Chánh văn:
Phật dạy: “Hãy cẩn thận! Đừng nhìn nữ sắc, cũng đừng nói chuyện với họ. Nếu cần nói chuyện, hãy chánh tâm nhớ nghĩ: “Ta là bậc Sa-môn, ở trong đời ô trược này, phải như hoa sen không bị bùn lầy làm dơ bẩn.” Hãy tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, người nhỏ như em, đứa bé như con. Phải nên quán xét kỹ càng: Thân đó có gì đâu? Chỉ toàn mồ hôi, phân dơ, chứa đầy thứ bất tịnh. Trong lòng chỉ muốn độ họ giải thoát. Như thế mới diệt được ý ác.”
Giảng:
Giả sử gặp người khác phái, vì đã ở thế gian thì không thể tránh được chuyện này, lúc đó phải quán tưởng: người ngang tuổi với cha (mẹ) mình, tưởng như cha (mẹ); ngang với anh (chị), tưởng như anh (chị); ngang với em trai (em gái), tưởng là em (em trai, em gái); ngang với con cháu, tưởng là con cháu. Quán toàn thân này chỉ là đồ hôi tanh, dơ bẩn. Những người mình gặp đều đáng thương, chỉ một lòng sanh tâm độ thoát, chớ không sanh tâm nhiễm ô.
Người tu trong đời ác ngũ trược phải như hoa sen trong bùn, ở trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, chẳng nhiễm nhơ bởi bùn. Hoa sen cho đến cọng sen, dù ở trong bùn, khi lấy lên vẫn ăn được, vì nó không bị nhiễm. Bùn có thể đọng trong ngó sen, nhưng để vào nước sạch là trôi ra, tức nó không dính khằn vào đó, ngó sen vẫn sạch sẽ như thường.
Đức Phật muốn người tu cũng vậy, không cần lìa khỏi thế gian, ở ngay trong thế gian, nhưng không bị thế gian làm nhiễm, như hoa sen giữa bùn. Vì chạy khỏi thế gian, làm sao tu? Ra khỏi thế gian thì tu với ai, tu một mình sẽ rất khó biết được công phu mình tới đâu.
Đức Phật dạy đệ tử đi khất thực là để kết duyên với chúng sanh, để ra ngoài thế gian. Ngài cũng không cho cất chứa, mỗi ngày đều phải khất thực, gặp đủ hạng người, ở trong đủ hoàn cảnh, mà vẫn giữ được tâm thanh tịnh, phải tu như vậy, hành như vậy. Đức Phật không dạy mình vào rừng sống một mình, ăn cây, ăn cỏ… mà dạy đi khất thực, tức có tiếp xúc với thế gian, gặp người thế gian, rồi sanh tâm độ thoát, chớ không để bị nhiễm nhơ. Sự giáo hóa của Đức Phật là vậy, không phải đóng cửa tu một mình.