên trong thế giới có một chúng sanh dấy niệm người ấy liền biết. Thấy biết được như vậy là phải, còn khác đi là không phải. Chính trong chỗ lặng lẽ đó, mà hằng giác như ngài Vĩnh Gia nói: “Lặng lặng tỉnh tỉnh phải.” Từ cái lặng lẽ nơi tâm mình lần lần khắp cả pháp giới, đây là tâm trùm cả pháp giới, chừng ấy mỗi động niệm của chúng sanh mình đều biết. Ví dụ như món đồ vuông hoặc tròn, nhìn trong món đồ có một khoảng hư không tròn hoặc vuông. Đập nát món đồ, hư không trong món đồ hòa đồng với hư không mười phương thế giới. Không còn ranh vực thì làm sao nói một thế giới, hai thế giới. Cũng thế, khi tâm đang còn hạn cuộc trong thân ngũ uẩn này thì còn có hạn lượng, khi tâm lặng lẽ thanh tịnh không còn vọng tưởng thì trùm khắp mười phương.
ÂM:
– Thiện nam tử, nhược chư chúng sanh tu Tam-ma-bát-đề, tiên đương ức tưởng thập phương Như Lai, thập phương thế giới nhất thiết Bồ-tát, y chủng chủng môn, tiệm thứ tu hành, cần khổ tam-muội, quảng phát đại nguyện, tự huân thành chủng. Phi bỉ sở văn nhất thiết cảnh giới, chung bất khả thủ.
DỊCH:
– Này thiện nam, nếu các chúng sanh tu Quán, trước phải nhớ tưởng mười phương Như Lai và tất cả Bồ-tát trong mười phương thế giới. Y theo các pháp môn thứ lớp tu hành cần khổ được chánh định, rộng phát đại nguyện, tự huân thành chủng tử. Chẳng phải tất cả cảnh giới đã nghe kia, trọn không được giữ.
GIẢNG:
Nếu tu Quán thì trước phải nhớ tưởng mười phương chư Phật và Bồ-tát, rồi y theo các pháp môn của Phật dạy, siêng năng khổ hạnh tuần tự tu hành để được tam-muội và phải phát đại nguyện, huân tập những cái đó thành chủng tử. Trong khi tu, nếu có hiện những cảnh giới không đúng như chỗ đã nghe dạy trong kinh thì không nên chấp nhận vì đó là ma hiện.
ÂM:
– Thiện nam tử, nhược chư chúng sanh tu ư Thiền-na, tiên thủ sổ môn, tâm trung liễu tri sanh trụ diệt niệm, phần tề đầu số, như thị chu biến tứ oai nghi trung, phân biệt niệm số, vô bất liễu tri. Tiệm thứ tăng tiến, nãi chí đắc tri bá thiên thế giới nhất trích chi vũ, do như mục đổ sở thọ dụng vật, phi bỉ sở văn nhất thiết cảnh giới, chung bất khả thủ.
DỊCH:
– Này thiện nam, nếu các chúng sanh tu Thiền, trước phải tu Sổ tức, tâm rõ biết các niệm sanh trụ diệt, chừng ngằn số lượng, như thế khắp trong bốn oai nghi đều phân biệt biết rõ ràng số niệm. Dần dần tăng tiến cho đến biết được một hạt mưa trong trăm ngàn thế giới, như mắt xem thấy những vật mình thọ dụng vậy. Nếu không phải tất cả cảnh giới đã nghe kia, trọn không được giữ.
GIẢNG:
Nếu tu Thiền thì trước phải tu Sổ tức, Sổ tức là đếm hơi thở. Do hơi thở điều hòa nên tâm được thanh tịnh, do tâm thanh tịnh nên thấy biết rõ ràng mỗi vọng niệm dấy khởi, dừng trụ, lặng dứt. Dụng tâm như thế lâu ngày thuần thục thì trong tất cả thời hoặc đi, đứng, nằm, ngồi… thấy rõ từng vọng niệm sanh khởi, dừng trụ và diệt mất. Và khi công hạnh thành tựu thì thấy rõ ràng từng giọt mưa trong trăm ngàn thế giới như xem thấy vật đang dùng vậy. Nếu thấy những cảnh giới đúng như vậy là tốt, còn thấy khác đi là không được. Bây giờ có ai tu Sổ tức được như thế không? Chúng ta đừng xem thường pháp môn Sổ tức, Sổ tức mà đến chỗ cứu kính không phải dễ.
ÂM:
– Thị danh tam quán sơ thủ phương tiện. Nhược chư chúng sanh biến tu tam chủng, cần hành tinh tấn, tức danh Như Lai xuất hiện ư thế.
