Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 26



Chánh văn:

Phật dạy: “Ái dục đối với người như cầm đuốc đi ngược gió, tất có họa cháy tay. Thiên thần hiến ngọc nữ cho Phật, muốn làm loạn tâm ý Phật. Phật dạy: “Những túi da bọc đồ dơ bẩn kia, các ngươi đến làm gì? Hãy đi! Ta không cần.” Thiên thần càng thêm kính trọng, nhân đó hỏi về ý đạo. Phật giải nói xong, Thiên thần liền đắc quả Tu-đà-hoàn.”

Giảng:

Đức Phật ví người đuổi theo chuyện nam nữ giống như cầm đuốc đi ngược gió, chắc chắn sẽ bị họa cháy tay.

Đắm trong sắc dục là tự làm mình sa đọa. Thời này người ta đắm sắc rất nhiều. Một vị tu hành có thiên nhãn đã nói: Hiện giờ nhìn người thế gian, không còn thấy tướng người, mà toàn thấy tướng súc sanh. Là vì những người được làm người, lại tạo quá nhiều nghiệp ác, nhất là phần dâm dục, nên đời sau họ sẽ mất thân người, đọa làm súc sanh, và phần lớn những người hiện đang sống, là từ súc sanh trả hết nghiệp sanh lên, chứ người sanh trở lại làm người rất hiếm.

Đức Phật luôn nhắc nhở, được thân người rất khó, mất thân người rồi, khó có lại được. Chỉ có ở cõi người mới tu được, rơi xuống những cõi dưới làm sao tu, mà không tu làm sao trở lên được, chỉ có đợi trả hết nợ, mà trả hết nợ thì biết bao nhiêu lâu? Mỗi lần phạm một lỗi nặng nào đó phải đọa làm súc sanh, nhiều khi phải mất năm, bảy trăm đời mới trả hết, nên nói: Mất thân người khó có lại là vậy. Vậy mà người ta không biết, cứ đắm vào đó, thích sự hoan lạc nam nữ, tự làm mình khổ não trong vòng sanh tử này.

Đức Phật dẫn chuyện thiên thần hiến ngọc nữ cho Phật, muốn làm loạn tâm ý Phật. Phật dạy: “Những túi da bọc đồ dơ bẩn kia, các ngươi đến làm gì, hãy đi đi, ta không cần.” Thiên thần càng thêm kính trọng, nhân đó hỏi về ý đạo. Phật giải nói xong, thiên thần liền đắc quả Tu-đà-hoàn.

Có một câu chuyện tương tợ, là Đức Phật gặp một Bà-la-môn. Vị này có một cô con gái rất đẹp, nên ông không muốn gả cho người bình thường, mà muốn chọn người có tướng tốt thù thắng. Hôm đó, tình cờ gặp Phật, ông thấy Phật tướng hảo trang nghiêm, cho rằng Ngài mới xứng làm con rễ ông. Ông bảo Phật đừng đi đâu, đợi ông dẫn con gái đến.

Đức Phật thay vì đứng yên một chỗ như bà-la-môn dặn, Ngài lại dời qua chỗ khác. Trước khi đi, Đức Phật nhấn chân xuống đất, để lại dấu chân. Theo pháp của chư Phật thì chư Phật đi không chạm đất, chẳng những chư Phật mà các vị A-la-hán đi cũng không chạm đất. Sở dĩ các vị đi như vậy là để tránh tổn hại những sinh vật nhỏ bé trên mặt đất như trùng, kiến… Do đi không chạm đất nên không có dấu chân. Vì vậy, muốn để lại dấu chân, Đức Phật phải cố ý ấn xuống. Theo cổ thuyết, nếu Đức Phật cố ý để lại dấu chân, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Dấu chân đó sẽ được chư thiên bảo vệ, nhưng phải là người có phúc báo lớn, có nhân duyên thù thắng mới nhìn thấy được. Ở đây, Đức Phật để lại dấu chân là để hóa độ vợ chồng Bà-la-môn này. Để lại dấu chân xong, Đức Phật qua chỗ khác gần đó, và ngồi xuống một gốc cây thọ trai.

Người Bà-la-môn dẫn vợ và con đến gặp Đức Phật. Khi đến nơi, không thấy Đức Phật mà chỉ thấy dấu của một bàn chân. Người vợ là một người giỏi về tướng số, khi nhìn thấy hình bánh xe ngàn căm ở giữa lòng bàn chân, bà vội nói: “Không được rồi, vị này đã xuất thế, không còn tâm dục nên sẽ không lấy con chúng ta.” Người chồng không tin, cho rằng con gái ông đẹp như vậy, nếu Đức Phật thấy, sẽ chịu lấy thôi. Ông tiếp tục đi tìm Phật, thấy Ngài ngồi dưới gốc cây, liền dẫn con gái tới và hứa gả cho Ngài mà không cần điều kiện gì cả. Lúc đó, Đức Phật nói: “Cái túi da bọc đồ nhơ bẩn kia, ta không dùng.” Đối với Ngài, thân chỉ là túi da bất tịnh, bên trong chứa những đồ nhơ bẩn. Vừa nghe câu đó, hai ông bà liền rúng động, tự nhiên giác ngộ, sụp xuống lạy Phật, Đức Phật vì họ giảng rộng giáo lý, cả hai đắc quả A-na-hàm, phát nguyện quy y Tam Bảo. Nhưng cô con gái ngược lại, đã nổi sân với Phật, cho rằng Ngài hủy nhục cô, từ đó ghim hận trong lòng.

Đức Phật xem thân người như những đãy da hôi thúi. Mà quả thật như vậy, cho dù bên ngoài đẹp đẽ đến đâu, bên trong cũng chỉ là bộ xương với gan, ruột, phèo, phổi…, có gì là đẹp. Chất liệu của thân là tứ đại hòa hợp, do nghiệp mỗi người khác nhau nên cho ra tướng đẹp xấu khác nhau, vậy mà con người thích đắm vào đó để rồi chịu khổ. Thực sự không có gì đáng đắm, nó chỉ là một đãy da thúi.

Thời Phật, có một Tỳ-kheo đi khất thực, gặp một kỹ nữ đẹp, thế là Ngài mê quá đến phát bệnh tương tư nằm liệt giường. Các vị Tỳ-kheo khác đến bạch Phật, Đức Phật bảo cứ kệ. Qua hôm sau, cô kỹ nữ chết. Phật bảo vua đừng cho mai táng, hãy để xác cô gái ấy ba ngày. Sau ba ngày, cái xác sình lên, chảy nước vàng, bốc mùi nồng nặc. Lúc này, Đức Phật bảo dẫn vị Tỳ-kheo tương tư tới, vừa thấy cái xác thối rữa, bao nhiêu tương tư đều bay biến, lại sanh tâm nhờm gớm, sau đó, Ngài tinh cần tu hành cho đến đắc đạo, không còn tâm ái dục nữa.

Thế nên, đẹp đến thế nào, khi chết cũng sình thúi, có gì đáng mê? Thấy là đẹp cũng chỉ do tưởng thôi, chứ thực sự thân rất dơ bẩn.

Chương này Đức Phật dạy cho những người quá đắm mê sắc hiểu rõ bản chất của thân.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.