DỊCH:
– Đó là phương tiện tu ban đầu của ba pháp Quán. Nếu chúng sanh siêng năng tu đúng cả ba pháp này tức gọi là Như Lai xuất hiện ở đời.
GIẢNG:
Ba pháp Quán ấy nếu tu hành cho đúng thì gọi là Như Lai xuất hiện ở đời, còn nếu tu hành lơ mơ thì Như Lai diệt độ. Vậy Như Lai ở đời hay diệt độ là do người tu tinh tấn hay không, chớ đừng tủi thân mình sanh nhằm đời mạt pháp.
ÂM:
– Nhược hậu mạt thế độn căn chúng sanh, tâm dục cầu đạo, bất đắc thành tựu, do tích nghiệp chướng, đương cần sám hối, thường khởi hi vọng, tiên đoạn tắng ái, tật đố siểm khúc, cầu thắng thượng tâm, tam chủng Tịnh quán, tùy học nhất sự, thử quán bất đắc, phục tập bỉ quán, tâm bất phóng xả, tiệm thứ cầu chứng.
DỊCH:
– Nếu những chúng sanh độn căn đời sau, tâm muốn cầu đạo mà chẳng được thành tựu, do những nghiệp chướng xưa cần phải siêng năng sám hối, thường khởi hi vọng trước đoạn yêu ghét, tật đố siểm khúc, cầu tâm thắng thượng. Trong ba thứ Tịnh quán tùy học một môn, pháp này không được thì tập pháp Quán khác, tâm không buông bỏ dần dần cầu chứng.
GIẢNG:
Người độn căn là do nghiệp chướng đời trước sâu dày, nên Phật dạy phải siêng năng sám hối và khởi tâm mong cầu Phật đạo, thường mong đoạn yêu ghét, tật đố, siểm khúc, để tâm được thiện thù thắng. Trong ba môn Chỉ, Quán, Thiền theo một môn mà tu tập. Tập môn này không được thì đổi qua môn khác, tùy theo căn cơ phù hợp với môn nào mà đổi thay, tu cho tiến bộ. Như vậy, kinh này Phật dạy người lợi căn độn căn gì tu cũng được. Người độn căn, Phật cũng dạy tu Chỉ, Quán và Thiền, chớ không dạy pháp nào khác, có khác là thêm sám hối mà trọng tâm là phải dứt tâm yêu ghét, tật đố, siểm khúc. Nếu chúng ta biết mình là độn căn thì phải tập như vậy.
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:
– Viên Giác nhữ đương tri
Nhất thiết chư chúng sanh
Dục cầu Vô thượng đạo
Tiên đương kết tam kỳ
Sám hối vô thủy nghiệp
Kinh ư tam thất nhật
Nhiên hậu chánh tư duy
Phi bỉ sở văn cảnh
Tất cánh bất khả thủ
Xa-ma-tha chí tĩnh
Tam-ma chánh ức trì
Thiền-na minh sổ môn
Thị danh tam Tịnh quán
Nhược năng cần tu tập
Thị danh Phật xuất thế
Độn căn vị thành giả
Thường đương cần tâm sám
Vô thủy nhất thiết tội
Chư chướng nhược tiêu diệt
Phật cảnh tiện hiện tiền.
DỊCH:
Bấy giờ Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nói kệ rằng:
– Viên Giác ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Muốn cầu Vô thượng đạo
Trước nên kết ba kỳ
Sám hối nghiệp vô thủy
Qua hai mươi mốt ngày
Sau đó chánh tư duy
Nếu không phải chỗ nghe
Rốt ráo chẳng nên chấp
Xa-ma-tha rất tịnh
Tam-ma chánh nhớ nghĩ
Thiền-na rõ Sổ tức
Ấy gọi ba Tịnh quán
Nếu siêng năng tu tập
Ấy gọi Phật xuất thế
Độn căn chưa thành tựu
Tâm thường siêng sám hối
Tất cả tội vô thủy
Các chướng nếu tiêu diệt
Cảnh Phật liền hiện tiền.
GIẢNG:
Phật dạy chúng sanh muốn cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì phải lập ba thời kỳ tu tập. Hai mươi mốt ngày đầu phải thành tâm sám hối nghiệp chướng từ vô thủy, sau đó chánh tâm tư duy. Trong thời gian tu nếu có hiện ra cảnh giới không đúng như chỗ đã nghe dạy thì chớ có chấp thủ. Nếu siêng năng tu ba pháp Chỉ, Quán, Thiền được thành tựu thì gọi là Phật hiện thế. Nếu người độn căn, nghiệp chướng sâu dày tu ba pháp này không kết quả thì phải siêng năng sám hối tội lỗi từ vô thủy, khi nghiệp chướng tiêu rồi thì cảnh Phật hiện tiền.